Bảo tồn di sản đô thị cây xanh, lưỡng nan của sự phát triển

Kính Hòa, phóng viên RFA
2017.07.12
000_NV3VQ Một khu nhà cao tầng ven sông Sài Gòn đang được xây dựng.
AFP

 

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chặt bỏ 143 cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng để lấy chổ xây cầu Thủ Thiêm 2.

Đây không phải là lần đầu tiên nhiều cây cổ thụ của thành phố Sài Gòn bị đốn hạ để phục vụ cho nhu cầu phát triển. Nhiều cây dầu cổ thụ tại trung tâm thành phố đã bị phá bỏ để xây dựng ga tàu điện ngầm.

Câu hỏi làm thế nào để hài hòa giữa bảo tồn những cây xanh lâu năm trước nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng luôn đặt ra cho cư dân cũng như giới chức có thẩm quyền ở các thành phố lớn Việt Nam trong những năm gần đây.

Mâu thuẫn phát triển và bảo tồn đô thị- cây xanh

Khi biết được tin này chúng tôi đã gặp một số bạn trẻ trên đường phố Sài Gòn để hỏi ý kiến của các bạn đó về chuyện chặt cây xanh lâu năm để xây dựng các công trình phát triển kinh tế. Một bạn trẻ giấu tên nói rằng:

Công trình nhiều quá mà không có cây xanh thì ngày càng nóng hơn, mà thực sự thành phố này con đường có cây xanh đã quá ít rồi mà công trình có thể xây ở những nơi khác mà đâu huống hồ gì phải cắm vô chỗ có những cây rất to lớn, lâu năm như vậy.

Trả lời cho câu hỏi của bạn trẻ này thì có ý kiến cho rằng việc phát triển những khu đô thị mới đã được thực hiện theo cách dựa trên những cơ sở hạ tầng có sẳn, thay vì xây dựng ở những khu mới hoàn toàn. Điều đó sẽ có lợi cho những nhà đầu tư, thu lợi nhanh hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, hiện sống tại Sài Gòn, chuyên nghiên cứu khảo cổ và bảo tồn không gian văn hóa đô thị, cũng có phần đồng ý với ý kiến đó. Riêng trong trường hợp cầu Thủ Thiêm 2 ở đường Tôn Đức Thắng, bà cho rằng hiện nay đã có khu đất rộng lớn ở xưởng Ba Son được quân đội giao lại cho phát triển kinh tế, thì nên lấy đó để xây cầu, phục vụ lợi ích công.

Nhưng Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cũng cho biết rằng khu đất đó được giao cho tập đoàn Vincom để phát triển các dự án nhà cửa và thương mại.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cho biết rằng những hàng cây xanh lâu năm trong thành phố Sài Gòn cũng như Hà Nội, là kết quả của sự qui hoạch đô thị do người Pháp để lại, và nó đã trở thành một phần của di sản đô thị của Việt Nam. Bà cho rằng sự phát triển những khu đô thị mới của Việt Nam hiện nay, tuy cũng có chú ý đến việc trồng cây xanh, chẳng hạn như khu Phú Mỹ Hưng phía Nam Sài Gòn, nhưng sự chú ý đó chưa đầy đủ.

Tôi nghĩ rằng ở đất nước nào cũng có việc là phải phát triển. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là trong sự phát triển đó hy sinh cái gì.
-Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu

Với sự tăng tốc của đô thi hóa, trong nhiều năm qua, những di sản đô thị, trong đó có cây xanh đã phải nhường không gian cho việc xây dựng cầu đừơng, nhà cao tầng hiện đại. Trả lời câu hỏi làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn giữa sự phát triển hiện đại và bảo tồn di sản đô thị, bà Nguyễn Thị Hậu cho rằng:

“Tôi nghĩ rằng ở đất nước nào cũng có việc là phải phát triển. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là trong sự phát triển đó hy sinh cái gì. Có thể phải hy sinh một số di sản nào đấy, một số cây xanh nào đấy, nhưng thực sự đã tính toán hết chưa? Thực sự đã đặt lợi ích của cộng đồng, lợi ích lâu dài của đô thị lên trên chưa? Hay là sự hy sinh đó chỉ nhằm giải quyết trước mắt của đô thị, hay là của một nhóm cư dân nào đó trước mắt.”

