Cách ly tập trung trẻ em có phải là cách chống dịch hiệu quả?

Diễm Thi, RFA
2021.06.29
Cách ly tập trung trẻ em có phải là cách chống dịch hiệu quả? Một bé trai ở Hà Nội đang được xét nghiệm Corona virus
AFP

Quy định cứng nhắc

Hình ảnh một nhóm trẻ mặc đồ bảo hộ dành cho người trong vùng cách ly y tế phòng dịch COVID-19 ở huyện Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên), và hình ảnh bé gái 5 tuổi ở huyện Bình Chánh (TP. HCM) mặc đồ bảo hộ rộng thùng thình, một mình lên xe để đến Bệnh viện Trưng Vương điều trị COVID-19 được lan truyền cả trên mạng xã hội lẫn báo chí chính thống của Nhà nước gây nhiều phản ứng trong công luận những ngày vừa qua.

BS Lê Thị Thanh Nhàn - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa - xác nhận với truyền thông Việt Nam (VN) rằng, những hình ảnh chụp nhóm trẻ em ở huyện này thuộc diện phải cách ly y tế tập trung có sáu trẻ, nhỏ nhất 15 tháng, lớn nhất 5 tuổi, trong đó có một bé F0, còn lại là F1 của cha mẹ (tức là cha mẹ là F0 con tiếp xúc với cha mẹ được coi là F1).

Còn video bé gái 5 tuổi ở Bình Chánh do nam điều dưỡng Nguyễn Thanh Trúc, nhân viên phòng chống dịch Trạm y tế xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, quay lại.

Cách đây vài ngày, một đoạn video ghi lại cảnh em bé chỉ mới 10 ngày tuổi ngụ tại quận 7, TP.HCM phải tách xa mẹ, được bà ẵm lên xe đưa đi cách ly COVID-19, cũng khiến nhiều người xót xa. Một bạn đọc bình luận rằng:

“Vì sao không có trường hợp ngoại lệ này được cách ly ở nhà hay ở nơi có điều kiện tốt hơn? Có những chuyện không cần phải theo đúng qui định một cách máy móc như thế. Nên xem xét tuỳ trường hợp và cách ly cho phù hợp với điều kiện và sức khoẻ của từng trường hợp. Không có lý do gì phải đưa người bị nhiễm bệnh vào khu cách ly tập trung cả."

Hoặc ý kiến của một bạn trẻ khác đăng trên mạng xã hội khi chứng kiến những cảnh như trên:

"Ở nhà là nơi cách ly tốt nhất và an toàn nhất cho người bị bệnh lẫn người không bị bệnh, vì điều kiện ở nhà sẽ tốt và vệ sinh hơn trong việc phòng bệnh. Chỉ cần có qui định cứng và phạt tiền với những người vi phạm không chấp hành pháp luật trong việc chống dịch là đủ. Các nước tiên tiến cũng không bắt dân đi cách ly tập trung trong khi điều kiện nước họ rất tốt. Hãy suy nghĩ lại biện pháp cách ly tập trung không phải là biện pháp chống dịch."

Trước đó gần ba tuần, do tiếp xúc với một nam học sinh lớp 4 dương dính với virus SARS-CoV-2, 31 học sinh từ một đến 11 tuổi ở Hà Tĩnh cũng bị đưa đi cách ly tập trung tại một trường mầm non ở xã Tân Hương, huyện Thạch Hà.

Tình trạng tách những đứa trẻ còn quá nhỏ để đi cách ly gây nhiều phản ứng trong dư luận. Nhiều người cho rằng đây là qui định mất nhân tính, dã man và không thuyết phục vì nếu các bé là F1 thì đương nhiên cả nhà (ba mẹ và các thành viên khác là F2) thì tại sao không áp dụng cách ly cả gia đình tại chỗ? 

Hôm một tháng sáu năm 2021, tại một chương trình giao lưu trực tuyến ông Đặng Hoa Nam, cục trưởng Cục Trẻ em xác nhận trên tờ Tuổi Trẻ rằng có đến hơn bốn ngàn trẻ em chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh phải đi cách ly tập trung, không có gia đình cạnh nên có thể gặp phải rất nhiều sang chấn về mặt tâm lý.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết nêu ý kiến của ông: 

“Tôi thấy rằng chủ trương cách ly hiện nay là để ngăn chặn những đối tượng lây nhiễm. Có hai hình thức cách ly: tại nhà và tại nơi tập trung. Khi ban hành chủ trương như thế thì rất nhiều người đồng tình. Theo tôi, cách ly tại nhà nếu có điều kiện thì vẫn hay hơn vì sử dụng riêng những vật dụng, nhà vệ sinh…không chung đụng như khu cách ly tập trung.

Những ai có điều kiện thì nên cho họ cách ly tại nhà, Nhà nước cần cho họ cơ chế để họ thực hiện thì tình hình dịch bệnh sẽ giảm trong khi chờ vaccine”.

