Vì sao Việt Nam gọi dịch tả là dịch tiêu chảy cấp?


2007.11.10

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Sau hơn hai tuần phát dịch, bản đồ các tỉnh thành có dịch gia tăng từng ngày, có thể chưa ngừng lại ở con số 13 như được ghi nhận hôm 8/11. Ngoài Hà nội và miền Bắc đang bùng phát dịch, miền Trung ô nhiễm sau lũ và miền Nam đông dân vệ sinh thực phẩm chưa chặt chẽ, là những vùng có khả năng nhanh chóng lây lan dịch.

HospitalDoctorPatient200.jpg
Một phụ nữ bị nhiễm dịch tiêu chảy đang được vào phòng cấp cứu tại bệnh viện ở Hà Nội hôm 2-11-2007. AFP PHOTO >> Xem hình lớn hơn

Số người mắc bệnh tiêu chảy cấp, bệnh tả hay nghi nhiễm đã lên hơn con số ngàn. Giữa những thông tin dồn dập như vậy, công luận Việt Nam qua báo chí và giới chuyên môn vẫn nóng lòng chờ đợi Bộ Y Tế công bố chính danh dịch tả, hoặc phát động tiêm ngừa tả thay vì gọi là dịch tiêu chảy cấp. Đây là đề tài chúng tôi chọn Đọc Báo Trên Mạng tuần này.

Báo chí lên tiếng

Ngày 7/11/2007, Saigon Tiếp Thị Online đưa lên mạng bài viết mang tên ‘ Hãy nói cho dân: Dịch Tả’, sau khi đưa ra con số bệnh nhân xác định bị bệnh tả ở miền Bắc, Nhà báo Huy Đức nhấn mạnh, theo quyết định số 4233 do chính bộ trưởng y tế Nguyễn Quốc Triệu ký thì ‘Một vụ dịch tả được xác định khi có ít nhất một ca bệnh tả được xác định.

Thế nhưng cho tới khi đã có hàng trăm người mắc bệnh tả, các quan chức y tế vẫn gọi trận địch đang đe doạ tính mạng dân chúng là dịch tiêu chảy cấp. Không chỉ dân chúng, ngay cả các nhà chuyên môn cũng không hiểu chắc chắn ‘ tiêu chảy cấp’ đích xác là loại bệnh gì.

Nhà báo nhắc lại dịch tả đã được phát hiện từ ngày 23/10. Bệnh nhân đầu tiên là một ông cụ 73 tuổi, bị tiêu chảy sau khi ăn cỗ thịt chó mắm tôm. Ngành y tế đã dùng tới 700kg chloramin B khử trùng một cái ao làng rộng hơn 8.000 m2 ở xã Đại Áng, huyện Thanh Trì Hà Nội, nơi có chứa khuẩn tả sau khi người nhà đổ dịch nôn của cụ già xuống ao. Nhà báo nhấn mạnh theo đúng nguyên tắc do chính ông bộ trưởng y tế đưa ra, ngay lúc ấy, bộ y tế lẽ ra phải tuyên bố Dịch Tả xuất hiện.

Qua nhiều thông tin mà chúng tôi tiếp cận trong tuần vừa qua, Bộ Y tế Việt Nam có thể có những lý do riêng để không công bố dịch tả, tuy nhiên các bệnh viện đều hiểu là họ đang chống dịch tả và áp dụng đúng phác đồ điều trị dịch tả đã được Bộ y tế ban hành ngày 3/11 vừa qua. Giới chức lãnh đạo Sở Y Tế Hải Phòng đã trả lời Nam Nguyên về vấn đề này:

“Tôi nghĩ rằng là cách đặt tên mà thôi điều cần là tổ chức điều trị cho tốt là được, không phải lo vấn đề tên gọi. Nhà nước vẫn gọi là bệnh tiêu chảy cấp có mầm mống tả. Nghĩa là điều trị cả những bệnh có liên quan và không liên quan tới tả. Cả hai thứ thì trước mắt phải bù nước, bù điện giải trợ tim mạch và đồng thời sử dụng kháng sinh nhậy cảm, hiện nay chúng tôi dùng nhóm Quinolone.”

Vì quá sợ?

Trở lài bài viết của Huy Đức trên Saigon Tiếp Thị Online, thông tin dịch tả không xuất hiện trên báo chí chính thức, người dân phải thông báo cho nhau thông qua các phương tiện như blog, tin nhắn. Nhiều cơ quan, tổ chức nước ngoài chủ động cập nhật thông tin dịch tả cho nhân viên của mình qua email. Những ai biết được có dịch tả đều bày tỏ sự phản ứng một cách có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.

