Mua điện của Trung Quốc: lợi bất cập hại

RFA
2018.07.26
Thodien1-960.jpg Ảnh minh họa.
Photo courtesy of EVN

Bộ Công Thương vừa công bố báo cáo cho thấy Việt Nam bị đe dọa sẽ thiếu điện nghiêm trọng. Để giải quyết, một trong những giải pháp mà Bộ này đưa ra có việc sẽ tăng cường mua điện từ Trung Quốc.

Vấn đề lợi, hại ra sao khi tăng cường mua điện của Trung Quốc?

Theo Bộ công thương Việt Nam, trong quy hoạch điện giai đoạn từ nay đến năm 2025, các tỉnh phía nam Việt Nam bị đe dọa thiếu điện nghiêm trọng, nếu dự án đường dây 500 KV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2 để đưa điện từ miền bắc và miền trung vào miền nam không hoàn thành đúng thời gian dự kiến.

Cụ thể, dự kiến tổng công suất các nguồn điện trên toàn lãnh thổ có khả năng đưa vào vận hành từ năm 2018 đến năm 2020 chỉ đạt xấp xỉ bằng 60% khối lượng quy hoạch. Riêng các dự án điện mặt trời chỉ đạt khoảng 30%, trong tổng công suất dự kiến đến năm 2020.

Có bù đắp thiếu điện ở miền nam?

Một trong những biện pháp để giải quyết tình trạng thiếu hụt đó, ngoài việc cần nhanh chóng hoàn thành và đưa vào vận hành các công trình nguồn điện phía nam, theo Bộ Công Thương cần tăng cường nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực, đặc biệt tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc qua đường dây 220 KV Hà Khẩu – Lào Cai từ năm 2019 lên khoảng 1.000 MW và sản lượng mua tăng thêm 3,5 tỉ KWh mỗi năm.

Từ Hà Nội, Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam, hiện là Phó chủ tịch Hội điện lực Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2022, cho Đài Á Châu Tự Do biết thông tin liên quan vấn đề này:

Hiện ở miền nam là nơi tập trung rất nhiều các công suất công nghiệp hoạt động rất năng động, hiện nay đang thiếu điện. Vì vậy nếu mua điện của Trung Quốc thì phải tải điện qua đường dây 500kv vào miền nam để cung cấp và bảo đảm nguồn điện ở Việt Nam.
-TS Lê Đăng Doanh

“Điện là nó cân bằng từ miền bắc trải vào miền nam qua đường dây 500kv chủ yếu từ các nguồn của khu vực phía bắc. Khi mùa mưa đến có nhiều nước thì các đập thủy phát đầy đủ và tải điện vào miền nam. Nếu xảy ra tình trạng thiếu điện như vào mùa khô chẳng hạn, thì có thể mua thêm một ít từ phía Trung Quốc.”

Theo Giáo sư Trần Đình Long, việc mua điện của Trung Quốc là trong điều kiện bất khả kháng, không còn con đường nào khác nên phía Bộ công thương và Tập đoàn điện lực Việt Nam – EVN mới phải mua, ông cho biết thêm:

“Việc mua điện Trung Quốc về thì cũng chỉ đủ cung cấp cho một số khu vực gần biên giới phía bắc thôi, thế nên số lượng đó cũng hạn chế thôi và chắc họ cũng dự trù là thiếu đến đâu thì mua đến đấy thôi.”

Trước kế hoạch của Bộ công thương và EVN, nhiều chuyên gia lên tiếng cho rằng, có cần thiết phải mua điện từ Trung Quốc hay không khi lượng điện nhập về không giúp giảm bớt căng thẳng thiếu điện ở miền nam Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng đây là một giải pháp tình thế để bù đắp số điện thiếu hụt, do các công trình điện của Việt Nam chậm trễ so với yêu cầu của nền kinh tế. Tuy nhiên ông nói tiếp:

“Vấn đề đáng chú ý, là hiện ở miền nam là nơi tập trung rất nhiều các công suất công nghiệp hoạt động rất năng động, hiện nay đang thiếu điện. Vì vậy nếu mua điện của Trung Quốc thì phải tải điện qua đường dây 500kv vào miền nam để cung cấp và bảo đảm nguồn điện ở Việt Nam.”

Ngoài những lo ngại cho dù có mua điện của Trung Quốc cũng không bù đắp được lượng điện thiếu hụt, thì một số chuyên gia cũng lên tiếng cho rằng phương án mua điện từ một số nước, nhất là Trung Quốc có nguy cơ làm tăng giá điện tại Việt Nam.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Photo courtesy of EVN

Nhận định về vấn đề này, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, hiện sống tại  Oslo, Na Uy cho Đài Á Châu Tự Do biết ý kiến:

“Có một nguy cơ rất lớn nếu mình mua điện của Trung Quốc thì có thể mình sẽ bị họ ép để tăng giá trị hợp đồng trong tương lai. Nếu chúng ta nhìn lại những dự án mà Trung Quốc giúp Việt Nam theo kiểu viện trợ hay cho vay nợ chẳng hạn, ban đầu họ đưa ra giá rất là thấp, sau này các chi phí khác làm cho giá nó đội lên, làm cho chi phí để hoàn thiện dự án sẽ rất là lớn.”

