Tình hình chính trị ở Việt Nam hiện nay


2005.09.18

Việt Long, phóng viên đài RFA

Trong 1 kỳ phát thanh trước quý vị đã nghe cựu đại tá Bùi Tín trình bày tình hình chính trị ở Việt Nam. Nay Việt Long phỏng vấn một nhân vật quan sát thời sự trong nước, ông Hoàng Thanh Phong. Là một chuyên viên đang làm việc cho một cơ quan ở trong nước, ông Phong cũng là người thạo tin, quan tâm đến thời cuộc. Mời quý vị theo dõi phần trình bày và phân tích của ông qua cuộc phỏng vấn.

LeKhaPhieu200.jpg
Cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. AFP PHOTO

Việt Long: Gần đây càng ngày càng có nhiều người trước đây là quan chức cao cấp, có người ở cấp rất cao như cựu thủ tướng, cựu uỷ viên trung ương đảng, cựu thứ trưởng bộ ngoại giao, lên tiếng thông qua các bài viết để chỉ trích các cán bộ cao cấp khác của đảng. Ông có ý kiến ra sao về những sự kiện này?

Hoàng Thanh Phong: Hiện nay là thời điểm mà toàn thể bộ máy chính trị của Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho đại hội đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ họp đầu năm 2006. Thực chất của công tác chuẩn bị này là lựa chọn các cán bộ chủ chốt cho nhiệm kỳ 5 năm tới 2006-2010.

Hiện đang có hiện tượng tranh chấp phe phái, và một trong các nỗ lực bên trong cuộc tranh chấp chính là sự xuất hiện các tài liệu, hay cả các hồi ký, như anh vừa nói. Những tài liệu công bố gần đây là nhằm làm mất ảnh hưởng của một phe nào đó, có thể là phe theo ông Đỗ̃ Mười, trước các kỳ họp ngày càng quan trọng của đảng trong những tháng tới đây.

Việt Long: Ông vui lòng dẫn giải thêm chi tiết về các tài liệu đó.

Hoàng Thanh Phong: Trong thời gian vừa qua một số các cựu viên chức cao cấp, như ông Đòan Duy Thành, ông Lê Giản và ông Trần Quang Cơ thì công bố hồi ký, các ông Trần Văn Hà hay Võ Văn Kiệt thì đưa ra các tài liệu kể lại nhiều chi tiết của quá khứ - tựu chung nhằm tố cáo một số nhân vật cũng cao cấp khác, như Đỗ Mười hay Lê Đức Anh, là hai nhân vật tuy đã về hưu nhưng vẫn là những người có ảnh hưởng hàng đầu trong chính quyền Việt Nam.

Có thể nói là đây là bước tiến mới của phong trào phản kháng, hay có thể nói là thức tỉnh, của một số nhân vật trước đây đã từng giữ các chức vụ then chốt trong đảng. Đảng và Nhà nước cầm quyền ở Việt Nam cho đến nay đã phạm phải rất nhiều sai lầm.

Sai lầm từ nhân sự, như việc chọn ra các nhân vật lãnh đạo không đủ tư cách, theo như hồi ký của ông Đoàn Duy Thành đã mô tả về ông Đỗ Mười cho thấy đó là một con người non kém toàn diện cả về khả năng tư duy cho đến tư cách đạo đức - cho đến các sai lầm về chính sách, như ông Võ Văn Kiệt nói về việc ký Nghị định 96/CP để cho phép thành lập Tổng cục Hai, mà từ đó dẫn đến nhiều bất đồng nghiêm trọng trong hàng ngũ tướng lĩnh quân đội Việt Nam.

Khi sự thật được bóc trần, thì nhiều người, đặc biệt là những người đã từng giữ các vị trí cao cấp trong bộ máy trước đây sẽ nhận thấy rằng họ đã từng là một phần của một quá trình sai lầm đã và đang diễn ra từ nhiều năm nay, và bây giờ là lúc họ cần phải hành động để sửa sai bằng việc công khai hóa các hoạt động của quá khứ, cũng nhằm chứng minh rằng họ không hề tham gia vào cái quá trình có thể nói là đầy tội lỗi của cái cơ cấu quyền lực hiện hành.

Việt Long: Ông có thể dẫn chứng cụ thể hơn không?

Hoàng Thanh Phong: Những tố cáo mới đây về nhiều hành vi tham nhũng thối nát của thứ trưởng công an Nguyễn Khánh Toàn và gia đình ông ta, cùng ông Trần Quang Bình, tổng cục trưởng tổng cục an ninh 5 của bộ công an, là những hoạt động đi theo chiều hướng này. Nếu chính quyền trung uơng ở Hà Nội không có hành động kịp thời trước phản ứng của các lực lượng công an thì nguy cơ bất đồng sẽ ngày càng lan rộng. Vì sao? Vì một số rất đông trong ngành công an Việt Nam hiện có đời sống khá khó khăn, chuyện tham ô bị kỉêm soát gắt gao, trong khi một số cán bộ cao cấp lại có thu nhập bất hợp pháp rất lớn, là một điều họ không thể chấp nhận được.

Việt Long: Phải chăng những sự kiện ông đã kể báo hiệu sẽ có thêm những vấn đề mà ông gọi là đáng để ý?

Hoàng Thanh Phong: Vâng, đây chắc chắn là dấu hiệu cho thấy đang có các rạn nứt không thể hàn gắn được từ bên trong chế độ, và khi quá trình này tiếp diễn sẽ lôi kéo thêm nhiều người trước đây cũng có vị trí quan trọng trong chế độ cùng tiếp tục viết và công bố thêm các thông tin mà công chúng chưa bao giờ được biết đến.

