Vinh danh tử sĩ Hoàng Sa: một cơ hội hòa giải
2014.01.06
Nhà nước Việt Nam đang thể hiện sự thay đổi quan trọng trong đối sách về chủ quyền biển đảo. Báo chí được phép phổ biến chương sử ca anh hùng của Hải quân VNCH trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974. Song hành với sự thay đổi này là nhiều ý kiến về việc vinh danh những chiến sĩ đã hy sinh khi Hoàng Sa mất vào tay Trung Quốc. Nam Nguyên trình bày vấn đề này.
Cơ hội hòa giải dân tộc
TS Sử học Nguyễn Nhã một nhà nghiên cứu Biển Đông hiện sống và làm việc ở Saigon nhận định rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ để mất thêm một cơ hội hòa giải dân tộc, nếu chậm vinh danh những anh hùng tử sĩ VNCH đã bỏ mình để bảo vệ Hoàng Sa trước quân xâm lược Trung Quốc.
“ Khi mà đã công nhận chính quyền VNCH đã đề kháng chống cự lại sự xâm lược của Trung Quốc, thì dĩ nhiên vinh danh bất cứ ai đã hy sinh trong vấn đề Hoàng Sa. Hiện nay tôi chưa biết cụ thể sẽ như thế nào nhưng bây giờ là xu hướng chung và mọi người đang mong đợi.”
Cách đây 40 năm trong trận hải chiến Hoàng Sa từ 17 đến 19/1/1974, Hải quân VNCH đã thất trận trong một trận đánh không cân sức với hạm đội và máy bay Trung Quốc. 74 chiến sĩ Hải quân VNCH đã tử trận, trong đó có Hạm trưởng Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10 là Hải quân Thiếu tá Ngụy Văn Thà hy sinh vì quyết không rời bỏ chiến hạm mà ông chỉ huy.
Khi mà đã công nhận chính quyền VNCH đã đề kháng chống cự lại sự xâm lược của Trung Quốc, thì dĩ nhiên vinh danh bất cứ ai đã hy sinh trong vấn đề Hoàng Sa. Hiện nay tôi chưa biết cụ thể sẽ như thế nào nhưng bây giờ là xu hướng chung và mọi người đang mong đợi
TS Sử học Nguyễn Nhã
Nhà báo Huy Đức, chủ blog Oshin đã mất gần 8 năm để tìm hiểu danh sách những chiến sĩ trận vong ở Hoàng Sa. Từ nhiều nguồn khác nhau và cập nhật từ các cựu sĩ quan Hải quân VNCH, Huy Đức đã lập danh sách 74 chiến sĩ VNCH tử trận mà ông vinh danh là liệt sĩ Hoàng Sa. 72 liệt sĩ có họ tên cấp bậc và 2 người họ tên chưa đầy đủ. Huy Đức đã được các trang mạng xã hội như Bauxite Việt Nam góp tay cho chiến dịch gọi là cùng hoàn chỉnh danh sách Liệt sĩ Hoàng Sa.
TS Nguyễn Quang A, một trong những người chủ trương Diễn Đàn Xã hội Dân sự hiện sống và làm việc ở Hà Nội trình bày ý kiến của ông về việc nhìn nhận những tử sĩ VNCH đã bỏ mình vì Hoàng Sa.
“Những chiến sĩ VNCH đã hy sinh trong cuộc bảo vệ Hoàng Sa là những anh hùng của dân tộc Việt Nam này. Tôi nghĩ là bất luận chính thể nào cũng phải trân trọng và tôn vinh những người như thế. Khi mà một chính phủ, một chế độ không làm được điều ấy thì trong người dân người cũng làm việc đó, có lúc thì âm thầm có lúc thì công khai. Những chuyện ấy rất là bình thường và lịch sử nhân dân Việt Nam sẽ luôn luôn ghi nhớ những người ấy như là những người con thân yêu của đất nước.”