Sự quan tâm của cộng đồng đã đủ mạnh để bảo tồn di sản cây xanh và đô thị?

Tuy nhiên không phải người dân nào cũng biết được việc bảo tồn đô thị-cây xanh cũng như có ý kiến về việc đó.

Trong số bảy bạn trẻ mà chúng tôi phỏng vấn trên đường phố Sài Gòn, thì có hai bạn không muốn trả lời. Một bạn thì không quan tâm:

Nói chung nó tới đâu không biết chứ mất chỗ bán là buồn rồi đó (…) Kế sinh nhai thôi chứ ngoài kia mình không có hiểu lắm.

Giải thích sự thiếu quan tâm của một số đông người dân về chuyện bảo tồn di sản đô thị-cây xanh, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu nói:

“Thành phố Sài Gòn hiện nay là thành phố có lượng người nhập cư quá lớn. Rất nhiều người vào đây nhưng chưa kịp ổn định cuộc sống của mình, cho nên họ chưa quan tâm gì đến những cái như là cảnh quan, những việc của cái đô thị mà họ đang sống. Mà thực ra việc bảo vệ di sản phải xuất phát từ nhiều lý do. Đầu tiên là phải có sự hiểu biết về cảnh quan đó, môi trường đó, có tác dụng tích cực như thế nào với con người, với cuộc sống. Cái thứ hai không thể thiếu được là họ phải có những ký ức, có tình yêu đối với đô thị mà họ đang sống.”

Nhưng bên cạnh đó, trong những năm qua Việt Nam cũng đã chứng kiến những cuộc tranh luận về việc bảo tồn các khu phố cổ, cũng như bảo vệ cây xanh. Vào năm 2015 đã xảy ra một cuộc biểu tình của người dân Hà Nội đòi ngưng ngay việc chặt bỏ các cây xanh cổ thụ ở thành phố này. Việc này cũng xảy ra khi tiến hành dự án tàu điện ngầm tại trung tâm Sài Gòn, với dự định phá bỏ nhiều cây dầu cổ thụ trên đường Lê Lợi. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu nói tiếp:

Khi hàng cây dầu trên đường Lê Lợi bị chặt thì tiếng nói của cộng đồng dân cư, những nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa, kể cả những nhà qui hoạch đã có tiếng nói rất là mạnh mẽ nhằm hạn chế những thiệt hại, không để chính quyền hay những người thi công chặt thêm nữa. Trên đường Tôn Đức Thắng thì đã chặt một số cây, và do tiếng nói của cộng đồng thì người ta đã phải dừng lại. Mà tôi nhớ là các bạn trẻ có hành động rất quyết liệt. Ví dụ như các bạn cầm biểu ngữ đề nghị ngưng chặt cây, rồi các bạn có phong trào đi gắn những chiếc nơ vàng cho hàng cây.

Trong một bài viết vào đầu tháng bảy năm nay trên tạp chí Tia Sáng trong nước, kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý, người có nhiều bài viết về di sản đô thị tại Hà Nội nói rằng với tình hình hiện nay thì khó lòng duy trì được nguyên trạng những đô thị cổ ít ỏi của Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cũng cho rằng hiện nay rất khó để bảo vệ di sản đô thị cây xanh trước làn sóng xây dựng phát triển của những nhà đầu tư. Tuy nhiên bà vẫn hy vọng rằng ý thức của cộng đồng, trong đó có chính các nhà đầu tư sẽ làm nên sức ép giúp bảo vệ di sản đô thị cây xanh trong tương lai, đặc biệt là sự trưởng thành của một lớp người Việt Nam trẻ tuổi có hiểu biết và yêu mến những di sản đô thị cây xanh nơi mình đang sống.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.