Có một "mái nhà chung" cho người Việt tại Pháp?

Tường An. thông tín viên RFA
2017.01.23
050_ONLY_0155900.jpg Một nhà hàng Việt Nam tại Pháp.
AFP photo

Hội nghị Tổng kết năm 2016 tại Trung Tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đã đánh giá Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp ở quận 13, Paris là "một ngôi nhà chung ấm áp của Cộng đồng người Việt tại Pháp".

Người Việt tại Pháp nghĩ gì?

Trung tâm văn hóa Việt Nam là một cơ sở sinh hoạt của tòa đại sứ cộng sản việt nam dành để thực hiện một số sinh hoạt do tòa đại sứ và các tổ chức trực thuộc tòa đại sứ. Chữ "ngôi nhà chung ấm áp" mà Hội nghị Tổng kết năm 2016 tại Trung Tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đã dùng để gọi cho trung tâm này gợi lên một hình ảnh thân thiết, gần gủi, nơi hội tụ của những người Việt tại Pháp. Nhưng thật sự có phải đó là mái nhà của mọi người ? ông Nguyễn Quốc Nam, một sinh viên du học từ thập niên 60 cho biết :

Từ 30 năm tôi sống tại Paris này, tôi không biết là ngôi nhà đó có nữa !

Chị Hương Liên, một thuyền nhân tị nạn Cộng sản cũng chưa hề nghe nói đến cơ sở này :

Họ nói là cái ngôi nhà chung mà cộng đồng người Việt tị nạn chúng tôi chưa bao giờ được biết.

Ngôi nhà ấy, có thật sự ấm áp như đánh giá của các đại biểu trong Hội nghị tổng kết 2016 không ? ông Nguyễn Sơn Hà, Tổng Thư Ký, văn phòng Liên Lạc tại Pháp đặt câu hỏi:

Từ 30 năm tôi sống tại Paris này, tôi không biết là ngôi nhà đó có nữa!
- Ông Nguyễn Quốc Nam

Có văn hóa chung hay không ? và có ấm áp hay không ?  chúng ta đều biết văn hóa của cộng sản Việt Nam chỉ là một cái văn hóa giữa kẻ mạnh và kẻ yếu, một cái văn hóa giữa thống trị và bị trị, cái văn hóa của sự cướp đoạt, tham nhũng cho đến cái văn hóa xã hội suy đồi, một cái văn hóa giáo dục xây dựng con người việt nam trở thành như thế nào thì ai cũng thấy rõ.

Theo ông Nguyễn Quốc Nam, thành viên Ban Điều Hợp Câu Lạc Bộ phối Hợp Công tác Paris, thì Trung tâm này thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền hơn là phổ biến văn hóa :

Khi người Cộng sản nói văn hóa thì mình phải hiểu ngay là "văn hóa vận". Đó là đường lối tuyên truyền cho sách lược của chính phủ. Nền văn hóa Việt Nam trong nước mới là công việc của họ, ngoài này chỉ là mặt ngoài để đánh bóng chế độ mà thôi chứ hoàn toàn không có gì dính líu đến văn hóa thật sự. Tôi nghĩ rằng nhà văn hóa ở Paris này chỉ để tuyên truyền và đánh bóng cho chế độ.

Văn hóa vận là một trong những công cụ để thực hiện nghị quyết trung ương 36 của Hà Nội tại những thành phố có người Việt cư ngụ ở hải ngoại. Năm 2016, đại sứ Việt Nam đã tổ chức những buổi triển lãm về Hoàng Sa, Trường Sa, sinh nhật Hồ Chí Minh, quốc khánh 2/9 v.v.. Đặc biệt gần đây nhất là buổi trình diễn những nhạc phẩm cách mạng với áo thun mang cờ đỏ sao vàng đã bị phản ứng kịch liệt của cộng đồng tị nạn Cộng sản tại Pháp. Có mặt trong buổi biểu tình đó, ông Sơn Hà cho rằng Hà nội chỉ lợi dụng mục tiêu nhân đạo để tuyên truyền cho chế độ :

Vừa qua, trung tâm văn hóa này có tổ chức một buổi gây quỹ cứu trợ miền Trung, nhưng cứu trợ thì lại miễn phí cho thấy mục tiêu này nó không rõ ràng, chỉ là tuyên truyền chứ không phải thương dân đang bị lũ lụt.

