Hàng mua qua mạng có bảo đảm?

RFA
2019.06.28
asanzo-670 Công nhân công ty Asanzo đang làm việc. (Ảnh minh họa)
Courtesy TP

Sau nhiều vụ vỡ lở các doanh nghiệp Việt nhập khẩu hàng nước ngoài nhưng lại gắn mác nội địa rồi bán ra thị thường, nhiều người dùng bày tỏ quan ngại về việc quản lý của pháp luật đối với sàn thương mại điện tử. Theo những người này mua bán trao tay mặt giáp mặt còn bị lừa huống gì trao đổi qua mạng.

Tình trạng mua – bán trực tuyến

Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh từ Hà Nội cho rằng do lượng người sử dụng internet tại Việt Nam ngày càng nhiều, nên thương mại điện tử tại Việt Nam bùng phát rất mạnh mẽ và phát triển rất nhanh chóng so với các nước trong khu vực ASEAN.

Chỉ sợ đồ ăn uống độc hại mới thấy ghê thôi, chứ những vật dụng thấy bình thường, Anh thấy không quá nghiêm trọng. Có khi Trung Quốc làm tốt hơn mình mà. - Hà Anh

Tuy nhiên, vì việc kiểm tra đầu vào hàng hóa và cơ chế kiểm soát còn lỏng lẻo nên chất lượng sản phẩm đăng bán còn là vấn đề phải quan ngại.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, chị Phương Nguyễn, hiện đang bán hàng trực tuyến trên trang web và ứng dụng Shopee, một trong những trang web được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam hiện nay, cho biết chỉ cần thông tin cá nhân, email, số điện thoại là người bán đã có thể đăng ký bán hàng trực tuyến, rất dễ dàng. Về sản phẩm, chỉ cần người bán điền thông tin và nơi sản xuất theo danh sách các nước có sẵn là được, tuy nhiên vẫn có bất cập:

Bán máy hút sữa Medela thì nhãn hàng có tên trong đó nên dễ lắm, còn bán saffron (nhụy hoa nghệ tây) thì nhãn hàng không có tên trong đó nên phải lấy đại nhãn nào đó áp lên. Nhưng có sản phẩm (saffron) cho đăng, có cái không cho đăng và nhận được thông báo chưa xác định rõ nguồn gốc, trong khi những đứa khác vẫn đăng (saffron) được. Sản phẩm ở nước ngoài và những mặt hàng gửi ở nước ngoài về vẫn đăng được trên Shopee.”

Do đó, theo chị Phương, trong trường hợp của chị, rõ ràng do trang web chưa được hoàn thiện nên chị và những người bán mặt hàng saffron phải đổi nơi xuất xứ chứ không phải cố tình gắn nhãn mác nước khác để lừa gạt người tiêu dùng. Chị cho biết thêm trước khi gửi hàng chị đều nhắn rõ cho khách hàng biết nguồn gốc nhãn hàng.

Chị Hà Anh, hiện đang sống tại Sài Gòn cho biết từ khi thị trường Việt Nam xuất hiện những trang bán hàng trực tuyến, chị đã thay đổi thói quen mua sắm của mình sang mua hàng trên mạng vì sự tiện lợi, chị có thể mua được nhiều thứ đồ với đa dạng mẫu mã mà không phải mất công đi lại, lại còn có nhiều chương trình khuyến mãi.

Công nhân công ty Asanzo đang làm việc. (Ảnh minh họa)
Công nhân công ty Asanzo đang làm việc. (Ảnh minh họa)
Courtesy kinhtemoitruong.vn

Vẫn theo chị Hà Anh, hiện nay ở Việt Nam có nhiều trang điện tử bán hàng trực tuyến và người mua tùy theo mục đích mà lựa chọn:

“Facebook thì hàng đa dạng, tuyển chọn, nhưng thật ra bây giờ Anh thấy Anh tìm trên Shopee search 1 từ khóa là ra rồi, còn Facebook thì hơi cực để tìm một nhóm hàng và là cá nhân nên không chuyên nghiệp. Ít ra những người trên Shopee thì chủ (bán) theo cộng đồng Shopee, có 1 số quy định nào đó nên cảm thấy chuyên nghiệp hơn, phục vụ khách hàng tốt hơn.”

