Kinh tế Việt Nam có phải là ‘kỳ tích châu Á’ sau đại dịch COVID-19?

RFA
2020.10.13
2020-06-01T000000Z_1410025292_RC2D0H9ATSQC_RTRMADP_3_HEALTH-CORONAVIRUS-GLOBAL-ECONOMY.JPG Người lao động tại nhà máy tư nhân sau khi chính phủ nới lỏng lệnh giãn cách xã hội trên toàn quốc sau đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19, tại Hà Nội, ngày 1/6/2020.
REUTERS/Kham

Tờ The New York Times vào ngày 13/10 có đăng tải bài viết nói về nền kinh tế của đất nước hình chữ S với tiêu đề tạm dịch “Việt Nam có phải là ‘Kỳ tích châu Á’ tiếp theo?” của tác giả Ruchir Sharma.

Trong bài viết trên The New York Times, tác giả Ruchir Sharma, một nhà đầu tư và nhà văn, cho rằng khi dịch bệnh COVID-19 bùng nổ tại Trung Quốc, với những biện pháp như sử dụng các tin nhắn đại chúng, quảng cáo trên TV, bảng quảng cáo, áp phích và loa phóng thanh, cùng với việc cô lập nhanh chóng các ổ dịch, Chính phủ Hà Nội đã khiến tỷ lệ tử vong do dịch bệnh ở Việt Nam nằm trong số bốn nước thấp nhất trên thế giới, tức dưới một người chết trên một triệu người.

Việc kiềm chế đại dịch cho phép Việt Nam nhanh chóng mở cửa trở lại các doanh nghiệp và hiện được dự đoán là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong năm nay.

Từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho hay:

“Về mặt kinh tế cho đến 9 tháng đầu năm 2020 thì Việt Nam tăng trưởng ở mức 2,12% và trong cả năm dự báo tăng trưởng ở mức 3%. Đặc biệt là tình hình thế giới ngàng càng nghiêm trọng về vấn đề đại dịch nên theo nhiều tổ chức thì GDP của thế giới năm nay sẽ âm 4-5%. Trong khi Việt Nam, theo tình hình chỉ còn mấy tháng nữa thì có lẽ sẽ kết thúc năm 2020 với một kết quả đâu đó khoảng +3%. Đây là một kết quả khá tốt so với các nước khác.”

Trao đổi với RFA vào tối 13/10, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận xét về nội dung mà tác giả Ruchir Sharma nêu ra trong bài viết được The New York Times đăng tải:

“Tôi rất hoan nghênh những nhận định về phát triển kinh tế Việt Nam và tôi không có sự phân tích và so sánh nên hiện nay tôi chưa thể bình luận gì về câu nói Việt Nam tăng trưởng cao nhất… Tuy vậy Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng trân trọng, đặc biệt nông nghiệp của Việt Nam tiếp tục phát triển và tăng thêm được xuất khẩu. Việt Nam tiếp tục thu hút được đầu tư nước ngoài, còn về công nghiệp và dịch vụ thì có giảm sút do tác động của dịch COVID, do lượng khách du lịch nước ngoài giảm đến 75% và do phải cách ly nên kinh doanh của người dân trong nước cũng bị giảm sút, thất nghiệp tăng lên, thu nhập cũng giảm sút nên kinh tế có gặp khó khăn. Nhưng Việt Nam bước đầu kiểm soát được dịch COVID-19 và cũng đã thúc đẩy được nền kinh tế phát triển và khôi phục nền kinh tế.”

Theo ông Ruchir Sharma, điều ấn tượng hơn nữa là trong khi nhiều quốc gia đang phải chịu những suy giảm kinh tế to lớn và phải chạy đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế để giải cứu tài chính, thì Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ 3% lại được thúc đẩy bởi thặng dư thương mại kỷ lục, bất chấp sự sụp đổ trong thương mại toàn cầu.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam đưa ra vào cuối tháng 8 vừa qua, thặng dư thương mại của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020 lên gần 12 tỷ USD.

Tác giả Ruchir Sharma cho rằng khoảnh khắc đột phá này đối với Việt Nam đã lâu lắm rồi mới có được. Ông cũng nêu lên một số nước có nền kinh tế được đánh giá là “những điều kỳ diệu của châu Á” sau Thế chiến thứ hai như Nhật Bản, sau đó là Đài Loan, Hàn Quốc, và gần đây nhất là Trung Quốc. Những nước này đã vươn lên thoát nghèo bằng cách mở cửa cho thương mại và đầu tư và trở thành cường quốc sản xuất xuất khẩu và hiện nay Việt Nam đang đi theo con đường tương tự, nhưng trong một thời đại hoàn toàn mới.