Trung tâm văn hóa Việt Nam là một cơ sở sinh hoạt của một số người Việt, được đặt tại số 19, đường Albert, khu Á châu, quận 13. Tại Hội nghị tổng kết, đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn cho biết sẽ nâng cấp Trung tâm này để hợp tác chặt chẻ hơn với đại sứ quán, đưa Trung tâm văn hóa thành một ngôi nhà văn hóa chung của cộng đồng người Việt tại Pháp. Chữ "cộng đồng người Việt tại Pháp" ở đây có đại diện cho tất cả người Việt đang sinh sống trên nước Pháp hay không, chị Hương Liên nói:

Họ muốn gom chung lại hết, họ muốn xóa nhòa lằn ranh mà mình luôn luôn muốn giữ.

Hai cộng đồng người Việt ở Pháp

Pháp có khoảng 300.000 người Việt đang sinh sống. Sinh viên du học ở Pháp có khoảng 6000 người. Vẫn còn một khoảng cách khá rõ rệt giữa những người Việt tị nạn Cộng sản và những người Việt thân với chế độ Hà Nội, du sinh. Ông Nguyễn Thái Sơn, chủ tịch Hội những quốc gia nói tiếng Pháp tại Paris( Interface Francophone Paris) nhận xét :

Tết Việt Nam thì cũng có hai cái Tết: một cái Tết phía bên tòa đại sứ, tức là phía bên nhà nước hoj làm, rồi có cái Tết của Cộng đồng, tức là của bên Tổng Hội Sinh viên Việt Nam tại Paris, nhiều cái Tết khác, thành ra mình thấy xã hội dân sự của người Việt Nam Tự do không ăn nhập gì đến nhà nước Việt Nam.

Quan điểm chính trị khác nhau đã tạo thành hai cộng đồng khác nhau. Hai thành phần này hầu như không có một sinh hoạt chung. Ông Nguyễn Quốc Nam nói:

Nhóm du sinh thì họ phải đóng khuôn vì họ rất sợ. Tất cả những sinh hoạt của tòa đại sứ tổ chức thì các sinh viên đến phải tham dự, thứ hai là sinh viên du học trước 1975, trong thời gian về nước họ không  sống được thì họ chạy trở ngược về đây và họ là những người gọi là "đại diện" cho cộng đồng người Việt ở tại đây chứ hoàn toàn không ….anh chị em chúng tôi sinh hoạt ở đây hoàn toàn không nghe nói đến sinh hoạt của tòa nhà đó.

Sinh viên Việt Nam tham dự một hội chợ giáo dục đại học Pháp tại Hà Nội hôm 9/10/2016.
Sinh viên Việt Nam tham dự một hội chợ giáo dục đại học Pháp tại Hà Nội hôm 9/10/2016.
AFP photo

Để có thể kêu gọi những người Việt du học trước ngày 30/4/1975 hoặc người Việt tị nạn trở về hợp tác. Ngày 26/3/2004. Bộ chính trị Việt Nam đã ký Nghị quyết Trung ương số 36, dùng văn hóa vận để xâm nhập vào cộng đồng Người Việt ở nước ngoài hầu chiêu phục thành phần này dùng chất xám, tiềm năng tài chánh sẵn có của họ để xây dựng đất nước. Nghị quyết 36 này đã gây rất nhiều tranh cãi cũng như ngộ nhận giữa những người Việt ở hải ngoại, và trong một chừng mực nào đó, có thể gọi là thành công trong việc chia rẽ cộng đồng hải ngoại như ông Sơn Hà ghi nhận:

Ở hải ngoại họ không thực hiện đoàn kết mà họ luôn luôn đánh phá, gây chia rẽ cộng đồng người Việt chúng ta. Họ bỏ ra rất là nhiều tiền, họ mướn dư luận viên đánh phá, gây chia rẽ, Thật ra, họ có ít nhiều thành công trong vấn đề đó.