Việc có các cán bộ đảng dám đứng lên phát biểu công khai đấu tranh lại với các quan chức hay chính sách của đảng thì đã diễn ra lâu nay, thí dụ như trường hợp của các ông Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, hay Phạm Quế Dương. Tuy nhiên các trường hợp mới đây thì lại ở một góc độ khác.

Những người gần đây công khai lên tiếng đều là những người thuộc về hàng ngũ cao cấp nhất của chế độ. Điều này cho thấy sau một thời gian dài có các bất đồng công khai trong nước, mà giới cầm quyền HN vẫn cho rằng những người dám lên tiếng đó chỉ là một vài trường hợp đơn lẻ, rõ ràng chính quyền Việt Nam nay đang phải đối đầu với một phong trào rộng lớn hơn, cuốn hút cả những người đã từng là trụ cột của chế độ, và hiện tượng này như đám lửa cháy đang lan rộng mà càng khó dập tắt.

Việt Long: Ông cho là nguyên nhân nào đưa đến hiện trạng này?

Hoàng Thanh Phong: Có thể nói nguyên nhân chính của hiện tượng này là sự bất đồng đã đến mức rất sâu sắc, và những người liên quan đã không còn tin rằng các cuộc dàn xếp nội bộ kín đáo có thể giúp giải quyết được các mâu thuẫn đang gia tăng giữa các phe phái.

Chúng ta có thể thấy là thí dụ như trường hợp ông Lê Khả Phiêu gần đây đã công khai tố cáo là tham nhũng ở Việt Nam đã lan tới cấp rất cao, mà thậm chí cả ông ta và ông Võ Văn Kiệt biết rất rõ mà cũng không thể làm gì được vì đã có sự bao che từ trên xuống dưới. Như vậy, lý do của sự tố cáo là sự mất lòng tin rất sâu sắc của ông Phiêu và ông Võ Văn Kiệt vào những người ở vị trí rất cao trong chế độ hiện hành - mà những người đó thì chỉ có thể là các ông Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương và Phan Văn Khải chứ không thể còn ai nữa.

Và chúng ta có thể hiểu là sự bày tỏ bất bình này không phải chỉ là của một ông Phiêu, ông Kiệt mà họ chính là đại diện của một lực lượng đông đảo vẫn có thực quyền, những người có khả năng quyền lực mạnh để bảo vệ và ủng hộ họ.

Thêm nữa, việc các nhân vật như Lê Khả Phiêu hay Lê Đức Anh thường xuyên có mặt trong các sự kiện chính trị quan trọng đã cho thấy là chính quyền Việt Nam đang cố gắng chứng tỏ là họ không có sự rạn nứt, nhưng thực chất thì chúng tôi hiểu rằng vấn đề mất đoàn kết và mâu thuẫn hiện nay đang ở mức độ rất trầm trọng.

Việt Long: Trước các ý kiến như vậy thì chính quyền Việt Nam có thể làm gì? Việc ra tay đàn áp chắc sẽ không xảy ra với những cựu đảng viên viên chức cao cấp, nhưng đảng Cộng sản hẳn sẽ phải có hành động nào đó chứ, thưa ông?

Hoàng Thanh Phong: Thưa anh, việc ra tay trấn áp chắc chắn là không được rồi. Chắc chắn chính quyền Việt Nam không dễ gì chịu lui bước trước các hiện tượng này. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã thấy là các quan chức của chế độ rõ ràng rất lúng túng.

Vì nhìn vào thực trạng nhân sự của chính quyền hiện nay thì có thể nói họ không có khuôn mặt nào có đủ trình độ cả về lý thuyết cũng như kinh nghiệm thực tế để có thể đối thoại được với những con người có quá khứ đầy kinh nghiệm như ông Đoàn Duy Thành, ông Trần Quốc Bảo hay ông Lê Đăng Doanh.

Việc kết thúc một Hội nghị Trung ương 12 quan trọng mà không đưa ra được danh sách nhân sự định hướng thì đã chúng tỏ là ban lãnh đạo của đảng đã không thể nhất trí được trong rất nhiều việc quan trọng. Đơn cử một thí dụ là ông Nông Đức Mạnh hiện vẫn chưa dứt khoát trong việc sẽ tiếp tục hay là sẽ từ bỏ vị trí tổng bí thư đảng, và hiện đã có một số đại biểu phía Nam muốn đề cử ông Nguyễn Minh Triết lên làm tổng bí thư, và ông Mạnh sẽ làm Chủ tịch nước.

Nếu khả năng này xảy ra, thì rất có thể sẽ có thay đổi lớn trong đường lối của đảng trong tương lai, vì những người miền Nam sẽ nắm được các vị trí lãnh đạo do họ vốn có đầu óc cởi mở và thực dụng hơn những người ỏ phía Bắc. Chúng ta sẽ có dịp quan sát các diễn biến rất quan trọng trong thời gian tới đây.

Việt Long: Ông có thể cho một nhận định về tiến trình tuyển chọn nhân sự trong thời gian sắp tới không?

Hoàng Thanh Phong: Các bất đồng nội bộ sẽ ngày càng nghiêm trọng, và khó đoán trước được những diễn biến từ nay đến lúc đại hội đảng họp vào tháng 6 sang năm thoe như dự kiến.

Nếu đại hội đảng lại đình hoãn thì đó chính là dấu hịêu bất đồng nội bộ không thể giải quyết, và cuộc tranh giành quyền lực đang tiếp diễn quyết liệt, chia hẳn cả những đảng viên trung cao cấp thành nhiều phe. Còn nếu đại hội đảng vẫn tiến hành, thì người ta sẽ thấy những giải pháp đem tới bất mãn cho một thành phần không ít những đảng viên.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.