Vấn đề cải tổ ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam (IV)


2005.10.19

Việt Long, phóng viên đài RFA

Trong ba bài trước của loạt bài phỏng vấn chuyên viên kinh tế trong nước, ông Hoàng Thanh Phong, về vấn đề cải tổ ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước, song song với việc gia nhập WTO, ông Phong đã trình bày về kế hoạch của Việt Nam nhằm cải tổ cấu trúc nền kinh tế, trong đó hệ thống ngân hàng giữ một vai trò quan trọng. Câu hỏi của Việt-Long trong cuối lần trao đổi trước là:

WTOBusinessVN150.jpg

Việt Long: Liệu Việt Nam có thể thực hiện đúng hạn kế hoạch cổ phần hoá ngân hàng và cải tạo quốc doanh để có thể gia nhập Tổ chức Mậu Dịch Thế Giới khoảng giữa năm sau như giới chuyên môn trong chính quyền thuờng tuyên bố không?

Hoàng Thanh Phong: Việc Việt Nam có thể được gia nhập WTO sớm hay muộn thì đang phụ thuộc vào một số điều kiện mà trong đó các vấn đề chính trị lẫn kinh tế đang đan xen nhau.

Rõ ràng là cộng đồng quốc tế không lo ngại là tiến trình mở cửa Việt Nam sẽ bị đảo ngược, vì kinh tế Việt Nam nay đã không thể tách rời với các thị trường quốc tế, nhưng vấn đề Việt Nam có thể chọn lựa được một ban lãnh đạo có đầu óc cởi mở để có thể duy trì tiến trình cải cách kinh tế toàn diện sẽ có vai trò rất quan trọng.

Trong thời gian vừa qua, chúng ta thấy là không phải tất cả các đối tác quan trọng của Việt Nam đều hài lòng với chính sách cuả chính quyền Việt Nam – thí dụ Việt Nam đã hưởng lợi rất nhiều từ xuất siêu thương mại với Hoa Kỳ, tới mức $4.5 tỷ đô la năm ngoái và khoảng $5 tỷ đô năm nay, trong khi lại chấp nhận nhập siêu cũng ngần đó từ Trung quốc – rõ ràng đây không phải là một kết quả kinh tế công bằng đối với một thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, và việc Việt Nam mở cửa khu vực ngân hàng cho các công ty nước ngoài cũng rất chậm chạp.

Để giảm bớt các khó chịu từ các nước mà đang đòi hỏi Việt Nam phải mở cửa kinh tế nhanh hơn, mới đây thủ tướng Phan Van Khải đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được mua tới 49% cổ phần trong các công ty cổ phần hóa ở Việt Nam, thay vì phải chờ các luật mới sẽ do quôc hội thông qua trong kỳ họp tới đây mà sẽ chỉ có hiệu lực từ giữa 2006 - có thể nói đây chính là một hành động khôn ngoan để mở cửa thị trường chứng khoán nhằm tạo cho Việt Nam cơ hội tiếp cận với WTO nhanh hơn.

Cũng cần nói về sự chậm chạp trong mở cửa là theo lộ trình của Hiệp định thương mại song phuơng Việt Mỹ, thì Việt Nam sẽ không mở cửa hoàn toàn ngành ngân hàng trong chín năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, tính tù ngày 10/12/2001. Như vậy phải chờ cho đến hết năm 2010 thì các nhà đầu tư Mỹ mới có thể vào mua hay lập các ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam.

Trở ngại chính cho Việt Nam không phải từ những yếu tố đó. Mà trở ngại chính lại nằm ở phe bảo thủ trong nước, tức là nằm ở khu vực các doanh nghiệp nhà nước, mà hiện đang muốn tiếp tục kéo dài vai trò độc quyền của họ trong nền kinh tế.

Việt Long: Ngoài vấn đề ngân hàng thì còn yêu cầu gì khác của các quốc gia Tổ chức Mậu Dịch Thế Giới làm điều kiện để Việt Nam gia nhập tổ chức này không?

Hoàng Thanh Phong: Thưa ông, việc đàm phán để Việt Nam gia nhập WTO phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện, cả song phương và đa phương. Nhìn tổng quát thì cho đến nay thì Việt Nam đã đạt được ủng hộ của nhiều nước và khu vực quan trọng như Khối các nước thuộc Cộng Đồng Châu Âu, Nhật bản, Trung quốc, khối Asean.

