Cấm doanh nghiệp FDI mua trực tiếp: lợi hay hại

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013.06.05
Một nông dân đang nghe hướng dẫn về một loại máy chế biến cà phê được trưng bày tại lễ hội cà phê được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Tây Nguyên của Đắk Lắk vào tháng 3 10, 2013. Một nông dân đang nghe hướng dẫn về một loại máy chế biến cà phê được trưng bày tại lễ hội cà phê được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Tây Nguyên của Đắk Lắk vào tháng 3 10, 2013.
AFP

Nghe bài này

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dù được cấp phép quyền xuất khẩu cũng bị cấm không được thu mua nông sản trực tiếp của nông dân kể từ 7/6/2013, điển hình là mặt hàng cà phê. Quy định này tiếp tục gây tranh cãi và được cho là lợi bất cập hại.

Lo thương nhân ngoại lách luật - đừng quên nông dân

Trong vài năm vừa qua, việc doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam tổ chức thu mua cà phê trực tiếp của nông dân đã khiến nông dân bán được giá cao hơn. Tuy vậy Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) đưa nhiều thông tin cho rằng, 12 doanh nghiệp nước ngoài đã thu mua và xuất khẩu 50% tới 60% sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam, khiến cho doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn. VICOFA đưa ra cảnh báo ở thì tương lai, theo đó một khi doanh nghiệp FDI chiếm lĩnh thị trường nguyên liệu cà phê, lâu dài họ sẽ kiểm soát giá cả theo ý muốn.

Thế nhưng nông dân trồng cà phê quan tâm đến hiện tại, họ hoan nghênh doanh nghiệp FDI thu mua cà phê trực tiếp vì giá thỏa thuận cao hơn hẳn. Ông Nguyễn Vịnh, một người trồng cà phê cũng là nhà tư vấn cho nông dân Tây nguyên từ Đăk Lak phát biểu:

Công nhân thâu hoạch cà phê. giacaphe.com
Công nhân thâu hoạch cà phê. giacaphe.com
giacaphe.com

“Chắc chắn người nông dân khi phải bán giá thấp hơn họ sẽ không hài lòng, lúc đó họ sẽ kiếm cách để bán được giá cao. Ví dụ doanh nghiệp trong nước mua giá thấp thì họ không bán, họ chuyển cà phê tới vùng nào giá cao hơn để bán. Doanh nghiệp FDI đã tổ chức mạng lưới tại địa phương, hiện nay họ đã về tận nông thôn, họ ký kết hợp đồng sản xuất với nông dân, họ lấy sổ Hộ khẩu của nông dân làm hợp đồng hết rồi, sau này họ thu mua số lượng đó ai mà cấm họ được. Tôi nghĩ rằng doanh nghiệp FDI có những cố vấn pháp luật, họ có chuyên viên tham mưu cho họ con đường làm đúng mà mình chưa nghĩ ra đâu.”

Chắc chắn người nông dân khi phải bán giá thấp hơn họ sẽ không hài lòng, lúc đó họ sẽ kiếm cách để bán được giá cao. Ví dụ doanh nghiệp trong nước mua giá thấp thì họ không bán, họ chuyển cà phê tới vùng nào giá cao hơn để bán.

Ông Nguyễn Vịnh

Cuộc vận động mạnh mẽ của VICOFA đã dẫn tới nhiều giải thích của Bộ Công thương trên báo chí và sau cùng là việc ra đời quyết định 08 áp dụng từ ngày 7/6/2013 đối với nông sản nói chung. Riêng về mặt hàng cà phê, đa số doanh nghiệp Việt Nam bị lép vế về nguồn vốn cũng như chịu lãi suất cao khó cạnh tranh với doanh nghiệp FDI. Thông tư 08 của Bộ Công thương đưa vào áp dụng, sẽ buộc doanh nghiệp FDI phải qua trung gian doanh nghiệp Việt Nam để mua cà phê nhân xuất khẩu. Mục đích cao đẹp được mô tả là “ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp FDI lách luật tranh mua tranh bán thao túng thị trường.”

Tuy vậy theo Thời báo Kinh tế Việt Nam, TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn quan ngại việc áp dụng Thông tư 08 của Bộ Công thương sẽ phá vỡ các chương trình liên kết doanh nghiệp với nông dân. Theo đó nếu cấm các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thiết lập hệ thống thu mua nông sản trực tiếp sẽ khiến các doanh nghiệp này không còn muốn đầu tư cho nông dân và vùng nguyên liệu nữa.

Dây chuyền sản xuất cà phê hòa tan xuất khẩu. AFP
Dây chuyền sản xuất cà phê hòa tan xuất khẩu. AFP
AFP

Về nguyên tắc sự cạnh tranh sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn, còn trong trường hợp này thì Việt Nam đã có cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới là sẽ xử lý đối xử bình đẳng về mặt pháp luật giữa các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước và nếu như không có nhu cầu khẩn cấp thì không cần có sự phân biệt như vậy.

TS Lê Đăng Doanh

TS Đặng Kim Sơn cho biết, hiện tại có khoảng 30 doanh nghiệp FDI đang phối hợp với Bộ NN-PTNT trong chương trình đối tác công-tư. Nhóm doanh nghiệp FDI này đã hợp tác với Nhà nước xây dựng hạ tầng sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi; họ đầu tư giống và vốn, đào tạo kỹ thuật canh tác cho nông dân, hỗ trợ nông dân tiếp cận các chứng nhận chất lượng sản phẩm, như UTZ, 4C của hạt cà phê, RA của chè sạch, ASC và BRC với thủy sản.

Trả lời Nam Nguyên về vấn đề Thông tư 08 của Bộ Công thương gây tranh cãi, Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh từ Hà Nội nhận định:

“ Về nguyên tắc sự cạnh tranh sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn, còn trong trường hợp này thì Việt Nam đã có cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới là sẽ xử lý đối xử bình đẳng về mặt pháp luật giữa các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước và nếu như không có nhu cầu khẩn cấp thì không cần có sự phân biệt như vậy. Tôi nghĩ rằng, ý kiến khác nhau giữa Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương nên được xử lý và tìm ra một tiếng nói thống nhất trong thời gian tới đây.”

Mặc dù Thông tư 08 của Bộ Công thương là áp dụng chung cho các loại nông sản từ cà phê, tiêu cho tới thủy sản, nhưng có thể thấy rằng cà phê là mặt hàng được quan tâm nhiều nhất. Việt Nam là nhà xuất khẩu cà phê robusta đứng thứ nhì thế giới, kim ngạch xuất khẩu cà phê năm 2012 khoảng 3,4 tỷ USD. Nếu doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài cùng quan tâm tới việc liên kết với nông dân, thiết lập vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn thì giá trị hạt cà phê Việt Nam sẽ gia tăng, doanh nghiệp cũng như nông dân cùng có lợi.

Chính phủ kêu gọi tạo mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp nói chung và nông dân, nhưng Thông tư 08 của Bộ Công thương đã chặt cầu với doanh nghiệp FDI. Trong khi đó doanh nghiệp cà phê Việt Nam bị phá sản hàng loạt trong giai đoạn suy giảm kinh tế, những ai tồn tại thì chỉ muốn muốn mua vào bán ra ngay tránh rủi ro, họ không có nguồn lực để hợp tác thiết lập vùng nguyên liệu bền vững cùng nông dân.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.