Số lượng du khách đến Việt Nam không đạt chỉ tiêu mong đợi


2006.12.27

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Lượng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam năm nay không chỉ thấp hơn năm ngoái 2005 mà còn có phần thấp hơn chỉ tiêu 3 triệu 800 lượt do chính phủ đề ra. Thực tế thì ngành du lịch Việt Nam 2006 có gì mới và có gì cần cải tiến? Thanh Trúc tìm hiểu toàn cảnh du lịch Việt Nam 1 năm qua vào khi 2006 sắp sửa kết thúc.

Việt Nam đã đón 3 triệu 600 ngàn lượt khách quốc tế năm 2006, chỉ tăng 3% so với 2005, lại có phần thấp hơn so với chỉ tiêu 200 ngàn người.

Số liệu mới nhất của Tổng Cục Thống Kê cho thấy trong số khách nước ngoài đã tới Việt Nam trong năm nay, trên hai triệu là khách du lịch thực sự, nghĩa là cũng không nhiều hơn năm ngoái bao nhiều.

Trong số du khách Á Châu đi du lịch Việt Nam, ngừơi Trung Quốc chiếm hàng đầu, kế đến là Hàn Quốc, thứ ba là ngừơi Việt từ Hoa Kỳ về thăm nhà, tiếp đó là ngừơi Nhật.

Theo một viên chức của Tổng Cục Du Lịch Hà Nội, ông Phạm Quang Hùng, nội năm 2006 số khách Trung Quốc đi du lịch Việt Nam giảm 28%. Lý do là vì chính phủ Trung Quốc chế số ngừơi muốn ra nứơc ngoài để cờ bạc.

Từ thành phố du lịch Huế tỉnh Thừa Thiên, ông Nguyễn Hữu Đông, Tổng giám đốc khách sạn Hương Giang, một công ty du lịch liên doanh với chính phủ, đưa ra lời giải thích sát với thực tế của miền Trung:

“Về đối tượng khách của các thị trường, các vùng các nứơc có sự điều chỉnh khác nhau, trong đó lượng khách du lịch Trung Quốc đi bằng đường bộ nay có thể là do nhu cầu được phục vụ tốt hơn nên đã chuyển sang đi bằng máy bay, từ đó phần khách du lịch đường bộ giảm so với chỉ tiêu khoảng vài ba phần trăm.”

Ông Lã Quốc Khánh, giám đốc Sở Xúc Tiến Du Lịch thành phố Hồ Chí Minh, cũng đồng ý là lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam giảm trong năm 2006:

“Trong lúc khách du lịch Tây Phương đến Việt Nam tăng thì đặc biệt khách du lịch từ Trung Quốc ở phiá biên giới phía Bắc vào Việt Nam giảm hơn năm ngoái. Lý do là vì Trung Quốc điều chỉnh chính sách du lịch từ trong nứơc qua cửa khẩu thông qua giấy thông hành mới. Điều này ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của lượng khách quốc tế vào Việt Nam.”

Một điểm đáng chú ý mà Tổng giám đốc Công ty Du lịch Thừa Thiên-Huế đã nói tới và giám đốc Sở Xúc Tiến Du Lịch TP Hồ Chí Minh trình bày ở đây là trong năm 2006, lượt khách ngoại quốc đến Việt Nam cho mục đích kinh doanh tăng cao, trong khoảng 16,2%, nói cách khác là trên năm trăm bảy chục ngàn người:

“Riêng thành phố Hồ Chí Minh thì tốc độ tăng là khoảng 10.5%. Năm nay thành phố đón khoảng 2 triệu 350 ngàn lượt khách quốc tế, trong đó các sự kiện như APEC hoac hội nghị SOM 2, SOM 3 đã đem tới thành phố một lượng lớn các nhà kinh doanh và đầu tư. Điều đó cũng rất thuận lợi cho việc giới thiệu hình ảnh Việt Nam như một điểm đến thân thiện.”