Nhận xét về việc hàng Trung Quốc ‘đội lốt’ hàng Việt được đăng bán trên các trang mạng, chị Hà Anh cho biết chị cảm thấy khó hiểu về việc này vì người tiêu dùng Việt Nam từ xưa đến nay đã quá quen với đồ ‘made in China’:

“Chỉ sợ đồ ăn uống độc hại mới thấy ghê thôi, chứ những vật dụng thấy bình thường, Anh thấy không quá nghiêm trọng. Có khi Trung Quốc làm tốt hơn mình mà.”

Trong Nghị định 52/2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử được thi hành từ ngày 1/7/2013, khoản 5 thuộc điều 5, chương 1 cũng ghi rõ trách nhiệm của nhà nước đối với thương mại điện tử, bao gồm cả việc ‘Tổ chức thực hiện hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong thương mại điện tử’.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội truyền thông số Việt Nam lại cho rằng điều này không cần thiết:

Mình nghĩ việc triển khai công cụ kỹ thuật là việc của công ty, còn nhà nước phải có môi trường pháp lý bảo đảm xử lý lừa đảo trên mạng là được. Nhà nước không nên đứng ra tổ chức việc mua bán online, không lãng phí tiền vào những việc ấy.

Cũng trong Nghị định 52/2013, tại chương 1, khoản 1c điều 4 có ghi rõ cấm ‘Lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh’.

Theo Tiến sĩ kinh tế Đinh Trọng Thịnh, dù có ban hành luật nhưng luật pháp vẫn có những kẽ hở. Bên cạnh đó, việc kiểm tra giám sát cũng như thực hiện những quy định này của cơ quan chức năng Việt Nam chưa được chặt chẽ và sát sao:

“Cho nên những người tham gia kinh doanh bán hàng hóa trên mạng đã lợi dụng kẽ hở pháp luật bán hàng không đúng với xuất xứ, không đúng chất lượng và quảng cáo. Đây là điều mà các cơ quan quản lý phải nghiên cứu tiếp những biện pháp kiểm tra giám sát sâu sắc hơn và có chế tài để xử phạt.”

Đổi xuất xứ sản phẩm

Việc doanh nghiệp Việt thay đổi nhãn mác nguồn gốc từ nước ngoài thành hàng nội địa không phải là lần đầu tiên việc này xảy ra ở Việt Nam.

Mình nghĩ việc triển khai công cụ kỹ thuật là việc của công ty, còn nhà nước phải có môi trường pháp lý bảo đảm xử lý lừa đảo trên mạng là được. Nhà nước không nên đứng ra tổ chức việc mua bán online, không lãng phí tiền vào những việc ấy. - Nguyễn Lâm Thanh

Điển hình như vào năm 2017, Công ty Khaisilk của doanh nhân Hoàng Khải cũng bị phanh phui nhập hàng từ Trung Quốc và thành phần sản phẩm không hề có lụa như quảng cáo 100% lụa tơ tằm Việt Nam của công ty.

Trong cùng năm, Tập đoàn Sunhouse, từng được danh hiệu ‘Hàng Việt Nam chất lượng cao’ cũng bị phát hiện hơn 50% mặt hàng tại những cửa hàng đến từ Trung Quốc chứ không được sản xuất tại Việt Nam.

Hay mới đây nhất, truyền thông trong nước những ngày qua loan tải thông tin Công ty Điện tử Asanzo nhập khẩu hàng Trung Quốc về gắn mác hàng Việt Nam và bán ra thị trường trong nước.

Đáng quan tâm, người tiêu dùng sau đó đã phát hiện hàng loạt sản phẩm nước ngoài mạo danh thương hiệu Việt Nam đang được bán rộng rãi trên các trang mạng điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo…

Nhận xét về việc này, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh từ Hà Nội cho rằng cần phải phân biệt rõ 2 trường hợp về ‘hàng ngoại, mác Việt’:

- Nếu hàng hóa có chi tiết, phụ kiện nhập khẩu: cần phải ghi rõ bao nhiêu phần nhập, bao nhiêu phần do Việt Nam sản xuất, gia công, lắp ráp ở đâu.

- Nếu hàng hóa 100% nhập từ nước ngoài: được xem như hành vi giả mạo nguồn gốc xuất xứ, cần phải xử lý vì đây là gian lận thương mại, lừa gạt lòng tin người tiêu dùng muốn ủng hộ hàng nội địa.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.