Tuy nhiên, trong bài viết trên The New York Times, tác giả cho rằng một mối đe dọa lớn đối với sự phát triển không ngừng của Việt Nam là đất nước đã bị cai trị trong gần nửa thế kỷ bởi một đảng độc tài. Nếu không có sự phản đối, những người chuyên quyền có thể thúc đẩy tăng trưởng rất nhanh, nhưng thường những ý tưởng bất chợt và ám ảnh về chính sách không được kiểm soát của họ tạo ra các chu kỳ bùng nổ và phá sản thất thường, làm đình trệ sự phát triển.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng dù thể chế Việt Nam hiện nay là độc đảng, nhưng lãnh đạo nhà nước cũng đã có những nỗ lực nhất định để thúc đẩy nền kinh tế. Ông nói:

Ảnh minh họa: Tăng trưởng và phát triển kinh tế tại Việt Nam.
Ảnh minh họa: Tăng trưởng và phát triển kinh tế tại Việt Nam.
AFP

“Tôi nghĩ rằng trong thời gian qua, chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cố gắng thúc đẩy quá trình phát triển khu vực kinh tế tư nhân, lắng nghe ý kiến của người nông dân, doanh nghiệp. Tôi nghĩ Việt Nam sẽ phải đẩy mạnh cải cách thể chế, đặc biệt phải chú ý việc công khai minh bạch để giảm bớt chi phí kém hiệu quả không cần thiết từ ngân sách nhà nước và phải giảm bớt các chi phí không chính thức. Hiện nay doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vẫn đang báo cáo phải chi khá nhiều cho các cơ quan nhà nước khi hoàn thành các thủ tục, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu giấy phép của các cơ quan nhà nước.”

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, việc chỉ có một đảng cai trị đất nước đem lại cả mặt lợi và bất lợi. Ông phân tích:

“Dĩ nhiên trong nền kinh tế thị trường phát triển có nhiều thành phần cạnh tranh, có nhiều tiếng nói phản biện thì có thể nảy sinh ra ý tưởng mới, sáng kiến mới và do đó nền kinh tế có thể chạy nhanh. Thành ra trong thể chế chỉ có Đảng Cộng sản duy nhất dĩ nhiên cũng kềm hãm phần nào những sáng kiến và không mở ra được sân chơi để có thể nhiều thành phần kinh tế với nhiều tiếng nói đối lập nhau. Tuy nhiên ở mặt khác thì thể chế của Việt Nam lại đưa ra một điểm lợi. Chúng ta thấy rõ ràng là thời kỳ dịch bệnh vừa rồi thì Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như Chính phủ Việt Nam rất nhất quán và nhất trí, nhất quán là đường lối không thay đổi, ổn định, còn nhất trí là nhiều thành phần cùng hướng về một hướng. Tình hình chính trị nhất quán và nhất trí thời gian vừa qua giúp Việt Nam qua khỏi dịch bệnh một cách an toàn, tức khi Đảng và Chính phủ đưa ra một chỉ đạo thì tất cả thành phần kinh tế đều tuân thủ.”

Trong bài viết đăng trên The New York Times, Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng năm gần 20% trong ba thập kỷ. Ngay cả khi thương mại toàn cầu sụt giảm trong những năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 16%/năm, cho đến nay là tốc độ nhanh nhất trên thế giới.

Theo tác giả Ruchir Sharma, trong 5 năm qua, không có quốc gia lớn nào tăng tỷ trọng xuất khẩu toàn cầu nhiều hơn Việt Nam. Đồng thời, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trung bình hơn 6% của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở Việt Nam, tỷ lệ cao nhất so với bất kỳ quốc gia mới nổi nào.

Ông Ruchir Sharma cũng cho rằng tính đến nay, Chính phủ Hà Nội đã không mắc sai lầm chính sách nghiêm trọng thường làm chậm phát triển kinh tế ở các quốc gia chuyên quyền. Phần lớn các nền kinh tế thời hậu chiến được nói tăng trưởng siêu nhanh hoặc phá sản đều do các chính phủ độc tài điều hành. Việt Nam đang làm cho chủ nghĩa tư bản chuyên quyền hoạt động tốt một cách bất thường, thông qua các chính sách kinh tế cởi mở và quản lý tài chính hợp lý.

Tác giả Ruchir Sharma nhận định trong bài viết rằng Việt Nam bây giờ giống như một phép màu từ một thời kỳ đã qua, đang xuất khẩu vươn lên thịnh vượng.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, không biết có phép lạ hay không nhưng với sự phát triển kinh tế như hiện nay, nhất là kiểm soát được đại dịch,  có thể kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn phát triển tốt.

