TQ đưa máy bay chiến đấu tuần tra vùng xác định phòng không

RFA 29.11.2013
035_20120911_35808-622.jpg Máy bay ném bom JH-7 của quân đội Trung Quốc trong một lần bay huấn luyện chiến đấu, ảnh chụp hôm 04 tháng 9 năm 2012.
AFP

 

Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc đã dùng máy bay chiến đấu để tuần tra vùng xác định phòng không tức không phận mà chính phủ Bắc Kinh mới đơn phương thành lập ở vùng biển Hoa Đông.

Trong bản tin phổ biến sáng nay, Tân Hoa Xã cho biết sự kiện này đã diễn ra ngày hôm qua với nhiều chiến đấu cơ và một máy bay thám thính của Hoa Lục thực hiện những chuyến bay để tuần tra không phận ở Hoa Đông.

Bản tin cũng trích dẫn lời phát ngôn viên quận đội Trung Quốc là ông Thân Tiến Khoa, nói rằng đây là lần đầu tiên máy bay của Trung Quốc xuất hiện trên không phận ở Hoa Đông, đồng thời nói thêm không quân Hoa Lục sẽ thường xuyên làm điều này cũng như thi hành những biện pháp đối phó cần thiết để bảo vệ vùng trời của họ.

Việc làm của Trung Quốc tức khắc được những nhà quan sát coi là sẽ tạo thêm căng thẳng về ngoại giao cũng như quân sự với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn, là 3 quốc gia đã lên tiếng nói không công nhận không phận mà Trung Quốc tự ý áp đặt, đồng thời cũng đã đưa chiến đấu cơ bay ngang qua vùng trời đó mà không tuân theo những quy định Trung Quốc đặt ra.

Sáng nay, ông Yoshihide Suga, Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng Nhật Bản nói với báo chí rằng để bảo vệ chủ quyền biển đảo, máy bay của quân đội Nhật sẽ tiếp tục hoạt động ở khu vực mà Trung Quốc tự nhận là không phận của họ.

Ông Suga cũng nhắc lại rằng việc Trung Quốc đơn phương quy định những luật lệ buộc tất cả các phi cơ bay vào vùng trời này phải thuân theo là hành động muốn dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng trong khu vực.

Bản đồ vùng xác định phòng không tức không phận mà chính phủ Bắc Kinh mới đơn phương thành lập ở vùng biển Hoa Đông. AFP PHOTO.
Bản đồ vùng xác định phòng không tức không phận mà chính phủ Bắc Kinh mới đơn phương thành lập ở vùng biển Hoa Đông. AFP PHOTO.

Vùng không phận mới do Trung Quốc đặt ra bao gồm vùng quần đảo Senkaku, tức Điếu Ngư mà Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản, và đảo Ieodo mà Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền với Nam Hàn.

Trước những căng thẳng đang xảy ra ở Đông Á, viên chức ngoại giao cao cấp nhất của EU là bà Catherine Ashton đã lên tiếng nói rằng những chuyện đang xảy ra đã tạo thêm căng thẳng.

Trong thông cáo phổ biến sáng nay, bà Ashton cũng nói rằng EU kêu gọi tất cả các quốc gia liên hệ phải thật thận trọng và biết tự chế.

Phản ứng từ Bắc Kinh là phát biểu của phát ngôn ngôn viên Tần Cương, nói rằng EU có quyền lập vùng không phạn thì Bắc Kinh cũng có quyền làm điều tương tự.

Tại Washington, một phát ngôn viên của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ từ chối bình luận về tin Trung Quốc đưa chiến đấu cơ tuần tra và bảo vệ không phận họ mới tự thành lập, nhưng nói rằng Hoa Kỳ và các nước đồng minh sẽ tiếp tục sử dụng vùng trời đó như đã từng sử dụng trước đây, xem đó là không phận quốc tế, không thuộc sở hữu của bất kỳ quốc gia nào.

Vào ngày Chủ Nhật tới đây Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Joseph Biden sẽ lên đường đến thăm Châu Á, ghé qua 3 cường quốc Á Châu là Trung Quốc, Nam Hàn và Nhật Bản.

Thứ Tư vừa rồi, một viên chức cao cấp của Nhà Trắng cho hay khi có mặt tại Bắc Kinh, Phó Tổng Thống Biden sẽ trình bày quan điểm của Hoa Kỳ và đồng minh về vùng xác định phòng không mà Trung Quốc mới tự thiết lập, nêu thắc mắc của Washington đối với quyết định của Bắc Kinh và kêu gọi chính phủ Hoa Lục không nên có những hành động gây thêm khó khăn cho quan hệ với các quốc gia láng giềng Đông Á, cũng như tái khẳng định điều Hoa Kỳ từng nói là khu vực đó thuộc không phận quốc tế.

Viên chức yêu cầu không nêu tên này cũng nói rằng tất cả những cam kết mà Hoa Kỳ đã ký với 2 đồng minh chiến lược Nam Hàn và Nhật Bản  sẽ được thi hành nghiêm chỉnh, tức Hoa Kỳ sẽ giúp bảo vệ không phận, hải phận và lãnh thổ cho 2 quốc gia này.

Một điểm cũng được chú ý đến là sáng hôm nay, bài bình luận của tờ Hoàn Câu Thời Báo xuất bản ở Bắc Kinh lại lên tiếng ca ngợi thái độ bình tĩnh của chính phủ Trung Quốc trước những hành động gây hấn, ám chỉ việc Hoa Kỳ, Nam Hàn và Nhật Bản đã đưa máy bay quân sự vào vùng không phận mới của Hoa Lục.

Bài bình luận này còn nói rằng Trung Quốc sẽ không xem Hoa Kỳ là mục tiêu nếu phía Mỹ không đi quá xa, nhưng cảnh báo sẽ áp dụng những biện pháp cứng rắn đối với Nhật Bản nếu Tokyo tiếp tục đưa máy bay quân sự vào không phận của Hoa Lục mà không tuân theo những quy định do Trung Quốc đặt ra.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.