Truy tố vụ Đồng Tâm: Cứu cánh biện minh cho phương tiện
2017.06.14
Ngày 13 tháng sáu năm 2017, cơ quan cảnh sát điều tra thành phố Hà Nội công bố quyết định khởi tố điều tra vụ Đồng Tâm xảy ra hồi giữa tháng tư năm 2017, dù trước đó ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội đã ký cam kết không truy tố với người dân Đồng Tâm.
Ngày 14 tháng sáu năm 2017, báo Tuổi Trẻ trong nước phỏng vấn một số đại biểu quốc hội về việc này. Đa số các đại biểu cho rằng hành động ký cam kết của ông Chung là một giải pháp tình huống, là phù hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ.
Cứu cánh biện minh cho phương tiện
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự sống ở Hà Nội cho rằng cái cách nói rằng việc ký cam kết không truy tố người dân Đồng Tâm của ông Nguyễn Đức Chung là một giải pháp tình thế, chứng tỏ rằng trong não trạng của những người cầm quyền hiện nay, họ luôn cho rằng họ đúng với bất cứ vấn đề gì. Ông nói thêm:
Đấy là một lối nói mà nếu các đại biểu quốc hội nào, nói theo ý như vậy, hoặc là ông Chung ông ấy nói theo ý như vậy, thì đấy thực sự là một sự lật tẩy bộ mặt của họ. Tức là không thể tin được họ.
-TS Nguyễn Quang A
“Đấy là một lối nói mà nếu các đại biểu quốc hội nào, nói theo ý như vậy, hoặc là ông Chung ông ấy nói theo ý như vậy, thì đấy thực sự là một sự lật tẩy bộ mặt của họ. Tức là không thể tin được họ. Họ có thể dùng bất kể biện pháp gì, dẫu là biện pháp lừa dối bằng cách ký.
Những cái thủ đoạn, hay những mưu mô phục vụ cho những mục đích, cái cứu cánh mới là cái chính, thì như vậy tất cả mọi thứ nó lộn đầu đuôi hết.”
Ngay sau khi có tin cơ quan công an Hà Nội khởi tố vụ người dân Đồng Tâm bắt giữ 38 nhân viên cảnh sát và cán bộ chính quyền, một người dân Đồng Tâm là ông Lê Đình Kình nói với hãng tin BBC rằng ông đã gọi điện thoại cho ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, và được ông Chung trả lời rằng bảng cam kết ông Chung ký với dân Đồng Tâm hôm 22 tháng tư chỉ có chữ ký chứ không có con dấu, và việc điều tra là của cơ quan công an chứ không phải của ông.
Chúng tôi có gọi điện thoại cho ông Nguyễn Đức Chung để hỏi về vụ việc nhưng không liên lạc được.
Giải thích hành động của chính quyền thành phố Hà Nội, đi từ việc ký cam kết không truy tố, cho đến phát lệnh truy tố, nhà văn Thùy Linh, hiện sống ở Hà Nội nói rằng:
“Chắc là họ muốn tháo cái ngòi nổ lúc đó, để làm sao nó không xảy ra những sự cố bạo lực, mà lại an toàn cho các phía. Họ chỉ cần cái trước mặt thế. Nhưng trong thâm tâm chắc họ đã dự tính dù có thế nào thì họ cũng vẫn sẽ khởi tố những người dân Đồng Tâm. Đấy là một sự lừa đảo, đấy là lừa dân. Nghe cái này nhiều người rất xúc động, xúc động một cách uât ức.”
Sự uất ức mà nhà văn Thùy Linh đề cập có thể cảm nhận trên không gian mạng xã hội. Một người hoạt động xã hội là anh Nguyễn Anh Tuấn viết trên trang facebook của mình rằng:
“Chữ ký chưa ráo mực đã vội lật lọng.
Đừng nói người lãnh đạo cộng sản tráo trở, bởi không tráo trở, và không cực kỳ tráo trở thì làm sao trở thành lãnh đạo đảng cộng sản cho được?
Lịch sử đảng cộng sản cầm quyền khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, là một chuỗi những tráo trở liên tục của những người lãnh đạo đối với nhân dân lẫn đồng chí của họ. Chỉ khác một điều là trong quá khứ sự tráo trở có thể bị giấu nhẹm nhờ vào bưng bít thông tin, thì ngày nay, trong một bối cảnh truyền thông cởi mở hơn, nó công nhiên xuất hiện giữa bàn dân thiên hạ.
Một số người thì nói rằng chuyện hứa hẹn với dân làng Đồng Tâm làm họ nhớ tới những ngày tháng tư năm 1975 tại miền Nam Việt Nam, nhà cầm quyền mới đã nói với các sĩ quan binh sĩ của chế độ cũ là họ chỉ phải đi học tập cải tạo trong vài ngày, nhưng cuối cùng rất nhiều người đã phải sống đằng đẳng hàng chục năm trong trại tù cải tạo khắc nghiệt.