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá, thì Tập đoàn EVN và Bộ công thương dự kiến mua điện của Trung Quốc sẽ làm tác động đến giá bán điện. Ông nói tiếp:

“Thực tế khi mua điện của Trung Quốc thì phải ký hợp đồng, thế thì dù anh có sử dụng toàn bộ công suất đã mua hay không thì anh đều phải thanh toán toàn bộ số tiền đó. Và khi mua điện của Trung Quốc thì chắc chắn nó làm cho giá điện trong nước tăng lên.”

Tuy nhiên Giáo sư Trần Đình Long cho biết theo kinh nghiệm của ông thì giá trung bình mua điện từ Trung Quốc cũng xấp xỉ với giá của các nhà máy điện ở Việt Nam sản xuất ra hoặc chỉ cao hơn chút ít. Và do lượng điện mua không nhiều, cho nên ông cho rằng về tổng thể, mua điện của Trung Quốc không làm tăng quá nhiều giá trung bình bán điện tại Việt Nam.

Tiềm ẩn nguy cơ an ninh quốc phòng?

Ngoài ra, theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh không nên mua điện quá nhiều từ phía Trung Quốc vì điện là hàng hóa nhạy cảm, không thể thiếu trong phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng. Khi có trục trặc, sẽ gây mất an toàn rất lớn. Ông giải thích thêm:

Nếu nhìn rộng ra thấy chúng ta đang bị họ kiểm soát cả về kinh tế và quân sự. Và nếu chúng ta phụ thuộc năng lượng nữa thì chắc chắn chúng ta sẽ bị họ kiểm soát năng lượng sớm hay muộn thôi.
-TS Nguyễn Huy Vũ

“Việc mua điện (của nước ngoài) cũng là việc nhiều nước trên thế giới đã làm. Chỉ có điều chúng ta phải bảo đảm số điện mua ấy không quá 8% nhu cầu điện, để trách cái việc mình quá phụ thuộc vào một nguồn cung cấp điện. Nếu vì lý do nào đó người ta không cung cấp nữa mà mình phụ thuộc quá 8% nhu cầu điện thì lúc bấy giờ mình sẽ gặp khó khăn trong việc bảo đảm nhu cầu về đời sống và sản xuất ở trong nước của mình.”

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cũng đưa ra cảnh báo:

“Thứ nhất chúng ta đang lệ thuộc Trung Quốc rất là nhiều về kinh tế. Thứ hai là ở biển đông chúng ta quan sát thấy họ đang kiểm soát về mặt quân sự. Cho nên nếu nhìn rộng ra thấy chúng ta đang bị họ kiểm soát cả về kinh tế và quân sự. Và nếu chúng ta phụ thuộc năng lượng nữa thì chắc chắn chúng ta sẽ bị họ kiểm soát năng lượng sớm hay muộn thôi.”

Trái lại, Giáo sư Trần Đình Long lại cho rằng, mua điện của Trung Quốc sẽ không làm ảnh hưởng gì lớn đến an ninh của hệ thống điện Việt Nam:

“Cái lưới điện ở những nơi mua điện của Trung Quốc thì họ tách ra, họ nối vào lưới điện Trung Quốc mà không nối vào lưới điện mà có nguồn của Việt Nam, cái phần điện mua này so với toàn bộ sản lượng điện của Việt Nam là không cao. Cho nên về mặt an ninh, nếu ví dụ xảy ra trục trặc nào đó chẳng hạn và cái nguồn cung của Trung Quốc không có nữa thì nó cũng chỉ gây thiếu điện cục bộ, chứ không làm ảnh hưởng gì lớn đến an ninh của hệ thống điện Việt Nam.”

Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, kinh tế Việt Nam đã phụ thuộc vào Trung Quốc rất nhiều, nay lại mua điện thì sẽ làm tăng sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Ông cho rằng, chính phủ Việt Nam cần phát triển thêm điện mặt trời, điện gió và các loại năng lượng tái tạo khác.

Tuy nhiên ông cũng cảnh báo, việc xây dựng các dự án điện vừa nêu phải được đấu thầu công khai minh bạch, nhằm tránh việc quá nhiều dự án đầu tư điện rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc, dẫn đến những hệ quả khó lường.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

TRAN DINH TUS
20/03/2023 08:25

Nha Nuoc cungx nen tranh thu lay them y kien chuyen gia ve van de "Phat trien dien nang'