Chứng khoán VN chịu cùng lúc 3 áp lực của thị trường địa ốc, vàng và yếu tố tâm lý?


2008.01.19

Thiện Giao, phóng viên đài RFA

Trước tình trạng xuống điểm rất nhanh của các sàn chứng khoán tại Sài Gòn và Hà Nội, giới nghiên cứu và đầu tư cho rằng thị trường địa ốc và vàng đã ảnh hưởng mạnh lên thị trường chứng khoán. Cũng có ý kiến khác nói là yếu tố tâm lý trong sự chờ đợi các chính sách của nhà nước đóng vai trò quan trọng trong những tuần vừa qua. Phóng viên Thiện Giao có bài tường trình sau đây.

gold200.jpg
Vàng là một trong 2 nguyên nhân căn bản đưa đến sự sút giảm của thị trường chứng khoán. Photo AFP

Ngân Hàng Nhà Nước và Uỷ Ban Chứng Khoán Nhà Nước Việt Nam đã liên tục phát ra các tín hiệu cho thấy sẽ có những động thái cần thiết nhằm vực thị trường chứng khoán đang mất điểm trầm trọng.

Mới đây, Ngân Hàng Nhà Nước công bố sẽ kích cầu chứng khoán bằng cách đưa ra giải pháp mua đồng đô la vào để giảm ngoại tệ, hoãn đánh thuế thu nhập cá nhân đối với đầu tư chứng khoán, tiết giảm các đợt chào bán cổ phần lần đầu. Về phía Uỷ Ban Chứng Khoán, giới chức có thẩm quyền cho biết Ngân Hàng Nhà Nước đồng ý sửa đổi chị thị 03 đã ban hành trước đây nhằm khống chế mức dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán.

Một nhà đầu tư chứng khoán từ Sài Gòn nhận định: "Hiện nay khi mà cái nghị quyết 03 với lại đóng thuế 25% trên tiền lời mà phải đóng từng thưong vụ một, chính sách như vậy là không ổn. Tôi nghĩ cái việc thuế cũng phải suy nghĩ lại."

Các tín hiệu đưa ra không làm, hoặc chưa đủ, làm cho các nhà đầu tư yên tâm. Một chuyên gia chứng khoán nói với tờ Tuổi Trẻ là thị trường chứng khoán không còn lực đỡ và mức độ an toàn rất thấp.

Cũng từ Sài Gòn, nhà đấu tư không nêu tên kể rằng: "Có một cái sàn thời gian gần đây như cái Chùa Bà Đanh, như cái Chùa Bà Đanh"

Điều gì đang thật sự xảy ra với thị trường chứng khoán đang phôi thai của Việt Nam?

Cạnh tranh khá khốc liệt của hai thị trường khác trong sự đầu tư của các các nhân có phương tiện tài chính là thị trường vàng, và một cái cạnh tranh khác thứ hai là với cơn sốt về bất động sản.

Các chuyên viên kinh tế, các nhà nghiên cứu, những người mua bán chứng khoán trong và ngoài nước, đang có chung một câu trả lời: chính 2 thị trường vàng và bất động sản đã làm suy giảm khả năng hoạt động của chứng khoán, ít ra là vào thời điểm hiện nay.

Một giáo sư kinh tế, từ Hoa Kỳ về Việt Nam đảm nhiệm vị trí phó giám đốc điều hành quỹ đầu tư VinaCapital với tổng số vốn lên đến 2 tỷ rưỡi đô la, nhận định rằng các cá nhân có phương tiện tài chánh cạnh tranh trong các thị trường bất động sản và vàng là những nguyên nhân căn bản đưa đến sự sút giảm của thị trường chứng khoán:

"Cạnh tranh khá khốc liệt của hai thị trường khác trong sự đầu tư của các các nhân có phương tiện tài chính là thị trường vàng, và một cái cạnh tranh khác thứ hai là với cơn sốt về bất động sản."

Từ Sài Gòn, nhà đầu tư chứng khoán đồng tình với ý kiến của tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, là chính địa ốc đã khiến chứng khoán lao đao.: "Người ta bây giờ dổ xô vào địa ốc nhiều, nhưng mà thực sự ra bây giờ địa ôc đang tới đỉnh điểm. Hồi ngay Tết đó là cũng có một số người người ta xôn xao người ta bán chứng khoán đi làm địa ốc."

