Doanh nghiệp thời dịch COVID-19 phải sa thải công nhân

RFA
2020.04.22
Công nhân Yesum Vina đình công. Công nhân Yesum Vina đình công.
nld.com.vn

Vào ngày 20 tháng tư vừa qua, gần 600 công nhân Công ty may mặc Yesum Vina, với 100% vốn từ Hàn Quốc trú đóng tại Quận Thủ Đức TP HCM, tiến hành đình công.

Chị Linh, công nhân dệt may làm tại công ty Yesum Vina đã được hơn 3 năm, cho RFA biết trước đó vẫn làm việc bình thường. Nhưng đến ngày 17 tháng 4, công ty thông báo sẽ ngừng hoạt động trong thời gian tới:

“Vào ngày 17 tháng 4, có thông báo nói công ty có khó khăn, ngừng hoạt động báo trước với công nhân. Với trường hợp không xác định thời hạn thì 30 ngày; còn xác định thời hạn thì 45 ngày và phát lương chi trả là 10 tháng 5 và 30 tháng 5, nhưng sổ bảo hiểm là tới 30 tháng 6. Công nhân muốn đòi bảo hiểm vào 30 tháng 5, chứ không chịu ngày 10 và 30 tháng 6. Đình công xong thì vô lại ngày 18/4; ngày 20/4 nói sẽ giải quyết vào ngày 5/5, nhưng không bồi thường cho công nhân cái gì cả.”

Chị Linh cho biết, hiện đơn hàng chị đang may ban đầu dự tính sẽ kéo dài đến tháng 8, tuy nhiên chị và các công nhân khác vẫn nằm trong danh sách bị chấm dứt hợp đồng sắp tới với lý do dịch bệnh, dù họ có thâm niên lâu năm trong công ty. Thay vào đó, các vị trí quản lý vẫn được giữ ở lại công ty:

“Họ nói là do dịch Covid-19 nên công ty khó khăn, nhưng tùy theo đơn hàng. Đơn hàng em đang may phải đến tháng 8 mới hết đơn hàng. Công ty em công nhân lâu năm nhiều lắm, có 17-18 năm nhiều lắm, kiểu như họ muốn tống công nhân cũ đi. Nghe nói cũng có ý định là từ 2-3 tháng nữa mở cửa lại bình thường; họ xin số điện thoại các tổ trưởng để có gì liên hệ vô làm, còn công nhân mình đi ra tay không. Bởi vậy công nhân mới tính đình công hoài đó chị.”

Bên trong xưởng may mặc của Yesum Vina.
Bên trong xưởng may mặc của Yesum Vina.
Courtesy of Linh

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam, cho RFA biết theo quy định của Điều 38 trong Bộ luật Lao động Việt Nam, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp bất khả kháng:

“Doanh nghiệp có quyền chấm dứt hợp đồng với người lao động khi bị ảnh hưởng dịch Covid-19, mặc dù họ đã tìm mọi biện pháp khắc phục để giảm, thu hẹp sản xuất và giảm chỗ làm việc. Nhưng trong luật lao động có quy định, nếu hợp đồng lao động không xác định thời hạn, phải báo trước cho người lao động ít nhất là 45 ngày; nếu hợp đồng xác định thời hạn, phải báo trước 30 ngày; đối với hợp đồng theo công việc nhất định, phải báo trước 3 ngày.”

Theo luật sư Hậu, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trong trường hợp dịch bệnh, người sử dụng lao động vẫn có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc của người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên—cứ mỗi năm làm việc, họ được nhận trợ cấp nửa tháng tiền lương:

“Thời gian làm việc để tính trợ cấp, hoặc tổng thời gian mà người lao động phải làm việc thực tế trừ đi thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc mà được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Một điểm nữa là tiền lương tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân trong hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.”

Theo chuyên gia may mặc và da giày Diệp Thành Kiệt, thay vì đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với người lao động, các doanh nghiệp đang được khuyến cáo sử dụng hình thức hoãn thời gian thực hiện hợp đồng lao động trong hoàn cảnh bất khả kháng, vì tình hình dịch bệnh rồi cũng qua, dù dài hay ngắn. Khi đại dịch đi qua và có đơn hàng trở lại, các doanh nghiệp vẫn có được nguồn lao động để tiếp tục hoạt động sản xuất của mình. Ông nhận định:

“Chúng ta nên xem đó là một động tác hợp tác với người lao động hơn là đẩy họ ra đường và vô một hoàn cảnh khó khăn. Cho nên nếu người chủ doanh nghiệp sử dụng lao động trong thời gian này sử dụng những biện pháp thiếu sự nhân văn, có thể chính sau này doanh nghiệp sẽ phải trả giá trên sự thiếu nhân văn đó. Theo thông tin chúng tôi nắm được qua nhiều đơn vị, hiện nay người lao động ở các doanh nghiệp rất chia sẻ và sẵn sang đề xuất chuyện giảm lương để doanh nghiệp giảm được chi phí hoạt động trong thời gian này.”

Chị Linh cũng cho biết, nhiều công nhân tại Yesum Vina sẵn sàng chịu tạm nghỉ không lương trong thời gian ngắn nếu công ty có gặp khó khăn, vì theo chị, trong mùa dịch bệnh sẽ rất khó tìm được công việc mới:

“Nhiều người có con nhỏ và gia đình khó khăn lắm chị. Trong mùa dịch này mà ra xin việc làm thì khó có công nhân nào tìm được công việc ổn định. Công nhân vẫn chịu dừng từ 1 đến 2 tháng không lương, nhưng công ty không chịu. Bên công nhân cũng đã đi hỏi luật sư, nhưng mà luật sư nói là phần đúng là công ty, mà (công nhân) chưa có đến Liên đoàn Lao Động gì cả vì chưa có khả năng lên đến đó.”

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết, tạm hoãn không có nghĩa là chấm dứt hợp đồng lao động, mà thay vào đó, các công nhân sẽ tạm nghỉ ở nhà và được hưởng trợ cấp của chính phủ trong thời gian đó cho đến khi họ đi làm trở lại, hợp đồng lao động được ký trước đó sẽ tiếp tục được thực thi theo quy định:

“Trong luật lao động có điều về tạm hoãn hợp đồng lao động, điều đó quy định ở Điều 32, tức là trong trường hợp người lao động ví dụ như co thai, người lao động bị tạm giữ, tạm giam, v.v, phía người lao động sẽ tạm hoãn hợp đồng lao động nào đó. Đối với người sử dụng lao động, khi hết thời hạn tạm hoãn, phải nhận người lao động trở lại làm việc và phải bố trí công việc theo hợp đồng ký kết. Trong trường hợp không bố trí đúng công việc, phải thỏa thuận công việc mới, phải sửa đổi hợp đồng lao động đó.”

Luật sư Hậu cũng thừa nhận rằng, đối với người lao động trong thời điểm hiện tại, khả năng tìm việc mới là rất khó nếu bị chấm đứt hợp đồng lao động. Đây là mối lo chính của họ.

Chính phủ Hà Nội có nghị quyết hỗ trợ cho những đối tượng bị tác động bởi dịch COVID-19 gây nên. Tuy vậy đến tuần thứ ba của tháng tư nhiều ý kiến phản ánh chưa hề nhận được khoản giúp đỡ nào từ ngân sách Nhà nước.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.