Việt Nam kiểm tra và thử nghiệm kỹ lưỡng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc

Bộ Công Thương Việt Nam sẽ cho kiểm tra thật kỹ những mặt hàng áo quần và đồ chơi trẻ em nhập từ tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc sang sau khi nghe tin những sản phẩm này chứa hóa chất độc hại đến sức khỏe con người.
Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
2009.06.05
Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam
AFP photo

Thanh Trúc trình bày chi tiết:

Quyết định vừa rồi được Bộ Công Thương Việt Nam thông báo ngay sau khi chính quyền địa phương tỉnh Quảng Đông bên Trung Quốc xác nhận gần 50% mặt hàng đồ chơi trẻ em và áo quần sản xuất tại tỉnh này có chứa hóa chất formaldehyde gây hại cho sức khỏe.

Hàng hóa liên quan đến vùng giáp giới Việt Nam chẳng hạn như thực phẩm tươi sống, nội tạng trâu bò, hoa quả thực phẩm này, những hàng ấy đều có chất độc…. Những cái đấy đều có độc, người ta vẫn biết và nhiều người vẫn ăn.

Ông Thắng

Ông Bùi Xuân Khu, thứ trưởng Bộ Công Thương, cho báo chí biết như vậy. Điều này cho thấy hàng Trung Quốc không chỉ tràn ngập và lấn át thị trường tiêu thụ nội địa, như lời một người trong nước là chị Thi Đoan mô tả:

“Hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường khắp mọi nơi, chợ Tân Bình, chợ An Đông hoặc Chợ Lớn, tất tần tật là hàng Trung Quốc hết. Đồ chơi trẻ con, vải vóc, quần áo, thời trang, kể cả mỹ phẩm.”

Mà bên cạnh đó những sản phẩm hóa Made In China còn có bề ngoài hấp dẫn, giá cả phần nhiều là vừa với túi tiền nếu không muốn nói là rẻ:

“Có những mặt hàng rẻ hơn mà cũng có những mặt hàng mắc hơn. Nhưng mà đa số 70% là rẻ hơn.”

Dư lượng formol trên mức cho phép

Và cũng rõ ràng những điều này không thể được coi là ưu điểm của hàng Trung Quốc, bởi sau nhiều vụ tai tiếng về phẩm chất hoặc hóa chất độc hại trong sản phẩm mà báo chí trong nước đưa tin trước đó, thì mới rồi chính quyền địa phương của tỉnh Quảng Đông, vùng giao thương trọng điểm với các tỉnh ven biêển phía Bắc, đã xác nhận gần 50% lượng đồ chơi trẻ em và áo quần mà các xí nghiệp Quảng Đông sản xuất đều có dư lượng formaldehyde trên mức cho phép.

Ông Thắng, một thương gia trẻ chuyên đánh hàng điện tử từ Trung Quốc về Việt Nam, nói rằng chuyện hàng hóa Trung Quốc bán qua Việt Nam mà có vấn đề này nọ là chuyện ai cũng biết:

“Bây giờ người ta mới thừa nhận điều đấy thôi, bây giờ người ta mới điều tra là tại vì chính quyền Trung Quốc đưa ra một cái thông báo như thế, chứ thực ra ra thì người ta biết lâu rồi.”

Ông nói tiếp là không phải hàng hóa nào của Trung Quốc cũng xấu cũng độc hại:

Có nhiều cha mẹ đã mua đồ chơi của Trung Quốc thì họ đã phản ánh là trẻ bị nôn, bị ói, bị khó chịu, người của nó ngứa và nổi mẫn đỏ kiểu như bị dị ứng.

Cô Hà, giáo viên Hà Nội

“Một vài doanh nghiệp mang íình chất hàng trung ương của Trung Quốc thì họ làm ăn khá đúng đắn. Không phải hàng Trung Quốc cái nào cũng độc hại. Có nhiều hàng mình mang về đây thì tốt chứ không phải không.”

Tuy nhiên, vẫn theo lời ông, tính chất độc hại trong thức ăn thức uống của Trung Quốc nói chung và Quảng Đông nói riêng là có thực và đã được báo chí nhắc nhở từ lâu mà chừng như không mấy ảnh hưởng đến thị hiếu của người tiêu thụ:

“Hàng hóa liên quan đến vùng giáp giới Việt Nam chẳng hạn như thực phẩm tươi sống, nội tạng trâu bò, hoa quả thực phẩm này, những hàng ấy đều có chất độc. Bây giờ người ta nói tới đồ chơi trẻ em rồi quần áo. Có một thời gian lúc trước, báo chí Việt Nam nhắc nhiều về vấn đề đồ chơi Trung Quốc có độc, những hạt nhựa có chất độc. Sau đấy Trung Quốc phản đối Việt Nam về chuyện ấy thì Việt Nam không nói nữa mà bảo là “những hạt nhựa có xuất xứ không rõ nguồn gốc”. Người ta biết thừa đấy là hàng Trung Quốc rồi. Còn quần áo thì có thể sau khi người ta nói là có vấn đề thì người dân mới bắt đầu sực tỉnh ra chứ trước đây chẳng bao giờ người ta nghĩ là quần áo có chất độc sẽ ảnh hưởng như thế.”