Từ Hoa Kỳ, nhà phân tích kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa có vẻ đặt trọng tâm lên chính lực nội tại của thị trường chứng khoán: "Người ta cứ giải thích rằng thị trường chứng khoán sở dĩ sụt là tại vì tiền bị rút ra để đổ vào thị trường bất động sản, nhưng tôi nghĩ tự thân cái thị trường chúng khoán đã có những cái mong manh, những cái bất trắc tiềm ẩn bên trong và càng ngày người ta càng thấy điều đó nếu mà nhìn kỹ khả năng sinh lời của các công ty."

Trở lại với các nhận định của tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, có thể hiểu rằng mặc dầu phải đối phó với tình trạng tụt giảm quá nhanh của điểm chứng khoán, hiện trạng của thị trường này không quá bi quan: "Tôi không nghĩ đây là quả bong bóng. Tôi nghĩ là nó điều chỉnh lại vì lên quá nhanh trong năm 2006 và riêng năm 2007 lên đuợc quanh quẩn 30% cũng là một tỷ lệ tăng trưởng khả quan cho thị trường chứng khoán."

Trong những lần phỏng vấn trước đây, nhà phân tích kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa là người duy nhất đưa ra nhận định táo bạo, rằng điểm của sàn Sài Gòn sẽ xuống đến 820. Ông Nghĩa, rất bất ngờ, lại đưa ra nhận định mới, cho rằng điểm sẽ còn tiếp tục xuống, và sẽ xuống dưới 800:

"Nếu mà căn cứ trên khả năng sinh lời của các công ty phát hành cổ phiếu thì chúng ta thấy rằng cái giá nó ảo, nó không đúng với thực tế. Nếu chúng ta dùng phương pháp gọi là phân tích về kỹ thuật, tôi tính ra nó khoảng chừng 800 cho đến 820 thì nó là tương đối thực tiễn. Nhưng mà khi mà từ trên đỉnh cao giữa năm ngoái đó, nó tụt quá và đã đụng đến cái gọi là điểm ngưng cỡ chừng 800 điểm thì nó có thể sụt xuống nữa."

StockWtoEconomic150.jpg
Sinh hoạt tại thị trường chứng khoán Việt Nam. AFP PHOTO.

Diễn giải nhận định của mình, tiến sĩ Phạm Đỗ Chí nhắc lại rằng điểm chứng khoán của sàn Sài Gòn đã lên đến mức rất cao hồi tháng Ba năm ngoái, khoảng 1170 điểm, tức là tăng đến 146% so với năm 2006. Rồí sang đến năm 2007, mặc dầu chỉ số gia tăng không cao bằng, mức tăng trưởng cũng đã xấp xỉ 30% so với các nước láng giềng. Sự gia tăng như vậy là quá nhanh, nên những sút giảm gần đây chỉ là sự hạ nhiệt để điều chỉnh.

Những nhận định liên quan đến kinh tế thường không đồng nhất, đặc biệt là trong bối cảnh mà các quyết định đầu tư đi liền với yếu tố tâm lý. Nhà đầu tư ở Sài Gòn cho rằng, mặc dầu đã có thêm kinh nghiệm sau nhiều năm mua bán chứng khoán, các nhà đầu tư vẫn đa số là những người nghiệp dư, và ít có kiến thức về thị trường này.

Cùng lúc đó, tâm lý và các phản ứng của người tham gia thị trường cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng của các chính sách do nhà nước và giới hữu trách ban hành. Hiện nay, các luồng dư luận có vẻ đồng thuận về nguyên nhân khiến chứng khoán suy yếu, tức là do địa ốc và thị trường vàng. Tuy nhiên, nhận định của nhà phân tích Nguyễn Xuân Nghĩa có một điểm rất đáng lưu ý, đó là: chính nội lực không đủ mạnh là nguyên nhân dẫn đến sự suy yếu của thị trường chứng khoán trong thời gian qua.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.