Những dòng sông chết: nguyên nhân và giải pháp


2007.04.28

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Những dòng sông nào ở Việt Nam đang chết dần mòn vì ô nhiễm, báo cáo quốc gia về môi trường 2006 vừa được công bố đã báo động như thế nào. Đọc báo trong nước hôm nay chúng tôi trình bày thông tin tổng hợp về vấn đề này.

BridgeRiverDroughtEnvironment200.jpg
Sông Hồng chày qua cầu Long Biên gần Hà Nội hôm 19-4-2007. AFP PHOTO

Nếu chỉ kể những con sông dài hơn 10 km thì Việt Nam có gần 2.400 con sông, trong đó có 13 hệ thống sông lớn có diện tích lưu vực bao phủ từ 10 ngàn km2 trở lên. Hệ thống sông Cửu Long lớn nhất Việt Nam với diện tích lưu vực gần 70 ngàn km2, hệ thống sông Đồng Nai xếp thứ nhì với diện tích lưu vực gần 38 ngàn km2.

Thế nhưng nguồn tài nguyên nước phong phú của Việt Nam ngày nay đang cạn kiệt. Hầu như mọi con sông chảy qua các thành thị đều bị ô nhiễm nặng nề, và được báo chí mô tả là những dòng sông chết, hoặc những dòng sông đang hấp hối. Sự ô nhiễm này nghiêm trọng nhất là nước thải công nghiệp, sau đó phải kể đến nước thải và rác thải sinh hoạt của người dân.

Được sự giúp đỡ của Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Phát Triển Quốc Tế Đan Mạch, ngày 12/4 tại Hà Nội Bộ Tài Nguyên Môi Trường đã công bố Báo Cáo Môi Trường Quốc Gia 2006 với chuyên đềHiện trạng môi trường nước lưu vực sông Cầu, lưu vực hai sông Nhuệ-Đáy ở phía bắc và hệ thống sông Đồng Nai ở miền đông nam bộ.

Nỗi ám ảnh về ô nhiễm môi sinh

Bản báo cáo môi trường quốc gia 2006 rất công phu, báo động tình trạng ô nhiễm ở 3 lưu vực sông vừa nói, như một chọn lựa điển hình cho tình trạng ô nhiễm nói chung của hệ thống sông ngòi Việt Nam.

Nói chung phát triển kinh tế và mức tăng dân số là nỗi ám ảnh về ô nhiễm môi sinh, như lời tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, chuyên gia môi trường ở TP.HCM nhận xét: “Bây giờ công nghiệp phát triển dữ quá, các khu dân cư cũng vậy, cho nên hệ thống xử lý môi trường không theo kịp và đang gây ô nhiễm.”

Bây giờ công nghiệp phát triển dữ quá, các khu dân cư cũng vậy, cho nên hệ thống xử lý môi trường không theo kịp và đang gây ô nhiễm.

Trước tiên, chúng tôi bắt đầu với tình trạng ô nhiễm của hệ thống sông Đồng Nai ở miền Nam. Hệ thống lưu vực sông Đồng Nai và các sông nhánh, liên quan tới 9 tỉnh thành là Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Long An Đồng Nai và TP.HCM. Ô nhiễm trên hệ thống sông Đồng Nai gây ra do nước thải từ nguồn công nghiệp, khai thác khoáng sản, làng nghề, cũng như nước thải từ nguồn sinh hoạt, y tế và nông nghiệp.

8 triệu cư dân sống trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì môi trường sống. Nguồn nước ô nhiễm có thể là nguyên nhân gây ung thư và nhiều căn bệnh hiểm nghèo khác.

Theo số liệu năm 2006, trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai có 56 khu công nghiệp và khu chế xuất và chỉ có 21 khu có hệ thống xử lý nước thải. 35 khu còn lại xả nước thải trực tiếp ra nguồn nước. Bình quân mỗi ngày lưu vực sông Đồng Nai tiếp nhận 480 ngàn mét khối nước thải công nghiệp đủ các nguồn.

