Công nhân cần làm gì để được bồi thường?

Từ vài tháng nay hàng ngàn công nhân Việt Nam làm việc tại nước ngoài đã bị mất việc và phải trở về nước trước hạn hợp đồng.
Nhã Trân, phóng viên đài RFA
2009.02.21
Một nhóm lao động chờ lên máy bay sang Malaysia Một nhóm lao động chờ lên máy bay sang Malaysia
Photo courtesy Vietnamnet

Hồi đầu tháng 2, 2009 Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội tuyên bố doanh nghiệp nước ngoài phải bồi thường cho công nhân trong trường hợp này. Tuy nhiên đến nay điều đó vẫn chưa xảy ra.

Một số tổ chức của người Việt hải ngoại bảo vệ quyền lợi của công nhân Việt Nam hiện đang chú ý đến vấn đề này, trong đó có Ủy Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam (UBHK-BVNLĐVN).

Nhã Trân phỏng vấn đại diện của tổ chức này nhằm tìm hiểu công nhân có thể làm gì để được doanh nghiệp bồi thường. Được hỏi theo Luật Lao Động công nhân bị thôi việc trước hạn hợp đồng có được bồi thường hay không, Chủ tịch của UBHK-BVNLĐVN là Giáo sư Nguyễn Quốc Khải cho biết:

Trong trường hợp công ty Hong Nam kể trên, Tòa Đại Sứ Việt-Nam ở Mã Lai cũng không giúp được công nhân gì cả mặc dù công nhân cầu cứu họ.

GS Nguyễn Quốc Khải

GS Nguyễn Quốc Khải: Trên nguyên tắc thì doanh nghiệp phải bồi thường. Ít nhất là họ phải cung cấp phương tiện để chuyên chở những người công nhân đó về quê hương. Đồng thời họ phải trả tiền bảo hiểm lao động, tùy theo những điều trong hợp đồng đã ký kết với người công nhân và tùy theo luật lao động của đất nước mà người công nhân đang làm việc.

Nhã Trân: Việt Nam cũng công bố như thế nhưng những công nhân mà chúng tôi hỏi thăm đều nói chưa nhận được một bồi thường nào từ doanh nghiệp nước sở tại. UBHK-BVNLĐVN có ý kiến thế nào? Công nhân phải về nước trước hạn hợp đồng có thể làm gì trong tình huống này?

Biết quyền lợi của mình

GS Nguyễn Quốc Khải: Thường thường các chủ nhân biết công nhân không rõ luật lệ nên họ có thể lờ chuyện bồi thường đi. Thành ra UBHK-BVNLĐVN cũng như tổ chức CAMSA ở Mã Lai cũng đã thông báo cho công nhân biết về những quyền lợi của mình để công nhân đòi hỏi những điều đó. Nếu những chủ nhân ấy vẫn tiếp tục không tôn trọng hơp đồng thì tất nhiên là tổ chức CAMSA cũng như UBHK-BVNLĐVN sẽ có thể can thiệp như đã làm trong quá khứ.

Liên lạc tổ chức người Việt nước ngoài

Nhã Trân: Thưa ông có thể cho biết cụ thể CAMSA hoặc UBHK-BVNLĐVN đã can thiệp ra sao để công nhân đòi sự bồi thường của doanh nghiệp?

GS Nguyễn Quốc Khải: Trong quá khứ, vào năm 2008 CAMSA bao gồm UBHK-BVNLĐVN đã can thiệp cho một số trường hợp ở Mã Lai cũng như ở Jordan… Chúng tôi có người đại diện của tổ chức tại địa phương, và cũng có người lo về pháp luật, ví dụ như luật sư có mặt để giúp công nhân ngay tại chỗ, giúp làm đơn để các công nhân ký vào, và nhờ tòa án xét xử.

Vào cuối năm 2008, CAMSA đã hợp tác với Cục Lao Động Mã Lai làm trung gian giải quyết thỏa đáng cho 28 công nhân đang làm việc tại công ty Hong Nam ở tỉnh Kedah. Cả chủ lẫn thợ đều gặp khó khăn vì tình hình kinh tế suy thoái toàn cầu lan rộng. Công ty không có đủ việc làm cho công nhân. Với số giờ làm việc ít hơn (2-4 ngày/tuần), lương của công nhân giảm xuống đáng kể từ US $214/tháng xuống còn US $37-US $158.

Cuộc hòa giải thành công. Công ty Hong Nam đồng ý trả tiền máy bay và xe bus để đưa công nhân Việt-Nam về nước và hoàn trả công nhân những tiền đặt cọc. Công nhân không phải trả một chi phí nào khác ngoại trừ sơn lại nhà ở với vật liệu do công ty cung cấp.

Tôi cũng muốn nói thêm là Việt Nam đã bàn đến vấn đề bảo hiểm lao động, bảo hiểm thất nghiệp rồi. Thế nhưng họ mới bắt đầu vào năm 2009 và theo nguyên tắc thì công nhân phải đóng tiền 12 tháng thì mới bắt đầu được hưởng quyền lợi này.

