VTV vi phạm pháp luật về bản tin “người bán hàng rong sống ký sinh trùng”?

RFA
2020.08.19
Hangrong Ảnh minh họa. Một xe bán bánh mì dạo.
RFA

VTV chính thức xin lỗi

Trước làn sóng phẫn nộ và chỉ trích gay gắt của dư luận đối với bản tin của VTV về những người bán hàng rong trong dịch COVID-19, được phát sóng vào ngày 17/8, cư dân mạng tại Việt Nam cho rằng biên tập viên Anh Quang đã lên tiếng xin lỗi qua tài khỏan Facebook cá nhân, có tên “Wang Phố Cổ”.

Trên dòng trạng thái, được đăng tải trong cùng ngày 17/8, Wang Phố Cổ xưng tôi và xác nhận đã “đọc nhịu một câu dẫn khiến khán giả xem truyền hình bị hiểu sai nội dung muốn truyền tải, gây ra những sự phản cảm không đáng có’. Người xin lỗi còn khẳng định “Đây hoàn toàn là sai sót của cá nhân tôi trong quá trình truyền tải thông tin tới khán giả. Trong khi nội dung của phóng sự là góc nhìn chia sẻ, đồng cảm với những người bán hàng rong vất vả mưu sinh, chứ không có bất kỳ một ý coi thường nào”.

Đài RFA ghi nhận lời xin lỗi vừa nêu lại gặp phải cơn bão phản đối mạnh mẽ hơn của dư luận xã hội. Rất nhiều người qua các kênh truyền thông đã yêu cầu Đài VTV cần phải xin lỗi những người bán hàng rong mà đã bị gọi là “sống ký sinh trùng” trong bản tin do biên tập viên Anh Quang loan đi trong ngày 17/8.

Biên tập viên Thu Hương thay mặt Đài VTV, vào ngày 19/8 chính thức trên sóng truyền hình, xin lỗi những người bán hàng rong vì “lỗi tác nghiệp nghiêm trọng”. Lời xin lỗi của biên tập viên Thu Hương tương tự ngôn từ được đăng tải trên Facebook Wang Phố Cổ. Chúng tôi xin được lược trích nguyên văn:

“Do sơ suất trong quá trình biên tập và lên sóng trực tiếp, biên tập viên dẫn chương trình của chúng tôi đã sử dụng từ ngữ không phù hợp và ngoài ý muốn khiến khán giả hiểu sai nội dung muốn truyền tải, trong khi toàn bộ phóng sự là góc nhìn chia sẻ và cảm thông với những gánh hàng rong đang phải vật lộn mưu sinh thời COVID-19".

Phản ứng của dư luận

Mặc dù vậy, có những ý kiến của giới trong nghề truyền thông tại Việt Nam cho rằng lời xin lỗi này của VTV không được chấp nhận.

Blogger Đỗ Ngà, qua một bài viết, cho rằng vụ việc này của VTV không phải là một tai nạn theo như lời xin lỗi, mà là một tư tưởng mang tính hệ thống vốn có của những người Cộng sản.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, từ Sài Gòn vào tối ngày 19/8 giải thích với RFA vì sao ông cho rằng VTV đã ngụy biện:

Với tư cách tôi cũng làm ở Đài Truyền hình TP.HCM, tức là một đồng nghiệp của họ thì tôi cam đoan 100% tất cả những gì đã được đọc lên như vậy đều đã qua kiểm duyệt hết. Tôi khẳng định rằng không bao giờ có chuyện nói lầm, nói lẫn gì ở đây cả. Bởi vì đây không phải là một cuộc tọa đàm, không phải là một cuộc phỏng vấn mà đây là một bản tin nên không thể nào có sự nhầm lẫn xảy ra như vậy được. Nội dung được duyệt hết và duyệt kỹ từng con chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy. Tôi có thể khẳng định điều đó với tư cách tôi làm việc ở Đài Truyền hình TP.HCM trên 20 năm
-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già

“Với tư cách tôi cũng làm ở Đài Truyền hình TP.HCM, tức là một đồng nghiệp của họ thì tôi cam đoan 100% tất cả những gì đã được đọc lên như vậy đều đã qua kiểm duyệt hết. Tôi khẳng định rằng không bao giờ có chuyện nói lầm, nói lẫn gì ở đây cả. Bởi vì đây không phải là một cuộc tọa đàm, không phải là một cuộc phỏng vấn mà đây là một bản tin nên không thể nào có sự nhầm lẫn xảy ra như vậy được. Nội dung được duyệt hết và duyệt kỹ từng con chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy. Tôi có thể khẳng định điều đó với tư cách tôi làm việc ở Đài Truyền hình TP.HCM trên 20 năm.”

Ông Nguyễn Ngọc Già cho biết quy trình chịu trách nhiệm về một bản tin trong đài truyền hình là một tập thể bao gồm cả ban biên tập và phó giám đốc phụ trách về nội dung. Do đó, nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng với nội dung bản tin gọi những người bán hàng rong là “sống ký sinh” hay “sống ký sinh trùng” đều phải do ban biên tập, phó giám đốc phụ trách về nội dung và tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, ông Trần Bình Minh, phải chịu trách nhiệm.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nêu lên những trách nhiệm mà tập thể Đài VTV phải đối diện:

“Việc phát ngôn của VTV đối với những người bán hàng rong, họ gọi là ký sinh trùng sống bám vào vỉa hè, thì về mặt đạo lý làm người, tôi cho là hạ nhục đồng bào, mà đặc biệt đây là những người đồng bào rất nghèo khổ. Thứ hai, về đạo đức nghề nghiệp thì họ đã phản bội lại độc giả, khán giả. Về mặt đảng viên thì họ vi phạm đạo đức đảng viên và họ vi phạm cả về Nghị quyết Trung ương của Đảng về nói và làm trái với đường lối, cương lĩnh của Đảng.