Trong các nước mà Việt Nam chưa đạt được sự ủng hộ thì còn Hoa Kỳ, Mexico, Úc và NewZealand, với các đòi hỏi của họ cũng khá đa dạng, từ việc yêu cầu Việt Nam phải minh bạch hóa trong các khoản chi tiêu hay mua sắm của chính phủ, bao gồm cả ngân sách chi tiêu cho an ninh, quốc phòng, đến việc mở cửa các khu vực kinh tế khác nữa như bảo hiểm, viễn thông và các dịch vụ như du lịch, xây dựng hay bán lẻ, phân phối hàng hóa tiêu dùng, bao gồm cả nhập khẩu văn hóa phẩm.

Phía Mỹ thì đòi hỏi khá toàn diện, còn phía Mexico, Úc và NewZealand thì muốn Việt Nam phải mở rộng cửa cho các sản phầm thực phẩm của họ vào Việt Nam.

Việt Long: Đó có phải là những trở ngại chính cho việc Việt Nam gia nhập WTO?

Hoàng Thanh Phong: Thưa ông, mặc dù các đòi hỏi của quốc tế có thể được coi là khó khăn cho Việt Nam, nhưng trở ngại chính cho Việt Nam lại không phải từ những yếu tố đó. Mà trở ngại chính lại nằm ở phe bảo thủ trong nước, tức là nằm ở khu vực các doanh nghiệp nhà nước, mà hiện đang muốn tiếp tục kéo dài vai trò độc quyền của họ trong nền kinh tế.

Nhiều nhân vật lãnh đạo chính phủ bề ngoài thì không biểu lộ sự chống đối tiến trình hội nhập kinh tể của đất nước, tuy nhiên bên trong thì họ chỉ muốn trì hoãn tiến trình gia nhập WTO của đất nước, để các doanh nghiệp Nhà nước hàng năm có thể tiếp tục nhận được các khoản tài chính trợ cấp khổng lồ từ ngân sách quốc gia, và một phần lớn các khoản đó sẽ dẽ dàng chạy vào túi họ.

Việt Long: Liệu các nước đối tác có gây sức ép để Việt Nam phải cải tổ tình trạng này không? Và nếu Việt Nam không cải tạo được lãnh vực này thì việc gia nhập WTO sẽ ra sao?

Bạn nghĩ gì về nhận xét này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Hoàng Thanh Phong: Việc gia nhập WTO là quyền lợi của Việt Nam cho nên phía Việt Nam phải vận động để được quốc tế ủng hộ. Quốc tế có thể đưa ra các khuyến dụ cho Việt Nam; bao gồm trợ giúp pháp lý hay trợ giúp kỹ thuật nhằm tạo các điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình thực thi các điều khoản đã cam kết, chứ họ không thể gây sức ép hơn được.

Hiện tình đất nước chúng ta đang ở trong một vị thế rất khó khăn vì phe bảo thủ đang có ảnh hưởng rất lớn.

Vì quyền lợi ích kỷ của họ, những người bảo thủ sẽ không chịu nhân nhượng và nếu phe cấp tiến không thắng được phe bảo thủ thì cuộc thương lượng sẽ rất khó thành công trong khi thời gian đã xắp hết – vì theo quy định của WTO thì đơn xin gia nhập của các thành viên mới chỉ được xem xét tại cuộc họp quan trọng cấp bộ trưởng thương mại của các nước đã là thành viên của WTO mà theo kế hoạch thì sẽ diễn ra vào tháng 12 tới đây ở Hồng Kông.

Nếu Việt Nam không đạt được các thoả thuận trong hai tháng tới thì đơn xin của Việt Nam sẽ bị gác lại, và như vậy thì việc gia nhập sẽ bị chậm lại không biết đến lúc nào, vì cũng chưa biết đến khi nào thì sẽ có một cuộc họp khác nữa của các ông bộ trưởng của toàn bộ các nước thành viên WTO.

Những bài liên quan:

- Vấn đề cải tổ ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam (I)

- Vấn đề cải tổ ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam (II)

- Vấn đề cải tổ ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam (III)

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.