Đời sống công nhân Việt Nam: lương thấp và không có bảo hiểm (phần 2)


2007.11.01

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Người làm công tại Việt Nam lâu nay được trả lương và hưởng các chế độ ra sao để có thể tái tạo sức lao động nuôi sống bản thân và gia đình. Thế rồi đồng lương của họ có theo kịep tốc độ tăng giá hay không? Đây là một số vấn đề mà Gia Minh trình bày cùng quí thính giả trong phần sau.

dinhconggiadinh200.jpg
Công nhân tụ tập trước cổng công ty không chịu vào làm việc. Photo courtesy of TuoiTre Online

Thông báo mới nhất mà Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội đưa ra liên quan đến vấn đề tiền lương tối thiểu mà các doanh nghiệp phải trả cho người lao động là vào đầu năm tới mức tăng mới được áp dụng. Cụ thể mức cao nhất tại doanh nghiệp trong nước sẽ lên 620 ngàn đồng một tháng và tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ là một triệu đồng.

Bà thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội, Hùynh Thị Nhân tại cuộc họp báo hôm 20 tháng 10 vừa qua nói rõ rằng biện pháp này được thực hiện sớm hơn so với thời điểm các năm trước. Tuy vậy cũng theo bà Hùynh Thị Nhân thì việc tăng lương tối thiểu không có nghĩa là tất cả lao động đều được tăng lương đồng đều; bởi mức lương cụ thể là dựa trên sự thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp.

Giá thị trường tăng, lương không tăng

Ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Lao động Tiền lương thuộc Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội thì cho biết có đến 6 triệu người được tăng lương sắp tới. Và ông có ý kiến về đợt tăng lương tối thiểu đó:

“Không có gì mới chỉ là theo lộ trình thực hiện cam kết với quốc tế đến 2011- 2012 không còn sự phân biệt giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Lương thì do hai bên thương lượng với nhau phù hợp với quyền lợi; còn vai trò nhà nước là sao cho hai bên không thấp hơn mức tối thiểu.”

Trong khi cơ quan chức năng bàn thảo và chuẩn bị cho việc tăng mức lương tối thiểu mới thì người công nhân đang lo lắng vì thu nhập của họ không thể kham nổi tình hình giá cá gia tăng mỗi ngày trên thị trường. Một công nhân nói về khoản lương và quá trình được tăng lương của bản thân:

“Em làm ở Công ty Bông Cúc, Khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương. Công ty có 4 ngàn ngừoi mà lương chừng 750 ngàn, mức này sống không đủ; chúng em nhiều lần xin tăng lương vì đời sống quá khó khăn. Ăn uống chỉ là rau, tàu hủ kho, da heo. Nghỉ bệnh một ngày thì bị trừ luơng hai ngày, đau thì không có thuốc.”

Em làm ở Công ty Bông Cúc, Khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương. Công ty có 4 ngàn ngừoi mà lương chừng 750 ngàn, mức này sống không đủ; chúng em nhiều lần xin tăng lương vì đời sống quá khó khăn. Ăn uống chỉ là rau, tàu hủ kho, da heo. Nghỉ bệnh một ngày thì bị trừ luơng hai ngày, đau thì không có thuốc.

Theo khảo sát của Viện Công nhân & Công Đoàn đưa ra hôm tháng tám vừa qua thì lương cơ bản của những người lao động trong các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài xấp xỉ ở mức 800 ngàn đồng một tháng. Kết quả điều tra cho thấy trong ba năm qua chỉ có trên 70% công nhân được tăng lương, nhưng mức tăng lương mỗi lần như thế rất thấp.

Cơ quan chức năng ghi nhận là có những doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương đến gần 40 bậc, mỗi bậc chỉ cách nhau chừng 10 đến 20 ngàn đồng mà thôi. Tiêu chí để nâng bậc lương lại dựa theo bằng cấp và năng suất lao động, có rất ít nơi dựa vào chuẩn thâm niên từ đó dẫn đến tình trạng có nhiều công nhân làm việc lâu năm mà lương không đổi. Đối với các cơ sở tư nhân thì hẳn nhiên việc tăng lương hoàn toàn tùy thuộc vào người chủ, và sự rõ ràng cũng không thể bằng với các doanh nghiệp nhà nước hay công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Một kết luận về việc trả lương cho công nhân khi phải làm tăng ca cũng được báo cáo nêu ra là phụ thuộc vào chủ quan của người sử dụng lao động. Dù công nhân đồng ý làm tăng ca để có thêm thu nhập; thế nhưng họ lại không hiểu rõ quyền lợi của bản thân là sẽ được hưởng bao nhiêu khi làm thêm giờ.

