Trung Quốc sẽ lấp vào chỗ trống nếu Facebook và Google rút khỏi Việt Nam

Kính Hòa RFA
2018.06.12
000_15U8W2(1) Phiên họp ngày 12/6/2018 của Quốc hội Việt Nam tại Hà Nội, thông qua Luật an ninh mạng nhiều tranh cãi.
AFP

Ngày 12/6/2018 luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua với đa số phiếu tán thành.

Bóp nghẹt bất đồng chính kiến

Theo phân tích của nhà báo Phạm Chí Dũng, đồng thời cũng là người có bằng tiến sĩ về kinh tế thì có 3 nguyên nhân khiến cho Đảng Cộng sản Việt Nam bắt Quốc hội phải thông qua luật an ninh mạng, đó là:

Đây là ý tưởng từ Bộ Công an. Luật này sẽ làm các công ty phải xin cấp nhiều giấy phép hơn, điều sẽ tạo nên những điều kiện để tham nhũng, và điều này sẽ làm tăng vai trò của Bộ Công an.

Các nhà lãnh đạo chóp bu Việt Nam muốn bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng chính kiến.

Điều cuối cùng là chính phủ Việt Nam muốn thu thuế từ các công ty cung cấp dịch vụ Internet và mạng xã hội.

Chúng tôi mỉm cười bởi vì có luật an ninh mạng hay không có luật an ninh mạng thì cũng thế.
-Nhà báo, bất đồng chính kiến Phạm Chí Dũng.

Tất cả những nhà hoạt động xã hội bất đồng chính kiến mà chúng tôi có dịp tiếp xúc sau khi đạo luật an ninh mạng được thông qua đều cho rằng đạo luật đó không ảnh hưởng gì đến tình trạng của họ hiện nay. Nhà báo Phạm Chí Dũng từ Sài Gòn cho biết:

“Chúng tôi mỉm cười bởi vì có luật an ninh mạng hay không có luật an ninh mạng thì cũng thế. Đối với chúng tôi, những người bất đồng thì chúng tôi chịu áp chế quen rồi, sách nhiễu quen rồi, gò bó quen rồi, và trước khi có luật an ninh mạng, thì họ đã dùng những điều 88, 258, là tuyên truyền chống chế độ, hay là lợi dụng quyền tự do dân chủ, và họ đã truy tố và bỏ tù nhiều người bất đồng chính kiến, không cần có luật an ninh mạng.”

Các bloggers có tiếng trên không gian mạng Việt Nam như bà Trần Thị Nga, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay Mẹ Nấm,… đều đang bị ở tù vì tội tuyên truyền chống nhà nước. Chính phủ Việt Nam cũng vừa tống xuất, nhưng không công bố, trường hợp luật sư Nguyễn Văn Đài của Hội Anh em dân chủ sang Đức, ông Đài cũng đã từng bị ghép tội tuyên truyền chống nhà nước khi ông viết bài trên mạng xã hội.

Từ Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo làm rõ thêm những hành vi có thể bị qui vào tội tuyên truyền chống nhà nước:

“Đạo luật này làm cho giới trí thức lo lắng. Thực ra lo lắng là điều đúng, nhưng mà bình tĩnh lại thì với tất cả những hoạt động phản biện, với bao cái đạo luật khác, cũng đã bắt bớ, qui tội bỏ tù người ta được rồi. Như là bộ luật hình sự, tội tuyên truyền chống nhà nước đấy, viết trên mạng là tuyên truyền, viết báo là tuyên truyền, viết sách là tuyên truyền, nói mồm với nhau cũng là tuyên truyền.”

Bình luận về khả năng đàn áp giới bất đồng chính kiến, Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine, Hoa Kỳ viết trong email gửi cho Đài RFA:

“Việt Nam là nước có khoảng 55 triệu người, trên tổng dân số khoảng 95 triệu, thường sử dụng mạng. Do đó các cơ quan an ninh của chính quyền không thể nào kiểm soát hết được. Họ chỉ có thể dùng luật nầy để đàn áp một số cá nhân hay nhóm mà họ cho là “diễn biến hoà bình” hay có muốn lật đổ chế độ thôi. Nhưng việc nầy sẽ làm nhiều người căm phẩn và họ sẽ dùng các hình thức khác để phản kháng, trong đó có thể có các hình thức không ôn hoà như những trao đổi trên mạng.”

