Di tích bị xâm phạm: Chính quyền phải xử lý bằng luật pháp

Hòa Ái, phóng viên RFA
2017.07.14
000_NX8ER.jpg Ảnh minh họa: Du khách đi thuyền trên Vịnh Hạ Long.
Courtesy: AFP photo

Trong tháng Sáu vừa qua, Lữ đoàn Hải quân 170 và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Chuỗi Giá Trị khai thác kinh tế ở Vịnh Hạ Long và Cố đô Huế qua bị dân chúng phản đối vì cho rằng đã phá hoại di sản văn hóa và di tích lịch sử của Việt Nam. Câu hỏi đặt ra trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý gìn giữ và bảo tồn như thế nào cũng như giải quyết hậu quả của những hệ lụy ra sao?

Di sản văn hóa bị tàn phá

Báo giới trong nước hồi hạ tuần tháng Sáu đưa tin về vụ việc người dân phát hiện một số quả núi trên vùng đệm Di sản Vịnh Hạ Long, tại khu vực phường Hà Tu, bị tàn phá bởi khai thác đá. Chính quyền tỉnh Quảng Ninh ngay sau đó xác nhận đây là công trình đang triển khai nằm trong ranh giới đất quốc phòng, do Lữ đoàn 170, thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân, quản lý và được Bộ Quốc phòng cấp phép.

Tuy nhiên, vào chiều ngày 26 tháng Sáu, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh ra văn bản phê bình Lữ đoàn 170, yêu cầu dừng ngay hoạt động khai thác và triển khai đồng bộ các biện pháp khắc phục môi trường khu vực này. Đồng thời, tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân vào sáng ngày 7 tháng Bảy, Bí thư tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đọc lên tiếng khẳng định rằng Lữ đoàn Hải quân 107 đã lợi dụng công trường trong ranh giới quốc phòng để đưa tư nhân vào khai thác đá. Ông Nguyễn Văn Đọc cũng tuyên bố và chúng tôi xin được trích nguyên văn “Đây là bài học trong việc quản lý đất, dự án quốc phòng trên địa bàn của địa phương”.

Ngay bây giờ và sau này cũng vậy, những di tích này mất đi thì rất khó lấy lại được như hiện trạng ban đầu. Các thế sau sẽ không thể hình dung ra được các công trình kiến trúc hay những nét văn hóa của thế hệ trước như thế nào
-Blogger Từ Anh Tú

Di tích lịch sử bị xâm hại

Cùng khoảng thời gian cuối tháng Sáu, tại Huế, dân chúng địa phương phản ánh với chính quyền về việc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Chuỗi Giá Trị san ủi khu vực có ngôi mộ cổ của vợ vua triều Nguyễn để làm bãi đậu xe du lịch lăng Tự Đức và Lăng Đồng Khánh, tại phường Thủy Xuân. Trong khi đó, Ban Trị sự Nguyễn Phước tộc cũng căng bạt dựng lều để trông coi phần mộ bị san phẳng và tấm bia được tìm thấy có dấu tích ghi lại là mộ của bà tài nhân họ Lê, đứng hàng thứ 9 trong Cửu giai phi, vợ Vua Tự Đức.

Diễn tiến mới nhất, huyệt mộ bà tài nhân họ Lê được tìm thấy vào sáng ngày 6 tháng Bảy. Ban Trị sự Nguyễn Phước tộc mong được khôi phục lại lăng mộ ngay vị trí cũ và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Chuỗi Giá Trị cũng đã lên tiếng xin lỗi và hứa xây dựng lại lăng mộ vợ Vua Tự Đức bị san ủi. Thế nhưng, Chính quyền thành phố Huế dự định di dời để lấy đất cho dự án bãi đỗ xe.

Giải quyết hậu quả

Qua hai vụ việc vừa nêu, dư luận trong nước phản đối mạnh mẽ cách thức hành xử của Chính quyền tỉnh Quảng Ninh và thành phố Huế. Nhiều người bày tỏ sự giận dữ vì theo họ các di sản văn hóa và di tích lịch sử bị xâm hại nghiêm trọng mà chính quyền địa phương chỉ học bài học kinh nghiệm hay có quyết định di dời, không bảo tồn chỉ vì lợi ích kinh tế.

Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên-Huế, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đỗ Bang lên tiếng với truyền thông trong nước rằng việc san phẳng lăng mộ vợ vua triều Nguyễn để làm bãi đậu xe là hành vi thiếu trách nhiệm và vô nhân tâm. Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đỗ Bang cũng nói là Ủy ban Nhân dân thành phố Huế đã làm sai khi tổ chức họp về việc lăng mộ bị san ủi mà không mời thân nhân của ngôi mộ tham dự. Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên-Huế còn nhấn mạnh “Phải đối xử với di tích, với người quá cố cho đúng đạo lý”.

Đài RFA cũng nêu vấn đề với Giáo sư-Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, và được ông cho biết:

“Nếu di tích đã được công nhận rồi mà ai làm gì vi phạm luật đối với di tích đó thì phải xử lý bằng luật. Đã là di tích được phân cấp do nhà nước quản lý hay địa phương quản lý mà tự nhiên có công ty nào nhảy vào làm thì tức nhiên đã được ai đó cho phép. Nhưng ví dụ nơi cho phép là tỉnh hay huyện, phường, xã không nắm rõ các nguyên tắc mà cho phép sai thì phải xử lý về mặt pháp luật. Cho nên tôi nói là phải xem xét rất cụ thể.”

Một quốc gia mà chính quyền và người dân không tôn trọng di tích văn hóa hay di tích lịch sử của họ thì quốc gia đó không thể trường tồn và vững mạnh
-TS. Nguyễn Nhã

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận nhiều bạn trẻ trong nước đặc biệt quan tâm đến thông tin của hai vụ việc trên bức xúc cho rằng chính quyền tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Thừa Thiên-Hế không chỉ phải nghiêm túc giải quyết hậu quả của hai vụ việc xâm hại di sản văn hóa và di tích lịch sử trong phạm vi địa phương, mà Chính phủ phải chú trọng hơn trong việc gìn giữ cũng như bảo tồn các di sản văn hóa và di tích lịch sử của quốc gia. Một trong những bạn trẻ mà chúng tôi tiếp xúc là Blogger Từ Anh Tú, ở Hà Nội nêu lên suy nghĩ của anh:

“Em nghĩ rằng hiện tại dang bị tàn phá một cách rất trầm trọng. Và nhiều công trị sau khi bị xử lý hay thậm chí tu sửa thì cuối cùng thành bị phá hoại trầm trọng hơn. Em đi rất nhiều chỗ, hầu như chỗ nào cũng bị tàn phá hết. Kể cả ngay trong Cung đình Huế cũng thế, họ có tu sửa nhưng càng sửa càng hỏng, lại trở thành xấu xí và lai căng. Ngay bây giờ và sau này cũng vậy, những di tích này mất đi thì rất khó lấy lại được như hiện trạng ban đầu. Các thế sau sẽ không thể hình dung ra được các công trình kiến trúc hay những nét văn hóa của thế hệ trước như thế nào.”

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã cũng khẳng định với RFA một quốc gia mà chính quyền và người dân không tôn trọng di tích văn hóa hay di tích lịch sử của họ thì quốc gia đó không thể trường tồn và vững mạnh.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.