Ham rẻ, chuộng hàng ngoại

Nhưng dưới mắt nhận xét của ông Thắng, dù biết là không tốt mà nhiều người vẫn mua và dùng hàng của Trung Quốc, và phải chăng đó là khuynh hướng chuộng hàng ngoại:

“Đại bộ phận thì người ta đều biết cả nhưng có thể nhiều người vẫn nhắm mắt cho qua thôi. Bây giờ ở tất cả các quán nước đầu đường người ta hay bán chè trân châu Đài Loan, trong đó đều pha thêm chất đường của Trung Quốc hay mì chín của Trung Quốc, hay là những quán vịt quay người ta sử dụng chất thuốc để quay vịt của Trung Quốc, hoặc là những chất điều chế trong thức phẩm như bột canh chẳng hạn hoặc là những quán lẩu người ta hay sử dụng bột điều chế của Trung Quốc. Những cái đấy đều có độc, người ta vẫn biết và nhiều người vẫn ăn.

Nguồn tin đồ chơi trẻ em và áo quần sản xuất từ Quảng Đông hầu hết có dư lượng formol hơn mức cho phép được loan tải đúng ngày Tết Thiếu Nhi Một tháng Sáu . Một số phụ huynh tỏ ra lo ngại. Nhiều người còn thắc mắc không rõ những mặt hàng đó đã có mặt trên thị trường Việt Nam chưa? Cô Hà, giáo viên tại Hà Nội, cho rằng đến lúc này mà thắc mắc cũng bằng thừa, và tốt nhất là đừng mua đồ chơi hay áo quần của Trung Quốc cho con của mình:

Giá thành đồ chơi Trung Quốc nó rẻ hơn giá thành đồ chơi các nước khác. … nói chung về hình thức đồ chơi của Trung Quốc rất là bắt mắt, mẫu mã bên ngoài đẹp hơn cho nên trẻ con rất là thích. Còn đồ chơi Việt Nam mình đâu có mấy đâu.

Cô Hà, giáo viên Hà Nội

“Như tôi thì tôi không mua những đồ chơi của Trung Quốc đâu, phải lo cho sức khỏe của con cái chứ. Có nhiều cha mẹ đã mua đồ chơi của Trung Quốc thì họ đã phản ánh là trẻ bị nôn, bị ói, bị khó chịu, người của nó ngứa và nổi mẫn đỏ kiểu như bị dị ứng.”

Tại sao hàng Trung Quốc không tốt, không hoàn hảo mà đa số người tiêu thụ trong nước vẫn mua vẫn dùng? Cô Hà giải thích như sau:

“Giá thành đồ chơi Trung Quốc nó rẻ hơn giá thành đồ chơi các nước khác. Từ súng, rồi kiếm, rồi những chiếc xe ô tô, xe honda nói chung về hình thức đồ chơi của Trung Quốc rất là bắt mắt, mẫu mã bên ngoài đẹp hơn cho nên trẻ con rất là thích. Còn đồ chơi Việt Nam mình đâu có mấy đâu. Cha mẹ cứ đi ở các siêu thị hay ngoài đường thì tràn ngập đồ chơi Trung Quốc. Người ta chiều con mà quên mất và không nghĩ đồ chơi đó xuất xứ từ đâu. Nhưng về sau cũng có cha mẹ kỹ tính thì họ để ý hơn.”

Từ năm 2007, nhiều loại trái cây Trung Quốc như táo, lê, hồng bán qua Việt Nam mà có phun hóa chất bảo quản tươi lâu, tiếp đến vụ trứng gà giả rồi thuốc tây giả từ Trung Quốc nhập sang khiến giới tiêu thụ trong nước, nhất là dân thành thị, đâm ra cảnh giác với thức ăn và dược phẩm của Trung Quốc.

Nay theo chỉ thị của Bộ Công Thương Việt Nam, nhằm ổn định tâm lý người tiêu dùng, kể từ giờ các cơ quan liên hệ trong lãnh vực hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ phải kiểm tra và thử nghiệm kỷ lưỡng để công bố kết quả trong thời gian sớm nhất.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.