Chúng tôi đem chuyện dịch tả hỏi một công dân Hà Nội, bản thân là giám đốc một doanh nghiệp ở thủ đô. Ông đã trả lời chúng tôi nửa đùa nửa thật:

“Thuật ngữ đó người dân ở trong nước người ta biết hết… vì dùng cái từ kia người ta kinh sợ nhớ lại năm 45,46 Việt Nam xảy trận dịch tiêu chảy sau nạn đói… .trên Đài truyền hình trên báo dùng cái thuật ngữ cho nó sạch sẽ trong sáng tiếng Việt. Nhưng mà người dân họ biết hết chẳng ai hiểu nhầm cả.”

Nhà báo Saigon Online viết tiếp, khi con số người bị tiêu chảy lên hơn 1 ngàn với hơn trăm ca xác định là mắc bệnh tả, dịch lây lan hơn một chục tỉnh thành, Cục trưởng y tế dự phòng Nguyễn Huy Nga tuyên bố nếu nguồn nước nhiễm khuẩn nguy cơ đại dịch tới gần.

Theo nhà báo, ông Nga lo sợ rằng sẽ không có đủ lượng Chloramin B để sát khuẩn, nếu dịch tiếp tục lây lan như thế. Vẫn theo bài viết, ông Nguyễn Huy Nga dù vẫn gọi là dịch tiêu chảy cấp nhưng ông lại thừa nhận là không thể ngờ một loại dịch bệnh chỉ xảy ra ở những nơi lạc hậu thì lại đang xảy ra ngay giữa thủ đô.

Saigon Tiếp Thị Online nhận định rằng, dịch tả đúng là một chỉ dấu có thể dùng để đánh giá mức độ văn minh ở nơi mà nó xảy ra, tuy nhiên theo nhà báo, văn minh cũng thể hiện thông qua cách mà mọi người hành xử mỗi khi có dịch bệnh. Thật không may, đại dịch xảy ra giữa khi bão lụt vẫn đang đe doạ cuộc sống của ngưới dân ở Miền Trung.

Thật bất lợi khi một nước đang vất vả mời gọi khách du lịch lại phải công nhận, giữa thủ đô, xảy ra dịch tả. Nhưng tờ báo cho rằng, nếu thẳng thắn thừa nhận để ngăn chận dịch hữu hiệu hơn, uy tín của Việt Nam sẽ không bị tổn thương quá lớn. Nhà báo nhắc lại năm 2003, bộ trưởng y tế Trung Quốc từng bị kỷ luật vì bưng bít dịch SARS xảy ra ở Bắc Kinh. Theo nhà báo không phải dịch bệnh, mà chính sự bưng bít ấy, đã làm Trung Quốc mất uy tín.

Ngày 8/11/2007 Tuổi trẻ Online đưa lên mạng bài viết của Gíao sư bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn ở TP.HCM với tựa chạy chữ lớn ‘ Gọi Tên Đúng Bệnh Để Phòng Ngừa’. Bài báo trình bày kiến thức và kinh nghiệm của tác gỉa với những lập luận vững chắc dựa trên y văn và thông tin y học thế giới, đưa ra một cảnh báo cho bộ trưởng y tế Việt Nam. Sự gọi tên đúng bệnh để phòng ngừa ở đây chính là bệnh tả dịch tả đang hoành hành ở Việt Nam nhưng được nguỵ ngữ là dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Bài viết có đoạn, phần lớn trường hợp gọi là nghi mắc bệnh tiêu chảy cấp đang diễn ra hiện nay, khi xét nghiệm vi khuẩn có kết quả dương tính với vi khuẩn vibrio Cholerae tức vi khuẩn tả. Bệnh tả là một bệnh nhiễm trùng cấp ở ruột non do vi khuẩn Vibrio Cholerae tương tác với các protein trong đường ruột đưa tới việc gây ra tình trạng mất nước trong cơ thể.

Hệ quả là bệnh nhân bị tiêu chảy trầm trọng với đặc tính phân giống như nước gạo và ói mửa. Theo tác giả GSBS Nguyễn Văn Tuấn, có thể nói rằng phần lớn những trường hợp nghi ngờ này là thật sự mắc bệnh tả.

