Bản Đồ Dịch Cúm ở Việt Nam đang mở rộng


2007.06.02

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Ngay trong mùa nắng, dịch cúm gia cầm đã bùng phát rất nhanh tại Việt Nam, 16 tỉnh thành xác nhận có bùng phát ổ dịch và nhiều khả năng con số này chưa dừng lại. Vấn đề đặt ra là virus H5N1 ở Việt Nam có biến đổi hay không, loại vaccine mua từ Trung Quốc có còn công hiệu như những năm trước hay không ?

birdfluWarning200.jpg
AFP PHOTO

Chỉ trong vòng hai tuần lễ bản đồ dịch cúm được mở rộng với tốc độ khá nhanh. Đợt dịch mới được đánh dấu với sự kiện lại có người nhiễm cúm gà, bệnh nhân cư ngụ ở Hà Tây được chuyển viện lên Hà Nội điều trị và tình trạng diễn tiến khả quan.

Đây là bệnh nhân nhiễm H5N1 được ghi nhận ở Việt Nam trong tháng 5/2007, sau 17 tháng ngành y tế không phát hiện bệnh nhân nào nghi nhiễm cúm gà. Trong các năm 2003, 2004, 2005 có 42 nạn nhân tử vong vì cúm gia cầm trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Nghi vấn vaccine

Trước khi cập nhật tình hình dịch cúm gia cầm, chúng tôi trích đọc bài báo trên Tuổi trẻ Online ngày 31/5/2007. Theo đó Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, trưởng bộ môn siêu vi trùng-Viện Thú Y khẳng định rằng, virus cúm gia cầm H5N1 đã và đang biến đổi liên tục và điều đó không có gì bất thường, bởi bản chất của virus là luôn biến đổi.

Tuy vậy Tiến sĩ Dũng cũng đưa ra một vài sự kiện đáng chú ý, theo lời ông virus H5N1 có ba kiểu gen là Z, G, và V. Tại Việt Nam và Thái Lan virus H5N1 có chung loại gen Z, nhưng theo nghiên cứu mới đây của Viện Thú Y, một số ổ dịch cúm gia cầm ở miền Bắc đã phát hiện virus H5N1 có kiểu gen G, đây là kiểu gen của virus H5N1 vùng Quảng Tây, Hồ Nam của Trung Quốc.

Vẫn theo lời Tiến sĩ Dũng, do Việt Nam vẫn đang sử dụng vaccine tiêm phòng H5N1 được bào chế trên cơ sở gen Z nên việc tiêm phòng cho gia cầm có virus kiểu gen G sẽ có kết quả hạn chế, virus H5N1 kiểu gen G sẽ vẫn tồn tại. Múôn khống chế, cần phải có vaccine H5N1 kiểu gen G để tiêm phòng cho đàn gia cầm.

Vấn đề này chúng tôi rất quan tâm, rất may cho đến bây giờ không có đàn gia cầm nào đã tiêm đủ số mũi đủ thời gian mà bị nhiễm bệnh. Gần đây ở Nghệ An thì có trường hợp mới tiêm được 1 tuần bị mắc bệnh, điều này không gây ngạc nhiên. Còn đối với đàn tiêm đủ hai mũi, đủ thời gian thì chưa phát hiện đàn nào bị nhiễm dịch.

Trước đó, đáp câu hỏi của chúng tôi về việc đàn gia cầm đã được tiêm ngừa có bảo đảm miễn dịch hay không, Tiến sĩ Hoàng Văn Năm cục phó cục thú y xác định:

“Vấn đề này chúng tôi rất quan tâm, rất may cho đến bây giờ không có đàn gia cầm nào đã tiêm đủ số mũi đủ thời gian mà bị nhiễm bệnh. Gần đây ở Nghệ An thì có trường hợp mới tiêm được 1 tuần bị mắc bệnh, điều này không gây ngạc nhiên. Còn đối với đàn tiêm đủ hai mũi, đủ thời gian thì chưa phát hiện đàn nào bị nhiễm dịch.”

Trở lại thông tin cập nhật về tình hình dịch lan rộng. Theo Vietnam Net bản tin chiều ngày 31/5/2007, cộng thêm Quảng Nam, Thanh Hoá, Quảng Ngãi, Thái Nguyên thì nay dịch cúm đã bùng phát tại 16 tỉnh thành cả nước. Nhìn lên bản đồ, tỉnh có dịch xa nhất về phía Bắc là Sơn La còn ở Nam Bộ là tỉnh Đồng Tháp.

Tiến sĩ Hoàng Văn Năm Phó Cục Trưởng Cục Thú Y nhận định về lý do tại sao, dịch cúm H5N1 bùng phát trên diện rộng ngay trong mùa nắng, trái với thông lệ:

“Do mật độ đàn thuỷ cầm là cao, sau khi Nhà nước cho phép nuôi mới thuỷ cầm thì lượng thuỷ cầm cụ thể là vịt tăng rất cao. Khâu quản lý các đàn này không được chặt chẽ, trong đó có chuyện tiêm phòng. Hầu như toàn bộ vịt mới ấp nở chưa được tiêm phòng, những đàn mắc bệnh cũng chưa được tiêm phòng, đấy là nguyên nhân chính.”

