Lãnh đạo mới của Đà Nẵng, người làm vừa lòng mọi người

Kính Hòa RFA
2017.10.12
truong_quang_nghia.jpg Ông Trương Quang Nghĩa bị chỉ trích khi còn là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, 2016-2017.
Ảnh chụp màn hình.

Sau khi lãnh đạo cao cấp nhất của thành phố Đà Nẵng là ông Nguyễn Xuân Anh bị kỷ luật, bị cách chức, Trung ương đảng cộng sản Việt Nam điều về thành phố quan trọng này của Việt Nam ở miền Trung, ông Trương Quang Nghĩa, đương kim Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, làm Bí thư thành ủy, vị trí quyền lực cao nhất của một thành phố.

Một thành tích mờ nhạt

Tin ông Trương Quang Nghĩa về phụ trách thành phố Đà Nẵng trên cương vị Bí thư thành ủy được những nhà quan sát ở Đà Nẵng đón nhận khá lạnh nhạt. Ông Trương Duy Nhất, một nhà báo độc lập, nói với hãng tin BBC rằng trong tình hình hiện nay thì nhân vật nào được điều về thành phố này thì cũng giống nhau.

Một nhà báo khác là ông Huỳnh Ngọc Chênh, cũng ở Đà Nẵng, đánh giá không cao ông Trương Quang Nghĩa:

“Ông ấy làm bên Bộ Giao thông thì thấy không hay lắm. Làm thế nào chưa biết mà thấy ăn nói hơi linh tinh. Ổng có những phát biểu không hay, ví dụ như ông ấy nói hàng không lấy hết khách của đường sắt, thì đường sắt ế, rồi bênh vực cho BOT, rồi vụ sân golf, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì không mở rộng về phía Bắc để tránh né sân golf.”

Ông Nghĩa phụ trách Bộ Giao thông vận tải trong khoảng thời gian chỉ hơn một năm, thay cho ông Đinh La Thăng về làm Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Cuối năm 2016 ông nói rằng ngành hàng không Việt Nam phát triển với giá rẻ là không tốt vì lấy hết khách của ngành đường sắt làm cho ngành này không phát triển. Phát biểu này bị nhiều người chỉ trích là không tôn trọng kinh tế thị trường.

Trước ổng làm phó bí thư ở đây rồi, mà chẳng thể hiện gì hết, chưa có dấu ấn nào đóng góp cho Đà Nẵng hết, ngoài cái chuyện ổng là người lớn tuổi, biết làm vừa lòng mọi người.
-Ông Huỳnh Ngọc Chênh.

Ngày 8, tháng Sáu, 2017, ông nói rằng việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc là không khả thi, giữa lúc dư luận đang quan tâm đến việc những nhóm lợi ích làm chủ sân golf phía Bắc sân bay đang thao túng đất công cộng gây cản trở cho việc phát triển.

Ngày 15, tháng Tám, 2017, ông lên tiếng bênh vực cho các dự án xây dựng chuyển giao (BOT) trong ngành giao thông, sau khi các tạm thu phí của các dự án này bị dân chúng phản đối từ Nam ra Bắc.

Một người khác tại Đà Nẵng là ông Trần Văn Lĩnh, nguyên Ủy viên Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, tuy không nêu lên những phát biểu gây chỉ trích trên kia của ông Nghĩa, nhưng cũng có nhận xét là mặc dù làm tròn nhiệm vụ nhưng không có gì đặc biệt:

Anh Nghĩa có hai năm làm phó bí thư của Đà Nẵng, nhưng mà thời đó anh Bá Thanh ảnh nổi quá, nên không thấy cái bóng dáng của anh Nghĩa. Thậm chí có nhiều người cũng không biết anh Nghĩa từng làm phó bí thư Đà Nẵng. Cái thứ hai nữa là khi ảnh qua làm đảng ủy khối công nghiệp, thì mình cũng chẳng biết, vì thực ra nó chỉ là công tác đảng thôi, chẳng để lại thành quả cụ thể nào.”

Tương lai của một người làm hài lòng mọi người

Tuy vậy ông Lĩnh nói thêm là thành tích trong quá khứ chỉ là một điều kiện để được bổ nhiệm thôi, điều quan trọng là tương lai sắp tới ông Nghĩa có làm được gì hay không, ông nói tiếp:

“Tuy nhiên trong cái thời kỳ mà kinh tế trời ơi đất hỡi như hiện nay, thì cái việc ảnh giữ cho mình trong sáng, không có vấn đề gì, rồi giữ được hai nhiệm kỳ trong trung ương đảng, thì cũng có thể nói đây là một người chín chắn, biết giữ mình tuy là chưa có cái gì đột phá.”

Nói về tương lai của thành phố Đà Nẵng và tân Bí thư Thành ủy, ông Huỳnh Ngọc Chênh không thấy sẽ có điều gì mới:

“Trước ổng làm phó bí thư ở đây rồi, mà chẳng thể hiện gì hết, chưa có dấu ấn nào đóng góp cho Đà Nẵng hết, ngoài cái chuyện ổng là người lớn tuổi, biết làm vừa lòng mọi người, chứ còn nghĩ rằng ổng làm cái chi được cho Đà Nẵng thì chắc chả làm được cái gì.”

Nhận định của ông Chênh rằng ông Nghĩa là một người làm vừa lòng mọi người cũng là điều khá phổ biến trên mạng xã hội sau khi có tin ông Nghĩa được điều về Đà Nẵng, với lo ngại rằng sự thỏa hiệp sẽ không tạo được đột phá cho Đà Nẵng, cũng như sẽ không thể đấu tranh được với các nhóm lợi ích để giữ gìn khu rừng Sơn Trà, không cho nó biến thành các khu nhà cao cấp của giới giàu có.

Đây là một cơ hội cho ảnh, nếu ảnh làm mạnh mẽ... thì có thể ảnh sẽ được trung ương đảng giữ lại một nhiệm kỳ nữa, cấu tạo vào Ban bí thư, Bộ chính trị.
-Ông Trần Văn Lĩnh.

Ông Trần Văn Lĩnh lại cho rằng việc được bổ nhiệm về Đà Nẵng là một cơ hội cho ông Trương Quang Nghĩa:

“Năm nay anh ấy 58 tuổi, nếu anh ấy cứ mờ nhạt thì sẽ về hưu vào năm 60, cho nên đây là một cơ hội cho ảnh, nếu ảnh làm mạnh mẽ thì có thể là từ một trong bốn thành phố lớn của trung ương, ảnh làm mạnh mẽ, làm cho Đà Nẵng khắc phục những nhược điểm do những người cũ để lại, phát huy những thành quả của họ, làm cho Đà Nẵng nổi bật lên, thì có thể ảnh sẽ được trung ương đảng giữ lại một nhiệm kỳ nữa, cấu tạo vào Ban bí thư, Bộ chính trị.”

Bốn thành phố lớn mà ông Trần Văn Lĩnh đề cập là Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, và Đà Nẵng thường được xem là nơi bắt đầu con đường thăng tiến của nhiều nhà lãnh đạo chính trị Việt Nam hiện nay.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.