Về mặt luật pháp, họ đã phạm vào Khoản B, Mục 1, Điều 116, tội ‘Phá hoại chính sách đoàn kết’ và họ vi phạm vào Khoản B, Mục 1, Điều 117, tội ‘Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước CHXNCH Việt Nam’.”

Ảnh minh họa. Một người bán hàng rong trên đường phố Hà Nội.
Ảnh minh họa. Một người bán hàng rong trên đường phố Hà Nội.
AFP
Những người bán hàng rong nói gì?

Đài RFA, vào ngày 19/8 tiếp xúc với một số người bán hàng rong ở Sài Gòn và được nghe họ chia sẻ rằng do phải vất vả mưu sinh nên không đọc báo hay xem đài. Một vài người trong số này nói rằng họ được nghe khách mua hàng nói lại thông tin VTV gọi họ “sống ký sinh trùng” trên đường phố. Một người đàn ông đẩy xe bán bánh bò dạo, bộc bạch rằng:

“Không bán thì lấy gì mà ăn? Ở nhà thuê, nhà mướn mà không đi bán dạo thì lấy gì để sống đây? Mùa COVID-19 rồi, nói rằng những người bán hàng rong được hỗ trợ, mà lại đia phương nơi tạm trú thì kêu về quê làm đơn. Đi về quê, mang đơn đến cơ quan của xã nộp nhưng tới hôm nay cũng có nhận được hỗ trợ nào đâu.”

Ông bán bánh bò ở Sài Gòn trò chuyện với RFA thuộc trong nhóm hàng triệu người làm việc ở khu vực phi chính thức, theo định nghĩa trong kinh tế học. Những thân phận góp phần vào thơ ca, nhạc họa, di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam bằng tiếng rao hàng tâm tình với RFA rằng những ngôn từ đẹp đẽ hay miệt thị dành cho họ không ảnh hưởng gì đến từng đồng bạc lẻ mà họ dãi nắng dầm mưa mới chắt chiu có được. Song song đó, họ luôn trong tâm trạng lo lắng nếu gặp phải dân phòng hay công an thì mất hết tài sản lẫn miếng ăn của cả gia đình.

“Nói chung là kinh tế quá khổ cho nên mẹ con tôi tính vay mượn một ít tiền để đóng một chiếc xe bán thức ăn nhanh đường phố ở các công viên công cộng, để sống qua ngày trong mùa dịch bệnh này.”

Không bán thì lấy gì mà ăn? Ở nhà thuê, nhà mướn mà không đi bán dạo thì lấy gì để sống đây? Mùa COVID-19 rồi, nói rằng những người bán hàng rong được hỗ trợ, mà lại đia phương nơi tạm trú thì kêu về quê làm đơn. Đi về quê, mang đơn đến cơ quan của xã nộp nhưng tới hôm nay cũng có nhận được hỗ trợ nào đâu
-Người bán hàng rong

Trên đây là nỗi lòng của bà Nguyễn Thị Út, một phụ nữ trôi dạt từ đồng bằng sông Cửu Long lên Sài Gòn kiếm sống cách nay 2 thập niên. Bà đã tảo tần đủ mọi cách để nuôi đứa con gái duy nhất đến ngày tốt nghiệp đại học, ngành thiết kế đồ họa. Thế nhưng, bà Út nói rằng tạo hóa thật trớ trêu khi con gái bà chưa kịp tìm được việc làm và bà, một công nhân bị công ty sa thải do dịch COVID-19.

Bạn trẻ Đăng Quang, một trong số hàng trăm ngàn thanh niên Việt Nam bị mất việc làm bởi đại dịch COVID-19, trong một lần trao đổi với RFA cũng cho biết đã nghĩ đến bán nước giải khát trên vỉa hè trong thời buổi khó khăn chung của toàn xã hội, chứ không thể ngồi chờ sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Những người như anh Đăng Quang, bà Út, ông bán bánh bò dạo dù hoàn cảnh khác nhau nhưng đồng quan điểm rằng bán hàng rong là kế mưu sinh duy nhất khi không còn phương cách nào khác để lựa chọn.

Trở lại vụ việc bản tin của VTV gọi những người bán hàng rong “sống ký sinh trùng”, một số ý kiến trong giới nhà báo tại Việt Nam yêu cầu Đảng CSVN lãnh đạo và Bộ Chính trị phải xử lý nghiêm minh Đài VTV ở góc độ đảng viên và góc độ pháp luật. Còn nếu như cho rằng chỉ là “lỗi tác nghiệp” do nhầm lẫn hay nói nhịu và không xử lý thì sẽ tạo ra một tiền lệ rất xấu trong người dân đối với báo chí và “Đó là một vết nhơ của Đảng CSVN đối với những người dân nghèo hành nghề mưu sinh một cách chân chính”.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.