Người Việt trên nước Đức (Bài 4)


2006.01.15

Minh Thùy, đặc phái viên đài RFA

Hiện nay tại Đức có trên 120.000 người Việt đang sinh sống, trong đó khoảng ¼ không có giấy tờ hợp pháp. Sự thành hình của cộng đồng này tương đối phức tạp vì ngừơi Việt đến Đức từ nhiều ngả khác nhau, và điều đáng chú ý hơn là hiện nay vẫn có những người tiếp tục rời bỏ quê hương để đến Đức sinh sống, hợp pháp cũng có mà bất hợp pháp cũng có.

DucDienHanh200.jpg
Cộng dồng người Việt tham gia diễn hành văn hóa ở Frankfurt.

Bài 4: Những vấn đề một người vừa đến nước Đức phải đối mặt

Phái viên Minh Thùy của ban Việt ngữ gửi đến quý thính giả một loạt bài tìm hiểu về ngừơi Việt tại Đức. Dưới đây là bài thứ tư, nói về những vấn đề một người vừa đến nước Đức phải đối mặt, nếu họ đến được đó an toàn. Mời quý vị theo dõi.

Sau khi đã “hạ cánh” an toàn trên nước Đức, việc đầu tiên của người di tản là nhập trại tị nạn, chờ đợi phỏng vấn để được cứu xét tị nạn chính trị. Hy vọng thường rất mong manh, tỉ lệ hy vọng trước năm 95 là 2 hay 3% (nghĩa là 100 người đi phỏng vấn chỉ có 2 hay 3 người được chấp nhận) đến nay tỉ lệ này là 1 hay 2 phần ngàn!

Đồng hương Việt Nam hay kể nhau nghe về “phép lạ” đã giúp một giáo viên được công nhận là tị nạn chính trị dễ dàng như chuyện đùa. Đang là cô giáo dạy giỏi ở miền bắc, có thêm vinh dự là “đối tượng Đảng”, bỗng dưng chị muốn đổi đời, bỏ nghề bỏ quê, di tản qua Đức. Khi ra phỏng vấn chị cũng như mọi người đều khai báo là mình có hoạt động chống đối chính quyền Hà Nội, kèm theo bằng chứng là tờ giấy gọi của Công an phường yêu cầu chị ra phường làm việc và phải khai báo tất cả sự thật.

Thực chất đó chỉ là giấy mời gọi chị ra phường làm chứng một chuyện tranh chấp của hàng xóm. Không ngờ với tấm giấy mời vớ vẩn đó, chị được hưởng điều luật 16, nên tự dưng biến thành “đối thủ Đảng”, một nhà chính trị, đối lập với Đảng cộng sản của chị mới hôm nào!!

“Phép lạ” truyền khẩu rất nhanh. Từ đó bỗng dưng nhiều người đang chờ ngày đi phỏng vấn có trong tay đủ thứ giấy mời của các cấp: công an phường, quận, thành phố, thậm chí cả lệnh truy nã của Bộ nội vụ với chữ ký và con dấu đỏ !!

Nhưng buồn thay, phép lạ hiếm khi xuất hiện 2 lần, người Đức không còn dễ tin như trước, có nhân viên Đức đã hỏi thẳng người ra phỏng vấn rằng :”Anh đã mua tờ giấy mời này từ Việt Nam với giá là 20 hay 30 dollar !?” Những nhà đối lập bất đắc dĩ bị bác đơn tị nạn như sung rụng.

Cái giá phải trả của những người đi tìm tự do

DucVuiTet200.jpg
Người Việt ở Berlin Vui Tết 2004.

Để cứu vớt tình thế chỉ còn con đường thẳng và ngắn nhất là làm giấy hôn thú thật hay giả. Tuy nhiên, đôi khi đưa đến hoàn cảnh đau lòng, như gia đình chị X. ở Berlin. Để đưa được em gái sang Đức, chị với chồng đồng ý ly dị giả, để anh về Việt Nam làm giấy hôn thú với cô em vợ. Cay đắng thay chuyện cưới giả lại thành sự thật vì sau đó người chồng nhất định ly dị thật với chị X. để xây hạnh phúc mới với cô em vợ!

Riêng anh Lê văn M. Thì mang nỗi “hận lòng” với cô vợ giả tóc vàng. Sau khi ký được giấy hôn thú với cô vợ người Đức, anh được Sở ngoại kiều cho phép sống ở Đức thêm hai năm- như thời gian đầu thử thách-sau đó thời hạn sẽ kéo dài thêm 5 năm.