Não trạng cầm quyền không thay đổi
Sau khi chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký được bản cam kết với dân làng Đồng Tâm, vào ngày 22 tháng Tư, vài ngày sau chúng tôi có đặt câu hỏi với một nhà quan sát chính trị Việt Nam là Tiến sĩ Vũ Tường, hiện dạy khoa chính trị tại Đại học Oregon, Hoa Kỳ, rằng phải chăng nhà cầm quyền Việt Nam đã thay đổi cách hành xử cũng như quan niệm của họ về chính sách đất đai, Tiến sĩ Tường cho biết ông không nhận thấy điều đó:
“Tôi nghĩ là họ không có những thay đổi lớn. Vừa qua họ chỉ thay đổi cách xử lý một vụ việc cụ thể, còn họ có nhận thức được rằng vụ việc này phản ảnh một vấn đề lớn hơn thì tôi chưa thấy dấu hiệu họ nhận thức được ra điều đó, nhất là những người lãnh đạo tối cao.”
Tuy nhiên có nhiều người đã có hy vọng sau khi ông Nguyễn Đức Chung và người dân Đồng Tâm ký được bản cam kết, giải quyết được chuyện cầm giữ con tin. Một trong những người đó là nhà văn Thùy Linh. Bà nói với chúng tôi sau khi biết rằng nhà cầm quyền sẽ khởi tố điều tra vụ bắt con tin tại Đồng Tâm:
“Tôi không ngạc nhiên, nhưng người ta thì cũng cứ nuôi một hy vọng gì đấy, một đổi thay nào đấy. Bản thân mình cũng nuôi một chút hy vọng gì đấy. Cuối cùng hóa ra vẫn như cũ.”
Cách giải quyết những vấn đề xã hội
Nhận định bản chất của cuộc khủng hoảng Đồng Tâm từ góc độ một nhà hoạt động xã hội dân sự, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng:
Trong một xã hội thì có nhiều lợi ích khác nhau, những chính kiến khác nhau, và cái cuộc ở Đồng Tâm thực sự là một cuộc đấu với các lợi ích khác nhau.
-TS Nguyễn Quang A
“Trong một xã hội thì có nhiều lợi ích khác nhau, những chính kiến khác nhau, và cái cuộc ở Đồng Tâm thực sự là một cuộc đấu với các lợi ích khác nhau,: các lợi ích của quân đội, các lợi ích của chính quyền, các lợi ích của người dân, và trong cuộc đấu này, không có cách nào khác hơn là thỏa hiệp với nhau, nhìn thấy cái gì đúng, thỏa hiệp lựa theo cái đúng ấy, dựa theo dân mà làm. Đấy là con đường tự nhiên của một đời sống lành mạnh của một xã hội.”
Sau khi các thông tin về việc truy tố vụ Đồng Tâm được loan tải trên báo chí chính thống lẫn mạng xã hội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A so sánh vụ việc này với cái cách mà nhà cầm quyền tuyên truyền về những cộng đồng Công giáo tại Nghệ An, Hà Tĩnh biểu tình phản đối nhà máy Formosa gây ô nhiễm biển miền Trung. Ông cho rằng đó là cách tuyên truyền gây chia rẽ:
“Một cái cách như vậy nó chỉ dẫn đến sự đối đầu hơn, một sự chia rẽ hơn, và cái đó không tốt cho ai cả. Và tôi nghĩ là không tốt nhất là cho chính những người đương quyền này. Cho nên thực sự tôi khuyên họ nên tĩnh lại, họ phải tĩnh táo và suy nghĩ lại, để họ sống với dân, chứ còn cái cách này của họ là đẩy người dân sang phía phải chống lại họ. Xét về mặt chính trị, thì xử lý những vấn đề xã hội thì không có cái cách nào ngốc hơn cái cách họ đang làm.”
Tiến sĩ Ngô Đức Thọ, nguyên trưởng Ban văn học của Viện nghiên cứu Hán Nôm ở Hà Nội thì viết trên trang facebook của ông rằng không phải là chỉ Hà Nội, mà cả đảng và nhà nước trung ương đã bỏ lỡ cơ hội vàng để lấy điểm với dân.
Ông Lê Đình Kình thì nói với hãng tin BBC rằng cho đến giờ phút này, ông vẫn tin vào Đảng, có Đảng là có tất cả, nhưng nếu cứ tiếp tục để những kẻ tham ô không bị xử lý mà lại đi xử lý người dân tố tham ô thì Đảng có nguy cơ mất quyền lãnh đạo.