Lần đầu tiên Liên Hiệp Quốc tổ chức Đại Lễ Phật Đản tại Hà Nội
2008.03.10
Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA
Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức Lễ Phật Đản năm nay tại Hà Nội từ ngày 13 đến ngày 17 tháng 5 tới đây. Theo cơ quan ngôn luận của nhà nước Việt Nam thì sẽ có khoảng 1.500 đại biểu của trên 600 phái đoàn tôn giáo đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ, trên tòan thế giới. Mời quý vị nghe Đỗ Hiếu trình bày thêm chi tiết.
Thông Tấn Xã Việt Nam cho biết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, đại lễ Phật Đản được tổ chức trọng thể tại Hà Nội, để giới thiệu cùng bạn bè khắp Năm Châu, về những nét tinh hoa của nền văn hóa Phật Giáo và của dân tộc Việt.
Báo chí cũng nói rằng, đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc là một sinh hoạt tôn giáo quan trọng, kết hợp truyền thống của tất cả các quốc gia theo đạo Phật trên thế giới.
Dư luận nghĩ gì?
Khi được hỏi cảm nghĩ về đại lễ Phật Đản có tầm vóc quốc tế sắp diễn ra tại Hà Nội, Thuợng Tọa Thích Không Tánh - Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Xã Hội và Từ Thiện (Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất) cho biết đây là một sinh hoạt tôn giáo được nhà nước bảo trợ, để chứng tỏ là Việt Nam có tự do tín ngưỡng:
Thượng Toạ Thích Không Tánh: “Mình chỉ biết rằng là giáo hội quốc doanh của nhà nước được sự yểm trợ của nhà cầm quyền cộng sản, nghĩa là hết sức yểm trợ, nhằm mục đích tổ chức lễ Phật Đản và mời nhiều nước tham dự cốt để cho thế giới thấy như là ở Việt Nam có tự do, mở rộng, và phát triển vậy đó. Nhưng mà theo tôi thì tôi nghĩ rằng việc này có lẽ ban tổ chức của lễ này họ chỉ nhằm mời những nước có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa hoặc là những nhà sư mà có tinh thần muốn hiệp thông hay là hoà hợp hay là kết hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là nhằm mục đích quảng cáo cho thế giới thấy Việt Nam như thế đó đó.
Thành thử tôi nghĩ việc này chắc có lẽ phía nhà nước họ cũng tốn tiền, nhưng họ làm vậy với hy vọng đánh bạt đi dư luận cho rằng Việt Nam đàn áp tôn giáo hay là không có nhân quyền, chẳng hạn điển hình như đối với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, hay là Giáo Hội Phật Giáo Hoà Hảo, cũng như đối với một số các tôn giáo và các thành phần đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ, để họ khoả lấp đi những hình ảnh không đẹp của họ trứơc thế giới, và họ mượn vấn đề Phật Giáo này để làm bình phong cho chế độ. Chúng tôi cũng chỉ có cái nhìn như vậy thôi, cũng xin thưa qua để cho quý Đài được biết.”
Trong khi đó, ông Nguyễn Chính Kết là tín đồ Thiên Chúa Giáo, khi còn sinh sống tại Việt Nam là một giáo sư về Thần Học, nay ra hải ngoại vận động cho dân chủ, nhấn mạnh, đây là một sự phô trương cố ý, vì theo ông chủ nghĩa cộng sản không bao giờ chịu chung sống với tôn giáo chân chính dạy điều lành, tránh tội ác:
Giáo sư Nguyễn Chính Kết: “Theo quan điểm của tôi thì cộng sản Việt Nam không bao giờ lại có một ý muốn là muốn quảng bá một tôn giáo nào, tại vì theo tôi thì cộng sản Việt Nam luôn luôn là muốn tiêu diệt tôn giáo tại vì tôn giáo luôn luôn có một bản chất, đó là chống lại sự ác. Không những là khuyến thiện và khuyên người ta tránh ác nhưng mà còn phải chống lại sự ác nữa mới đúng là bản chất tôn giáo.
Cho nên cộng sản Việt Nam luôn luôn sẵn sàng làm điều ác để duy trì chế độ, duy trì đọc quyền cũng như là quyền lợi riêng của đảng cộng sản và của cá nhân họ. Thế thì việc họ quảng bá cho một tôn giáo như thế thì hoàn toàn mang tính tuyên truyền làm sao có lợi cho đảng cộng sản mà thôi.
Tôi nghĩ đây là cái họ muốn biểu dương trước thế giới như là họ có tự do tôn giáo, hoàn toàn mang tính cách tuyên truyền trước thế giới thôi. Và tôi rất mong rằng tất cả những ai nghe thấy lời họ quảng bá về Phật Giáo như thế này thì đều nên nghĩ rằng đây là một chính sách tuyên truyền của cộng sản Việt Nam về vấn đề tự do tôn giáo. Họ muốn "giải độc" dư luận vốn cho rằng trong đất nước Việt Nam không có tự do tôn giáo cũng như là họ muốn tiêu diệt tôn giáo, thì đây chỉ là một sự giả bộ mà thôi.”
