Ăn bưởi và cam khi uống một số thuốc có thể gây hại

Một báo cáo mới đây của các nhà khoa học Canada cho thấy ăn bưởi hay một số loại cam kết hợp với một số thuốc nhất định có thể gây hại cho sức khỏe, thay vì giúp bồi bổ cơ thể.
Việt Hà, phóng viên RFA
2012.12.12
000_SAHK980210185470-305.jpg Một xe bưởi bán rong trên đường phố Sài Gòn
AFP photo

Tác dụng phụ nghiêm trọng

Đối với nhiều người, bưởi và cam là những trái cây yêu thích. Đối với các nhà dinh dưỡng, đây là các trái cây bổ dưỡng cho sức khỏe của con người. Đối với những người bị cholesterol cao, bưởi được ăn như một cách để hạ mức cholesterol trong máu. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Canada cho thấy không hẳn cứ ăn bưởi, cam đều đặn là tốt với tất cả mọi người, cụ thể là những người đang phải điều trị bệnh bằng một số thuốc nhất định trong đó có thuốc hạ cholesterol.

Bác sĩ David Bailey, Nghiên cứu trưởng của nghiên cứu về tương tác của bưởi với thuốc thuộc viện nghiên cứu Lawson, Canada cho biết:

Lý do chính để thực hiện nghiên cứu này là vì con số các loại thuốc được đưa ra thị trường hiện nay có tương tác với bưởi và gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng. Ví dụ vào năm 2008 chúng tôi đã liệt kê 17 loại thuốc có khả năng gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng. Bây giờ chúng tôi có danh sách 44 loại thuốc. Như vậy là trong vòng 4 năm, số loại thuốc đã tăng lên nhanh chóng.

Trên thực tế bác sĩ David Bailey cho biết có đến hơn 85 loại thuốc được lưu hành trên thị trường có những tương tác ở các mức độ khác nhau với bưởi.

Việc ăn bưởi kết hợp với một số loại thuốc được các nhà nghiên cứu xác định trong một số trường hợp là hết sức nghiêm trọng, có thể dẫn đến đột tử. Bác sĩ David Bailey giải thích:

Khi tôi nói tác dụng phụ nghiêm trọng, tôi muốn nói đến đột tử do tim ngừng đập, hư thận cấp, suy hô hấp, chảy máu dạ dày, hạn chế xương sản sinh ra các tế bào hồng cầu và bạch cầu. Như vậy là mọi bộ phận đều có thể bị hư. Chúng tôi thấy có khoảng 27 loại thuốc mới trên thị trường trong vòng 4 năm qua có thể gây ra các hậu quả này. Đây là một lo ngại thực sự mà mọi người chưa biết.

Vấn đề về bưởi cũng đã được các nhà khoa học tìm hiểu từ khoảng hơn 20 năm qua. Trên thực tế, trước khi báo cáo của nhóm bác sĩ thuộc viện nghiên cứu Lawson đưa ra, các bác sĩ khi kê đơn thuốc cho bệnh nhân vẫn thường cảnh báo một số trường hợp nhất định. Bác sĩ Trí Phạm có phòng mạch tư tại tiểu bang Virginia cho biết:

Nó không có hiệu quả, không được uống nước bưởi nhất là với zocor. Nếu uống thuốc đó là không được uống nước bưởi. Còn Lipitor thì chưa chắc lắm.

Thuốc Zocor và Lipitor là những thuốc dùng để hạ cholesterol.

Giống như bác sĩ Trí Phạm, nhiều bác sĩ hiện tại vẫn thường nói với bệnh nhân là khi họ uống một số thuốc cholesterol thì không nên ăn bưởi vì sẽ không có tác dụng.

Tuy nhiên theo nghiên cứu mới của các bác sĩ thuộc viện Lawson, việc ăn bưởi kết hợp với thuốc có thể trở thành quá liều. Bác sĩ David Bailey cho biết:

Với Zocor thì sẽ là quá liều. Tôi đã có bệnh nhân ở đây dùng Zocor và uống nước bưởi cùng lúc và làm tăng mức độ trong máu lên đến 30 lần, tôi nhấn mạnh là đến 30 lần, tức là ở một mức thật khó tin. Tất nhiên nó không xảy ra với tất cả mọi người. Trung bình thì cứ một viên thuốc và một cốc nước bưởi thì cứ một viên Zocor như vậy sẽ làm tăng tác dụng lên 10 lần.

Để cụ thể hơn, các nhà khoa học đưa ví dụ, một người uống Zocor và uống một cốc nước bưởi 7 ounce mỗi ngày trong vòng 3 ngày, thì mức độ thuốc trong máu sẽ tăng 330%.

Nghiên cứu cho thấy việc ăn lẫn bưởi với một liều thuốc zocor có thể gây hại cho thận.

Cơ chế tương tác

Một phụ nữ Nga đang xem một trái cam tươi. AFP photo
Một phụ nữ Nga đang xem một trái cam tươi. AFP photo
Một phụ nữ Nga đang xem một trái cam tươi. AFP photo
Vậy bưởi và các chất có trong một số loại thuốc đã tương tác như thế nào để tạo ra những tác dụng phụ nguy hiểm cho sức khỏe con người?

