Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Pháp, một chuyến đi không có gì

Kính Hòa - RFA
2018.03.27
Mr_Trong_Le_Monde.jpg Hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và bài viết của ông đăng trên trang quảng cáo của tờ Le Monde. 3/2018.
Courtesy of Ảnh chụp màn hình.

Thương mại và nhân quyền

Có hai lý do được các nhà phân tích trong và ngoài nước đưa ra để chứng minh rằng đối với Chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng tới Pháp là rất quan trọng, đó là thương mại và nhân quyền.

Trước chuyến đi 3 ngày, nhà báo Phạm Chí Dũng từ Sài Gòn nói với đài RFA:

Mục đích lớn nhất của ông Nguyễn Phú Trọng trong đợt đi Châu Âu kỳ này là sớm thông qua hiệp định thương mại tự do Việt Nam Châu Âu trong năm 2018.
-Nhà báo Phạm Chí Dũng.

“Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017, chính thể Việt Nam hiện nay phải xuất tướng, dùng người cao nhất trong đảng đi Châu Âu. Tôi cho rằng mục đích lớn nhất của ông Nguyễn Phú Trọng trong đợt đi Châu Âu kỳ này là sớm thông qua hiệp định thương mại tự do Việt Nam Châu Âu trong năm 2018.”

Cộng đồng Châu Âu là một thị trường lớn thứ hai của hàng xuất khẩu Việt Nam, sau nước Mỹ. Nhưng từ khi Mỹ có chính quyền mới từ năm 2017, Việt Nam gặp khó khăn vì chính sách bảo hộ mậu dịch, đánh thuế lên các mặt hàng của Việt Nam như thép, nhôm, và gần đây nhất là cá ba sa, với quyết định của Bộ Thương mại Mỹ tăng thuế lên đến hơn 100%.

Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, Việt Nam đã tổ chức đến ba phái đoàn đi Châu Âu để cố gắng thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do với thị trường này. Đó là những chuyến thăm cấp nhà nước của bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội đi Hungary, Cộng hòa Séc, và Thụy Điển vào tháng 4/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm Bỉ, Slovakia, Thụy sĩ vào tháng 9/2017. Ngoài ra còn có chuyến thăm nước Đức của ông Hoàng Bình Quân, Trưởng Ban đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 7/2017.

Tuy nhiên ông Phạm Chí Dũng cho rằng các chuyến đi này đều không đạt được kết quả mong muốn:

“Nhưng tất cả ba chuyến đi của các vị này đều nhận được những lời xã giao và hứa hẹn rất chung chung, mà không có một cam kết nào từ các nước, các quốc hội ở Châu Âu ủng hộ Việt Nam đề nghị Châu Âu sớm thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam Châu Âu, và kết quả là cho tới gần đây, hiệp định này vẫn giẫm chân tại chỗ, mặc dù đã hoàn tất đàm phán từ cuối năm 2015.”

Ông Nguyễn Gia Kiểng, đứng đầu tổ chức Tập hợp Dân chủ Đa nguyên tại Pháp, đấu tranh cho một nước Việt Nam đa đảng, cũng đồng ý với ông Phạm Chí Dũng về tầm quan trọng của thị trường Châu Âu đối với Việt Nam, một quốc gia lệ thuộc rất nhiều vào ngoại thương.

Ngoài lý do về kinh tế, ông Nguyễn Gia Kiểng còn nêu lên vấn đề hình ảnh của Việt Nam trong chuyến đi lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

“Điều rất quan trọng hiện nay là quan hệ giữa Việt Nam và Châu Âu rất xuống cấp. Hình ảnh của Việt Nam tại Câu Âu rất xuống cấp sau khi Việt Nam làm một hành động mà tới bây giờ không ai có thể tưởng tượng ra là đi bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ngay thủ đô của một quốc gia cột trụ của Châu Âu. Cho nên Việt Nam cũng có nhu cầu sửa sang lại hình ảnh của Việt Nam.”

Ông Trịnh Xuân Thanh là một quan chức bị cáo buộc tham nhũng của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, trốn sang Đức xin tị nạn vào năm 2016. Tháng 7/2017 ông được cho là đã bị phía Việt Nam tổ chức bắt cóc trên đất Đức để đưa về nước. Cho tới nay Chính phủ Việt Nam không chính thức công nhận hay phủ nhận hành động này, nhưng phía Đức đã trưng ra nhiều bằng chứng cho việc này và đình chỉ những quan hệ đối tác chiến lược đối với Việt Nam.

Đừng quên rằng nước Pháp và Liên hiệp Châu Âu cũng có thể có những đầu cầu khác. Nhất là Việt Nam với tình trạng nhân quyền tồi tệ như vậy, thì cũng không xứng đáng để cho người ta làm đầu cầu.
-Ông Nguyễn Gia Kiểng.

Ngoài ra ông Nguyễn Gia Kiểng còn cho rằng hình ảnh Việt Nam xấu đi trong mắt người Châu Âu vì sự đàn áp nhân quyền trong nước, nhất là ông nhấn mạnh đến hai phiên tòa xử hai người phụ nữ hoạt động xã hội có hai con nhỏ là bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 10 năm tù, bà Trần Thị Nga 9 năm tù, những bản án mà ông Nguyễn Gia Kiểng nói rằng với những tiêu chuẩn nhân quyền của Cộng đồng châu Âu là những bản án dã man.