Chống dịch hay chống dân?

000_1W2382.jpg
Một phụ nữ cùng con nhỏ đang chờ xét nghiệm Corona virus tại một trung tâm xét nghiệm nhanh tại Hà Nội. AFP

Theo Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung phòng chống dịch COVID-19 được Bộ Y tế ban hành hôm 12 tháng ba năm 2020, đối tượng bị cách ly là người đi về hoặc từng qua vùng có dịch của quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19; Người tiếp xúc gần với trường hợp xác định mắc COVID-19 trong trường hợp vượt khả năng tiếp nhận của cơ sở y tế.

Như vậy, nếu trẻ em có bố mẹ được xác định mắc COVID-19 thì những đứa trẻ trong nhà thuộc diện cách ly tập trung, không phân biệt tuổi tác.

Ông Trần Trọng Nhân, người có năm con nhỏ, hiện sống ở Dakmil nêu ý kiến của mình với RFA trong ngày 29 tháng 6:

“Tôi thấy điều này rất bất hợp lý bởi đứa bé ở trong một gia đình. Ví dụ nếu người cha bị dương tính thì người mẹ và các con là F1. Nếu tách đứa bé ra cách ly thì thứ nhất, về mặt tâm lý đứa bé bị sốc vì đứa bé chỉ biết mẹ hoặc cha nó thôi. Hơn nữa, vấn đề chăm sóc cũng không ai bằng cha bằng mẹ đứa bé cả. Vấn đề là cái người ra chủ trương này suy nghĩ không tới nơi tới chốn. Cách chống dịch ở Việt Nam tôi thấy rất bức xúc. Họ chống dịch như chống dân. Họ chống dịch mà họ không nghĩ tới người dân.”

Lên tiếng với người dân trong nước về tình trạng cách ly tập trung trẻ em, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế giải thích, về nguyên tắc, các F khác nhau phải cách ly khác nhau, không thể cách ly cùng. Khi ba mẹ đi cách ly mà đưa con nhỏ đi theo thì không có ai chăm sóc. Thực tế, các cháu cũng là F kế tiếp của ba mẹ.

Tuy xót xa khi con trẻ bị cách ly tập trung nhưng bà Phượng, hiện đang công tác tại Cảng Sài Gòn, có cháu thuộc diện đang bị cách ly, lại phần nào tỏ ra đồng tình với chủ trương cách ly tập trung của Nhà nước hiện nay. Bà nói với RFA:

“COVID hiện chưa có thuốc mà chích ngừa thì con nít đâu có được chích. Bây giờ cả gia đình bị. Nếu giữ cháu ở nhà thì trong trường hợp cháu sốt mà không có phương tiện, không có bác sĩ, không có y tá chăm thì lúc đó hậu quả sẽ như thế nào?

Bây giờ chủ trương đưa đi cách ly thì tất nhiên người ta phải có biện pháp để bảo vệ cho bé rồi. Cho đến giờ phút này thì không chỉ mình bé mà trước đây đã đưa gần như một lớp mầm non đi cách ly thì có mẹ đi theo.

Bây giờ mẹ bị về lây cho bà, bà lây cho cháu. Bây giờ cháu bé 5 tuổi đó cũng không có ai săn sóc. Nếu để ở nhà thì hậu quả không lường được. Cho nên cái chuyện mà Nhà nước chủ trương, đơn vị y tế chịu trách nhiệm đưa cháu đi thì đương nhiên họ sẽ có sự chăm sóc và quan tâm đặc biệt cho cháu. Nếu đứng về góc độ an toàn trong tình hình dịch bệnh như thế này thì cũng không có gì phải lo lắng. Chẳng qua là thấy cháu nhỏ quá thì mình xót thôi.”

Theo công văn số 897 của Bộ Y tế ban hành ngày bảy tháng hai năm 2021, trẻ dưới 5 tuổi khi thực hiện cách ly y tế tại nhà riêng khi đảm bảo đủ các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Đối với trẻ từ 5 tuổi đến 15 tuổi, thực hiện cách ly y tế tập trung trong 07 ngày, sau khi có kết quả xét nghiệm ba lần âm tính với SARS-COV-2 (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 3 và lần 3 vào ngày thứ 7), cho phép thực hiện cách ly y tế tại nhà riêng khi đảm bảo đủ các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Việc di chuyển từ cơ sở cách ly y tế tập trung về nhà phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tính từ ngày 27 tháng tư năm 2021 đến ngày 29 tháng sáu năm 2021, Việt Nam đã ghi nhận thêm 12.829 trường hợp nhiễm bệnh COVID-19. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, tổng số ca nhiễm trong đợt dịch mới đã lên hơn 3.500 ca. Hiện dịch bệnh đã lan ra 48/63 tỉnh, thành của Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.