Về nước thải y tế, hầu hết các bệnh viện trong lưu vực sông đều chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc xử lý không triệt để. Theo bản báo cáo, chỉ riêng thành phố HCM lượng nước thải y tế đổ ra sông là 17 ngàn mét khối mỗi ngày. Tuy khoảng 13 ngàn mét khối có qua xử lý nhưng chỉ có 26% tổng lượng nước thải sau khi xử lý là đạt tiêu chuẩn.

Sông “chết”

Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai có diện tích tự nhiên hơn 37 ngàn km2, với các sông chính là sông Đồng Nai, sông Bé, sông Saigon, sông Vàm Cỏ và sông Thị Vải. Hầu như tất cả các dòng sông vừa nói đều bị ô nhiễm ở các mức độ nặng hay nhẹ, nhưng sông Thị Vải ở Bà Rịa Vũng Tàu là nghiêm trọng hơn cả với một đoạn sông chết dài hơn 10km.

Chết ở đây hàm nghĩa không có con tôm con cá nào còn sống, nước sông cũng không có công dụng gì, vì đã chuyển màu nâu đen bốc mùi hôi thối, ngay cả khi thuỷ triều lên hoặc xúông. Một người dân địa phương cho biết:

“ông Saigon sông Lòng Tào tàu bè qua lại ô nhiễm đổ hết vào sông Thị Vải, chưa kể cả khu công nghiệp Tân Thành thải hết ra sông Thị Vải. Thuỷ sản chết từ từ. Cái giá phải đổi của phát triển công nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản.”

Vài chục ngàn nhà máy có thể buộc phải làm hệ thống xử lý nước thải, nhưng còn lại chủ yếu là quyền lợi của các địa phương, họ chưa ngồi lại với nhau được. Nếu họ phối hợp với nhau và trong tay có công cụ quản lý Nhà nước là luật bảo vệ môi trường thì hoàn toàn có thể làm được.

Bản báo cáo môi trường quốc gia 2006, đề ra biện pháp khẩn cấp đối với lưu vực sông Đồng Nai, trong đó có vấn đề xử lý nước thải sinh hoạt của TP.HCM và các thành phố khác, xử lý nước thải công nghiệp tại các tỉnh trong khu kinh tế trọng điểm phiá nam như Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Đặc biệt lưu ý nguồn nước sông Đồng Nai đang được cung cấp cho nhiều nhà máy nước trong khu vực.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt chuyên gia môi trường ở TP.HCM nhận xét cốt lõi của vấn đề. “Với bộ luật môi trường chặt chẽ thì có thể làm được. Thế nhưng hệ thống sông Saigon-Đồng Nai đã gần mười năm rồi mà người ta không ngồi lại với nhau được.

Vài chục ngàn nhà máy có thể buộc phải làm hệ thống xử lý nước thải, nhưng còn lại chủ yếu là quyền lợi của các địa phương, họ chưa ngồi lại với nhau được. Nếu họ phối hợp với nhau và trong tay có công cụ quản lý Nhà nước là luật bảo vệ môi trường thì hoàn toàn có thể làm được.

Đây là việc đầu tiên phải làm, vì nếu các tỉnh có phối hợp với nhau thì mới giải quyết được vấn đề của các nhà máy. Nếu chưa phối hợp được thì các địa phương vẫn để cho các nhà máy hoạt động. Đấy là quyền lợi của các tỉnh.”

Hệ thống xử lý nước thải

Chúng tôi đã tổng hợp thông tin liên quan tới tình trạng ô nhiễm lưu vực hệ thống sống Đồng Nai. Nay ra phía bắc dư luận hết sức chú ý tới tình trạng ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ sông Đáy. Theo tài liệu trên mạng của ngành môi trường, lưu vực sông Nhuệ Đáy với tổng diện tích tự nhiên gần 7.700 km2, bao gồm toàn bộ tỉnh Hà Tây, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, một phần Hà Nội và Hoà Bình. Sông Đáy dài gần 240 km còn sông Nhuệ dài 74km.

