Giá cà-phê xuất khẩu giảm mạnh, nông dân điêu đứng

Khủng hoảng tài chánh toàn cầu khiến giá cà phê xuất khẩu giảm nghiêm trọng. Ngành cà phê gặp khó khăn làm cho nông dân trồng cà phê cũng khốn đốn.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2009.01.28

Liên tục rớt giá

coffee200.jpgNiên vụ cà phê 2008-2009 vào vụ từ tháng 10 vừa qua với một đợt mất giá nghiêm trọng trên thị trường xuất khẩu. Vào tháng 2/2008 cà phê vối tức robusta của Việt Nam đạt mức giá 2.520 USD/ tấn, đến tháng 9 giá xuống còn 2.000 USD/tấn nhưng đến tháng 11 vừa qua đã chỉ bán được 1.480 USD/tấn.

Giá cả xuất khẩu ảnh hưởng mạnh tới giá cà phê nhân trên thị trường nội địa. Nếu đầu năm 2008 ngừơi trồng cà phê có lúc bán được hơn 40 ngàn đồng/kg thì nay họ chỉ bán được 25 ngàn/kg.

Một người trồng cà phê từ thời đi kinh tế mới ở Lâm Đồng tới nay mô tả hoàn cảnh của ông:

“Hiện tại vẫn giữ giá 25 ngàn một kí. Năm nay một phần thì thất thu, một phần thì giá quá hạ. Năm vừa rồi gía phân quá cao, người trồng cà phê đã bỏ xuống đó hết rồi, giá cà phê mà như thế này ngừơi ta lỗ chết.

Năm nay một phần thì thất thu, một phần thì giá quá hạ. Năm vừa rồi gía phân quá cao, người trồng cà phê đã bỏ xuống đó hết rồi, giá cà phê mà như thế này ngừơi ta lỗ chết.

Người trồng cà-phê ở Lâm Đồng

Đại đa số đều bị lỗ vì tiền phân quá cao, tiền công cũng tăng nữa. Số thu hoạch cà phê của tôi năm nay ít quá thành ra trả nợ tiền phân, tiền công, nợ ngoài nữa bị âm 4 triệu đồng.” 

Ảnh hưởng suy thoái

Suy thoái kinh tế ở các thị trường nhập khẩu cà phê quan trọng như Bắc Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản khiến cho giá cả sụt giảm mạnh. Với mức giá dứơi 1.500 USD/tấn nếu kéo dài, thì có thể dự báo kim ngạch xuất khẩu cà phê năm 2009 sẽ phải giảm 30% tới 40% so với năm 2008.

Năm ngoái với lượng xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn, nhưng nhờ giá cao nên trị giá xuất khẩu lên tới 2 tỷ đô la còn dư số lẻ. Niên vụ 2008-2009 này các dự báo đều u ám do tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu.

Ông Đoàn Triệu Nhạn nguyên chủ tịch Hiệp Hội Cà Phê Việt Nam, một chuyên gia dày kinh nghiệm trong ngành nhận định:

“Chúng tôi có khi được mùa được giá nhưng cũng có khi không tiêu thụ được. Tiêu thụ cà phê là vấn đề rất lớn, chúng tôi đang chăm lo vấn đề mở rộng thị trường. Nông dân mà không bán được tất nhiên người ta chán.

CoffeeFarmer200.jpgCó điều thế này di bất biến ứng vạn biến ngừơi xưa đã nói tức là lấy một cái gì không đổi để mà đối phó lại với tình hình diễn biến liên tục. Chúng tôi không chủ động đẩy cao sản lượng và không mở rộng diện tích, dù thế nào chăng nữa cũng giữ ổn định đây là điều thứ nhất.


Thứ hai một cái bất biến nữa đó là chúng tôi chỉ có con đường nâng cao chất lượng. Kế sách của chúng tôi là như thế, tôi cho là trên thế giới đối với cà phê vối thì cà phê Việt Nam vẫn được ưa chuộng.”     

Từ trước đến giờ chỉ có một cái sổ đỏ vì mình nợ ngân hàng nên nó kẹt ở trong đó. Vay ngoài với lãi suất 4% một tháng cũng phải chịu thôi. Mình cố gắng thu xếp để vay ít tháng thôi, chứ đầu vụ mà vay phải chịu lãi cả năm.

Một nông dân trồng cà-phê

Nông dân điêu đứng

Nông sản trong đó có cà phê đem về những tỷ, tỷ đô la trong báo cáo của chính phủ. Bên cạnh những con số đầy hoa mỹ đó, ít ai chú ý tới việc nhiều nông dân trồng lúa, trồng cà phê đã khó khăn như thế nào trong cuộc sống.

Những người trồng cà phê từng cầm cố đất từ thời khủng hoảng giá năm 2001, cho tới nay vẫn không trả được nợ cho ngân hàng. Vì thế họ phải vay tiền ở thị trường đen để tiếp tục canh tác. Một ngừơi trong cuộc tâm sự:

“Từ trứơc đến giờ chỉ có một cái sổ đỏ vì mình nợ ngân hàng nên nó kẹt ở trong đó. Vay ngoài với lãi suất 4% một tháng cũng phải chịu thôi. Mình cố gắng thu xếp để vay ít tháng thôi, chứ đầu vụ mà vay phải chịu lãi cả năm.”

Ngành cà phê đang có những cải tiến như cải thiện chất lượng, lập chợ đầu mối, mở sàn giao dịch ở Ban Mê Thuột. Hoặc xa hơn như dự án đầu tư dài hạn sử dụng hơn 32 ngàn tỷ đồng để phát triển bền vững.

Nhưng có lẽ còn nhiều vụ cà phê nữa, nông dân trồng cà phê đã bị khoá sổ đỏ, sẽ vẫn phải vay lãi cắt cổ lãi 4 phân một tháng, nếu muốn tiếp tục đổ mồ hôi với rẫy cà phê và bươn chải với cuộc sống.


Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.