Khách hàng của Ngân hàng Nhà nước lại trở thành dân oan

Hoà Ái, phóng viên RFA
2014.01.02
nh-nn-ptnt-305.jpg Khách hàng đến Ngân hàng NN và PTNT VN-Chi nhánh Tân Lập tại TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk trả tiền thì ngân hàng không trả sổ đỏ báo là đang bị thất lạc.
Screen capture

Nghe bài này

Ngày càng có nhiều dân oan lên tiếng họ là nạn nhân của các ngân hàng ở VN. Hôm nay, Hòa Ái có bài tìm hiểu nguyên nhân vì sao qua trường hợp điển hình của 8 gia đình và doanh nghiệp ở TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk bị đẩy tới tình trạng “vườn không nhà trống” khi họ là khách hàng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam-Chi nhánh Tân Lập trong phần sau.

Ngân hàng làm mất sổ đỏ thế chấp của khách hàng?

Vụ việc xảy ra ở Ngân hàng NN&PTNT VN-Chi nhánh Tân Lập tại TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk khi 8 khách hàng gồm gia đình và doanh nghiệp thế chấp Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng Đất (gọi tắt là sổ đỏ) để vay tín dụng trong thời gian cuối năm 2009 đầu năm 2010. Thế nhưng khi đến thời điểm đáo hạn hợp đồng, 8 khách hàng đến trả tiền vay thì Ngân hàng từ chối không thu vì các sổ đỏ thế chấp của họ đã bị thất lạc do nhân viên của ngân hàng mang ra ngoài cầm cố để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 8 khách hàng không nhận được bất kỳ chứng từ hay biên nhận nào của ngân hàng khi từ chối không thu tiền trả cho các hợp đồng vay tín dụng. Sự việc tiếp diễn với các thông báo nộp tiền gốc và lãi lũy kế của ngân hàng đối với 8 khách khách hàng này.

Khi đến thời điểm đáo hạn hợp đồng, 8 khách hàng đến trả tiền vay thì Ngân hàng từ chối không thu vì các sổ đỏ thế chấp của họ đã bị thất lạc do nhân viên của ngân hàng mang ra ngoài cầm cố để lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Vụ việc không chỉ dừng lại ở mức đôi co giữa khách hàng và ngân hàng. Trong thời gian tranh chấp kéo dài cho đến nay, Ngân hàng NN VN-Chi nhánh Đăk Lăk gửi cho cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Đăk Lăk về việc “Giám định hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng Chi nhánh Tân Lập” quyết định khách hàng không phải trả tiền lãi do ngân hàng Chi nhánh Tân Lập vi phạm hợp đồng. Và cũng trong thời gian này, 8 khách hàng tiến hành chuyển nhượng nhà và đất cho người khác nhưng cuối cùng nhiều người trong số họ bán hết tài sản của gia đình, thậm chí phải đi vay ngoài với lãi suất cao để bồi thường tiền phạt cọc do quá hạn thực hiện hợp đồng chuyển nhượng vì không có sổ đỏ.

Doanh nghiệp Tư nhân Thương mại Vận tải Hoàng Anh, 1 trong 8 khách hàng làm đơn khởi kiện Ngân hàng NN&PTNT VN-Chi nhánh Tân Lập. Phiên tòa ngày 25/9/2013 kết thúc với quyết định tuyên bác đơn khởi kiện của doanh nghiệp Hoàng Anh và phải đóng 36 triệu đồng tiền án phí trong khi thực tế doanh nghiệp này bị thiệt hại số tiền gần 2 tỷ đồng do ngân hàng vi phạm hợp đồng. Lý giải cho kết quả phiên tòa, luật sư Nguyễn Thanh Lương, thuộc Đoàn luật sư Bến Tre cho biết:

“Trong vấn đề này thì ngân hàng có lỗi. Hai là không trả sổ được cho họ thì người dân lấy cớ đó mà không nộp tiền đáo hạn. Đúng ra thì phải có sự can thiệp của cơ quan quản lý cấp trên của ngân hàng hoặc của chính quyền địa phương. Vì không thấy sự can thiệp nào nên người dân phản ứng theo bản năng là không nộp tiền. Nếu việc không nộp tiền khi đáo hạn thì dẫn đến người dân cũng có lỗi. Dù ngân hàng có lỗi thì đó là lỗi về hành chánh, về mặt quản lý văn bản giấy tờ. Còn người dân thì sẽ có lỗi về vi phạm hợp đồng, trách nhiệm dân sự. Trong trường hợp này theo quan điểm của tôi là phải đề cao trách nhiệm can thiệp của cơ quan lãnh đạo, hoặc ngân hàng cấp trên hoặc của chính quyền ủy ban nhân dân tỉnh cùng cấp phải can thiệp vào việc này”.