Nhã Trân: Vâng đó là thiện chí của các tổ chức của người Việt ở nước ngoài bảo vệ công nhân. Theo ông thì chính phủ Việt Nam có cần phải có thái độ quyết liệt hơn để thúc giục doanh nghiệp bồi thường cho công nhân bị thôi việc và trả về nước sớm?

Phía chính phủ Việt Nam

GS Nguyễn Quốc Khải:  Tôi nghĩ là Bộ LĐTBXH nên để ý đến chuyện này, nên chú trọng đến việc phối hợp với các Tòa Đại Sứ ở địa phương để bênh vực công nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Trong quá khứ họ làm chuyện này rất là thất sách. Ví dụ như công nhân Việt Nam đã bị chủ nhân bóc lột đủ các thứ nhưng họ đã không can thiệp một cách đàng hoàng. Trong trường hợp công ty Hong Nam kể trên, Tòa Đại Sứ Việt-Nam ở Mã Lai cũng không giúp được công nhân gì cả mặc dù công nhân cầu cứu họ.

Trước khi Việt Nam gửi công nhân đi nước nào, Tòa Đại Sứ Việt Nam ở tại địa phương đó cần phải kiếm những tổ chức công nhân địa phương để có thể nhờ họ trợ giúp công nhân Việt Nam khi có tranh chấp.

GS Nguyễn Quốc Khải

Tôi nghĩ là các viên chức ngoại giao nên học hỏi kinh nghiệm. Tôi hy vọng là họ sẽ làm chuyện này tương đối có hiệu quả hơn trong tương lai vì đó là một trong những nhiệm vụ chính của một cơ quan đại điện cho một quốc gia ở nước ngoài. Cần phải có người chú trọng đến vấn đề thì việc đó mới đẩy mạnh được.

Theo luật của Việt-Nam về công nhân ra nước ngoài làm việc, các công ty xuất khẩu lao động có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của công nhân và phải đưa công nhân trở về nước khi bị mất việc không do lỗi của công nhân. Ngoài ra công ty môi giới còn phải hoàn trả lại một phần lệ phí dịch vụ và tiền ký quỹ phù hợp với thời gian đã làm việc. Thêm vào đó, Việt-Nam đã có quỹ hỗ trợ công nhân xuất khẩu lao động. Do đó chính những giới chức của thẩm quyền ở Việt-Nam cần phải thi hành những luật lệ này để bảo vệ công nhân trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.

Nhã Trân: Nhưng có những doanh nghiệp nói là họ cũng bị thiệt hại và đây là do hậu quả chung của kinh tế toàn cầu, nên không bồi thường cho công nhân. Trong trường hợp này luật lao động có thể bảo vệ cho công nhân hay không?

GS Nguyễn Quốc Khải: Trên nguyên tắc thì lý luận như thế không được. Trong mọi trường hợp chủ nhân vẫn cứ phải theo khế ước mà hai bên đã ký với nhau. Ngoài ra có thể có những trường hợp đặc biệt mà luật ở địa phương cho phép contract thay đổi tùy theo tình hình của mỗi nước.

Nhã Trân: Giả thử phía Việt Nam đã thúc giục nhưng doanh nghiệp vẫn không chịu bồi thường thì có biện pháp nào khác để họ bồi hoàn những mất mát cho công nhân? Có phải là liên lạc với Bộ Lao Động nước sở tại, để đưa lên tiếng nói của người công nhân Việt Nam?

Liên lạc tổ chức lao động địa phương

GS Nguyễn Quốc Khải: Đúng. Mình có thể đưa vấn đề đó lên cho Bộ Lao Động của nước sở tại. Thông thường các Bộ Lao Động có những người gọi là mediator tức là người hòa giải. Họ sẽ đứng làm trung gian để hòa giải đôi bên trước. Nếu hòa giải không xong, người lao động có thể nhờ luật sư, hay họ sẽ bầu ra một người đại diện để xin tòa án xét xử vụ này. Thủ tục ở mỗi quốc gia có thể thay đổi đôi chút, nhưng tổng quát là như vậy.

Ngoài ra tổ chức công nhân ở địa phương cũng có thể làm cố vấn cho công nhân Việt Nam ở nước ngoài, với điều kiện là người công nhân Việt Nam ở nước ngoài phải biết giao thiệp với những tổ chức lao động địa phương.

Nhã Trân: Theo ông thì công nhân Việt ra nước ngoài làm việc có biết là họ có thể liên lạc với những tổ chức như vậy?

GS Nguyễn Quốc Khải: Tôi thấy hình như là các công nhân Việt Nam chưa được học hỏi về những cái đó. Có lẽ một phần là vì vấn đề ngôn ngữ. Trước khi Việt Nam gửi công nhân đi nước nào, Tòa Đại Sứ Việt Nam ở tại địa phương đó cần phải kiếm những tổ chức công nhân địa phương để có thể nhờ họ trợ giúp công nhân Việt Nam khi có tranh chấp.

Nhã Trân: Cám ơn ông về những ý kiến của UBHK-BVNLĐVN về việc công nhân phải về nước trước hạn hợp đồng cần làm thế nào để có thể được doanh nghiệp bồi thường.

GS Nguyễn Quốc Khải: Cám ơn RFA đã phỏng vấn chúng tôi.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.