Phần cô Lê Thị Kim Thu, một dân oan ở Saigon, thường lên tiếng qua dư luận báo chí hải ngoại về những bất công mà người dân thấp cổ bé miệng phải gánh chịu, không tin rằng nhà nước Việt Nam cho phép tự do tôn giáo. Theo cô thì đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc chỉ là một hình thức tuyên truyền, quảng cáo cho chế độ Hà Nội :
Cô Lê Thị Kim Thu: “Họ thì lúc nào họ cũng phải nói như vậy thôi, nhưng mà họ chỉ nặng về hình thức mà họ nhẹ về nội dung. Nhưng thực tế nó có được như vậy hay không mới là điều quan trọng. Nói chung là về các tin này thì Kim Thu cũng đã biết rồi và ngày lễ thì Kim Thu cũng đã biết rồi, còn về các tăng ni Phật Giáo họ bàn luận gì thì Kim Thu chưa có nghe.”
Đỗ Hiếu: Cô có tin là sau đại lễ Phật Đản LHQ năm 2008 này thì sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam được thoải mái hơn không?
Cô Lê Thị Kim Thu: “Làm sao mà mình có được cái hy vọng đó. Kim Thu không có cái hy vọng đó đâu. Tại vì cộng sản nói một đường làm một ngã. Anh thấy cái trước mắt là bây giờ cứ công bằng mà nói, một đảng phái nào cũng vậy cũng phải được lòng dân và quyền lợi của người dân lúc nào cũng được đề cao và đưa lên hàng đầu, mà như em đã từng là một người từng trải nhiều năm qua, ngay cái việc nói việc riêng của gia đình em, nói chung là của tất cả dân oan 64 tỉnh thành toàn quốc, anh thấy là họ có đơn thưa từng ngày từng giờ nhưng mà rồi anh thấy không, cũng có ai giải quyết đến nơi đến chốn đâu, huồng chi lễ Phật Giáo mà do cộng sản tổ chức thì hy vọng gì anh à. Không có hy vọng gì đâu! Nếu như cộng sản tổ chức thì anh hiểu rồi.”
Một nhân vật đấu tranh cho dân chủ khác, qua các bài viết phổ biến trong và ngoài nước, từng tham gia các cuộc biểu tình của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo đòi chánh phủ trả lại đất đai cho nhà thờ tại Hà Nội, từ Hải Dương ông Nguyễn Bá Đằng cho biết, ông ủng hộ việc tổ chức đại lễ Phật Đản vào tháng 5 tới, tuy nhiên ông vẫn mong mõi đất nước sớm có dân chủ và tự do tôn giáo thật sự:
Ông Nguyễn Bá Đằng: “Chúng tôi rất ủng hộ cái lễ hội Phật Đản, và chúng tôi rất muốn được chia sẻ và được cùng tham gia lễ hội Phật Đản thì chúng tôi rất là vui mừng. Nếu tôi được tham gia thì tôi có trình bày một số ngưyện vọng về tự do tôn giáo ở Việt Nam nói riêng, và tình hình dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam cho dân tộc Việt Nam. Nhưng mà chúng tôi rất mong muốn là sẽ cùng nhau để làm cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền ở Việt Nam sẽ tiến nhanh tới đích để cho toàn dân tộc Việt Nam được hưởng một cuộc sôngó tốt đẹp.”
Đỗ Hiếu: Cụ thể thì ông đóng góp như thế nào cho phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt nam hiện giờ?
Ông Nguyễn Bá Đẳng: “Chúng tôi đang tập trung viết bài này, thế rồi cùng nhau biểu tình này, để bày tỏ cho mọi người được biết về nền dân chủ Việt Nam và tự do tôn giáo ở Việt Nam để đòi người cộng sản trả lại tự do tôn giáo và tự do dân chủ nhân quyền cho người Việt Nam, để cho kinh tế Việt Nam phát triển, thì đất nước Việt Nam mới sánh vai với các nước ở trên khắp thế giới được.”
Báo chí trong nước cho hay, trong thời gian diễn ra đại lễ, sẽ có các chương trình văn hóa mang bản sắc dân tộc và Phật Giáo Việt Nam, hòa đồng cùng quốc tế. Các đại biểu cũng sẽ đi tham quan những di tích lịch sử và thắng cảnh tại Quảng Ninh và Ninh Bình.
Trong đêm bế mạc Đại Lễ Phật Đản, hàng ngàn đại biểu cùng các tăng, ni, Phật Tử trong và ngoài nước sẽ tham gia lễ đốt nến cầu nguyện cho hòa bình thế giới.
Các tin, bài liên quan
- Vu Lan – nhớ Mẹ, nhớ Cha
- Phật Giáo Việt Nam nên cải cách như thế nào để phục vụ dân tộc?
- Tín đồ Phật giáo tại Úc tăng cao trong 10 năm qua
- Đón mừng Đại lễ Phật Đản, Phật lịch 2551
- Giáo hội Phật giáo VN phản đối in hình Đức Phật trên dầu tắm
- Hội nghị tôn giáo thế giới nhóm họp tại Nhật Bản
- Sư cô Thích Nữ Thông Mẫn bị trục xuất ra khỏi chùa Địch Quang
- Đón mừng Phật Đản, Phật lịch 2550
- Đại lễ Phật Đản 2630 tại California, Hoa Kỳ
- Đại hội thường niên của GHPGVNTN tại Florida
- Phỏng vấn ông Lê Công Cầu về bức thư gửi đến ông Ngô Yên Thi
- Hoà thượng Thích Quảng Độ cho biết ý nghĩa ngày Vu Lan Báo Hiếu