“Dĩ nhiên sẽ có những điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Trước nhất là khi nhiều nước trên thế giới đang rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế thì Việt Nam có được sự tăng trưởng kinh tế thế này, nên khi thế giới đi vào giai đoạn phục hồi, các nền kinh tế kia phục hồi thì Việt Nam sẽ đi trước rất nhiều nền kinh tế trong vấn đề phục hồi. Chính vì thế Việt Nam có khả năng chạy nhanh trong thời gian sắp tới.”

Mặc dù vậy, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng ngoài vấn đề tình hình thế giới biến chuyển có lợi cho Việt Nam, bản thân Chính phủ Hà Nội cũng cần có những thay đổi tích cực khác:

“Cần có sự cải cách rất mạnh mẽ từ thể chế, thủ tục hành chính, cho đến tổ chức cách doanh nghiệp, xây dựng các doanh nghiệp, đặc biệt trong hệ thống tài chính ngân hàng phải đưa vào trong quỹ đạo ngành ngân hàng thế giới với chuẩn mực thế giới và đưa vào hệ thống tài chính lành mạnh và thật sự ổn định mới có cơ hội tạo được “phép lạ”. Còn nếu không có những điều kiện đó thì phép lạ có lẽ ở mức độ làm ngạc nhiên chứ chưa thành phép lạ được.”

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đặt ra vấn đề liệu rằng trong những năm tới, để phát triển kinh tế thì chế độ chính trị như Việt Nam hiện nay là điều có thể tối ưu nhất hay không vẫn là câu hỏi, nhưng rõ ràng tại thời điểm này nó có những ưu việt riêng.

Trước đó, vào tháng 9 vừa qua, Oxford Economics, công ty hàng đầu trong lĩnh vực phân tích định lượng và dự báo toàn cầu đưa ra báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” dự đoán GDP của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2,3% trong năm 2020 và Việt Nam sẽ là nền kinh tế duy nhất tại Đông Nam Á tăng trưởng trong năm nay.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
13/10/2020 13:12

Ở cạnh ổ dịch Trung Quốc, nhưng Việt Nam đã khống chế rất thành công, hạn chế lây lan, tuyệt với.

Anonymous
13/10/2020 14:41

Sự tăng trưởng ở VN là một nền KT đưọc xây dựng trên Cát. Và sự tăng trưởng KT ở VN chỉ giành cho bọn đảng viên CS và nhóm Tư bản đở. chớ với người dân, thì càng ngày càng điêu đứng, vì xiếu cao thuế nặng. Ngày một đói thêm . MỘt đất nước với GDP hàng vài chục ngàn tỉ USD, khi mức tăng KT chỉ có 0,5% , ngưọc lại với một đất nước nhược tiều như VN< GDP chỉ vài chục tỉ, Tất nhiên KT sẽ tăng 2% hay 3%, vậy chúng ta so sánh xem, ai tăng mạnh hơn ai..?

Anonymous
13/10/2020 16:31

Những ý kiến, phân tích, nhận định đại loại trên đây của những kinh tế gia,học giả, hay ký giả ngoại quốc hay Vietnam, cho đến những định chế tài chánh quốc tế như WB,ADB,IMF...đều hoàn toàn dựa trên các thống kê của Hanoi đưa ra, không hề có những kết quả điều tra độc lập nào khác thì nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCH (?) ở Vietnam dưới sự vẻ vời tô màu của đảng cộng sản Vietnam trở nên " hồng " là đương nhiên. Không nhớ tổng bí thư đã nói trên thế giới thì mây mù, nhưng tại Vietnam thì mặt trời vẫn rực rỡ à. Không làm càn, không nói láo thì không phải là người cộng sản ?!!

Anonymous
13/10/2020 23:50

"Oxford Economics, công ty hàng đầu trong lĩnh vực phân tích định lượng và dự báo toàn cầu đưa ra báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” dự đoán GDP của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2,3% trong năm 2020 và Việt Nam sẽ là nền kinh tế duy nhất tại Đông Nam Á tăng trưởng trong năm nay".

Theo Qũy tiền tệ thế giới, GDP bình quân đầu người hiện nay của Thái lan là 7187 USD, còn của VN là 2750 USD.
Người dân VN muốn có CNXH (các quan lại CSVN đã hưởng lâu rồi!) trong 100 năm tới, và...bằng Thái Lan hiện nay, VN cần phải còn tăng trường ít nhất là 340%.