Dưới cái nhìn của ông Nguyễn Văn Vinh, một Việt kiều từ Pháp về Việt Nam kinh doanh trong lãnh vực du lịch, hiện là phó chủ tịch Hội Doanh Nghiệp Việt Kiều ở thành phố Hồ Chí Minh, thì Việt Nam đang đón một làn sóng đầu tư mới từ phía ngừơi nứơc ngoài, và điều này mang lại lợi ích to lớn cho thị trường du lịch nội địa:

“Từ khi Việt Nam vô WTO là một, hai nữa thánh công trong việc tổ chức APEC, rồi được Hoa Kỳ chấp thuận qui chế PNTR có nghĩa là hành động bật đèn xanh cho đầu tư ngoại quốc vào Việt Nam. Hơn nữa giới đầu tư Nhật nay chuyển hướng bằng cách kéo những công ty của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nứơc Nga hay Brazil cũng vậy, chưa kể Liên Hiệp Âu Châu. Coi như đây là làn sóng thứ hai về du lịch và đầu tư vô Việt Nam.”

Vẫn theo lời ông, tại Việt Nam đang hình thành hình thức du lịch gọi là vừa thăm viếng vừa kết hợp tìm kiếm cơ hội kinh doanh hoặc đầu tư:

“Hình thức mới là kết hợp doanh nhân vừa đi du lịch vừa kiếm thị trường , hoặc vào hội thảo, vào tìm đối tác, tìm sản phẩm. Cũng có loại du lịch mà ngừơi ta mời những nhà trí thức hoặc những ngừơi nổi tiếng về một lãnh vực nào đó vào Việt nam để làm một cái conference rồi doanh nghiệp trong nứơc đóng tiền đến nghe. Hoặc là tổ chức hình thức du lịch hai chiều từ ngoại quốc về đây hay cho doanh nhân trong nứơc ra ngoài học hỏi. Những hình thức này sẽ càng ngày càng phát triển.”

Nhìn chung số khách phương xa đến Việt Nam tăng rõ rệt trong năm nay là từ Thái Lan với trên 42%, do giá máy bay rẻ hơn những tuyến khác.

Được hỏi nếu cần góp ý để ngành du lịch Việt Nam tiến triển hơn trong năm 2007, ông Nguyễn Hữu Đông của công ty du lịch Hương Giang Thừa Thiên Huế trả lời: “Phải quảng bá và tuyên truyền rộng rãi để thế giới hiểu rõ hơn về văn hoá, con ngừơi va đất nứơc Việt Nam hơn nữa.” Ông Lã Quốc Khánh thì nói Việt Nam phải nâng cao khả năng cạnh tranh, chuyên nghiệp hoá phương các đội ngũ phục vụ du lịch và phương cách tổ chức: “Khó khăn đầu tiên là tính chuyên nghiệp của Việt Nam còn thấp, chính vì vậy lãnh vực cạnh tranh của Việt Nam chưa cao. Ma khi bứơc vào WTO thì cạnh tranh đòi hỏi sự phấn đấu rất lớn, trong lúc đội ngũ cán bộ quản trị của Việt Nam chưa có tính chuyên nghiệp. Phải lo cũng cố nhân lực kết hợp với nâng cao tính cạnh tranh còn nếu không thì du lịch Việt Nam sẽ bị thất bại ngay trên sân nhà.”

Đối với ông Nguyễn Văn Vinh, du lịch và kinh tế thường hổ trợ lẫn nhau, và trong lãnh vực này thì Việt Nam vẫn còn tồn tại ba vấn đề cần khắc phục:

“Việt Nam có khả năng lôi kéo du khách và doanh nhân nứơc ngoài, vấn đề là đừng làm ngừơi ta thất vọng. Cho tới lúc này Việt Nam cải tổ đủ thứ, coi như đáp ứng được sự mong đợi của bên ngoài. Áp dụng cải tổ vào cơ chế vào thức tế mới là điều khó khăn. Trung ương muốn thay đổi mà vào tổ chức hành chính địa phương thì vô cùng khó sợ địa phương theo không nổi.”

Hơn nữa đất đai ở Việt Nam cũng đang là một vấn đề. Nếu giá đất quá cao thì đó là gánh nặng cho đầu tư . Hạ tầng cơ sở của Việt Nam cũng còn yếu kém, phát triển du lịch mà không có sự phát triển về cầu cống đường sá thì làm sao có sự phát triển kinh tế được. Chính ba vấn đề này làm ngừơi ta ngại.

Đó là toàn cảnh du lịch Việt Nam cuối 2006 bứơc qua 2007. Chỉ tiêu mà Tổng Cục Du Lịch Việt Nam đề ra cho tương lai là sáu triệu lượt khách quốc tế vào năm 2010.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.