Thư pháp và câu đối Tết thời nay


2007.02.18

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Tết Nguyên đán đến với chúng ta cùng nhiều phong tục cổ truyền. Một trong những tập quán đầu năm là việc chưng bày các câu đối, viết những lời chúc tụng may mắn suốt năm cho gia chủ. Truyền thống này hiện nay ra sao ở trong và ngoài nước? Mời quí thính giả nghe tường thuật của Nhã Trân nhân dịp Tết Đinh Hợi.

OngDoLunarNewYear200.jpg
AFP PHOTO

Chỉ còn ít ngày nữa là đến năm mới. Trong không khí đón xuân tưng bừng ở những nơi đông dân Việt, nhất là các thành phố lớn trong nước, người người không ngừng cuộc mua sắm cho ba ngày Tết. Thực phẩm, hoa kiểng là những thứ không thể thiếu của dịp đầu năm. Tuy nhiên bên cạnh nhu cầu ẩm thực, hầu như ít ai bỏ sót những biểu hiện tinh thần, trong đó việc chọn mua các câu đối, câu chúc Tết là một.

Tập tục chưng bày loại hoạ phẩm này vào ngày xuân đã gắn liền với Tết của người Việt từ hàng thế kỷ. Khởi đầu là hình thức câu đối. Thông thường, hai câu đối bằng chữ Hán được viết trên hai phiến giấy hồng điều dài, treo song song trên tường, trên cột. Ngày xưa, các cụ ông thường giành việc chọn câu đối, trong khi các cụ bà tất tả mua sắm các món khác ở những phiên chợ Tết.

Những cụ theo nghiệp bút nghiên tự thảo lấy ít câu để treo trong nhà và tặng thân hữu. Nhiều cụ khác đích thân đến nhà các cụ đồ nho có tiếng văn hay chữ tốt, trân trọng đặt một vài đôi câu đem về, lấy làm hân hạnh được thỉnh chữ của bậc học vấn uyên thâm, kiến thức cao rộng.

Thời gian cuối năm, vì thế, bỗng trở nên bận rộn hơn cho các cụ Cử, cụ Tú trong làng. Không thiếu những cụ cặm cụi hoa bút, thảo hàng trăm câu đối Tết cho người vào dịp xuân. Hình ảnh này đã được ghi vào văn học sử cũng như đã tạc vào trí của không ít chúng ta, qua những câu thơ được truyền tụng từ lâu:

Mỗi năm hoa đào nở Lại thấy ông đồ già Bầy mực tàu giấy đỏ Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết Tấm tắc ngợi khen tài Hoa tay thảo những nét Như phượng múa rồng bay

Đó là những giòng thơ của cố thi sĩ Vũ Đình Liên đăng trên báo Tinh Hoa vào năm 1936, viết lên hình ảnh một cụ đồ viết câu đối trong ngày Tết. Các câu đối thời ấy đã dùng chữ Nôm thay cho chữ Hán. Sau cùng, từ khoảng vài chục năm nay, chữ Nôm gần như được hoàn toàn được chử quốc ngữ thay thế, là loại chữ Việt đang được sử dụng hiện nay.

Song song với sự đổi thay về loại từ ngữ, các câu đối cũng biến cải về hình thức, đó là, từ hai mảnh giấy với hai câu, nhiều khi rút xuống chỉ còn một. Do vậy, các lời được viết cũng được đơn giản hoá, thường chỉ cần vài từ ngữ thay vì cả hai câu thơ long trọng như xưa.

Sự đổi thay này, đáng ngạc nhiên, là không làm giảm giá trị về cả hình thức lẫn nội dung của câu đối ngày Tết. Trái lại, nhiều người, đặc biệt thế hệ trẻ, cho rằng các bức thư hoạ tân thời này có sắc thái độc đáo và mới mẻ, thông thoáng thay vì rập một khuôn và câu nệ, nặng tính cách Khổng, Mạnh lúc trước.

LunarNewYearLetter150.jpg
AFP PHOTO

Câu đối mới, dùng chữ Việt, từ vài mươi năm nay được ưa chuộng ở cả trong lẫn ngoài nước. Nhà thư hoạ Vũ Hối, hiện cư ngụ tại bang Maryland, Mỹ, một sáng lập viên của trường phái này, cho biết Thư Pháp, tên gọi của loại hoạ phẩm này, có tính phóng khoáng nhưng đòi hỏi sự sáng tạo và chất lượng nghệ thuật cao. Ông cũng cho hay Thư Pháp ngày càng phổ biến, không những ở Việt Nam mà còn lan đến một số nơi hải ngoại, được truyền dạy khá rộng rãi.

Một nhà thư hoạ danh tiếng khác của trường phái Thư Pháp nước ngoài, ông Châu Thụy ở bang California, nói rằng sự sinh động, tức phần “hồn” của loại tác phẩm nghệ thuật này rất quan trọng, và cho hay ông vừa cải tên Thư Pháp thành Bút Họa Việt, để minh định ý nghĩa, tính chất của thứ hoạ phẩm mới.

Những ngày cuối năm, không hẹn mà các “ông đồ” thời nay, trong cũng như ngoài nước, đang bận rộn thảo những nét rồng bay, phượng múa để hiến cho đời những tuyệt phẩm độc đáo. Trong khi các nhà thư hoạ hải ngoại triển lãm các hoạ phẩm trong những hội chợ Tết, phòng triển lãm, các nghệ sĩ cùng ngành với họ trong nước “xuống phố”, nghĩa là trải chiếu trên một số hè để múa bút, chẳng khác nào ông đồ già của thế hệ xưa.

Các công trình của họ, những tinh tuý từ tim, từ óc, là những đường nét hài hòa, đẹp đẽ, đôi khi có nhiều phần diễm ảo. Để rồi, thoảng trong những phút ngất ngây trước các hoạ phẩm đầy nghệ thuật bên hương trà thơm ngày đầu xuân, người đời được thưởng thức trọn vẹn hồn xuân mới.

Sức sống mãnh liệt của Thư Pháp, Thư Hoạ hay Bút Pháp Việt, khiến người yêu câu đối, câu chúc ngày Tết, hay loại hình nghệ thuật đặc biệt này, cảm thấy yên tâm vì một nghệ thuật giá trị của đất nước, một thú chơi tao nhã của dân tộc, rồi đây sẽ không bị mai một, không rơi vào tình trạng bi thương như đã có một lần:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng Người thuê viết nay đâu Giấy đỏ buồn không thắm Mực đọng trong nghiên sầu

Vì, với lượng khách thỉnh chữ đông đảo vào dịp đầu xuân như bây giờ, các ông đồ khắp nơi không hề gặp cảnh:

Ông đồ vẫn ngồi đấy Qua đường, không ai hay

Và khách du xuân không phải ngậm ngùi mỗi độ năm hết, Tết đến, rằng:

Năm nay đào lại nở Không thấy ông đồ xưa Những người muôn năm cũ Hồn ở đâu bây giờ

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.