Quan điểm Truyền thông Quốc tế (ngày 23-12-2005)


2005.12.23

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Bài diễn văn của Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush nói về các đề án dân chủ sẽ thực hiện ở Iraq và Trung Ðông là đề tài được báo chí thế giới nói đến nhiều nhất trong 7 ngày qua, cùng với một số biến chuyển chính trị đáng chú ý xảy ra ở Châu Á. Như thường lệ, Ban Việt Ngữ Ðài Á Châu Tự Do chúng tôi xin ghi nhận và gửi đến quý vị trong khuôn khổ Tạp Chí Quan Ðiểm Truyền Thông Quốc Tế Hàng Tuần.

Tối Chủ Nhật vừa rồi, từ phòng bầu dục, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush đã đọc bài diễn văn nói về cuộc bầu cử ở Iraq và những trở ngại đang chờ đón tân Chính phủ Baghdad cũng như Washington.

Tổng Thống Hoa Kỳ nói: ”Công tác ở Iraq thật khó khăn, khó khăn hơn chúng ta dự đoán. Các nỗ lực tái thiết và huấn luyện lực lượng an ninh Iraq tiến hành chậm hơn chúng ta mong đợi. Chúng ta sẽ tiếp tục thấy bạo động và khổ đau xảy ra.”

Nhưng vẫn theo lời Tổng Thống Hoa Kỳ, quyết định mở cuộc chiến Iraq là quyết định hoàn toàn đúng để bảo vệ an ninh của nước Mỹ và xây dựng một thế chiến lược mới: “Không phải vì chúng ta đánh khủng bố mà chủ nghĩa khủng bố ra đời. Chủ thuyết khủng bố thành hình vì chúng ta không để ý đến chúng. Chúng ta sẽ tiếp tục tiêu diệt bọn khủng bố bằng cách bắt giữ hoặc giết chúng ở mọi nơi, không để yên cho chúng trú ẩn ở những địa điểm mà chúng coi là an toàn, và qua cuộc chiến đấu chung này, chúng ta sẽ tăng cường quan hệ với những đồng minh mới như Iraq và Afghanistan.”

Ông Bush cũng loan báo chiến lược ba điểm để chiến thắng cuộc chiến. Thứ nhất là các binh sĩ Mỹ và lực lượng đồng minh vẫn giữ vị trí tuyến đầu bảo vệ an ninh cho người dân Iraq song song với nỗ lực huấn luyện, giúp xây dựng một lực lượng quân sự và cảnh sát có khả năng sẽ được thực hiện quy mô và nhanh chóng hơn.

Thứ hai là sau khi kết quả cuộc bầu cử được thông báo, Hoa Kỳ sẽ góp phần giúp tân Chính Quyền Baghdad hoạt động hữu hiệu để đạt đến mục tiêu dân chủ và điểm cuối cùng được ông nói đến là đẩy mạnh việc thực hiện chương trình tái thiết cơ sở hạ tầng và vực nền kinh tế cho Iraq, trước khi kết thúc bài diễn văn với lời nhắn gửi người dân Mỹ ủng hộ các kế hoạch mà ông đề ra.

“Điều quan trọng là tất cả mọi công dân Hoa Kỳ phải biết rõ hậu quả xảy ra nếu chúng ta rút khỏi Iraq trước ngày hoàn tất mọi kế hoạch đã đề ra. Ðiều đó có nghĩa là chúng ta bỏ rơi nhân dân Iraq và cho thế giới thấy không thể tin vào nước Mỹ được.

Rút khỏi Iraq cũng có nghĩa là chúng ta coi thường sự hy sinh của các binh sĩ, để cho các Chính Quyền độc tài ở Trung Ðông chế diễu và tiếp tục xiết chặt gọng kìm cai trị của họ. Rút khỏi Iraq cũng có nghĩa là chúng ta giao quốc gia này cho bọn kẻ thù từng đe dọa sẽ tấn công chính chúng ta và khuyến khích bọn khủng bố toàn cầu ra tay hành động,và bọn chúng sẽ trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.”

Dư luận báo chí

Báo chí thế giới bình luận ra sao về bài diễn văn của Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush? Chúng tôi xin được bắt đầu với nhận định của tờ The Washington Post xuất bản ngay ở thủ đô của nước Mỹ:

Kể từ khi Tổng Thống Bush gửi quân sang Iraq, không khí chính trị ở Hoa Kỳ đã thay đổi thật nhanh, tỷ lệ người dân ủng hộ ông Bush giảm từ 70% xuống còn 40%, và toàn bộ kế hoạch chống khủng bố mà ông Bush đề ra đang bị mổ xẻ.

