‘Dân là gốc' - bài học chưa hề được áp dụng?
2024.05.31
Ban Dân vận Trung ương hôm 30/5/2024 đã có buổi làm việc với Trung ương Đoàn để khảo sát việc thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”. Đồng thời cơ quan này cũng nhấn mạnh vấn đề phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc...
Xem ‘Dân là gốc', 'Dân là trung tâm' … ngày nay có còn được đảng viên, đoàn viên và cán bộ thực hiện? Một người dân không muốn nêu tên vì lý do an toàn ở miền Trung Việt Nam, hôm 31/5/2024 khi trả lời RFA nhận định:
“Nhà triết học Nho giáo Trung Quốc Mạnh Tử (372-289 trước công nguyên) từng nói: "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh" (dân quý hơn hết, lãnh thổ thứ nhì, vua là nhẹ). Nguyễn Trãi (1380-1442) là anh hùng giải phóng dân tộc của VN cũng từng khẳng định: "Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, sức dân như nước"! Chủ tịch HCM cũng từng nói: "Tất cả đường lối, phương châm, chính sách của Đảng đều không ngoài mục đích phụng sự Tổ quốc và Nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân"!
Như vậy, từ ngàn xưa cũng như hiện tại, các triết gia, nhà văn hóa, chính trị gia cũng đều khẳng định "dân là gốc", có nghĩa là bài học "dân là gốc" không phải mới mẻ, bây giờ mới có.”
Đảng cộng sản nói lấy dân làm gốc, nhưng quyền lực chính trị thì nằm trong tay đảng, thì có khác gì vua chúa ngày xưa, đều là những lời tuyên truyền mị dân.
-Ông Trần Anh Quân
Rất tiếc theo vị này, là thời gian qua có nhiều cán bộ, quan chức nhà nước đã không thuộc bài học này, mặc dù các lớp học chính trị tại Học viện chính trị-quốc gia HCM đều dạy. Ông nói tiếp:
“Vì vậy, nhiều chính sách mà nhà nước đưa ra không phù hợp lợi ích của dân, thậm chí các chính sách đó chỉ có lợi cho "lợi ích nhóm", nhất là trong lĩnh vực liên quan đến đất đai. Bên cạnh đó, không ít cán bộ có thái độ hành xử với dân không đúng mực, không xem "mỗi cán bộ là đầy tớ phục vụ nhân dân" nên đã gây mất lòng dân mà mất lòng dân thì đến một lúc nào đó sẽ mất chế độ.”
Theo người dân này, nhận rõ điều đó nên Ban Dân vận Trung ương mới khảo sát thực hiện bài học "Dân là gốc", "Dân là trung tâm"! Như trên đã nói, vấn đề này không mới, bài học xưa nay thì cũng đã có rồi, có điều là cán bộ, đảng viên, các đoàn thể của nhà nước có thực hiện được hay không và muốn thực hiện thì cần đưa ra giải pháp như thế nào? Ông này cho rằng nên đưa ra giải pháp thực hiện, chứ không cần khảo sát gì nữa, khi mà bài học "Dân là gốc" đã có sẵn từ lâu!
Đồng quan điểm, ông Trần Anh Quân, một người trẻ hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 31/5/2024 khi trao đổi với RFA cho biết, từ xưa đến nay các nước Á Đông đều tuyên truyền với người dân về vấn đề lấy dân làm gốc, đây là quan điểm nho giáo tử hàng ngàn năm nay chứ không phải mới đây. Nhưng nói lấy dân làm gốc nhưng chính những nước đó lại theo chế độ quân chủ, độc tài. Ông Quân nói tiếp:
“Thời phong kiến, vị vua nào cũng nói lấy dân làm gốc, nhưng vua mới là lãnh đạo tối cao của đất nước. Bây giờ cũng vậy, Đảng Cộng sản nói lấy dân làm gốc, nhưng quyền lực chính trị thì nằm trong tay đảng, thì có khác gì vua chúa ngày xưa, đều là những lời tuyên truyền mị dân. Hoặc một ý khác, họ nói dân là gốc thì đảng ở trên nóc, trên ngọn, cái gốc cái rễ phải có nhiệm vụ hút nước hút chất dinh dưỡng nuôi cái ngọn. Thời đại này phải để dân là chủ, thì mới gọi là nước dân chủ được. Nhưng dưới những lời lẽ hoa mỹ của người cộng sản thì cho dù họ nhận họ là đầy tớ, dân là chủ thì cũng chỉ là trên giấy, trên tivi. Còn trên thực tế thì chẳng có người đầy tớ nào dám hành hạ chủ nhân như đảng cộng sản như vậy.”
Bởi vậy, theo ông Trần Anh Quân, không thể tin những gì Đảng Cộng sản tuyên truyền, mà phải nhìn vào những gì họ làm thì mới thấy được bộ mặt giả tạo, gian trá và lưu manh của họ.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 ghi rõ: “Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”... Nhưng thực tế cho thấy, người dân không hề biết và cũng không có quyền gì trong việc lựa chọn người lãnh đạo đất nước, kể cả việc tham gia giám sát quyền lực nhà nước.
Nhiều chính sách mà nhà nước đưa ra không phù hợp lợi ích của dân, thậm chí các chính sách đó chỉ có lợi cho "lợi ích nhóm", nhất là trong lĩnh vực liên quan đến đất đai.
-Một người dân
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, người có hơn 30 năm tuổi đảng, đã từ bỏ Đảng vào năm 2016, khi trao đổi với RFA liên quan vấn đề này trước đây từng cho rằng:
“Những điều ghi trong Hiến pháp thì người ta (chính quyền) ghi cho vui mà thôi, chứ người ta làm là theo ý của người ta chứ. Người ta ghi một đằng, nhưng họ làm lại là một nẻo chứ họ có làm theo Hiến pháp thế đâu. Làm gì mà có chuyện người dân làm chủ, dân đâu có biết gì. Dân mà làm chủ thì phải thông qua các tổ chức của mình chứ? Nhưng mà các tổ chức ấy lại đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng thì thôi chứ còn làm chủ gì nữa? Chứ làm gì có chuyện dân làm chủ.”
Theo Giáo sư Cống, hiện nay Đảng CSVN coi dân chúng là bức bình phong trong việc sử dụng quyền lực, điều đó là chính xác và là thực tế. Cũng bởi vì dân Việt Nam đang bị lừa dối và mê hoặc nhiều quá, người ta không hiểu rõ được. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này, là do nhà nước đã vô hiệu hóa quyền được lên tiếng của người dân.
Lợi ích quốc gia - dân tộc là vấn đề tối hệ trọng của mỗi quốc gia trong chính sách phát triển và bảo vệ đất nước. Còn nhân dân có thể hiểu là tập hợp đông đảo những người dân thuộc mọi giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội, tôn giáo... đang sống trong một khu vực địa lý nhất định, chẳng hạn như ‘nhân dân Việt Nam’.