Festival Huế 2008 khai mạc hôm nay.

Di sản của Huế là các đền đài lăng tẩm do các vua triều Nguyễn xây dựng nên cùng những sinh họat văn hóa đặc trưng của vùng đất thần kinh. Song song đó là cảnh trí thơ mộng và con người Huế.
Gia Minh. phóng viên đài RFA
2008.06.03
ThienMuPagoda_wikipedia_250.jpg
Chùa Thiên Mụ, một di tích lịch sử và cảnh quan hàng đầu cua Huế.
Hình wikipedia
Giáo sư Trần Kiêm Đoàn là một người gốc Huế hiện sinh sống tại Hoa Kỳ và ngay trước dịp Festival Huế năm nay ông có dịp về thăm Huế. Trong cuộc trao đổi với phóng viên Gia Minh vế cảnh quan cố đô Huế, ông cho biết về tình hình trùng tu những di tích của Huế lâu nay:

Giáo sư Trần Kiêm Đoàn: Theo tôi nghĩ chỗ nào tôn tạo được thì sự tinh xảo chỉ đạt mức độ chỉ chừng 60%. Nhìn xa thì thấy như cũ, nhưng đến gần mới thấy những chi tiết tôn tạo rất vụng về. Ví dụ ngay ở Chùa Linh Mụ, thì những đường gạch nối rất vụng.

Nguời Việt Nam rất khéo tay, nhất là thợ nề thì họ có thể làm những chạm trổ rất tinh xảo. Không hiểu vì thiếu đầu tư, thiếu cẩn trọng hay thiếu tổ chức. Thà không làm thì thôi còn làm thì mức độ tinh vi phải đạt một giới hạn nào đó.

Gia Minh: Ông trao đổi với những viên chức bảo tồn, bảo tàng không?

Giáo sư Trần Kiêm Đoàn:  Thực sự tôi chỉ mạn đàm với bạn bè là những người làm trong ngành du lịch. Đến giờ thì tôi chưa nghe ý kiến của những nguời có trách nhiệm.

Gia Minh: Ngoài những giá trị vật thể của Huế, ông có dịp thưởng thức  những giá trị phi vật thể không?

Giáo sư Trần Kiêm Đoàn:   Nói nôm na đó là văn hóa, lối sống, phong thái của người Huế. Vừa qua, ở thời điểm sau đợt giá gạo tăng lên đến gấp rưỡi, tôi đi một vòng từ Sài Gòn lên Buôn Mê Thuột rồi đến Huế thì tôi thấy Huế có cuộc sống tương đối có vẻ thoải mái vì sự bon chen, giành giựt, bức xúc, nóng bỏng như ở nơi khác.

Phong thái, và tâm lý của nguời Huế là muốn bảo vệ những cái gì nho nhỏ, thân thương của mình, tránh đụng chạm, giành giật tối đa, trừ phi những lúc quá bức xúc thì không nói.
Nói về giá trị phi vật thể thì quá nhiều để nói và cũng quá ít để nói; lý do là nhiều vì văn hóa là tổng hợp của đời sống với bao nhiêu mày vẽ, còn quá ít thì làm thế nào để ta gọi ra..

Gia Minh: Huế trước đây nổi tiếng về cảnh quan thiên nhiên, ông có thấy môi trường đang bị xấu đi thế nào?

Giáo sư Trần Kiêm Đoàn:  Ở các nuớc Á châu ,nhất là Trung Quốc và Việt Nam hiện nay, vấn đề môi sinh đang được báo chí và các nhà khoa học nói đến nhiều.
Đơn giản vì dân số gia tăng, kỹ thuật gia tăng, trong khi đó lại phải lo “xóa đói giảm nghèo”. Cái đói không còn nữa, nhưng cái nghèo chỉ giảm đi thôi, vẫn còn đó. Vì vậy người ta trước mắt phải lo chuyện cơm áo gạo tiền đã. Khi khá lên thì họ mới nghĩ đến cải thiện môi sinh.

Theo tôi việc bảo vệ môi sinh đang được thực hiện một cách tự phát, do dân làm, như khi có dịp lễ nào thì dân chúng ra dọn dẹp đường xá. Còn chính sách chung làm sạch môi sinh thì chưa thành hình rõ rệt. Huế tương đối chậm phát triển về mặt kỹ thuật và kinh tế nên việc đầu tư về môi sinh thì chưa đúng mức như hiện nay.





Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.