Vẫn theo lời ông Hoàng Văn Năm nói với chúng tôi thì tổng đàn gia cầm của Việt Nam khoảng 220 triệu con, nhưng đàn gà vịt nuôi luân chuyển ngắn ngày có thể gấp ba bốn lần và không thể thống kê xác thực.

Làm một báo cáo mười

Do các ổ dịch nhỏ, nên con số gia cầm chết hoặc bị tiêu huỷ chưa vượt qua mức 100 ngàn. Đại đa số các ổ dịch là vịt nuôi mới từ 30 tới 70 ngày và ngành thú y cho là chưa được tiêm phòng. Một sự kiện được Vietnam Net đưa lên mạng ngày 28/5, theo đó một số địa phương khai tỷ lệ tiêm phòng vaccine cho gia cầm đạt cao, tuy nhiên kết quả kiểm tra cho thấy tỷ lệ bảo hộ ở mức rất thấp và chỉ cần sơ hở là dịch cúm gia cầm bùng phát.

birdflu_Duck200.jpg
AFP PHOTO

Tờ báo trích lời thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng tiết lộ rằng, tại một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long có hiện tượng khai khống sống lượng tiêm phòng. Thí dụ một đàn vịt vài trăm con, chỉ có vài chục con được tiêm phòng nhưng báo cáo lên trên là tiêm đủ toàn đàn.

Theo nhận định của thứ trưởng Bổng, tình trạng vừa nói khiến cho tỷ lệ kháng thể bảo hộ trong đàn là cực kỳ thấp, dẫn tới khả năng bị lây nhiễm virus H5N1 rồi phát dịch rất cao. Bên cạnh đó, việc giám sát đàn gia cầm sau tiêm phòng hầu như chưa làm được.

Tại hội nghị khẩn cấp ngày 28/5 ở khu vực phía Bắc, ông Trần Lâm Bình, phó giám đốc sở NN-PTNT Ninh Bình nêu lên thực tế, khi kiểm tra 1 ổ dịch gồm 1.750 con vịt đẻ thì được biết đàn này có 1.200 con đã được tiêm phòng, chủ hộ chăn nuôi đã mua thêm 550 con vịt chưa tiêm phòng từ Nam Định. Khi dịch xảy ra, ngành thú y không xác định được là virus cúm lưu hành trong đàn vịt mua thêm hay đàn vịt tại chỗ.

Vietnam Net trích lời ông Cao Đức Phát, bộ trưởng NN-PTNT trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm yêu cầu các địa phương phải thực hiện tiêm phòng cho gia cầm đầy đủ, trung thực vì điều cần thiết là có tỷ lệ kháng thể bảo hộ cao chứ không phải con số tiêm phòng cao.

Trả lời chúng tôi, ông Phạm Văn Minh ở Saigon, giám đốc công ty Phú An Sinh có trại chăn nuôi và giết mổ gia cầm công nghiệp nhận định :

“Báo cáo tiêm phòng tỷ lệ cao cần được xem xét lại về tính chính xác. Nông dân thường sợ tiêm ngừa làm vịt chậm lớn hoặc giảm đẻ, nên dù được cấp vaccine thì cũng chưa chắc có tiêm ngừa hay chủng đủ liều hay không. Muốn giám sát việc này thì cần phải có một lực lượng thú y hùng hậu, vì đàn vịt hiện nay phát triển mạnh.”

Trước diễn biến phức tạp của đợt dịch cúm H5N1 hiện nay, TP.HCM, thị trường tiêu thụ gia cầm nhiều nhất nước, đã rà soát lại các biện pháp phòng chống dịch đã thực hiện từ các đợt dịch trước, như chốt kiểm dịch các đường vận chuyển gia cầm từ các nơi về thành phố.

Nỗ lực thực hiện nghiêm túc công tác chưa làm được trọn vẹn, đó là cấm buôn bán gia cầm sống và sản phẩm gia cầm trái phép trên địa bàn. Đó là về mặt chính quyền, còn người dân Saigon thì có vẻ chưa quan tâm gì nhiều về đợt dịch mới, như nhận định của một cư dân địa phương:

“ Họ không quan tâm, cứ như dịch cúm gia cầm là ở đâu chứ gà vịt bán ở đây là an toàn, hàng quán vẫn treo đầy gà vịt. Cả nước đã quá quen với dịch cúm gia cầm nên có chút ỷ y.”

Cùng với các thông tin về việc xác nhận nơi này nơi kia bùng phát ổ dịch, về sự lơ là của các địa phương, Việt Nam Express và Vietnam net cho biết Việt Nam đã khởi động trở lại cơ chế ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm và ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người. Dẫu sao Việt Nam đã có quá nhiều kinh nghiệm về phòng chống dịch cúm gia cầm cả trong chăn nuôi cũng như về sự lây nhiễm virus H5N1 cho con người.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.