Liệu có thể cứu vãn được TPP?
2017.01.24
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt theo tiếng Anh là TPP, đã chính thức bị tân Tổng thống Donald Trump ký lệnh từ bỏ.
Gia Minh hỏi chuyện Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada, người theo dõi diễn biến của TPP lâu nay, về vấn đề liệu 11 nước tham gia còn lại có thể cứu vãn hiệp định này hay không? Trước hết Luật sư Vũ Đức Khanh cho biết thông tin mới nhất vào ngày 23/1 liên quan đến TPP.
Tình trạng hiện nay
LS Vũ Đức Khanh: Hôm nay theo thông báo của Tòa Bạch Ốc là Tổng thống Donald Trump ký hai sắc lệnh của tổng thống, trong đó có sắc lệnh chính thức tuyên bố Mỹ rút khỏi TPP; đồng thời tiến hành đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ- NAFTA.
Tuy nhiên tôi xin nhấn mạnh một điểm, cho dù Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh đó đi chăng nữa thì cũng chỉ mới với hình thức cho thấy ý của ông ta sẽ tiến hành làm điều đó, tức sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP.
Điều đó không có nghĩa là Quốc hội, các Phòng Thương mại của Mỹ trên thế giới sẽ không lên tiếng. Điều đó cũng không có nghĩa các lực lượng công đoàn không lên tiếng.
Nội trong ngày hôm nay, vào lúc 9 giờ sáng ông Donald Trump cũng gặp các cộng đồng kinh tế Mỹ để thông báo một số chính sách. Chiều nay, ông cũng gặp một số lãnh đạo của lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ và cả lãnh đạo công đoàn.
Do vậy nói như thế chỉ là tương đối về mặt chính trị mà thôi. Ông ấy mới nhậm chức được 3 ngày nên phải làm những gì mà ông ta hứa. Theo tôi đây là một động thái chính trị mà chúng ta không ngạc nhiên về vấn đề đó. Chúng ta có thời điểm 4/2/2018, là hạn chót thì đến lúc đó mới biết được.
Tôi nghĩ chuyến đi của ông Thủ tướng Nhật Bản Abe đến Tòa Bạch Ốc vào đầu tháng Hai sắp tới sẽ có chuyển biến tốt. Có quyết tâm của Nhật và Úc tiếp tục làm sống hiệp định này.
Tôi cũng khẳng định quyết tâm của chính phủ Canada của Thủ tướng Trustin Trudea nói TPP không phải chết hoàn toàn.
Chúng ta có thể lạc quan, hy vọng về TPP dù chỉ rất ít.
Gia Minh: Nhưng để giữ được TPP cần phải làm gì?
LS Vũ Đức Khanh: Quan trọng là sẽ có đàm phán. Riêng Canada và Mexico vừa nằm trong NAFTA vừa nằm trong TPP và họ bắt buộc phải thương lượng trở lại. Hai nước này sẽ cùng Nhật, Úc, Tân Tây Lan, Singapore sẽ tiếp tục tác động lên chính phủ Donald Trump trở lại bàn đàm phán.
Khi trở lại bàn đàm phán mới biết được Mỹ muốn gì, chính quyền Donald Trump muốn gì?
Vấn đề quan trọng là các quốc gia khác như Việt Nam, Úc, Nhật hay Canada phải có tác động lên chính trường nước Mỹ thông qua lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ yêu cầu những chính trị gia trong đó lên tiếng về vấn đề này (TPP).
Tôi chờ đợi ông McConnell và ông Paul Ryan lên tiếng về vấn đề này mới biết được thực sự người Mỹ muốn cái gì; còn bây giờ mới biết chính quyền Trump muốn thôi.
Việt Nam cần làm gì?
Gia Minh: Ông vừa nhắc đến Việt Nam là một trong 12 quốc gia ký TPP và được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP; nhưng vừa qua Việt Nam chờ thái độ của Mỹ. Vậy theo ông sắp đến đây Việt Nam sẽ thế nào trong phê chuẩn TPP?
LS Vũ Đức Khanh: Tôi nghĩ thái độ của chính phủ Việt Nam vào tháng 7 năm ngoái là đúng đắn nhưng đến kỳ họp vào tháng 11 bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói chờ sau bầu cử Mỹ mới họp về vấn đề đó.
Tôi thấy tiếc là Việt Nam không tận dụng được cơ hội để có thế trong đàm phán song phương và đàm phán đa phương. Nếu họ làm được như Nhật bản vào thời điểm đó thì họ có nhiều quyền lợi hơn.
Tuy nhiên qua thái độ của Hà Nội thấy họ cũng bị áp lực của Trung Quốc đè nặng.
Nếu TPP không thành công thì các nước phải chạy theo hiệp định của Trung Quốc gọi là Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực mà không có Mỹ. Đánh giá tình hình hiện nay, theo tôi Việt Nam nên khôn khéo trong đàm phán với Úc, Nhật và Singapore.
Chuyến đi Việt Nam của Nhật Hoàng sắp đến sẽ có những điều cụ thể và lúc đó chính phủ Hà Nội phải có những tác động về mặt lập pháp để lên tiếng về vấn đề TPP.
Nhưng với thái độ của chính phủ Hà Nội lúc này thì tôi không chờ đợi họ có quyết định nào trước tháng 9 năm nay. Về mặt chính trị họ có thể đưa ra bàn trong kỳ họp quốc hội đầu năm; nhưng rồi sẽ để sang kỳ họp quốc hội cuối năm- vào khoảng tháng 10 hay 11 năm 2017.
Lúc đó Hà Nội biết có nên thông qua hay không cho kịp hạn chót ngày 4/2/2018.
Gia Minh: Năm 2006 Việt Nam đã vào WTO và đến nay có hơn chục hiệp định thương mại tự do ký với các nước trên thế giới, thay đổi về mặt kinh tế qua những hiệp định như thế và thay đổi về mặt thể chế chính trị có tương ứng không?
LS Vũ Đức Khanh: Theo tôi nghĩ thành tựu lớn nhất là nền kinh tế của Việt Nam được phát triển, đời sống của người dân được khá hơn. Thứ hai hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu hơn tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội đi đến tự do hóa chính trị.
Trước đây khi thay đổi kinh tế thì Việt Nam nói mở ra một nền kinh tế nhiều thành phần, theo tôi đã đến lúc Việt Nam làm cuộc đổi mới về chính trị; tức chính trị đa thành phần như kinh tế đa thành phần; tạo cho các thành phần khác tham gia vào chính trường Việt Nam. Đó là cách mà chính phủ Việt Nam có thể làm được.
Tuy nhiên như chúng ta thấy, 30 năm qua tình trạng phát triển của Việt Nam không được đồng đều làm nảy sinh ra 3 vấn đề quan trọng:
Thứ nhất là nảy sinh tham nhũng tràn lan. Thứ hai quản lý kinh tế vĩ mô yếu kém gây nên lãng phí, thất thoát tài nguyên quốc gia dẫn đến phá hoại môi trường.
Và thứ ba trong tiến trình cải cách thể chế và thủ tục hành chính của Việt Nam quá chậm chạp không đáp ứng được động lực phát triển kinh tế của đất nước.
Gia Minh: Cám ơn Luật sư Vũ Đức Khanh.