Theo Việt Nam Express, ngay từ năm 2003 đã có báo động đỏ về tình trạng ô nhiễm hai sông Nhuệ-Đáy, nước sông trong mùa khô thường đen kịt cá tôm chết hàng loạt người dân sống ở lưu vực hai sông này thường bị mắc các bệnh đường ruột, ngoài da, phụ khoa. Người dân Phủ Lý Hà Nam kể lại: “ Nước sông không chảy được, ô nhiễm quá cá chết hết”

Đến năm 2007 tình hình càng nghiêm trọng hơn, báo chí và cả các giới chức chính quyền đều gọi sông Nhuệ sông Đáy là hai dòng sông chết. Theo khảo sát của sở tài nguyên môi trường Hà Nội, nguyên do gây ô nhiễm, là trong lưu vực hai sông có hơn 150 ngàn cơ sở công nghiệp, làng nghề hầu hết chưa có hệ thống xử lý nước thải.

Ngoài ra hai con sông chết còn nhận mỗi ngày khoảng 700 ngàn mét khối nước thải sinh hoạt của toàn khu vực đổ ra các cửa sông. Điều cần lưu ý là hai sông Nhuệ-sông Đáy là nguồn cung cấp nước cho các nhà máy nước các tỉnh thành trong lưu vực.

Báo động rất nhiều, Bộ chính trị đã ra nghị quyết mỗi tỉnh phải dành 1% GDP để bảo vệ môi trường.

Lên mạng ngày 24/4 chúng tôi ghi nhận sự kiện đáng chú ý, Việt Nam Express và Lao Động Online đưa tin 6 tỉnh thành bắt tay bảo vệ môi trường 2 dòng sông chết. Theo đó chính quyền Hà Nội và 5 tỉnh trong lưu vực sông Nhuệ sông Đáy ký cam kết khắc phục tình trạng ô nhiễm nặng trong khu vực. Các nhóm giải pháp sẽ được thực hiện bao gồm, ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, cải tạo những khu vực bị ô nhiễm nặng, bảo vệ cảnh quan toàn lưu vực sông.

Trở lại bản báo cáo môi trường quốc gia 2006. ở miền Bắc tình trạng ô nhiễm các dòng sông, còn được nghiên cứu cụ thể với lưu vực sông Cầu. Dòng sông này liên quan tới gần 7 triệu dân cư của các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và Hà Nội.

Cũng như các lưu vực sông toàn quốc, lưu vực sông Cầu cũng bị ô nhiễm vì 2 ngàn cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành khai thác mỏ chế biến khoáng sản. Tình trạng chung là chưa có hệ thống xử lý nước thải. Đó là chưa kể tới mối nguy về nước thải sinh hoạt và nước thải y tế được đổ thẳng ra nguồn nước.

Báo cáo ghi nhận vùng trung lưu và hạ lưu sông Cầu bị ô nhiễm cục bộ, ô nhiễm hữu cơ, chất rắn lơ lửng và dầu mỡ. Đoạn sông Cầu chảy qua thành phố Thái Nguyên bị ô nhiễm nghiêm trọng nhất, nước sông màu nâu đen và có mùi hôi thối.

Bản báo cáo nói rằng việc ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm ở các lưu vực sông và trả lại sự trong lành của các dòng sông là một nhiệm vụ cấp bách. TS Nguyễn Trung Việt phát biểu:

“Báo động rất nhiều, Bộ chính trị đã ra nghị quyết mỗi tỉnh phải dành 1% GDP để bảo vệ môi trường.”

Có thể thấy rằng Việt Nam đã nhận thực được nguy cơ ô nhiễm môi trường ở mức báo động đỏ, các nhà môi trường cho rằng, nếu không bắt đầu giải quyết từ bây giờ thì thế hệ con cháu mai sau sẽ phải trả giá.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.