Internet và nhận thức chính trị tại Việt Nam

Hòa Ái, phóng viên RFA
2017.05.02
18268311_1149092581883812_1257461769247404366_n.jpg Nguyễn Peng và Hoàng Vi cầm biểu ngữ phản đối Formosa nhân tròn 1 năm thảm họa môi trường biển miền Trung.
Hình do Nguyễn Peng cung cấp.

 

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, dưới sự quản trị quốc gia của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều người dân trong nước tránh công khai đề cập hay thảo luận các vấn đề liên quan chính trị. Tuy nhiên, kể từ khi dân chúng tiếp xúc với internet, quan điểm về nhận thức chính trị của họ thay đổi.

Quốc gia tự do internet

Nằm trong số hơn 49 triệu người sử dụng internet và 45 triệu tài khoản mạng xã hội tại khu vực Đông Nam Á, Chính phủ Việt Nam tự hào là quốc gia “tự do internet” nhưng vẫn không có tự do ngôn luận.

Đây là thông tin vừa được đăng tải trên báo mạng techwireasia.com vào hôm mùng 1 tháng Năm năm 2017. Với tựa đề, tạm dịch “Việt Nam có thể là hòn ngọc công nghệ Đông Nam Á-nhưng kiểm soát chặt chẽ những bất đồng quan điểm”, bài báo dẫn lời phát biểu gần đây của Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn rằng các thông tin giả mạo, phỉ báng, bôi nhọ lãnh đạo xuất hiện ngày càng nhiều trên Facebook, vượt tầm kiểm soát của chính phủ Hà Nội và đây là lý do tại sao Việt Nam muốn tạo ra một mạng xã hội riêng để kiểm soát chặt chẽ qua các luật định ràng buộc.

Sau khi ra tù vào năm 2014, mình rất là ngạc nhiên vì có Facebook và rất nhiều người bày tỏ chính kiến công khai trên mạng internet mà không sợ hãi gì cả...
- Nguyễn Tiến Trung

Có thể nói cựu tù nhân lương tâm, Thạc sĩ Công nghệ Thông tin Nguyễn Tiến Trung là một nhân chứng thực tiễn trong việc sử dụng internet tại Việt Nam. Là một thanh niên với lý tưởng phục vụ quốc gia khi trở về nước sau thời gian học tập tại Pháp, anh Nguyễn Tiến Trung lại phải chịu án tù 7 năm và 3 năm quản chế vì tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” do những thông tin anh phổ biến qua internet về tình hình đất nước cũng như tương lai dân chủ cho Việt Nam. Anh Trung vừa hoàn toàn được tự do trong tư cách của một công dân ở Việt Nam vào hôm 12 tháng Tư năm 2017 và chia sẻ với RFA về ghi nhận của anh liên quan việc người dân trong nước sử dụng internet trong những năm qua ra sao:

“Thật ra tiếp xúc với internet là thời mới qua Pháp du học vào năm 2002. Qua đó mình mới có dịp tìm đọc các tác phẩm của bác Bùi Tín và bác Vũ Thư Hiên. Những sách của hai bác viết nói chung trong nước bị họ ngăn cấm nên mình nghe cũng tò mò muốn đọc và đọc rồi mới vỡ lẽ hiểu được sự thật. Cho nên internet đã khai sáng cho mình về vấn đề dân chủ ở Việt Nam. Và sau khi ra tù vào năm 2014, mình rất là ngạc nhiên vì có Facebook và rất nhiều người bày tỏ chính kiến công khai trên mạng internet mà không sợ hãi gì cả, người ta để danh tính thật hết. Điều này rất bất ngờ, chứng tỏ sự phát triển của internet và nhất là Facebook đã giúp cho rất nhiều người thức tỉnh.”

Thay đổi nhận thức chính trị

Rất nhiều người thức tỉnh khi tiếp cận với internet như lời nhận xét của cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Tiến Trung có ý nghĩa như thế nào? Đó là suy nghĩ và tư duy của dân chúng tại Việt Nam đã thay đổi khi họ được tiếp cận thông tin đa chiều. Những cư dân mạng Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc cho biết lúc ban đầu truy cập internet với những khám phá kết nối cho mục đích vui chơi giải trí, như bạn Nguyễn Peng:

facebook, mạng xã hội thông dụng hiện nay.
facebook, mạng xã hội thông dụng hiện nay.
AFP photo

“Trước tiên, lúc đầu truy cập internet thì chủ yếu là các thông tin tìm bạn để nói chuyện, nói chung những thông tin để ăn chơi. Các vấn đề chính trị và xã hội thì các bạn trẻ không quan tâm nhiều. Em cũng biết thông tin qua các mạng xã hội rất lâu, nhưng 1-2 năm nay em mới tìm hiểu vấn đề xã hội nhiều thôi.”

