Việt Nam cộng tác với Hoa Kỳ đóng tài khoản Bắc Triều Tiên
2006.09.02
Lê Dân, phóng viên đài RFA
Những ngày gần đây tên Việt Nam lại được nhắc đến qua các bản tin tài chính quốc tế. Đó là việc Hà Nội cam kết sẽ điều tra và đóng các chương mục ngân hàng của Bắc Hàn, dù cùng là một vài quốc gia còn nhận là tiếp tục theo Xã hội Chủ nghĩa.
Hiện nay chỉ còn Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Cuba và Lào là còn tiếp tục áp dụng Xã hội Chủ nghĩa trong hệ thống cầm quyền, dù có ít nhiều khác biệt nhau.
Kinh tế khốn khó
Chỉ có hai nước trong số đó mạnh dạn chấp nhận kinh tế thị trường và đạt nhiều thắng lợi về kinh tế là Trung Quốc và Việt Nam. Hai nước Cuba và Lào thì chưa thoát ra cảnh trì trệ và nước duy nhất còn lại là Bắc Hàn thì lâm tình thế khốn cùng, ít nhất là về mặt kinh tế.
Khốn khó đến nỗi Nhật Bản hồi tuần này trưng ra bằng chứng cho thấy lượng thuốc lá giả mang nhãn hiệu Mỹ như Marlboro, Seven Mild....tịch thu được từ những tàu cá Bắc Hàn. Tin tình báo kinh tế Nhật cho hay có ít nhất là 10 nhà máy thuốc lá có tầm cỡ được Bình Nhưỡng thiết lập khắp nước, dù dân chúng Bắc Hàn không được, và cũng không có khả năng mua.
Hôm thứ Tư tại Hà Nội, thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà cho báo chí nước ngoài biết rằng Ngân hàng Nhà nước đang xem xét việc Bình Nhưỡng mở nhiều chương mục ngân hàng tại Việt Nam.
Hồi đầu tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Lê Đức Thúy cũng khẳng định rằng nếu các chương mục ngân hàng của Bình Nhưỡng có các hoạt động khả nghi với những đối tác không tin cậy, thì sẽ bị đóng ngay lập tức.
Thật ra, ngay sau ngày ông Lê Đức Thúy tuyên bố, nhật báo Hàn Quốc Yonhap cho biết Bắc Hàn đã rút tiền và chuyển chương mục của họ ra khỏi Việt Nam từ mấy tuần trước để chuyển sang Liên bang Nga và Mông Cổ.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã có những biện pháp tương tự dù thoạt đầu không công nhận, nhưng về sau, khi tin tức quốc tế loan tải nhiều, giới chức Hoa Kỳ đề cập thường xuyên hơn, thì Bắc Kinh nhìn nhận là đã đóng nhiều tài khoản của Bắc Hàn mở tại Hoa Lục.
Đồng minh XHCN
Cùng là những nước Xã hội Chủ nghĩa với nhau, sao lại không bênh nhau ? Ông Peter Beck, chuyên viên về Đông Bắc Á châu của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế có mục tiêu phòng chống xung đột trên thế giới, cho biết là Việt Nam có thể xem mối quan hệ truyền thống với Bắc Hàn bây giờ đã thành gánh nặng. Chính phủ Việt Nam hồi mấy tuần trước đã cân nhắc kỹ và quyết định tình đồng chí cũ không đáng để phải chịu thiệt hại kinh tế bây giờ, nên họ đã ra lệnh đóng các chương mục của Bắc Hàn.
Hãng tin tài chính Bloomberg và nhật báo The Financial Times cho biết có ít nhất là trên 10 triệu đô la được Bắc Hàn ký gởi ở khoảng 10 ngân hàng Việt Nam, trong số đó có Ngân hàng Quân đội. Phía Bắc Hàn là những ngân hàng thương mại Tanchon và ngân hàng tín dụng Daedong đã đứng ra giao dịch với phía Việt Nam.
Hà Nội vốn không muốn rắc rối sau khi Hoa Kỳ mở chiến dịch cô lập các nguồn tài chính của Bắc Hàn mà Washington cho là nguồn tài trợ cho các hoạt động khủng bố bằng cách bán kỹ thuật hạt nhân, làm tiền giả và một số hoạt động phi pháp khác.
Nhờ đó mà Bắc Hàn được Việt Nam báo tin và cho ân hạn vài ngày để họ có thể rút tiền chuyển đi nơi khác, trước khi Việt Nam ra tay giống như Trung Quốc. Tin tức tình báo kinh tế quốc tế cho hay Bắc Hàn đã nhanh chóng chuyển tiền của họ qua một ngân hàng Đức và rồi sang Nga.
