Viễn ảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu

Nhiều nước trên thế giới tỏ ra phấn khởi trước kế hoạch của Washington tung 700 tỉ đô la cứu nguy tài chính Mỹ, nhưng giới đầu tư vẫn lo ngại trước viễn ảnh kinh tế toàn cầu suy thoái.
Việt Long, phóng viên đài RFA
2008.10.07

WallStreet-093008-250.jpg
Chỉ số chứng khoán Dow Jones của thị trường Wall Street xuống dưới ngưỡng 10.000 điểm sau phiên giao dịch hôm 6-10-2008. AFP PHOTO
AFP PHOTO
Trong khi đó, các nước Châu Âu vẫn chưa hoàn toàn đồng thuận về kế hoạch cứu nguy cho chính châu lục này.

Dow Jones xuống dưới 10.000 điểm

Chỉ số chứng khoán Dow Jones của thị trường New York rớt gần 370 điểm  vào cuối phiên giao dịch ngày thứ hai đầu tuần, xuống dưới ngưỡng 10 ngàn điểm lần đầu tiên kể từ năm 2004.

Giới chuyên môn còn cho rằng ngoài vấn đề niềm tin chưa được phục hồi, giới đầu tư còn đang chờ đợi để biết rõ chi tiết về những biện pháp thực hiện kế hoạch cứu nguy trị giá 700 tỉ đô la, cụ thể là hệ thống ngân hàng được vay mượn ra sao từ Quỹ của chính phủ, để giải quyết tình trạng thiếu thanh khoản trầm trọng.   

Tổng thống Hoa Kỳ  George W. Bush kêu gọi công chúng hãy kiên nhẫn trong lúc hệ thống tài chính phục hồi niềm tin,và hãy tin tưởng đạo luật cứu nguy kinh tế là một bước tiến lớn để giải quyết vấn đề.

Ngoài vấn đề niềm tin chưa được phục hồi, giới đầu tư còn đang chờ đợi để biết rõ chi tiết về những biện pháp thực hiện kế hoạch cứu nguy trị giá 700 tỉ đôla

Bộ ngân khố Hoa Kỳ  cho biết đang nghiên cứu vịêc khả dĩ tung tiền cho hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ vay thêm, để giữ khả năng thanh toán cho các ngân hàng đang thiếu tiền nghiêm trọng.

Quỹ Dự trữ Liên bang cho biết sẽ giúp hệ thống ngân hàng trả tiền lãi cho các khoản ký gởi, trong một kế hoạch từ nay tới cuối năm sẽ đưa vào thị trường tài chính tới 900 tỉ đô la để cho các ngân hàng vay mượn.  

Giới đầu tư và tài chính Mỹ còn trông đợi Quỹ Dự trữ giảm lãi suất thêm nữa, như một hành động phối hợp với Ngân hàng trung ương châu Âu.   Chỉ số chứng khoán đã giảm tới hơn 700 điểm vào lúc hơn 2 giờ chiều thứ hai, trước khi trở lại mức âm gần 370 điểm vào cuối phiên giao dịch.  

Nguy cơ khủng hoảng toàn cầu

Các giới chức lãnh đạo chính trị và tài chính Hoa Kỳ cũng kêu gọi hành động phối hợp của toàn thế giới để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.   

Các nhà lãnh đạo Liên Minh châu Âu đồng

EU-Stock-250.jpg
Thị trường chứng khoán Âu Châu sụt giảm mạnh do ảnh hưởng từ vụ khủng hoảng các ngân hàng đầu tư Hoa Kỳ. AFP PHOTO
AFP PHOTO
ý trên nguyên tắc về hành động phối hợp, nhưng chưa hoàn toàn đồng thuận về chi tiết. 

Bộ trưởng kinh tế tài chính Anh quốc Alistair Darling tuyên bố trước quốc hội Anh hôm thứ hai, rằng cuộc khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ năm ngoái đã lan sang mọi nơi trên thế giới, và sự đổ vỡ của thị trường tài chính ngày càng tăng mạnh, nhất là trong mấy tuần qua.

Bộ trưởng kinh tế tài chính vương quốc Anh nói tiếp, mọi quốc gia châu Âu phải có những nỗ lực tuỳ theo hoàn cảnh của mình, nhưng cũng phải có những hành động chung để duy trì sự ổn định về tài chính.

Tại Berlin, lãnh đạo Đức và Italy hôm thứ hai cam kết châu Âu sẽ phối hợp hành động để đối phó cụôc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng Berlin lại không đáp ứng lời kêu gọi của Rome muốn lập quỹ cứu nguy cho châu Âu, giống như người Mỹ đã làm.

Cuộc khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ đã lan sang mọi nơi trên thế giới, và sự đổ vỡ của thị trường tài chính ngày càng tăng mạnh.

Alistair Darling, Bộ trưởng kinh tế tài chính Anh

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi tuyên bố với báo chí trước khi dùng bữa trưa để thảo luận công việc, rằng hai nước tìm biện pháp gắn bó để giữ vững thị trường tài chính trong cơn chao đảo.   

Nhưng bà Angela Merkel nói thêm rằng mỗi nước cần có trách nhiệm riêng trong nhiệm vụ chung này. 

Trong hội nghị thưởng đỉnh về khủng hoảng tài chính nhóm họp vào cuối tuần qua tại Paris, các lãnh đạo quốc gia của Anh, Pháp, Đức, Italy cam kết bảo vệ các ngân hàng dễ bị đổ vỡ, nhưng lảng tránh việc khả dĩ thiết lập một quỹ cứu nguy tài chính cho châu Âu.   Anh và Đức phản đối việc thành lập quỹ này. 

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ký bản thông cáo của các quốc gia Liên Minh châu Âu, nội dung cho biết các chính phủ sẽ làm mọi cách để bảo vệ hệ thống tài chính châu Âu.   

Tuy nhiên giới phân tích không mấy lạc quan về viễn ảnh châu Âu có thể ngăn chống ảnh hưởng khủng hoảng tài chính từ Hoa Kỳ.  

Đức tung biện pháp gia tăng mức bảo hiểm cho tiền tiết kiệm gửi ngân hàng, và Thuỵ Điển, Áo cùng Đan Mạch đã theo gương.  Tuy nhiên hoạt động cho vay liên ngân hàng vẫn không khởi sắc. 

Từ Canada, Thủ tướng Stephen Harper kêu gọi thực hiện một nỗ lực toàn cầu để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, tuy rằng xứ ông chưa bị ảnh hưởng gì.    

Các nhà đầu tư từ Tokyo đến Luân Đôn vẫn đề phòng rủi ro hệ thống tín dụng thiếu thanh khoản.   Hàn Quốc tỏ ý muốn thảo luận về khủng hoảng với Nhật và Trung Quốc, trong khi giới đầu tư rút bớt vốn khỏi thị trường ở vùng Vịnh, sợ khủng hoảng tài chính lây lan sang khu vực này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.