Bình thường, trong hệ tiêu hóa của người có một loại enzyme đặc biệt có tên gọi là CYP3A4. Enzyme này đóng vai trò quan trọng bảo vệ cơ thể khỏi những độc tố mà người ăn phải hàng ngày. Khi gặp các độc tố vào hệ tiêu hóa, enzyme này sẽ làm nhiệm vụ khử hoạt tính của các độc tố để nó không còn tác hại cho cơ thể. Theo bác sĩ David Bailey, có đến 90% chất thuốc bị khử hoạt tính khi vào cơ thể người bởi enzyme này. Nhưng trong bưởi lại có một chất khi ăn vào có thể có tác động không tốt lên enzyme này. Bác sĩ David Bailey giải thích:

Bưởi và nước bưởi có một chất gọi là furanocoumarins. Chất này sẽ khử hoạt tính của loại enzyme này. Cho nên chúng ta có thể thấy là với 90% thuốc bị khử hoạt tính trước khi hấp thụ thì với việc enzyme này bị ngăn không cho hoạt động, về mặt lý thuyết, các chất thuốc hấp thụ sẽ tăng lên gấp 10 lần.

Một điều đáng chú ý là với sự tiến bộ trong nghiên cứu dược phẩm ngày nay, nhiều công ty dược, để đạt được tác dụng mong muốn trong thuốc, đã tăng liều của thuốc lên nhiều lần để có thêm phần trăm thuốc được hấp thụ vào máu. Điều này hết sức nguy hiểm cho những bệnh nhân sử dụng thuốc có chất tương tác với bưởi. Trong một số trường hợp, việc uống thuốc kết  hợp với bưởi có thể được so sánh với việc tăng liều thuốc gấp 3 hay 4 lần.

Bác sĩ David Bailey cho biết hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu người thực sự đã chịu tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc kết  hợp bưởi, bởi nhiều khi tác dụng phụ của thuốc không được người ta cho rằng có liên quan đến bưởi.

Tác dụng của thuốc kết hợp với bưởi cũng có độ nghiêm trọng tùy theo loại thuốc. Trong nghiên cứu của mình, nhóm bác sĩ viện Lawson cũng đính kèm theo một danh sách các chất hoạt tính phổ biến trong một số loại thuốc để người dùng tham khảo - xin tham khảo tại đường dẫn này: http://www.cmaj.ca/content/suppl/2012/11/26/cmaj.120951.DC1/grape-bailey-1-at.pdf

Nếu nhìn vào danh sách thuốc được liệt kê, người ta có thể thấy bưởi có thể tương tác với rất nhiều các loại thuốc được dùng để điều trị các bệnh phổ biến hiện nay, như thuốc chống ung thư, thuốc hạ cholesterol như Zocor (có hoạt chất là simvastatin), Lipitor (có hoạt chất là atorvastatin), Pravachol (có hoạt chất pravastatin). Các thuốc cao máu, chống thải ghép, thuốc tiểu đường và thuốc tim mạch cũng nằm trong danh sách các thuốc cần phải chú ý. Thuốc tim mạch phổ biến là Cordarone và Nexterone. Thuốc cao máu gồm Nifediac và Afeditab.

Bệnh nhân cần chú ý

Một gánh bưởi rong tại Hà Nội. RFA photo
Một gánh bưởi rong tại Hà Nội. RFA photo
Một gánh bưởi rong tại Hà Nội. RFA photo
Theo bác sĩ Bailey, những người ở độ tuổi 45 và trên 45 thường là những người có nhiều khả năng sử dụng nước bưởi nhất trong khi vẫn uống các loại thuốc có kê đơn của bác sĩ. Những người lớn tuổi từ 70 và hơn là những người có nhiều khả năng gặp rắc rối hơn cả khi liều lượng thuốc trong máu vượt quá ngưỡng cho phép.

Mặc dù nghiên cứu nói nhiều về bưởi, nhưng thực tế, có một số loại quả khác thuộc họ với bưởi cũng bị cho là có tác dụng tương tự. Bác sĩ David Bailey cho biết:

Tương tác này cũng xảy ra với một số loại quả khác như một vài loại cam hay quả thuộc họ cam dùng cho marmalade, bưởi ta hay được dùng ở châu Á hay còn gọi là pomelo. Vì vậy khi tôi nói bưởi thì bao gồm cả bưởi Mỹ  lẫn bưởi của châu Á.

Bệnh nhân cũng được khuyên ngưng ăn hoàn toàn các loại quả này khi dùng các thuốc trong danh mục cảnh báo. Bác sĩ David Bailey nói tiếp:

Bạn hoàn toàn không thể ăn các loại quả có thể tương tác với thuốc, bởi chất trong các quả đó sẽ khử hoạt tính của enzyme cần thiết trong cơ thể. Nó sẽ mất một thời gian rất dài cho cơ thể hồi phục. Ngay cả khi bạn ăn bưởi vào buổi sáng và uống thuốc vào buổi tối thì vẫn xảy ra tương tác. Đối với các loại thuốc gây tương tác dẫn đến tác hại nghiêm trọng thì không nên ăn bất cứ loại bưởi nào trong thời gian uống thuốc.

Tuy nhiên, người sử dụng cam, bưởi cũng không phải vì nghiên cứu này mà bỏ hoàn toàn những trái cây mình yêu thích. Các nhà nghiên cứu Canada cho biết, các bệnh nhân đang dùng thuốc cũng có thể ăn các loại quả thay thế như cam ngọt bao gồm loại cam valencia, hay cam navel là những loại cam không chứa chất khử hoạt tính của enzyme.

Đối với các bệnh nhân đang uống thuốc kê đơn và không muốn bỏ thói quen ăn cam hay bưởi, bác sĩ Bailey khuyên nên nói chuyện kỹ với bác sĩ của mình để dùng các loại thuốc không tương tác với bưởi gây hại cho sức khỏe.

Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.