Sức ép của Hoa Kỳ rõ ràng là có hiệu quả, điển hình như sau khi bộ Ngân khố Mỹ ra lệnh trừng phạt và cô lập ngân hàng Banco Delta Asia ở Macao vì làm bình phong cho những hoạt động tài chính của Bắc Hàn.
Hầu như ngay lập tức, Bắc Hàn tuyên bố bỏ vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của họ. Sau đó Bình Nhưỡng nhiều lần lập đi lập lại là không đàm phán nữa, chừng nào Washington còn gây khó khăn tài chính cho họ.
Bí đường
Bình Nhưỡng đã quay sang chuyển tiền và hoạt động lẩn lút tại một số nước khác như Nga, Trung Quốc, Mông Cổ và Việt Nam. Đến khi Washington tung những quan chức ngoại giao và tài chính cao cấp đi thuyết phục các nước có giữ tiền của Bắc Hàn và được sự đáp ứng thì Bình Nhưỡng khởi sự cảm thấy bí đường.
Phát ngôn nhân bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác nhận việc những nước Mông Cổ, Trung Quốc, Singapore và Việt Nam đã cộng tác trong việc ngăn chận giòng chảy tài chính bất hợp pháp của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, vì chí ít là phải tôn trọng những quy tắc chung của nền kinh tế thế giới và các thỏa ước về an ninh toàn cầu.
Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Henry Paulson dự kiến sẽ đến Việt Nam vào cuối tuần tới để tham dự hội nghị bộ trưởng tài chính APEC. Đại sứ Michael Marine cho biết vấn đề "lạm dụng hệ thống tài chính" sẽ là một trong các chủ đề thảo luận chính của ông Paulson.
Thứ trưởng Tài chính Việt Nam Trần Xuân Hà cũng cho biết các quan chức tham dự hội nghị bộ trưởng tài chính APEC dự trù sẽ thảo luận vấn đề "các phương thức tài chính và tư pháp để chống khủng bố và rửa tiền", nhưng ông không nhắc đến Bắc Hàn.
Những bài liên quan
- Hezbollah chiến thắng thật không?
- Hoa Kỳ và Nga bàn thảo về hiểm hoạ hạt nhân từ Bắc Hàn
- Bắc Hàn đe dọa trả đũa việc Hoa Kỳ cô lập tài chính
- Giải pháp nào tốt nhất cho Lebanon?
- Hoa Kỳ chờ đến hạn mà Liên Hiệp Quốc đề ra cho Iran
- UNHCR trợ giúp những người tị nạn Bắc Hàn bị bắt giữ ở Thái Lan
- Bắc Hàn mở trương mục ngân hàng tại Việt Nam
- Nam Hàn tiếp tục theo dõi các hoạt động hạch nhân của Bắc Hàn
- Nam Hàn muốn trợ giúp miền Bắc khắc phục hậu quả lũ lụt
- 10 ngàn người Bắc Hàn chết và mất tích vì bão lụt
- Bắc Hàn đã thất bại trong vụ bắn thử hoả tiễn Đại Pháo Đồng 2
- Nam Hàn và Trung Quốc tìm cách thuyết phục Bắc Hàn trở lại bàn thuơng nghị
- Chính sách và vai trò của Hoa Kỳ về tình hình Trung Ðông
- Nhật Bản không đưa thêm đề nghị cấm vận Bắc Hàn
- Việt Nam sẽ gia tăng sản lượng bia từ nay đến năm 2010
- Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết lên án Bắc Hàn
- Tổng thống Hoa Kỳ và Chủ tịch Trung Quốc sẽ gặp nhau bên lề hội nghị G-8
- Vẫn chưa có tiến triển trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Bắc Hàn
- Hiệu ứng Bắc Hàn
- Nhật Bản muốn tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Bắc Hàn
- Bắc Hàn cảnh báo trước áp lực của quốc tế
- Trung Quốc và Nga phản đối việc trừng phạt Bắc Hàn
- Hoa Kỳ điều thêm các chiến hạm tối tân đến vùng biển Nhật Bản
- Phản ứng của quốc tế về việc Bắc Hàn phóng thử nghiệm hoả tiễn đạn đạo
- Bắc Hàn bắn thử phi đạn bất chấp khuyến cáo của cộng đồng quốc tế