Dù anh đã giao đủ số tiền thoả thuận là 20.000 Mark cho cô vợ (vào thời điểm năm 95), nhưng cô chưa hài lòng, thỉnh thoảng cô ghé thăm, đòi đưa thêm tiền, hay vay tiền để mua xe. Cứ thấy bóng cô vợ là anh trốn, hay phải “khóc thầm” mà chi trả thêm. Nếu không, cô hăm dọa đưa anh ra Tòa về tội đã lừa dối, lường gạt cô, lừa gạt pháp luật nhà nước Đức thì chắc chắn anh sẽ bị trục xuất.

Chi phí dịch vụ cưới giả này theo cơn sốt giá cả ngày càng tăng, từ 20.000 Mark năm 95, nay đã lên tới 30.000 Euro. Ngay người Đức khi biết sự thật, cũng sửng sốt trước cái giá đắt đỏ của những người đi tìm tự do trên nước họ.

Tấm gương của một số người may mắn đến trước, bương chải kiếm sống, buôn chui bán lậu, làm giàu đột xuất, ngày càng lôi cuốn dòng người qua Đức. Giấc mơ không biết đến bao giờ thành sự thật, vì phần đông người tị nạn khó tìm được việc làm vì không biết tiếng Đức cũng như không có tay nghề chuyên môn.

Tình cảnh tuyệt vọng, quẫn trí

Họ sống bằng số tiền trợ cấp xã hội hay khai thất nghiệp để đi làm chui, đầu tắt mặt tối ở các nhà hàng hay còng lưng may thuê từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày, sống chen chúc tạm bợ ở nhà chủ hay chia phòng với số đồng hương cùng cảnh ngộ.

Cuộc sống bấp bênh, căng thẳng vì lo sợ bị trục xuất, lại mất sức vì phải làm việc cực nhọc, một số người rơi vào tình cảnh tuyệt vọng, quẫn trí.

Một thanh niên chưa đầy 30 tuổi, sau khi nhận giấy báo tin sắp bị trục xuất, đã đến công viên gần nhà lúc đêm tối, tẩm xăng vào mình tự thiêu, sau khi để lại lá thư tuyệt mệnh cho gia đình ở Việt Nam. Một thiếu nữ mới ngoài 20, sang nước Đức gần 2 năm, đã nhảy lầu tự tử khi thấy cảnh sát đến trại tị nạn bắt cô để đưa lên máy bay về nước. Trước đó cô đã tâm sự với bạn là quá đau khổ và tuyệt vọng vì số nợ chi phí chuyến vượt biên chưa trả được, không muốn làm buồn lòng gia đình đang đặt hết hy vọng vào cô nơi xứ người.

Những tin buồn gây xúc động cho cả cộng đồng người Việt, nhưng có lẽ người Việt trong nước không hề hay biết, vì Sứ quán Việt Nam chẳng bao giờ quan tâm đến vấn đề này, chẳng đưa tin về nước, hoàn toàn dửng dưng trước cái chết của đồng bào ở xứ người, mà họ vẫn gọi là “núm ruột xa ngàn dặm”.

Dòng người vẫn tiếp tục ra đi

Dòng người vẫn tiếp tục ra đi, phó mặc sinh mệnh cho vận may rủi bất ngờ. Một cô gái vừa đến nước Đức 3 tháng nay, khi được hỏi lý do tại sao lại tốn số tiền lớn đến 8.000 Euro để đến đây, cô trả lời chân thật: (xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Tất cả giấy tờ ở Việt Nam đều có khẩu hiệu ngay đầu trang: “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Độc lập tự do hạnh phúc”. Ở một buổi phỏng vấn, một nhân viên Đức đã mỉm cười khi đọc 2 câu trên và hỏi người Việt đang xin tị nạn: “Đất nước anh đã có tự do và hạnh phúc rồi, sao anh lại bỏ ra đi?”

Anh công dân Việt Nam lặng im giây lát trước câu hỏi không chờ đợi, rồi trả lời: “Ở nước tôi từ 30 năm nay có một khẩu hiệu lan truyền trong dân gian là: nếu cái cột đèn có chân, nó cũng phải bỏ nước mà ra đi. Nếu anh muốn biết tại sao thì xin cứ hỏi các nhà lãnh đạo nước tôi.”

Minh Thùy vừa trình bày cùng quý thính giả phần thứ hai của loạt bài viết về cộng đồng người Việt tại Đức, có tựa đề, nếu cái cột đèn có chân…, nói về con đừơng đi đầy gian truân của những người Việt đến với nước Đức hiện nay. Đề tài kỳ tới, sẽ là những vấn đề còn tồn tại trong cộng đồng người Việt tại Đức, với tựa đề “Bức tường Berlin có còn không”. Mong quý thính giả đón nghe.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.