Giống như vậy, rất nhiều cư dân mạng dần dà chú ý và quan tâm hơn đến những thông tin đang xảy ra trong cuộc sống thường nhật xung quanh mình, trong mọi lãnh vực kinh tế, xã hội, tôn giáo, thương mại, giáo dục và thậm chí liên quan đến chính trị-một chủ đề mà đại đa số dân chúng không muốn đề cập đến vì theo họ sẽ chẳng thay đổi được gì mà còn mang họa vào thân, với câu nói cửa miệng rằng “mọi việc có Đảng và Nhà nước lo”.

Một số bạn trẻ sinh viên nói với RFA về quá trình tiếp cận thông tin qua internet và mạng xã hội là các bạn rất bỡ ngỡ trước các thông tin trái chiều như báo chí do nhà nước quản lý đăng tải một đàng, nhưng thực tế mà các bạn đọc được, nghe được và xem được qua mạng xã hội lại hoàn toàn khác. Và từ sự tìm hiểu các thông tin đa chiều, những cư dân mạng trẻ tuổi định hình được vai trò chủ động và tích cực hơn của họ trong việc xây dựng xã hội văn minh và tiến bộ. Họ không chỉ quan tâm đến các diễn tiến của quốc gia mà họ còn công khai bày tỏ chính kiến xoay quanh mọi vấn đề, điển hình là thảm họa môi trường biển ở khu vực 4 tỉnh Bắc miền Trung, do Formosa xả thải có độc tố hồi tháng Tư năm ngoái. Qua các trang mạng xã hội với thông tin về sự cố Formosa, hàng trăm người dân đã đồng lòng xuống đường kêu gọi Chính phủ Hà Nội đóng cửa nhà máy Formosa để bảo vệ môi trường sống cũng như đền bù thỏa đáng cho các nạn nhân. Cư dân mạng Nguyễn Peng nói về nhận thức và hành động của mình cũng như những trở ngại với chính quyền địa phương suốt một năm sự cố môi trường biển xảy ra:

“Trong mạng xã hội bây giờ đang nói về vấn đề Formosa thì em lúc nào cũng mang theo biểu ngữ. Em có thể làm được gì để khai dân trí thì em làm. Còn vấn đề sợ hay không sợ thì em đã bị nhiều rồi. Nói chung họ càng làm nhiều đối với bản thân em thì em cảm thấy càng mạnh mẽ hơn thôi, chứ chẳng có gì phải sợ.”

Gia tăng đàn áp facebooker

Điều cư dân mạng Nguyễn Peng khẳng định “chẳng có gì phải sợ” cũng là lời tuyên bố khẳng khái của rất nhiều cư dân mạng tại Việt Nam. Mặc dù chính quyền Hà Nội gia tăng đàn áp và bắt bớ những facebooker trong thời gian cuối năm 2016 cho đến nay, bao gồm Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Bác sĩ Hồ Hải, Bùi Hiếu Võ, Phan Kim Khánh…thì Việt Nam vẫn nằm trong top 20 quốc gia có số người sử dụng internet cao nhất thế giới với 49 triệu người kết nối internet, trong đó có đến 38 triệu người sử dụng mạng xã hội trên điện thoại di động, chiếm 94% sử dụng mobile hàng ngày.

Nói chung họ càng làm nhiều đối với bản thân em thì em cảm thấy càng mạnh mẽ hơn thôi, chứ chẳng có gì phải sợ.
- Nguyễn Peng

Số liệu vừa nêu được công bố trong “Báo cáo tổng quan thị trường di động Việt Nam đầu năm 2017” của Appota. Số liệu thống kê trong báo cáo này cho thấy người sử dụng internet bằng điện thoại di động ở Việt Nam dành nhiều thời gian nhất để truy cập vào mạng xã hội.

Tác giả Iris Leung kết thúc bài báo “Việt Nam có thể là hòn ngọc công nghệ Đông Nam Á-nhưng kiểm soát chặt chẽ những bất đồng quan điểm” đăng trên techwireasia.com với thắc mắc không rõ Chính phủ Hà Nội có thể thu hút người dân sử dụng mạng xã hội riêng do họ tạo ra mà không dùng Facebook hay Google nữa hay không; tuy nhiên đa số cư dân mạng tại Việt Nam khẳng định với RFA rằng họ vẫn tiếp tục sử dụng các trang mạng xã hội để thực hiện quyền làm chủ đất nước bằng các quyền công dân để phê bình và đôn đốc chính phủ vì tương lai quốc gia hùng cường và dân chủ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.