Lao động trẻ em tại Việt Nam: Khoảng cách lớn giữa luật và thực tiễn!

Diễm Thi, RFA
2019.04.24
000_SAHK981019354690 Một bé trai lao động cùng cha tại thành phố Hồ Chí Minh.
AFP

Lao động trẻ em ở Việt Nam hiện vẫn là một vấn đề khiến nhà chức trách ‘đau đầu’ khi mà con số chính thức được đưa ra là có hơn 1,7 triệu trẻ em, trong đó hơn một phần ba phải làm việc trên 42 giờ một tuần.

Con số thống kê vừa nêu được đưa ra trong báo cáo Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 do Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổ Chức Lao Động Quốc tế (ILO) thực hiện.

Và trong số hơn 1,7 triệu lao động trẻ em có đến 85% là ở nông thôn.

Bà Võ Kim Hiền, chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu Dân số, Lao động - Việc làm, Viện Khoa học Lao động và Xã hội từng nhận định với RFA:

“Đối với các trẻ em sống trong gia đình nghèo thì việc trẻ em đi kiếm sống là một hiện tượng xã hội đã có từ rất lâu. Ở VN có hiện tượng trẻ em kiếm sống sớm thì các em đã bị bóc lột sức lao động, hoặc phải lao động nặng nhọc trong các điều kiện nguy hiểm, độc hại và thủ đoạn bóc lột ngày càng tinh vi hơn. Vấn đề là làm sao để trẻ em được chăm sóc sức khỏe, không thể để trẻ em phải làm việc trong các điều kiện nguy hiểm.”

Trong Luật trẻ em được Quốc Hội ban hành năm 2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2017, Điều 26 về Quyền của trẻ em quy định rõ “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.”

Trong những năm qua, ILO luôn luôn có những dự án để hỗ trợ kỹ thuật cho các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. - ILO Việt Nam

Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại Châu Á và thứ hai trên Thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em của Liên Hợp Quốc năm 1990. Việt Nam cũng là một trong những nước phê chuẩn các công ước của Tổ chức Lao Động Quốc tế (ILO).

Tháng 11 năm 2000, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Công ước số 182 về Các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (năm 1999) và trong năm 2003, Chính phủ cũng đã phê duyệt Công ước 138 về Tuổi làm việc tối thiểu (năm 1973).

Hôm 22 tháng 4 năm 2019, ILO Việt Nam đã giới thiệu khóa học online về “Xóa bỏ Lao động trẻ em” với phiên bản tiếng Việt trên trang mạng xã hội Facebook để mọi người có thể tiếp cận dễ dàng, để hiểu hơn về vấn đề lao động trẻ em. ILO là một tổ chức rất quan tâm đến số lượng lao động trẻ em những năm qua:

“Trong những năm qua, ILO luôn luôn có những dự án để hỗ trợ kỹ thuật cho các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Sau điều tra quốc gia lần thứ nhất về lao động trẻ em năm 2012 do ILO hỗ trợ,  vừa qua ILO tiếp tục hỗ trợ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Tổng cục thống kê thực hiện điều tra quốc gia lần hai về lao động trẻ em 2018. Hiện nay số liệu điều tra đang được phân tích và chúng tôi hy vọng vào cuối năm nay, kết quả điều tra được công bố sẽ cho thấy xu hướng chính xác và cập nhật nhất về lao động trẻ em tại Việt Nam.”

RFA liên lạc với chị Vũ Yến thuộc UNICEF VN để tìm hiểu vì sao số lượng trẻ em lao động mấy năm qua không giảm thì được chị trả lời:

“Cái đó phải hỏi bên Chính phủ mới biết được chứ bên này không có thẩm quyền đâu.”

Trong khi đó UNICEF được nói là tổ chức quốc tế đi đầu trong lĩnh vực thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em ở 190 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Hai bé gái lao động phụ mẹ tại một làng thuộc ngoại thành Hà Nội.
Hai bé gái lao động phụ mẹ tại một làng thuộc ngoại thành Hà Nội.
AFP

Phía Việt Nam cũng đã ban hành những điều luật với các biện pháp chế tài vi phạm. Ngoài ra còn có yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải cùng phối hợp bảo vệ trẻ em.

Cụ thể theo Luật trẻ em ban hành năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phải thành lập tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, điều hòa giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; phối hợp giữa các địa phương trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em, thực hiện quyền của trẻ em.

Tuy vậy trong lĩnh vực chế tài, bà Thùy Nga, cán bộ phòng Pháp chế, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh khẳng định với RFA:

“Cái sức răn đe, chế tài của pháp luật đối với những người vi phạm còn nhiều sơ hở và còn thiếu sự quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương. Nên việc những vụ việc vi phạm luật về trẻ em chưa được phát hiện kịp thời và không được xử lý nghiêm khắc.”

Luật sư Phạm Thùy Dung, trưởng văn phòng luật PHAMLAW ở Hà Nội cho RFA biết:

"Ở VN, độ tuổi 17 không được coi là trẻ em, mà đang trong độ tuổi vị thành niên (từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi). Tại Việt Nam “Vị thành niên là người chưa đến độ tuổi được pháp luật coi là đủ khả năng để sử dụng quyền, làm nghĩa vụ và chịu trách nhiệm”.

Trẻ em được hiểu là dưới 16 tuổi, Điều này được quy định trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (Điều 1) và một số văn bản pháp luật khác của Việt Nam (Bộ luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Lao động…).

Tại Việt Nam, sử dụng lao động dưới 17 tuổi không được coi là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, người sử dụng lao động chỉ được sử dụng lao động dưới 18 tuổi giới hạn trong một số công việc nhất định. Ví dụ: Không được sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của họ theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế Việt Nam ban hành."

Thực tế, các tổ chức bảo vệ quyền lợi trẻ em tại Việt Nam, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay còn yếu kém, chưa đủ tâm và tầm để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ vị thành niên và trẻ em VN hiện nay. - LS. Phạm Thùy Dung

Luật sư Phạm Thùy Dung đưa quan điểm của bà rằng đa số các em dưới 18 tuổi khi lao động là các gia đình nghèo khó, ít học. Gia đình cũng như bản thân các em không hiểu đến quyền lợi của mình khi tham gia các quan hệ lao động. Bởi vậy, khi quan hệ lao động bị xâm hại, họ không biết được quyền lợi được bảo vệ, không biết đến các tổ chức bảo vệ quyền lợi của mình để khởi kiện. Bà nói thêm:

“Thực tế, các tổ chức bảo vệ quyền lợi trẻ em tại Việt Nam, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay còn yếu kém, chưa đủ tâm và tầm để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ vị thành niên và trẻ em VN hiện nay.”

Theo Điều 164, Bộ luật Lao Động thì khi sử dụng lao động dưới 15 tuổi, người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao đồng bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật và phải được sự đồng ý của người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi; Giờ làm việc không được ảnh hưởng đến giờ học tại trường học của trẻ em; Bảo đảm điều kiện, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi.

Năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã có cam kết rằng đến năm 2016 Việt Nam sẽ xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, và đến 2020 sẽ xóa bỏ lao động trẻ em trong điều kiện nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và dần sẽ giảm thiểu lao động trẻ em tham gia hoạt động kinh tế.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.