Đạo đức đảng viên theo đánh giá của người trong cuộc

Đài Á Châu Tự Do hỏi chuyện ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng Ban Nghiên Cứu, Ban Dân Vận Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Gia Minh, phóng viên RFA
2009.02.04
NguyenVietTien_305.jpg Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, một đảng viên cao cấp, bị bắt giam vì liên quan đến vụ tham nhũng-đánh bạc-ăn chơi xa đọa PMU18.
RFA file photo

Vấn đề đạo đức của đảng viên đang nắm các chức vụ điều hành ở Việt Nam lâu nay khiến dư luận hết sức quan tâm vì ngày càng có nhiều tin tức về những quan chức hành xử không hề theo  những chuẩn mực được gọi là đạo đức cách mạng.

Vậy chính những người trong Đảng có nhận xét ra sao đối với quan tâm đó của dư luận? Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng Ban Nghiên Cứu, Ban Dân Vận (Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam) và nay cùng tham gia với một số trí thức khác ở trong nứơc nghiên cứu về những giá trị cổ truyền của dân tộc, có ý kiến về tình hình phẩm chất đạo đức của các thành phần cao cấp trong Đảng qua cuộc nói chuyện với Gia Minh sau đây.

Trước tiên, ông Nguyễn Khắc Mai, đánh giá:

Cái đang xấu hỗ của đảng CSVN là rất nhiều quan chức sống bầy hầy và có một số nào đấy đương chức đương quyền buộc phải a dua theo số đông. Đây là cái nỗi cay đắng của chúng tôi hiện nay đấy.
Ô. Nguyễn Khắc Mai

Ông Nguyễn Khắc Mai : Một câu ca dao đã có đến mấy chục năm nay cho thấy người ta chê trách "Đảng viên nhan nhản, cộng sản thấy đâu”, đấy người ta vẫn chê trách cái này, cái hiện tượng này, bởi vì trong 3 triệu đảng viên ấy không phải là ba triệu ông thánh, cũng không phải là ba triệu nhà trí thức, cũng không phải là ba triệu những con người lương thiện cả.

Có những người, những nhóm nguời mà họ rất 'tầm bậy' và họ chiếm cái quyền là họ làm nhảm nhí. Cái đấy đang là cái xấu hỗ của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Rất nhiều quan chức sống bầy hầy như thế và có một số nào đấy đương chức đương quyền buộc phải a dua theo số đông. Đây là cái nỗi cay đắng của chúng tôi hiện nay đấy.

Những người chân chính?

Gia Minh :  Vậy thì những người "chân chính" họ làm được những gì rồi để đấu tranh với những điều như ông nói là đáng buồn đó?

Ông Nguyễn Khắc Mai : Hiện nay những người chân chính họ làm được nhiều việc đấy, nhưng mà chỉ có làm chậm. Tôi ví dụ như trên báo Tuổi Trẻ họ có cái tổng kết là 3 cái đợt cải cách mà do cái đóng góp của Viện Nghiên Cứu Kinh Tế của Trung Ương, chỗ ông Lê Đăng Doanh làm đấy, thì cũng có.

NguyenVietTien_250.jpg
Sau đó ông Nguyễn Việt Tiến được tuyên bố trắng án, nhiều nhà báo phanh phui vụ tham nhũng PMU18 lại bị bắt giam, khởi tố... phản ảnh sự thao túng của quyền lực trong xã hội Việt Nam.
RFA file photo.
Nhưng mà mấy chục năm mà chỉ có 3 sáng kiến thì như thế là chậm quá. Ở các nước thì tôi thấy rằng là họ rất là gấp rút, họ sửa đối, họ thay đổi, họ có sáng kiến. Thì mình có sáng kiến nhưng mà hơi ít và hơi chậm.

Gia Minh : Ba cái sáng kiến đó là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Khắc Mai : Cái sáng kiến là đề xuất đổi mới cái khoán, gọi là Khoán 10, trao lại nhiều quyền hạn hơn cho nông dân, cho họ có cái quyền lợi cho đầy đủ. Đấy là một. Cái thứ hai là xoá bỏ những giấy phép con; có lột rồi nhưng mà vẫn có các giấy phép con, thế thì các giấy phép con đó nó cản trở cái kinh doanh của xã hội, của nhân dân.

Tuổi Trẻ hôm qua hôm kia gì đấy họ tổng kết 3 cái cải cách, nhưng mà như thế cũng phải diễn ra đến ba chục năm, thế thì nó quá chậm. Cho nên chúng tôi nói vui với nhau là hiện nay mình đang đi bước trâu, nhưng mà trâu nó đi đủng đỉnh quá nên không được.

