Xử lý xe hết niên hạn lưu hành: bao che là tội lỗi…

RFA
2019.10.17
f1017-1 Cảnh kẹt xe giờ cao điểm ở Hà Nội.
RFA

Không nhân nhượng

Trong buổi tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội ngày 16/10, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khi trả lời về các vấn đề liên quan đến ô nhiễm không khí cũng đã bày tỏ sự mong mỏi các cử tri đồng tình ủng hộ để dần thu hồi xe máy, ô tô quá hạn vì cho rằng nguồn ô nhiễm lớn nhất hiện nay từ khí thải của các phương tiện xe máy và ô tô.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội cho rằng xe đã quá niên hạn sử dụng, gây nhiều ô nhiễm thì không cho phép sử dụng, không cho phép lưu hành cũng là một biện pháp không phải là dở. Tuy nhiên làm như thế nào và làm được hay không lại là chuyện khác. Ông cho hay:

Nếu thu hồi các loại xe quá cũ và phát thải quá nhiều là việc nên làm khi đứng về góc độ bảo vệ môi trường để giảm thiểu ô nhiễm khí, bụi hiện nay. Nhưng cũng cần cân nhắc tới vấn đề hiện trạng phát triển kinh tế và số lượng người đang sử dụng những thiết bị này như thế nào. - GS. TS. Trịnh Kim Chi

Tôi nghĩ khó mà khả thi bởi vì cái lượng ấy nó quá đông cho đến chừng nào mà Hà Nội chưa giải quyết được chuyện giao thông công cộng tiện lợi cho người dân bằng cách có thể giúp cho người ta thấy rằng đi bằng giao thông công cộng tốt hơn là đi bằng phương tiện của mình.”

Đồng quan điểm trên, Giáo sư Tiến sĩ Trịnh Kim Chi, Phó Viện trưởng Viện KH&CN Môi trường, Đại học Bách Khoa HN cũng cho rằng hướng giải quyết mà người đứng đầu thành phố Hà Nội đưa ra là hợp lý, nhưng biện pháp thực hiện thế nào cho hiệu quả lại vướng vào một vấn đề khó gỡ:

“Đôi khi trước khi ra một quyết định người ta cũng phải có sự cân đối giữa yêu cầu phát triển và vấn đề bảo vệ môi trường. Tất cả quyết định phải cân nhắc xem nó có đảm bảo cân bằng về sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội với vấn đề bảo vệ môi trường không. Nếu thu hồi các loại xe quá cũ và phát thải quá nhiều là việc nên làm khi đứng về góc độ bảo vệ môi trường để giảm thiểu ô nhiễm khí, bụi hiện nay. Nhưng cũng cần cân nhắc tới vấn đề hiện trạng phát triển kinh tế và số lượng người đang sử dụng những thiết bị này như thế nào. Nếu không sẽ ảnh hưởng đến đời sống của họ ngay lập tức, gây tác động. Tôi cho rằng nếu làm phải có cơ hội trình, phải có thời gian và cân nhắc kỹ, không thể làm ngay một lúc được.”

Phân tích ở góc nhìn hiểm họa về môi trường, một vị tiến sĩ chuyên về môi trường không muốn nêu tên khi trao đổi với chúng tôi cho rằng, phương tiện vận tải, ô tô, xe máy có góp phần trong việc gây ra ô nhiễm, không phải Hà Nội mà TPHCM cũng thế, đây cũng là vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên nếu xem vấn đề ô tô, xe máy là nguyên nhân chính thì không đúng. Ông giải thích:

“Không thể đổ hết cho nguồn chất thải xe ô tô, xe máy được khi chưa thể đưa ra được dư lượng khí thải CO, SO và các khí nhà kính khác, rất nhiều khí độc thải ra từ rất nhiều nguồn. Các nguồn khí nhà kính cũng thải ra từ các nông trại chứ không phải duy nhất phương tiện công cộng không đâu. Các khu công nghiệp, các hồ chứa cũng sản xuất ra rất nhiều Sulfur và các loại khí khác. Hiện nay các khu công nghiệp và cá nhà máy ta đã quản lý được hết nguồn xả đâu. Nguồn ô nhiễm phân tán từ những cái này thậm chí số lượng còn khủng hơn cả lượng từ ô tô và xe máy. Lượng thải từ ô tô và xe máy chỉ là một phần thôi nhưng tỉ lệ bao nhiêu phần trăm thì mình không biết chính xác.”

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội.
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội.
RFA

Trên quan điểm cá nhân, Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn Phòng Luật Sư Hoàng Hưng cho biết ông ủng hộ việc hạn chế hoặc trưng thu và các biện pháp hành chính để hạn chế xe máy cũ, nát.  Tuy nhiên, không thể có chuyện ‘thu hồi’ tài sản như lời ông Nguyễn Đức Chung được vì lý do sau:

“Ngay về vấn đề học thuật, tư tưởng phải làm rõ. Quyền tài sản xe máy, quyền tài sản, quyền chiếm hữu sử dụng là của người ta nên không thể dùng chữ thu hồi mà chỉ vận động, đưa vào dạng vì những mục đích công cộng, an ninh quốc phòng, phân tích vấn đề ô nhiễm môi trường để vận động người ta thực hiện. Có thể dùng những biện pháp hành chính vận động thực hiện và có thể mua lại, trưng thu, thu mua lại theo luật chứ có bán, có phát, có cho người ta đâu mà thu hồi.”