Trong vấn đề này thì ngân hàng có lỗi. Hai là không trả sổ được cho họ thì người dân lấy cớ đó mà không nộp tiền đáo hạn. Đúng ra thì phải có sự can thiệp của cơ quan quản lý cấp trên của ngân hàng hoặc của chính quyền địa phương. Vì không thấy sự can thiệp nào nên người dân phản ứng theo bản năng là không nộp tiền

LS Nguyễn Thanh Lương

“Con kiến mà kiện củ khoai”

Trao đổi với đài RFA, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia TP.HCM, chia sẻ theo quy định của pháp luật thì khách hàng nên nộp tiền, thậm chí nộp cả số tiền gốc và lãi cho ngân hàng thì khi đó mới thắng được khi đi khởi kiện.

Trụ sở Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Đắk Lắk - Đắk Nông. noichinh.vn
Trụ sở Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Đắk Lắk - Đắk Nông. noichinh.vn
noichinh.vn

Trong video người dân gửi về đài cho thấy sau khi thua kiện, 3 khách hàng đến Ngân hàng NN&PTNT VN-Chi nhánh Tân Lập vào ngày 27/9/13 để trả tiền và đòi lại sổ đỏ nhưng nhân viên của ngân hàng đều lánh mặt. Khách hàng bực tức lớn tiếng ngay tại ngân hàng

“Đây tiền đầy đủ đây. Bảo thu vào nhưng lại bảo không có sổ”.

“Biểu nhân viên tiền lãi là tính hết mà sổ lại không chịu đưa ra. Không đưa ra thì phải có cách giải quyết nhanh lẹ cho người ta chứ đã chờ đợi 4 năm trời rồi”.

“Người ta đã mất tiền, mất nhà rồi mà lại bảo cứ nộp tiền vào”.

Và ông Nam, Giám đốc mới của Ngân hàng lúng túng khi phải đối diện với sự tức giận của 3 vị khách hàng:

“Người đó là gì của ông, có phải là cán bộ của ông không?

Theo lý thuyết thì tròn nhưng thực tế thiệt hại của người dân thì không thể nào bù đắp được, không thể nào đánh đổi được, để thống kê được hết. Nói cho cùng thì người dân cuối cùng cũng là người bị thiệt hại. Đó là điều bất công. Đó cũng là điều mà pháp luật cần phải điều chỉnh

Luật sư Nguyễn Thanh Lương

-Thì việc đó là…’ấy’ nhưng em là người mới vừa tiếp nhận…Em đã xem và xin xử lý đây”.

Theo quy định của luật pháp thì khách hàng cứ nộp tiền rồi cầm biên nhận để làm bằng chứng khởi kiện ngân hàng nhưng với những số tiền quá lớn thì không khách hàng nào có thể làm theo quy định này. Họ không có lòng tin vào những thiệt hại của mình sẽ được bù đắp vì “con kiến mà kiện củ khoai” thì chỉ thiệt thân. Luật sư Nguyễn Thanh Lương nêu lên ý kiến của ông:

Theo lý thuyết thì tròn nhưng thực tế thiệt hại của người dân thì không thể nào bù đắp được, không thể nào đánh đổi được, để thống kê được hết. Nói cho cùng thì người dân cuối cùng cũng là người bị thiệt hại. Đó là điều bất công. Đó cũng là điều mà pháp luật cần phải điều chỉnh để đảm bảo kịp thời cho người dân được công bằng. Đối với ngân hàng phải chịu trách nhiệm về việc mất sổ khiến người dân không khai thác được. Ngân hàng có thể liên thông với chính quyền địa phương để cấp sổ lại, gọi là cấp phó bản. Vấn đề là trách nhiệm của ban quản lý Nhà nước, phải tạo điều kiện cho ngân hàng hợp tác với nhau để cấp sổ khác cho người dân. Điều này thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương”.

Trong nhiều năm trở lại đây, ngày càng có nhiều giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng do các hợp đồng giao dịch ngày càng thuận tiện và dễ dàng hơn. Chẳng hạn như một người cần tiền chữa bệnh thì có thể đến ngân hàng thế chấp sổ đỏ để vay tín dụng với mức lãi suất tương đối. Tuy nhiên khi tới đáo hạn mà không trả được thì bị tính toán lũy tiến cả số tiền vay gốc và lãi. Theo số liệu trên giấy tờ thì ngân hàng tính nợ, tính lãi khách hàng rất dễ dàng còn người dân là khách hàng chứng minh những thiệt hại thì lại rất khó khăn một khi ngân hàng vi phạm hợp đồng như trường hợp của 8 gia đình và doanh nghiệp ở Đăk lăk.

Theo đề nghị của Luật sư Nguyễn Thanh Lương thì việc cấp lại phó bản sổ đỏ qua sự kếp hợp giữa ngân hàng và cơ quan có thẩm quyền ở địa phương không phải là việc quá khó khăn. Bao giờ đề nghị này sẽ được Nhà nước xem xét thì không mấy ai đoán được nhưng 8 gia đình và doanh nghiệp ở Đăk Lăk đang sống trong tình trạng có nhà mà như không sẽ trở thành “dân oan” trong một ngày gần nhất là điều trước mắt.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.