Và lý do, theo ông Nguyễn Quốc Nam là:

Với những phương tiện tiền rừng bạc biển họ tung ra, chỗ nào có mật thì có ruồi, thì chắc chắn có một số người bị thuyết phục vì chắc chắn họ có quyền lợi trong đó.

Đánh giá về thành quả của nghị quyết 36, Ông Đặng Thế Hùng, phó chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) cho rằng "Nghị quyết đã đạt được những thành quả quan trọng, tạo cơ sở nề tảng cho giai đoạn tiếp theo…thể hiện được tinh thần NVNONN là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam". Nhưng theo chị Hương Liên đó là một đánh giá sai sự thật vì:

Mình đã có một nền văn hóa của chế độ Việt Nam Cộng hòa rồi thành không thể có một cái gì có thể làm lung lạc con người của mình hết, thành tôi nghĩ họ không thành công.

Ông Nguyễn Quốc Nam cũng khẳng định:

Họ không bao giờ và sẽ không bao giờ được khối người Việt ti nan chấp nhận họ.

Tuy nhiên, cũng không coi thường chính sách "mưa dầm thấm đất" và những ngộ nhận gây nên bởi nghị quyết này, chị Hương Liên cảnh giác :

Họ chưa thành công, nhưng mà mình cũng bị âm mưu phá rối của nghị quyết 36, 33 gì đó của họ phá rối. Mình chống chính quyền Cộng sản mà chung quanh mình có người nào có ý tưởng khác mình một tí là lại chụp lên đầu người ta cái mũ Cộng sản thì đó là điều rất đáng buổn. Mình phải sáng suốt để đừng bao giờ bị vô trong cái bẩy đó thì mình mới có tinh thần đoàn kết với nhau, tôi nghĩ như vậy.

Đi hay về?

Một mặt Hà Nội kêu gọi người Việt trở về xây dựng đất nước, một mặt nhiều thành phần đại gia, con ông cháu cha ra nước ngoài đi học, đầu tư chất xám và cơ sở ở nước ngoài. Về nghịch lý này, ông Nguyễn Sơn Hà đặt câu hỏi:

Những Việt kiều thường hay nhẹ dạ đầu tư về Việt Nam, trong khi đó đầu tư quốc tế cũng đang từ từ tháo chạy mà tại sao kêu gọi về đầu tư xây dựng Việt Nam?
- Ông Nguyễn Sơn Hà

Những Việt kiều thường hay nhẹ dạ đầu tư về Việt Nam, trong khi đó đầu tư quốc tế cũng đang từ từ tháo chạy mà tại sao kêu gọi về đầu tư xây dựng Việt Nam?

Tại sao hàng ngàn cán bộ cao cấp họ đã bỏ nước, họ đang chuyển tiền, đang tẩu tán những tài sản của họ tháo chạy ra hải ngoại, không những vậy con em họ đang xin vào quốc tịch.

Do những giai đoạn lịch sử khác nhau, cộng đồng người Việt tại Pháp được cấu thành khá phức tạp : lính thợ, hồi hương, thành phần du học từ thập niên 50-60, đoàn tụ gia đình, thuyền nhân, du sinh v.v… Xóa đi lằn ranh giữa các thành phần này là một điều không dễ, kêu gọi hòa hợp hòa giải giữa những người bỏ nước ra đi do bất đồng quan điểm chính trị trở về xây dựng đất nước trong khi sự khác biệt đó vẫn còn tồn tại lại là một chuyện không tưởng. Để đi đến một thực thể hợp nhất giữa những người Việt trong và ngoài nước cần phải có nỗ lực từ hai phía mà sự thay đổi thế chế chính trị tại Việt Nam là một điều kiện tiên quyết, đó là một thể chế dân chủ, tam quyền phân lập như những nước tự do khác trên thế giới như kết luận của ông Nguyễn Thái Sơn :

Muốn như vậy thì họ phải theo cái mondel (mẫu) của các nước Dân chủ Tự do tiên tiến. Nhà nước phải pháp trị, nhà nước không phải là của một đảng nào, hoặc tôn giáo nào hoặc một cơ quan nào hết, nhà nước phải là của toàn dân như là các nước Dân chủ Tự do trên toàn thế giới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.