Nếu lương cơ bản chừng 800 ngàn đồng một tháng cộng với các khỏan tăng ca nếu người lao động có sức làm thật giỏi thì tổng cộng họ nhận được trên dưới một triệu đồng mà thôi. Trong thời buổi mọi thứ đều tăng giá như mấy năm qua thì hẳn nhiên sức mua của đồng lương của họ bị giảm rõ rệt.

Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa 12 đang diễn ra ở Hà Nội, chính các đại biểu cũng phải thừa nhận tình trạng lương bổng của người làm công ăn lương nay bị tụt hậu quá nhiều so với tốc độ lạm phát. Ông Nguyễn Bá Thanh, bí thư thành ủy Đà Nẵng đưa ra con số cụ thể là vào đầu năm quán bún ở Đà Nẵng bán 10 ngàn đồng một tô, nay lên giá 14 ngàn.

Với số tiền đó, đầu năm mua được 5 lạng thịt nay chỉ còn ba lạng. Theo ông thì rất ít người phấn khởi trước tốc độ tăng trưởng kinh tế mà nhà nước cho là cao nhất trong 10 năm qua. Ví dụ của ông bí thư thành ủy Đà Nẵng thật cụ thể, nhưng đối với công nhân thì hẳn chuyện ăn bún hằng ngày không thể có được vì nếu tính ra thì khỏan đó ngốn mất hơn 300 ngàn mỗi tháng, tức gần một phần ba tổng thu nhập ở mức một triệu đồng.

Đời sống khó khăn

Ông Vũ Quang Việt, chuyên gia thuộc Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, đưa ra tỷ lệ lạm phát tác động đến cuộc sống người làm công ăn lương: “Theo nghiên cứu dựa trên số liệu của chính phủ thì bốn năm qua lạm phát là 35%, tức sức mua của lương công nhân giảm 35%.”

Hầu hết công nhân dù làm việc tạ các khu công nghiệp, chế xuất, hay cho các doanh nghiệp tư nhân xuất thân từ tỉnh lẻ hay nông thôn. Lên thành phố kiếm tiền ngoài chi dùng lo cho bản thân, rất nhiều người trong số họ còn phải dành dụm gửi tiền về lo cho gia đình tại quê nhà.

Với đồng lương không tăng hoặc tăng chút ít trong khi sức mua giảm do lạm phát thì chắc chắn họ không thể làm tròn trách nhiệm của mình với gia đình. Thống kê của Viện Xã hội học cho thấy có đến 80 phần trăm công nhân phải gửi tiền về quê phụ giúp gia đình.

Đó là gia đình lớn, còn nếu bạn công nhân nào có gia đình riêng mà cả hai vợ chồng cùng lãnh đồng lương cố định đó cuộc sống của họ cũng gặp nhiều khó khăn.

Sau đây là chuyện kể của một chị từng là công nhân nhưng bị bệnh phải nghỉ việc, ở nhà trông con và sống nhờ vào lương của chồng:

“Em bị bệnh tim nên không đi làm được. Em có hai cháu lớn bảy tuổi, nhỏ hai tuổi, chỉ có chồng đi làm nên cuộc sống khó khăn quá.”

Đối với các chế độ của công nhân thì đánh giá của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tại cuộc họp vừa qua ở thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận là gần một nửa số công nhân chưa được hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, và không có nhà ở.

Ông Vũ Thành Tự Anh, giảng viên Chương trình Fulbright ở Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua có bài viết đăng trên tờ Tuổi Trẻ cho rằng để thực hiện mục tiêu giúp người lao động thóat nghèo và có cuộc sống dễ chịu hơn thì nhà nước ngoài sự can thiệp trực tiếp vào thị trường bằng qui định tăng lương tối thiểu, còn có nhiều lựa chọn khác.

Một biện pháp mà ông này đưa ra là nhà nước, đặc biệt chính quyền địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp phải có các chương trình hổ trợ về nhà ở, giáo dục, và y tế cho lao động nghèo và con cái của họ. Ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng trong nền kinh tế tri thức toàn cầu hiện nay thì sức khỏe, tri thức, kỹ năng là những yếu tố giúp người lao động thóat nghèo một cách bền vững.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.