Nó là một cái tổng hợp rất nhiều vấn đề chứ không phải chỉ có một vấn đề. Hệ thống lý luận có nhiều điều nó không phù hợp, không tốt. Hệ thống nhân cách của con người có nhiều cái nó không tốt.

Ô. Nguyễn Khắc Mai

Tổng hợp của nhiều vấn đề

Gia Minh :  Ông thấy điều gây ra trì trệ lớn nhứt là cái gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Khắc Mai : Nó là một cái tổng hợp rất nhiều vấn đề chứ không phải chỉ có một vấn đề. Hệ thống lý luận có nhiều điều nó không phù hợp, không tốt. Hệ thống nhân cách của con người có nhiều cái nó không tốt.

Cái thiết kế luật pháp của chúng ta hiện nay đều không tốt; nó chỉ nói được cái đại cương, ví dụ như tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do sáng tạo, tự do hành nghề, nó nói chung như thế, hay là nhân quyền này kia các thứ chỉ có mấy câu trong hiến pháp, nhưng mà nó phải có những thiết chế cụ thể hơn, đầy đủ hơn trong luật lệ. Như thế tức là cả hệ thống lý luận, cả hệ thống con người, cả hệ thống những thiết chế trong xã hội thì đều phải gấp rút mà xây dựng, mà cải tiến .

Gia Minh : Nhưng mà ở Việt Nam chúng ta chỉ có một chiều, một tiếng nói, thì như vậy đâu có phải là một điều nó gây trì trệ như ông nhận xét đó?

Ông Nguyễn Khắc Mai : Hiện nay tôi đang hy vọng, bởi vì những người cầm quyền lãnh đạo hiện nay họ cũng bắt đầu buộc phải thấy là phải tôn trọng cái ý thức xã hội, cái dư luận của xã hội, cái tự do ngôn luận của giới trí thức.

Họ đang phải làm cái này, bởỉ vì nếu không làm được cái này thì ảnh hưởng ngay lập tức đến cái quyền lực của họ, cái ghế ngồi của họ, cho nên họ bắt đầu, có nhóm người bắt đầu thấy được vấn đề này.

Thế thì mình cũng phải có sự chờ đợi thôi và phải góp vào câu chuyện phát triển ngày một cách đàng hoàng, chừng mực. Vì thế cho nên chúng tôi nghĩ rằng phải thuyết phục lẫn nhau và phải chờ đợi lẫn nhau.

Tôi hy vọng những người cầm quyền hiện nay họ phải thấy là phải tôn trọng cái ý thức xã hội, cái dư luận của xã hội, cái tự do ngôn luận của giới trí thức. Họ phải làm cái này, bởỉ vì nếu không làm được cái này thì ảnh hưởng ngay lập tức đến cái quyền lực của họ.

Ô. Nguyễn Khắc Mai

Gia Minh : Cái đóng góp cụ thể của bản thân ông và nhóm người cùng tâm huyết với ông, đó là những gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Khắc Mai : Hiện nay chúng tôi đang hình thành một nhóm nghiên cứu "minh triết" và chúng tôi cũng bắt đầu thấy có một sự đối đãi tôn trọng, trọng thị của một số người mà họ có quyền lực trong xã hội thì họ thấy vấn đề này, họ thấy cần thiết phải có nghiên cứu, đóng góp vào cho sự phát triển, sự tiến triển về văn hoá nói chung.

Hiện nay chúng tôi đang tập trung cho cái này. Cho nên năm ngoái chúng tôi làm kỷ niệm Trần Nhân Tông, bởi vì cái đạo lý của đời Trần đáng học lắm về chính trị cũng như về nhân văn, về văn chương, về đạo đức, v.v. Đời Trần để lại nhiều giá trị.

Năm ngoái chúng tôi làm được việc này, thúc đẩy và cũng là đóng góp, thúc được chính phủ giao cho Bộ Văn Hoá và họ chỉ đạo giáo hội thực hiện được một cái lễ khá hoành tráng ở Quảng Ninh.

Chúng tôi mở đầu bằng một cái lễ ở Văn Miếu, có Phan Huy Lê đến đọc cái bản kiến nghị đề nghị tôn vinh, tìm mọi cách xây dựng hồ sơ để tôn vinh Ngài (Trần Nhân Tông) như một danh nhân văn hoá tầm cỡ thế giới. Cái đấy mình làm dần dần và thấy xã hội người ta cũng tán thưởng vì người cầm quyền họ cũng tán thưởng, cũng tốt, đặc biệt là cái nghiên cứu "minh triết Việt".

Gia Minh :  Cám ơn ông và chúc ông khoẻ.


Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.