Bất kể ai chống ngoại xâm đều được trân trọng
Trong khi đó GSTS Nguyễn Thế Hùng từ Đà Nẵng cho rằng, từ chỗ nhiều năm tránh đề cập trận hải chiến Hoàng Sa giữa Hải quân VNCH và quân xâm lược Trung Quốc thì nay chính quyền đã công khai vấn đề này như một đối sách về vấn đề chủ quyền Hoàng Sa. Tuy vậy ông Hùng cho là để chính quyền chính thức vinh danh các tử sĩ Hoàng Sa thì sẽ phải mất thêm nhiều thời gian nữa.
Những chiến sĩ VNCH đã hy sinh trong cuộc bảo vệ Hoàng Sa là những anh hùng của dân tộc Việt Nam này. Tôi nghĩ là bất luận chính thể nào cũng phải trân trọng và tôn vinh những người như thế
TS Nguyễn Quang A
“Tôi thấy là bất cứ người công dân nào của đất nước Việt chúng ta mà chống ngoại xâm, ở đây là chống Trung Quốc xâm lược đảo Hoàng Sa, thì đó là những người yêu nước đáng được trân trọng. Đối với chế độ bây giờ thì lần lần người ta sẽ nhận ra được vấn đề. Tôi nghĩ là họ từ từ nhưng đến một lúc nào đó thì sẽ xem những người này là liệt sĩ là anh hùng của đất nước.”
Ngược dòng thời gian vào ngày 27/7/2011, nhân sĩ trí thức TPHCM đã cùng Câu lạc bộ Phao lô Nguyễn Văn Bình tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam và Hoàng Sa Trường Sa. Như vậy từ gần ba năm trước các nhà hoạt động xã hội dân sự đã đi trước chính quyền một khoảng cách rất xa, nhất là trong bối cảnh chính quyền đàn áp biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn biển đảo. Lúc ấy Cụ Nguyễn Đình Đầu nhà nghiên cứu lịch sử ở trong nhóm tổ chức đã phát biểu:
“Những người đã hy sinh rồi thì không nên phân biệt ý thức hệ hay về phuơng diện chính trị. Nhưng thế nào cũng có tác động về phương diện chính trị, tôi làm việc này thuần túy trên phạm vi tinh thần, cầu nguyện cho những người đã hy sinh cho tổ quốc. Những chiến sĩ bên này hay bên kia nhưng đều là bảo vệ đất đai của tổ quốc. Chúng tôi cũng cầu nguyện tôn vinh cả những đồng bào nạn nhân của những lực lượng thù địch ngoại bang chống phá Việt Nam.”
Nghĩa trang Quốc gia Arlington ở Thủ đô Hoa Kỳ...những mộ phần của người lính Mỹ trong cuộc nội chiến Nam Bắc 1861-1865 được chôn cùng một khu không phân biệt Bắc quân-Nam quân
40 năm sau sự kiện Trung Quốc đánh bại VNCH xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, Hà Nội mới bắt đầu thể hiện việc nhìn nhận chế độ miền Nam đã chống cự giặc Trung Quốc xâm lăng. Nhưng khi nào nhà nước chính thức tôn vinh những tử sĩ Hoàng Sa chấp nhận vinh danh những người anh hùng bỏ mình vì chống ngoại xâm lại là một câu chuyện khác.
Tại sao hòa giải dân tộc ở Việt Nam lại chẳng có bao nhiêu kết quả sau khi chiến tranh đả kết thúc gần 4 thập niên. Nói như nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc ở Saigon, khi tham quan Nghĩa trang Quốc gia Arlington ở Thủ đô Hoa Kỳ, ông thấy những mộ phần của người lính Mỹ trong cuộc nội chiến Nam Bắc 1861-1865 được chôn cùng một khu không phân biệt Bắc quân-Nam quân. Điều này đã làm ông suy nghĩ rất nhiều và nghĩ rằng có thể đó là một trong những lý do để Hoa Kỳ trở thành một siêu cường của thế giới.