Không chỉ mất đi sự ủng hộ của người dân với cuộc chiến Iraq, phe đối lập ở Quốc Hội Liên Bang Mỹ còn đặt câu hỏi và chuyện cơ quan tình báo CIA lập những nhà tù bí mật ở nước ngoài, chuyện đối xử không nhân đạo với những người bị giam giữ, và có thể sẽ mở cuộc điều tra liên hệ đến việc Tổng Thống Bush cho phép theo dõi các hoạt động của người dân mà không xin phán quyết của Tòa.

Cũng tại Mỹ, tờ Press & Bulletin xuất bản tại thành phố Binghamton ở bang New York nhắc lại bài diễn văn mà Tổng Thống Bush đọc hồi đầu tuần chỉ là một trong loạt diễn văn mà nhà lãnh đạo nước Mỹ đã đọc trong 2 tuần lễ vừa qua. Theo tờ báo:

Không rõ thật tình muốn trình bầy vấn đề cho người dân biết hay chỉ muốn làm sao để số người ủng hộ ông tăng lên, trong tuần vừa rồi, ông Bush đã xuất hiện ở nhiều nơi, từ đọc diễn văn cho đến trả lời các cuộc phỏng vấn của báo chí, với mục đích khẳng định ông là người chịu mọi trách nhiệm về cuộc chiến Iraq và cũng nhìn nhận đã sai lầm khi mở cuộc chiến dựa theo tin tức tình báo nói là nhà cầm quyền Baghdad có võ khí có sức hủy diệt hàng loạt.

Tờ Press &Bulletin viết tiếp:

Dĩ nhiên khi đã tham gia vào cuộc chiến, Hoa Kỳ không có cách nào khác hơn là phải cố gắng bằng mọi cách để hoàn tất nhiệm vụ của mình. Cũng vì thế, Tổng Thống Bush và các cố vấn của ông phải xin lỗi người dân về chuyện đã đánh giá sai lầm sức mạnh của thành phần nổi dậy và con số binh sĩ cần có ở Iraq, cũng như phải xin lỗi những quân nhân bị làm khó dễ chỉ vì họ cất tiếng nói thay cho các đồng đội để trình bầy sự thật.

Thật là mừng khi thấy Tổng Thống cởi mở hơn trước, nhưng một vài bài diễn văn mà ông Bush đọc vẫn chưa đủ để giúp ông lấy lại niềm tin nơi người dân.

Và tại Pakistan, nhật báo Rawalpindi, tờ báo chuyên trình bầy quan điểm nhóm Hồi Giáo bảo thủ viết:

Mặc dù Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush vẫn cương quyết không rút quân khỏi Iraq cho đến khi đạt được mọi thắng lợi, nhưng đó chính là sự khoác lác của một kẻ điên rồ. Tiến trình dân chủ của Iraq đang được xây dựng trên những nền tảng được định sẵn, để phục vụ các mục tiêu mà Hoa Kỳ và Tây Phương đặt ra cho khu vực Trung Ðông và cho toàn cầu.

Tuy nhiên, điều chúng ta cần ghi nhớ là kết quả đôi khi không đúng với dự tính, và đó cũng chính là điều mà Hoa Kỳ và các cường quốc khác phải biết khi đưa ra kế hoạch, tức là đừng quên thực tế. Ðiều hiển nhiên là sau khi tân Chính Phủ Baghdad thành hình, Hoa Kỳ và các nước trong liên minh phải rút khỏi Iraq, trao hẳn quyền điều khiển quốc gia lại cho người dân Iraq.

Tình hình chính trị Đài Loan

Một biến chuyển chính trị khác cũng được các nước trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương quan tâm tới, đó là việc Quốc Hội Ðài Loan đồng ý thảo luận ngân khoản đặc biệt trị giá 11 tỷ đô la mua võ khí do Hoa Kỳ chế tạo.

Trong nhiều tháng qua, ý kiến này đã bị chống đối cả thảy 41 lần bởi các đại biểu Quốc Dân Ðảng có chủ trương muốn mở rộng quan hệ với Bắc Kinh, trong khi các đại biểu thân chính phủ lại ủng hộ, cho rằng hiện đại hóa quân đội là điều cần làm trước nguy cơ có thể bị Hoa Lục tấn công bằng quân sự.

Tờ Liberty Times ở Ðài Bắc nhận định:

Để ngân khoản đặc biệt có thể được thông qua, đảng Dân Chủ Tiến Bộ của Tổng Thống Trần Thủy Biển đã phải nhượng bộ nhiều điều, trong đó có cả việc cắt đề nghị ban đầu từ 14 tỷ xuống còn có 11 tỷ, và đồng ý sẽ dùng ngân sách quốc phòng trả tiền mua các dàn phi đạn Patriot.

Phe ủng hộ cũng tin rằng việc mua tầu ngầm là điều cần phải làm để đảm bảo an ninh cho Ðài Loan, đồng thời cũng để cân bằng lực lượng với Trung Quốc.

