‘War Torn’, câu chuyện của các nữ ký giả Mỹ tường thuật chiến tranh Việt Nam


2002.11.06

Ánh Chân, phóng viên RFA

Trong chuyên đề Trang Phụ Nữ hàng tuần, chúng tôi xin cống hiến đến quí vị và các bạn một loạt chương trình nói về các nữ phóng viên người Mỹ sang làm việc tại Việt Nam trong thời gian từ giữa thập niên 60 đến giữa thập niên 70 để tường thuật về thời kỳ khốc liệt nhất của chiến tranh Việt Nam cho đến ngày Sài Gòn thất thủ.

Các nữ ký giả này lần đầu tiên đã kể lại câu chuyện của chính mình trong cuốn sách mang tựa đề War Torn, xin tạm dịch là ‘Chiến Tranh Tàn Khốc’, vừa mới được xuất bản vào mùa hè năm 2002 tại Hoa Kỳ.

Những phụ nữ trong cuốn sách đã chứng kiến tận mắt cuộc chiến tranh Việt Nam, khi mà đa số người Mỹ chỉ được biết qua báo chí và trên màn ảnh nhỏ.

Hơn thế, trong những thập niên 60 và 70 không có bao nhiêu nữ ký giả tường thuật về chiến tranh, so với những thập niên sau đó và càng có nhiều khuôn mặt nữ ký giả hiện diện ở khắp mọi nơi, đặc biệt kể từ cuộc chiến Vùng Vịnh đến chiến trường Bosnia và gần đây nhất là chiến cuộc tại Afghanistan.

Thưa quí vị và các bạn, đối với những nữ phóng viên đến Việt Nam để tường thuật về chiến tranh lúc bấy giờ thì có nhiều trường hợp khác nhau khiến cho họ đến một vùng đất xa lạ như thế đối với Hoa Kỳ. Một số đã đến vì lý do đặc biệt, trong khi đó một số khác thì phải phấn đấu trong nghề nghiệp để được đưa sang Việt Nam, và số còn lại là hoàn toàn do một sự tình cờ nào đó.

Dù vậy, khi đặt chân đến Việt Nam họ đã hoà nhập vào xã hội ở địa phương, tường thuật tại chiến trường, sống những giây phút vội vã ở thủ đô Sài Gòn của miền Nam, làm bạn với những ký giả khác và các gia đình người Việt. Tất cả đều trải qua những kinh nghiệm khó quên, và cuộc chiến Việt Nam đã thay đổi cuộc đời của họ sau này và mãi mãi.

Bạn nghĩ gì về câu chuyện này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Tuy nhiên cho đến khi cuốn sách này được xuất bản thì đa số trong 9 nữ ký giả trong cuốn War Torn đều đã giữ im lặng trong suốt thời gian mấy chục năm qua. Ý niệm cùng viết chung một cuốn sách bắt đầu nảy sinh sau khi một nhóm gồm 7 nữ phóng viên được mời đến nói chuyện về kinh nghiệm của mình trong tường thuật về chiến tranh Việt Nam do trường đại học báo chí ở bang West Virginia đứng ra tổ chức vào giữa năm 2000.

Tại đây, khi các nữ ký giả lần lượt nói về kinh nghiệm nghề nghiệp và cuộc sống cá nhân trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam thì cử tọa bên dưới gồm đủ mọi thành phần đã cho thấy sự thích thú đặc biệt, khi được nghe kể chi tiết về những kinh nghiệm đó.

Sau đó, có người đặt câu hỏi là tại sao từ trước đến giờ mọi người không được nghe những câu chuyện như thế thì bỗng dưng buổi thảo luận trở nên im lặng trong một khoảng thời gian, vì dường như không ai có câu trả lời. Và cuối cùng nữ ký giả Tad Bartimus nói một câu ngắn gọn: “Là vì trước đây không ai hỏi đến chúng tôi bao giờ”.

Cũng từ giây phút đó, nhóm nữ ký giả này đã ngồi lại với nhau, trao đồi email, điện thoại với dự tính sẽ cùng đóng góp cho một quyển sách chung nói về cuộc đời và kinh nghiệm của họ tại Việt Nam.

Hơn thế, nhóm này đã mời gọi những nữ ký giả khác tham gia vào việc thực hiện cuốn sách. Cuối cùng có thêm 2 nữ ký giả đã nhận lời. Và như thế có tất cả 9 nữ phóng viên đồng ý mỗi người sẽ viết một chương kể lại cuộc sống và kinh nghiệm nghề nghiệp của mình trong thời gian tường thuật cuộc chiến Việt Nam. Các tác giả trong cuốn ‘Chiến tranh Tàn khốc’ gồm có Tad Bartimus, Tracy Wood, Kate Webb, Denby Fawcett, Anne Morryssy Merick, Jurate Kazickas, Edith Lederer, Laura Palmer, và Ann Mariano.

Trong lời đề tựa của cuốn sách, nhóm 9 nữ ký giả này muốn nhắm gửi với độc giả rằng, họ hy vọng cuốn sách này sẽ góp phần vào những dữ kiện lịch sử của Hoa Kỳ về một cuộc chiến dai dẳng và nhiều tranh luận nhất từ trước đến nay. Tác giả của cuốn sách cũng hy vọng rằng câu chuyện của họ sẽ giúp tạo nên cảm hứng cho thế hệ ký giả sau này và những ai dám dấn thân theo đuổi ước mơ của mình cho dù hoàn cảnh có đưa đẩy đến bất cứ nơi chốn nào.

Tad Bartimus, nữ phóng viên AP tại chiến trường VN

Tuần trước, các bạn đã nghe nữ ký giả Denby Fawcett chia sẽ câu chuyện của bà, những kinh nghiệm nghề nghiệp cùng với nhiều kỷ niệm đẹp về đất nuớc và con nguời Việt Nam mà bà vẫn trang trọng cho đến ngày hôm nay. Hôm nay, Trang Phụ Nữ xin mời quý vị và các bạn làm quen với nữ phóng viên Tad Bartimus làm việc cho thông tấn xã AP tường thuật từ Việt Nam trong năm 73 và 74; đây được coi là thời kỳ khắc nghiệt nhất của chiến tranh Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.