Mối quan hệ giữa giáo hội Thiên Chúa giáo và nhà cầm quyền Hà Nội


2006.09.30

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Hãng thông tấn AFP, vào ngày thứ sáu 29 tháng 9 vừa qua, loan tin chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào ngày thứ năm 28 tháng 9 có cuộc gặp những giám mục Việt Nam. Đây được xem là dấu hiệu cải thiện trong mối quan hệ giữa giáo hội và nhà cầm quyền Hà Nội.

GMNgoQuangKiet150.jpg
Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt. Photo courtesy catholic.org

Khi các giám mục Việt Nam gặp người đứng đầu nhà nước, các vị nêu ra những vấn đề gì? Và mong muốn mà giới tu sĩ cũng như tín hữu theo Thiên Chúa giáo La Mã đặt nơi các vị chủ chăn của họ trong quan hệ với chính phủ ra sao? Gia Minh trình bày vấn đề trong phần sau.

Theo bản tin của AFP, thì phía Ban tôn giáo chính phủ cho rằng đó là một cuộc gặp theo nghi thức.

Còn trong trả lời phỏng vấn của AFP sau cuộc hội kiến cùng ông Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước Việt Nam, Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt nói rằng trong suốt buổi làm việc, các giám mục trình bày về hiện tình tôn giáo tại Việt Nam hiện nay, vấn đề tài sản của giáo hội và những hoạt động xã hội mà giáo hội làm được, cũng như quan hệ ngoại giao giữa Toà thánh Vatican và Hà Nội.

Chỉ nghe nhưng không hứa hẹn

Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt cho biết, ông chủ tịch Nguyễn Minh Triết chỉ nghe mà không đưa ra một hứa hẹn gì cho những vấn đề mà các giám mục Việt Nam nêu ra với ông.

Tuy vậy, có ý kiến đánh giá cuộc gặp các thành viên trong hội đồng giám mục Việt Nam hôm thứ năm 28 tháng 9 vừa qua với đương kim chủ tịch nước là một dấu hiệu cải thiện quan hệ giữa hai phía. Bỏi người tiền nhiệm của ông Nguyễn Minh Triết, là ông Trần Đức Lương, trong suốt nhiệm kỳ không hề gặp hội đồng giám mục Việt Nam.

Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Đài Á Châu Tự Do cho biết: “Cần phải có thời gian.”

NguyenMinhTriet200.jpg

Trong khi đó thì một số tu sĩ, nhất là những linh mục có lập trường cứng rắn trong quan hệ với phía nhà cầm quyền, thì cho rằng hội đồng giám mục Việt Nam chưa làm tròn bổn phận của các vị chủ chăn khi quan hệ với phía chính quyền.

Ngay trước hội nghị thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam diễn ra hồi đầu tháng chín vừa qua, mười linh mục ở trong và ngoài nước gửi một thỉnh nguyện thư cho hội đồng giám mục. Trong đó những linh mục ký tên nêu ra vấn đề là việc hành đạo của Kitô hữu bị Pháp lệnh Tôn giáo gây cản trở, là việc giáo hội không được toàn quyền đào tạo và bổ nhiệm nhân sự bởi quyết định cuối cùng vẫn do phía nhà nước.

Cần phải mạnh mẽ hơn

Trong thỉnh nguyện thư 10 linh mục cho rằng Kitô hữu chỉ có thể làm tròn nhiệm vụ tín hữu của mình khi giúp nhân dân, đồng bào đạt được điều họ đang cần là các nhân quyền căn bản.

Một điểm khác được 10 linh mục nêu lên với Hội đồng giám mục là Hội đồng giám mục đã có đủ các chức vụ và ủy ban thế nhưng vẫn còn thiếu chức vụ Phát ngôn viên và Ủy ban Công lý Hoà bình. Theo các linh mục này thì cần có Ủy ban Công lý Hoà Bình để thường xuyên nghiên cứu mọi vấn đề liên quan đến công lý trong xã hội và phát ngôn viên để cấp thời lên tiếng về lập trường giáo hội trước những vụ việc khiến dự luận xôn xao và dân tình bức xúc.

Linh mục Chân Tín, một trong 10 linh mục ký tên trong bản thỉnh nguyện thư đưa ra nhận xét về những công việc mà hội đồng giám mục Việt Nam đã làm và những hạn chế cần vượt qua: “Có làm nhưng còn yếu.”

Một linh mục từ giáo phận Lạng Sơn, không phải là người ký tên trong thỉnh nguyện thư, khi được hỏi về mong muốn đối với những vị đứng đầu giáo hội và tình hình hiện nay thì ông cho biết: “Mong có nhiều linh mục để hoàn thành sứ mạng.”

Đối với đa phần các giáo dân thì về phần đời lo kiếm sống, phần đạo thì lo đọc kinh, xem lễ. Việc đường lối chính sách thì họ hoàn toàn phó thác cho các đấng bề trên, như lời của một tín hữu tại Nha Trang cho biết: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Thế nhưng đối với chuyện đất đai của giáo hội mà chính quyền trưng thu lâu nay thì người giáo dân này cũng có ý kiến: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Đối với một giáo dân đồng thời là một người ủng hộ cho dân chủ nhân quyền tại Việt Nam, giáo sư Nguyễn Chính Kết, thì ông đòi hỏi nhiều hơn nơi hội đồng giám mục Việt Nam, ông nói: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Giáo hội công giáo Việt Nam được cho là có nhiều thuận lợi hơn giáo hội thầm lặng tại Trung Quốc, vì từ sau cách mạng tháng 8 và sau năm 75, nhà cầm quyền Hà Nội vẫn thừa nhận sự hiện diện của giáo hội; mặc dù giáo hội Việt Nam vẫn phải chịu sự kiểm soát của nhà cầm quyền chứ chưa thể là một giáo hội sinh hoạt độc lập trong phạm vi tôn giáo.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.