Trước khi đạo luật về an ninh mạng được thông qua, đã có những cáo buộc cho rằng Facebook hợp tác với chính phủ Việt Nam để đàn áp giới bất đồng chính kiến. Nhà hoạt động dân sự Nguyễn Anh Tuấn, từ Đà Nẵng cho chúng tôi biết ý kiến rằng ông không tin vào chuyện hợp tác đó. Trước khi luật an ninh mạng được thông qua ông có nói với RFA:

“Facebook và Chính phủ Việt Nam đều hiểu là Facebook đóng vai trò quan trọng như thế nào đến đời sống xã hội của Việt Nam, nó đã giúp ích như thế nào cho nền kinh tế Việt Nam, cho sự phát triển của Việt Nam. Cho nên tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam không đủ quyết tâm để chận triệt để Facebook. Facebook biết điều đó, Chính phủ Việt Nam biết điều đó, tôi không nghĩ là Chính phủ Việt Nam lại trên cơ được Facebook.”

Việc nầy (kiểm soát mạng xã hội) sẽ làm nhiều người căm phẩn và họ sẽ dùng các hình thức khác để phản kháng, trong đó có thể có các hình thức không ôn hoà như những trao đổi trên mạng.
-Giáo sư Ngô Vĩnh Long.

Theo những số liệu của nhà báo Phạm Chí Dũng, thì lợi nhuận hiện nay của Facebook ở thị trường Việt Nam là vào khoảng 3 đến 5 ngàn tỉ đồng, nhưng con số này không là bao nhiêu so với những thiệt hại mà Việt Nam sẽ hứng chịu khi Facebook rút ra khỏi Việt Nam với mức thiệt hại có thể lên đến từ 1,5 đến 2,5% tổng sản lượng quốc gia.

Hiểm họa Trung Quốc

Nhưng bên cạnh những tổn thất về kinh tế, còn có một tổn thất khác đáng sợ hơn nhiều, theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, đó là sự lấp vào chổ trống của các công ty Trung Quốc. Từ Na Uy ông trả lời Đài RFA:

“Thị trường Việt Nam sẽ xuất hiện các công ty Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc có công nghệ rất là cạnh tranh. Cái thứ hai là lợi thế của các công ty Trung Quốc so với các công ty của Mỹ nữa là Trung Quốc không bắt buộc bảo vệ thông tin của người dùng một cách triệt để như các công ty Âu Mỹ. Thậm chí Chính phủ Trung Quốc còn khuyến khích các công ty Trung Quốc sử dụng dữ liệu của người dùng để mà nghiên cứu trí tuệ thông minh nhân tạo.”

Ông Nguyễn Huy Vũ dẫn chứng trường hợp công ty Facebook vừa rồi phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ vì đã để cho một công ty phân tích dữ liệu tùy tiện sử dụng thông tin cá nhân của người dùng Facebook để giúp cho Tổng thống Donald Trump thắng cử tại Hoa Kỳ. Và tại châu Âu, Cộng đồng châu Âu bắt đầu tuân thủ từ tháng 5/2018 một đạo luật bảo vệ thông tin người tiêu dùng rất nghiêm ngặt.

Nhưng ông Vũ cũng nói là nếu các công ty châu Âu và Mỹ tiết lộ thông tin người dùng trên lãnh thổ Việt Nam thì đó là một điều chưa có tiền lệ và các nhà luật học phải nghiên cứu khả năng người Việt Nam trong nước có thể kiện các công ty đó ra tòa tại Châu Âu hay tại Mỹ hay không.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nêu lên khả năng về một mô hình hoạt động của các công ty Trung Quốc như Baidu, Tencent, Weibo, nếu họ thay thế Facebook và Google tại Việt Nam:

Họ vừa hợp tác với chính phủ Việt Nam, vừa hợp tác với chính phủ Trung Quốc, chúng ta sẽ đối diện với một nguy cơ, một rủi ro rất cao, có thể là mất nước trong tương lai.
-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ.

Họ có thể tránh sự phản đối trực tiếp của người Việt Nam bằng cách mua những công ty của người Việt Nam. Họ dùng công nghệ Trung Quốc đưa ra những ứng dụng tương tự như của các công ty Âu Mỹ mà chúng ta đang dùng. Từ đó họ có thể nắm thông tin của người Việt Nam, kiểm soát thông tin của người Việt Nam, họ định hướng mạng xã hội của Việt Nam. Họ vừa hợp tác với chính phủ Việt Nam, vừa hợp tác với chính phủ Trung Quốc, chúng ta sẽ đối diện với một nguy cơ, một rủi ro rất cao, có thể là mất nước trong tương lai.”

Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, đạo luật an ninh mạng mà Quốc hội Việt Nam vừa thông qua là một bản sao của đạo luật an ninh mạng của Trung Quốc. Vì đạo luật này mà Google và Facebook không thể hoạt động tại Hoa Lục. Nhưng Việt Nam, theo lời giáo sư Long, không thể tạo nên cho mình những công ty riêng, và vì thế sẽ lệ thuộc ngày càng nặng vào Trung Quốc.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.