Nạn cờ bạc và cuộc sống của những gia đình Việt
2014.05.21
Đối với tập quán của người VN, “cờ bạc” là tệ nạn. Bởi vì chỉ cần nghe bất kỳ ai dính líu tới các trò chơi “đỏ đen” thì người ta đều liên tưởng đến nhiều hậu quả hệ lụy hơn là những gì đạt được sau các cuộc vui.
Để tham gia vào các cuộc cá độ bóng đá, đánh bài, đá gà…thì người chơi phải có tiền. Người có tiền hay không tiền phải vay nóng với mức lãi suất “cắt cổ” đổ vào các cuộc chơi. Nhiều người trong số đó tham gia để thỏa lòng đam mê nhưng cũng không ít người hy vọng cho một sự “đổi đời”. Không ai rõ phần trăm số người thắng và làm giàu từ những trò “may rủi” được là bao vì luật pháp ở VN cấm đoán nên số liệu không được công bố công khai. Thế nhưng, tin tức hàng ngày trên các phương tiện truyền thông trong nước về tệ nạn cờ bạc lại nhan nhản khắp nơi. Nhiều người giàu có lâm vào cảnh mất hết tài sản, cơ ngơi. Nhiều gia đình đổ vỡ tan nát vì có người thân cờ bạc. Và cũng nhiều người trở thành tội phạm nguy hiểm vì cướp của giết người khi đã đến đường cùng của vận đen.
Thường những người thua thì lại muốn gỡ. Họ phải kiếm tiền bằng mọi cách để lại lao vào như những con thiêu thân. Một khi trở thành “con nợ” không có khả năng chi trả thì họ phải chịu “xử” theo luật giang hồ. Anh Tèo, ở Hà Nội, một người biết về các hoạt động của thế giới “ngầm” cho biết:
“Đầu tiên là người ta cũng mang tính chất hăm dọa nhưng thật sự không chịu trả nợ thì người ta sẽ dùng biện pháp mạnh để đòi được tiền. Thường thì bị chém, bị đòi nợ bằng cách dùng vũ lực nhưng lấy tính mạng thì chưa có mấy”.
Thường thì bị chém, bị đòi nợ bằng cách dùng vũ lực nhưng lấy tính mạng thì chưa có mấy.
- Anh Tèo, ở Hà Nội
Chỉ những người có máu đỏ đen mới là nạn nhân hay người thân của họ cũng bị liên lụy? Anh Tèo nói thêm:
“Trốn thì lâm vào cảnh bị người ta ép nợ. Họ sẽ tìm và sẽ gây nhiều chuyện đến gia đình của mình để gây áp lực cho mình về trả nợ. Người thân của mình chắc chắn bị đe dọa”.
Trong cuộc trao đổi với Hòa Ái, anh Tèo còn cho biết có những chủ nợ hay các đường dây tổ chức cá độ, bài bạc có quy mô có cả lực lượng công an hỗ trợ khi đi đòi nợ.
Trong khi đó, nhiều gia đình người Việt hải ngoại có người thân là “con nợ” ở VN không bị chủ nợ đe dọa mà điều đau lòng đối với họ khi nhận các cuộc điện thoại viễn liên xin tiền trả nợ, bằng không tính mạng không được bảo toàn. Bà Tư chia sẻ với đài ACTD suốt 20 năm ở Mỹ bà phải giúp trả nợ cho người chị gái ở Sài Gòn vì sa vào cờ bạc, đánh đề:
“Thiếu mấy nhà cái cờ bạc, bạc hai mươi mấy ba chục phân, nói không trả thì đâm chém gì đó. Mình phải cho tiền trả. Cho bà chị từ đó tới giờ tính ra có 40 chục lượng vàng”.
Hệ lụy cả người thân và gia đình
Hoàn cảnh gia đình giống như bà Tư ở Hoa Kỳ không phải là hiếm. Nhiều người lâu lắm mới sắp xếp về thăm gia đình ở VN một lần. Tuy nhiên, vừa đặt chân vào nhà thì chủ nợ đã có mặt để đòi nợ cho bằng được. Đa số họ không muốn trở về gặp mặt người thân trong hoàn cảnh như vậy nữa. Có người chọn cách thay vì về thăm thì nghĩ số tiền đó có thể cứu mạng cho người nhà của mình. Có người đành cắn răn quay lưng với người thân để họ không ỷ lại mà quay đầu.
Bên cạnh những gia đình người Việt hải ngoại có người thân vướng vào con đường cờ bạc ở VN, còn có nhiều gia đình người Việt khác cũng phải gánh chịu cùng chung số phận nợ nần, phá sản, ly tán tại nước sở tại mà họ định cư, đặc biệt tại Hoa Kỳ, một quốc gia có ngành kinh doanh casino hợp pháp rộng khắp các tiểu bang. Cô Jennifer Nguyễn tâm tình về hoàn cảnh người thân thiếu nợ do cờ bạc:
Trong gia đình mà có 1 người cờ bạc thì rất là lo lắng. Nhiều khi họ gọi điện thoại tới nhà dù không hăm dọa, chỉ nói cần gặp một người trong nhà thôi thì cũng khiến cho mình lo lắng.
- Cô Jennifer Nguyễn
“Trong gia đình mà có 1 người cờ bạc thì rất là lo lắng. Nhiều khi họ gọi điện thoại tới nhà dù không hăm dọa, chỉ nói cần gặp một người trong nhà thôi thì cũng khiến cho mình lo lắng. Mở cửa đi ra ngoài đường cũng gặp một số người lảng vảng thì mình không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho gia đình mình? Nhà có con nít nữa nên rất lo lắng. Gia đình phải cố gắng xoay sở để trả số tiền nợ cho vụ cờ bạc đó, mượn đầu này đắp đầu kia để trả đúng con số người ta muốn”.
Hẳn những ai yêu mến giọng ca của cố ca sĩ Duy Quang vẫn còn nhớ cuộc hôn nhân 20 năm hạnh phúc của ông với người vợ tên Mỹ Hà, một cựu hoa hậu, phải đi đến chia tay vì vợ mình lâm vào nạn cờ bạc, làm tiêu tan sản nghiệp.
Trong quá trình thu thập thông tin cho bài phóng sự này, hình ảnh một bà mẹ từ VN lặn lội qua Mỹ bị ngất xỉu nhiều lần khi thi hài của người con trai duy nhất đưa vào lò thiêu cứ hiện rõ mồn một trong tâm tưởng của Hòa Ái. Anh thanh niên xấu số này đã dùng súng kết liễu cuộc đời mình sau khi thua trắng tay ở sòng bài trong vòng một đêm với số tiền gần 100 ngàn Mỹ kim. Anh chọn cái chết ở tuổi đời chưa tròn 30, ở một bìa rừng gần khu vực casino rộn rịp. Mãi hơn 3 năm sau, bộ xương khô của anh mới được cảnh sát phát hiện và thông báo đến gia đình.
Qua những câu chuyện trên cho thấy quan điểm “cờ bạc là bác thằng bần” của người Việt không bao giờ thay đổi.