Việt Nam đi dây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc


2006.11.17

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Vào khi hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra rầm rộ tại thủ đô Việt Nam, như chưa từng long trọng đến như vậy suốt mấy ngàn năm lịch sử, có những nhà quan sát chiến lược và kinh tế đưa ra một số nhận xét về vị thế của Việt Nam vào lúc này. Đặc biệt là ở giữa hai nước lớn là Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Nhật báo The Standard trong số ấn hành tại Hồng Kông ngày thứ Sáu 17 tháng 11 đăng bài "Việt Nam đi dây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc" đã nêu lên một nhận xét được nhiều nhà quan sát đồng ý.

ChinaVietnam150.jpg
Bắc Kinh có ảnh hưởng rất lớn đối với thế hệ lãnh đạo trước đây tại Hà Nội. Chủ tịch VN Trần Đức Lương đến Bắc Kinh gặp gỡ Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào hôm hôm 18-7-2005. AFP PHOTO.

Bài báo mở đầu rằng chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến Hà Nội hôm thứ Năm mở đầu chuyến viếng thăm Việt Nam vào khi nước chủ nhà đang muốn kiến tạo một vị thế tế nhị giữa láng giềng Trung Quốc phương Bắc với đối tác kinh tế to lớn Hoa Kỳ.

Học giả Ang Cheng Guan của viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Singapore nhận xét là hai nước Việt Nam và Trung Quốc ít nhất có chung một kinh nghiệm đang trải qua: họ đều là những nước nghèo hy vọng được thịnh vượng hơn.

Do đó Việt Nam đang theo dõi sát sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, kể từ khi đường lối kinh tế kiểu Xô-Viết tỏ ra không hiệu quả gì.

Ảnh hưởng từ Trung Quốc

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào mở đầu chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam tại Đà Nẵng và ngay chiều thứ Tư ông đã tới thăm công ty Matrix Vietnam ở khu công nghiệp Hoà Khánh ở quận Liên Chiểu, có 100% vốn đầu tư của Hồng Kông-Trung Quốc.

Tuyên bố tại thành phố sinh động nhất miền Trung Việt Nam, ông Hồ Cẩm Đào nói Trung Quốc tin là người Việt Nam sẽ xây dựng đất nước thành một quốc gia kỹ nghệ, xã hội tân tiến dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản.

Về ngoài mặt thì quan hệ thương mại Việt-Hoa đang phát triển mạnh, tăng đều đặn khoảng 25% hiện đã đạt trên 10 tỷ đôla. Dù vậy, Việt Nam chỉ chiếm 0,6% tòan bộ kim ngạch mậu dịch của Trung Quốc, trong lúc thị trường Trung Quốc chiếm gần 12% tòan bộ kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Sự kiện đó cho thấy Hà Nội còn phải chiều chuộng Bắc Kinh dài lâu, và cũng quan ngại người láng giềng khổng lồ nhiều hơn.

Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, ông Alain Cany, cho biết Việt Nam đã lựa chọn một thái độ chính trị, đó là cần một đối trọng với Trung Quốc. Châu Âu thì tuy rộng lớn nhưng thiếu nhất trí không thể so sánh với Trung Quốc về sức mạnh chính trị quốc tế, nên chỉ còn Hoa Kỳ là khả dĩ mà thôi.

LauraBushVietnam150.jpg

Phát triển các quan hệ với Mỹ

Đó là nguyên do lý giải thái độ mềm mỏng của Hà Nội trong thời gian gần đây đối với Washington, chẳng hạn như việc cho xét xử vội vã rồi trục xuất bà Cúc Nguyễn Foshee, việc thả một số tù nhân chính trị, tôn giáo, việc mở rộng quyền tự do tôn giáo cho các hệ phái Tin Lành hoạt động.

Đáp lại, phía Hoa Kỳ cũng rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC gồm các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo. Đặc sứ John Hanford tuyên bố là dù còn nhiều việc quan trọng cần phải hòan tất, nhưng Việt Nam không còn bị xem là một trong những nước cần phải quan tâm đặc biệt

Hà Nội dĩ nhiên không bao giờ có thể cho là vị thế Trung Quốc cao hơn Hoa Kỳ, cả về kinh tế lẫn chiến lược. Hiện nay kim ngạch thương mại song phương Việt-Mỹ đang vào mức 9 tỷ đôla mỗi năm và ngày càng tăng trưởng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng tuyên bố rằng tiềm năng mậu dịch giữa hai nước rất là lớn, nên chủ trương của chính phủ Việt Nam là tiến tới, siết chặt quan hệ với Hoa Kỳ thêm nữa.

Vào lúc này, Hoa Kỳ cũng đang cố mở rộng thị trường của họ ra khắp vùng Thái Bình Dương nhằm giảm thiểu mức thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc. Tổng thống Bush đã khẳng định điều này trong chặng dừng chân tại Sigapore hôm thứ Năm, trước khi bay sang Hà Nội.

Thế đi dây của Hà Nội

Một trong những đầu cầu để Hoa Kỳ mở rộng quan hệ kinh tế trong vùng là Việt Nam với một thị trường khá lớn còn hoang sơ và một vị thế chiến lược sát nách Trung Quốc. Washington và nhiều nước khác lại chưa quên rằng trong vùng châu Á chỉ có Việt Nam trong bao nhiêu đời qua đã thành công đẩy lui nhiều cuộc xâm lấn từ phương Bắc.

Bạn nghĩ gì về vị thế của Việt Nam giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc? Xin email về Vietweb@rfa.org

Các nhà quan sát quốc tế cho rằng vào cuối tuần này sẽ chứng kiến cảnh Việt Nam nỗ lực giữ thế cân bằng của mình vào khi đón tiếp cả hai nguyên thủ cùng một lúc. Hai người mà Việt Nam không muốn nghiêng hẳn về bên nào, mà cũng không muốn làm phật ý phía nào.

Luật sư Fred Burke của tổ hợp luật Baker and McKenzie ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Hà Nội không muốn lệ thuộc vào Mỹ, mà cũng không muốn phải lệ thuộc vào Trung Quốc.

Học giả Ang Cheng Guan của viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Singapore nhận xét nhiệm vụ đó của Việt Nam thật là gay go, nhưng không phải là không làm được, nhất là khi họ nhận thấy đang là món quà qúy giá mà cả hai phía Mỹ và Trung đều mong muốn, giành giật.

Ông kết luận rằng vào lúc này cả Bắc Kinh lẫn Washington đều không dám áp lực quá mạnh, e là Hà Nội bị buộc nghiêng về phía đối phương.

Thế cân bằng đi trên dây xiếc đó hết sức tế nhị, không phải nhà nghệ sĩ đu dây nào cũng thành công.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.