GS-BS Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh rằng, bệngh tả chủ yếu lan qua đường nước úông bị nhiễm khuẩn từ phân của người bị bệnh. Sau thời gian ủ bệnh từ 1 đến 5 ngày, các triệu chứng xuất hiện một cách đột ngột. Sự mất cân bằng điện giải trong dịch tố của cơ thể có thể gây ra tử vong trong vòng 24 giờ. Điều trị bằng cách truyền tĩnh mạch dung dịch muối, trụ sinh làm cho sự bình phục nhanh hơn. Nếu người mắc bệnh không được điều trị, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 50%.

Dịch tả đã tái bộc phát nhiều lần

Theo tác giả, dịch tả đã bộc phát và tái bộc phát nhiều lần trong mộ thế kỷ qua. Dịch tả mới nhất xảy ra ở Peru vào năm 1991-1994 với hơn 1 triệu người bị nhiễm và gây tử vong cho gần 10 ngàn người. Qua các nạn dịch này, GS-BS Nguyễn Văn Tuấn cho rằng có thể rút ra bài học quan trọng nhất là chiến lược kiểm soát và phòng ngừa bệnh tả cần sự hoạt động đồng bộ của bốn lĩnh vực y tế, vệ sinh nước, thực phẩm và giáo dục. Nhưng thực tế cho đến nay người dân chưa biết đó là bệnh tả nên vẫn khá thờ ơ với nguy cơ mắc bệnh.

Trên thực tế, dù không công bố dịch tả mà gọi dài dòng là dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm nhưng ngành y tế Việt Nam đã hành động quyết liệt, ban hành lệnh cấm buôn bán mắm tôm mắm tép, kiểm soát thực phẩm đường phố. Người Hà Nội nói với chúng tôi là nhiều người trong đó có gia đình ông đang thay đổi thói quen liên quan tới ẩm thực:

“ Chúng tôi thì thường ngày đã giữ vệ sinh nhưng bây giờ thì tích cực hơn, đun sôi bát đũa trước khi ăn, rửa tay thường xuyên… thôi không ra ngoài ăn uống, không dự liên hoan ăn nhậu nữa…Người dân nói chung đều biết phải thực hiên ‘ 6 không’ không ăn sống phải uống chín v..v.. công tác phòng chống người ta làm nghiêm chỉnh tới tận phố phường…”

Những thông điệp mang tính cảnh báo của giới chuyên môn được báo chí chuyển tải rất sớm. Điển hình ngày 5/11 trên Saigon Tiếp Thị Online, bác sĩ Lê Đình Phương nhận định việc dùng từ hoa mỹ ‘tiêu chảy cấp’ thay cho ‘dịch tả’ có thể tạo ra hai thái cực, hoặc khinh suất hoặc hoang mang trong cộng đồng.

Bác sĩ Lê Đình Phương, GSBS Nguyễn Văn Tuấn và nhiều nhà khoa học khác đã chỉnh lý một số vấn đề, chẳng hạn không nên vội vã qui chụp mắm tôm là nguyên nhân gây bệnh, thay vào đó có thể nói mắm tôm là một yếu tố liên quan tới bệnh tả. Những chuyên gia này cảnh giác cộng đồng về vệ sinh thực phẩm và quan trọng nhất là nguồn nước.

Chúng tôi đem hỏi việc này với người làm việc trong ngành y tế, một giới chức cao cấp ở Hải Phòng cũng bày tỏ mối quan tâm về khả năng vi khuẩn tiêu chảy cấp lây lan trong nguồn nước:

“Tôi rất lo việc này, nhưng nguồn nước ở chỗ chúng tôi thì chưa bị nhiễm vi khuẩn, chủ yếu là ngộ độc trên thực phẩm. Nhưng chúng tôi cũng phải tăng cường bảo vệ xử lý nguồn nước bằng thúôc sát khuẩn. Hơn nữa chất thải của bệnh nhân phải được xử lý triệt để.”

GSBS Nguyễn Văn Tuấn qua báo Tuổi Trẻ Online khuyến cáo ngành y tế thực hiện tiêm chủng đại trà, nhất là ở những nơi có nguy cơ lây lan như miền Trung và miền Nam. Theo GS chi phí trung bình để tiêm chủng cho một người chỉ tốn gần 1 đô la Mỹ.

Thiết nghĩ, song hành với các biện pháp quản lý vệ sinh thực phẩm và sát khuẩn nguồn nước, việc chính thức công bố dịch tả ở Việt Nam và triển khai tiêm ngừa dịch tả cho dân chúng sẽ là biện pháp hiệu quả nhất để tránh tình trạng dịch tả lây lan toàn quốc với khả năng hàng triệu người mắc bệnh.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.