Trách nhiệm chung

Tiếp tục chủ đề giải quyết dứt điểm các loại xe ô tô, xe máy hết niên hạn vẫn lưu thông gây hiểm họa chết người thì cũng trong buổi tiếp xúc với cử tri ngày 16/10, ông Chung còn cho biết Hà Nội đã trình Chính phủ và Quốc hội có nghị quyết về kiểm soát khói, bụi của các xe máy, ôtô quá hạn. Và, theo ông, đây là vấn đề không chỉ Hà Nội bắt tay vào làm mà  các bộ Giao thông – Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học – Công nghệ... cũng cần vào cuộc.

Trước phát biểu của ông Nguyễn Đức Chung, vị Tiến sĩ chuyên về môi trường không muốn nêu tên nhận định, đây không phải là vấn đề dễ giải quyết nên chắc chắn sẽ có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ban, ngành:

“Việc này nếu nhẹ tay sẽ không làm được, còn mạnh tay thì rất nguy hiểm vì sẽ tạo ra một phong trào phản đối trong xã hội, gây bất ổn chính trị và bất ổn xã hội rất nhiều. Thế nên Bộ nào đụng tay vào sẽ bị thiên hạ ném đá nên các Bộ sẽ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Nếu xem xét ở một góc cạnh nào đó thì Bộ nào cũng có liên quan. Nhưng liên quan trực tiếp là Bộ Giao thông bởi vì đó là phương tiện giao thông nằm trong phạm vi quản lý trực tiếp.”

Đồng quan điểm như trên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A lập luận:

Tôi nghĩ việc họ bảo có trách nhiệm của chính phủ, có trách nhiệm của  bộ này, bộ kia thì chẳng qua là đùn đẩy trách nhiệm cho những ông khác để mà không làm thôi. Nếu một ông thị trưởng cương quyết, tính toán đầy đủ thì trong thẩm quyền của ông, ông có thể làm chuyện đấy. Không nữa thì Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội có thể ra một quyết định như vậy và nó chỉ thuộc phạm vi của Hà Nội hoặc phạm vi nội thành Hà Nội mà thôi.

Là nhiệm vụ trọng tâm

Do đó, theo Luật sư Hoàng Văn Hướng, để thực hiện được mong mỏi giảm thiểu xe máy của lãnh đạo thành phố Hà Nội thì Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, cơ quan giúp việc, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phải coi đây là một nhiệm vụ chính trị. Ông tiếp lời:

Quyền tài sản xe máy, quyền tài sản, quyền chiếm hữu sử dụng là của người ta nên không thể dùng chữ thu hồi mà chỉ vận động, đưa vào dạng vì những mục đích công cộng, an ninh quốc phòng, phân tích vấn đề ô nhiễm môi trường để vận động người ta thực hiện. - LS. Hoàng Văn Hướng

“Phải vận động cho người dân đồng thuận và thấy được việc đó đúng đắn để người ta làm và phải tôn trọng quyền sở hữu tài sản người ta. Từ hành động và quan điểm chính trị như thế sẽ mở ra cuộc vận động để người ta thấu hiểu rồi từ đó chấp hành cùng với các chính sách mang tính quản lý nhà nước. Sau đó nhà nước mới đưa ra các biện pháp trưng thu những vẫn đảm bảo giá trị nhất định đối với tài sản thu lại. Rồi xử lý vấn đề thu lại như thế nào là cả một vấn đề đối với chính phủ và các bộ, ban ngành phải tham mưu.”

Trước đây Hà Nội đã từng có kế hoạch kiểm soát lượng xe ô tô hết hạn sử dụng nhưng do làm không đến nơi đến chốn.

Tuy nhiên, sau sự việc “Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới” vào cuối tháng 9 vừa qua với một trong những nguyên nhân chính được Bộ Tài nguyên – Môi trường đưa ra trong báo cáo là do phát thải từ giao thông do các xe ô tô, xe máy xả ra môi trường, thành phố lại ráo riết đưa kế hoạch kiểm soát lượng xe ô tô hết hạn sử dụng trở lại.

Dưới góc nhìn chuyên môn, vị Tiến sĩ chuyên về môi trường không muốn nêu tên cũng đã đề ra hướng giải quyết:

“Nên có giải pháp điều tra lại toàn bộ nguồn xả phân tán trong không khí từ khu công nghiệp cho đến giao thông. Trong tất cả phương tiện giao thông, những loại xe nào quá cũ hoặc không có khả năng đốt hết nhiên liệu để xả ra môi trường tỉ lệ quá cao thì nên tịch thu. Còn tịch thu ồ ạt chỉ vì quá hạn thì không nên vì nhiều người dân không có phương tiện đi lại trong khi phương tiện công cộng còn chưa phát triển.

Đến cuối năm 2018, Cục đăng kiểm Việt Nam cho biết cả nước có gần 300.000 xe cơ giới hết hạn đăng kiểm, bị cấm lưu thông. Cục cũng cho biết hiện không có chế tài xử phạt khi xe quá hạn đến kiểm định. Những xe này chỉ bị xử lý khi lực lượng tuần tra, kiểm soát phát hiện khi tham gia giao thông.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.