Cuộc tranh cãi về đề tài mua hay không mua thêm võ khí giữa các đại biểu thân chính và các đại biểu đối lập diễn ra trước đây đã khiến cho Hoa Kỳ phải lên tiếng đặt câu hỏi không rõ Ðài Loan có thật sự quan tâm đến vấn đề an ninh lãnh thổ hay không. Và bây giờ là lúc để cho mọi người biết phe chống đối có thật lòng quan tâm đến vấn đề quốc phòng của đất nước hay không.

Tờ Taipei Times thì đưa ra nhận định cho rằng cuộc bỏ phiếu sẽ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố đến từ nhiều phía:

Trong thời gian tới, Ðảng Dân Chủ Tiến Bộ và Quốc Dân Ðảng sẽ đối đầu với nhau ở chính trường, và Trung Quốc đã bảy tỏ những dấu hiệu cho thấy họ có thể anh hưởng vào bàn cờ chính trị này, qua ngõ bán chính thức là cộng đồng quốc tế và qua ngõ chính thức là ảnh hưởng thẳng vào nội tình chính trị của Ðài Loan.

Hoa Kỳ đã bày tỏ quan điểm của họ với các nhà lãnh đạo Ðài Loan và bây giờ, chuyện Ðài Loan có thể có những quan hệ khác với Hoa Lục có thể xảy ra, và sẽ khiến Washington phải thay đổi chính sách.

Thành quả hội nghị WTO tại Hongkong?

Và tại Hồng Kông, cuộc họp hàng năm của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO đã hoàn tất, với một số thắng lợi khá nhỏ so với ước mong của các đoàn đại biểu. Ban Việt Ngữ chúng tôi xin trích dẫn bài bình luận của tờ The Washington Times nói về kết quả hội nghị.

Hội nghị các bộ trưởng những nước thành viên WTO ở Hồng Kông đã kết thúc mà không gặp cảnh thảm họa. Ðó là thành quả đang nói, vì khác hẳn với những hội nghị trước.

Từ phiên họp ở thành phố Seattle cho đến cuộc họp tổ chức tại Cancun, các cuộc họp của WTO bao giờ cũng bị tràn ngập bởi những cuộc biểu tình ở bên ngoài, và những bất đồng không giải quyết được ở bên trong phòng họp.

Trong suốt thời gian hơn 10 năm qua, các cuộc họp của WTO bao giờ cũng bị thất bại, và 2 cuộc họp gần nhất thì bế tắc hoàn toàn. Ít nhất, hội nghị mới kết thúc ở Hồng Kông đáng được nói đến vì đạt được một số thành quả.

Các nhà quan sát nhận định thế nào về những thành quả của Hội Nghị WTO Hồng Kông? Chúng tôi xin được trích dẫn nhận định của ông Trần Sơn Nam, một cộng tác viên của Ban Việt Ngữ, nói về thành quả cuộc họp mới nhất của WTO, để kết thúc Tạp Chí Quan Ðiểm Truyền Thông Quốc Tế tuần này:

Những vấn đề của tổ chức WTO là những vấn đề hết sức phức tạp. Tại hội nghị ở Hồng Kông người ta thấy có đến 149 nước tham dự, với trình độ phát triển khác nhau, quyền lợi khác nhau, do đó mà không dễ gì đạt được một thỏa hiệp được mọi nước chấp nhận.

Cũng với mục tiêu làm sao đạt được những thể thức để tiên tới tự do mậu dịch, hai buổi họp trứơc đã thất bại rõ rệt vì thái độ không nhân nhượng của một số những nước tiền tiến trước sự đòi hỏi của những nước chậm tiến. Vì lẽ đó mà nhiều giới quan tâm đến tương lai của WTO lo ngại rằng Hội Nghị Hồng Kông sẽ thất bại.

Tại Hội Nghị Hồng Kông, những nước chậm tiến đã nêu ra một vài trường hợp cụ thể: Tỉ dụ như những nước trong Liên Hiệp Âu Châu (đặc biệt là Pháp) bảo vệ nông phẩm của họ bằng cách tài trợ những nhà sản xuất nông phẩm của họ. Hai là trường hợp của Mỹ bảo vệ những nhà sản xuất bông của họ. Và sau hết trường hợp của Nhật Bản không chịu mở rộng thị trường gạo của họ.

Để tóm tắt phản ứng của một số người tham dự hội nghị thì người ta có thể ghi nhận lời tuyên bố của ông Peter Mandreson, trưởng phái đoàn Liên Hiệp Âu Châu: “Sự thỏa thuận đạt được, nếu không phải là thắng lợi của hội nghị thì chắc chắn cũng gíup cho hội nghị tránh được sự đổ vỡ”.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.