Ông Nguyễn Phú Trọng được đón tiếp như thế nào

Hai ngày trước khi ông Nguyễn Phú Trọng đến Paris, ông Nguyễn Gia Kiểng cho chúng tôi biết quan sát của ông ở Pháp:

Có thể nói là báo chí Pháp không có một tờ nào, viết một chữ nào về việc ông Nguyễn Phú Trọng chính thức tới thăm nước Pháp. Chỉ có một tờ thôi, đó là tờ Humanité của Đảng Cộng sản Pháp, mà cũng chỉ viết có vài dòng.”

Ngày 26/3/2018, trang tin điện tử của Đài tiếng nói Việt Nam đưa ra một bài viết nói là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về quan hệ Việt Pháp đăng trên báo Le Monde, một trong những tờ báo lớn nhất của nước Pháp.

Chúng tôi đã vào trang của tờ Le Monde nhưng không hề thấy bài viết này.

Ngày 27/3/2018, một tác giả của trang Diễn Đàn của một số trí thức Việt Nam tại Pháp cho biết rằng bài viết của Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam được đăng trên một tờ quảng cáo của tờ báo Le Monde, và cho biết để được quảng cáo thì phải trả một số tiền là 151 ngàn Euro, tức tương đương 4 tỉ đồng tiền Việt Nam.

Điều khá đặc biệt là những tờ báo lớn của Chính phủ Việt Nam cũng không đăng tải nhiều về chuyến đi Pháp của ông Tổng Bí thư. Trang điện tử của Đài tiếng nói Việt Nam thì có đăng một số ảnh về hoạt động của ông Nguyễn Phú Trọng tại Pháp, trong đó có một số quan chức Quốc hội Pháp đón ông.

Trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Paris, cho đến cuối ngày 27/3 không có tin tức và hình ảnh nào của ông Trọng tại Pháp.

Bình luận về những câu chuyện có thể được diễn ra mà không công bố trong chuyến đi này, ông Nguyễn Gia Kiểng nói:

“Tôi nghĩ rằng cũng chỉ là dịp để chính quyền Pháp làm phát ngôn viên của chính quyền Đức, nước có trọng lượng lớn nhất và có nhiều điều để nói nhất đối với Việt Nam. Mà Đức đã từ chối tiếp các quan chức Việt Nam rồi, nên những gì cần nói thì Pháp sẽ nói. Và những lời nói đó sẽ là những lời khiển trách, hơn là những lời khuyến khích, và đây có thể là dịp để ông Nguyễn Phú Trọng cam kết lại là sẽ cải tổ, cải tiến về mặt nhân quyền. Không nên chờ đợi một quyết định ngoạn mục cụ thể nào trong chuyến đi này.”

Trả lời chúng tôi câu hỏi là liệu ông Nguyễn Phú Trọng có trong tay những lá bài nào thuận lợi cho Việt Nam trong quan hệ với Pháp và Châu Âu trong chuyến đi lần này hay không, Ông Nguyễn Gia Kiểng nói:

Liên hiệp Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng cần có một sự hiện diện (ở Đông Nam Á) và Việt Nam có thể làm một đầu cầu, nhưng đừng quên rằng nước Pháp và Liên hiệp Châu Âu cũng có thể có những đầu cầu khác. Nhất là Việt Nam với tình trạng nhân quyền tồi tệ như vậy, thì cũng không xứng đáng để cho người ta làm đầu cầu.”

Vào ngày 12/3/2018 một chiến hạm của Pháp ghé Manila, Philippines, trong một chuyến thăm mà các quan chức Pháp nói rằng để thúc đẩy sự hợp tác an ninh giữa Pháp, và Cộng đồng Châu Âu với vùng Châu Á Thái Bình Dương. Chiến hạm này đã không thăm Việt Nam, láng giềng của Philippines và là một quốc gia có gắn bó về văn hóa và lịch sử lâu đời với Pháp.

Ông Phạm Chí Dũng so sánh chuyến đi lần này của ông Nguyễn Phú Trọng với chuyến thăm Pháp của nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu sang Paris vào năm 2000:

Thế là lực của Việt Nam hiện nay đã yếu đi nhiều, so với thời điểm ông Lê Khả Phiêu đi Pháp cách đây mười mấy năm. Việt Nam không còn nhiều thế và lực để trả treo với phương Tây mà đang ở thế cầu cạnh phương Tây về đủ thứ.”

Ông Nguyễn Gia Kiểng thì cho rằng chuyến đi của ông Phiêu đến Pháp cách đây 18 năm được Pháp và Châu Âu đánh giá cao hơn chuyến đi của ông Trọng, vì rằng ông Lê Khả Phiêu thực sự mong muốn có sự thay đổi khi trước đó ông đã gặp gỡ một số nhà hoạt động bất đồng chính kiến tại Việt Nam một cách trọng thị. Ông Nguyễn Gia Kiểng nói tiếp rằng lẽ ra với dân số gần 100 triệu dân, và có một địa thế chiến lược quan trọng, Việt Nam hiện nay đáng ra phải được nước Pháp, cũng như Châu Âu và phương Tây trọng thị hơn, và lỗi đó là nằm ở phía Việt Nam đã không làm cho người khác kính trọng mình.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.