Xây dựng bãi đậu xe ngầm liệu có còn khả thi?

RFA
2019.07.09
000_NV3WF.jpg Khu vực nhà hát thành phố. (Ảnh minh họa)
AFP

Mật độ dân số ngày càng tăng, phương tiện cá nhân càng nhiều khiến cơ sở hạ tầng giao thông đô thị quá tải, gây tình trạng kẹt xe thường xuyên tại các khu vực trung tâm ở những thành phố lớn trong cả nước như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng....Và, một trong những giải pháp chống kẹt xe cũng như giải quyết chỗ đậu xe tại nội đô được lãnh đạo các thành phố lớn đưa ra cách nay hơn 10 năm là đầu tư xây dựng các bãi đậu xe ngầm theo hình thức PPP (hợp tác công tư) hoặc BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao). Tuy vậy, đã hơn 10 năm qua, các dự án bãi đậu xe ngầm vẫn còn ì ạch, mặc dù nhu cầu về chỗ đậu xe đang ngày một lớn. Nguyên nhân vì sao?

Chính sách không rõ ràng

Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải thì tại hai thành phố lớn tập trung đông dân cư nhất như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, dân số mỗi năm đều tăng. Nếu như TPHCM mỗi năm dân số tăng thêm 130.000-200.000 người thì Hà Nội cũng tăng tương đương. Phương tiện cá nhân cũng tăng khá cao hàng năm tại hai thành phố này với 8,6 triệu (TPHCM) & 6,5 triệu (Hà Nội). Trung bình tăng từ 10% - 12%/năm đối với xe hơi và 6,5% - 6,7% đối với xe máy.

Vào năm 2003-2004, thành phố Hồ Chí Minh từng có quy hoạch hơn 10 dự án bãi đậu xe ngầm tại khu vực trung tâm nhưng cuối cùng lãnh đạo thành phố chỉ chấp nhận 4 dự án tại 4 địa điểm “đắc địa” đó là Sân vận động Hoa Lư, sân khấu Trống Đồng, Công viên Lê Văn Tám và công viên Tao Đàn.

Thế nhưng, dự án bãi đậu xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám mặc dù  động thổ khởi công từ năm 2008 nhưng đến nay đã hơn một thập niên dự án này vẫn bất động. Còn bãi đậu xe ngầm tại khu vực Trống Đồng cũng chật vật vì vướng mắc thủ tục và rồi mới vừa bị Sở Tài nguyên Môi trường “tuýt còi”.

Bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, phó chủ tịch HĐQT tập đoàn Đông Dương, chủ đầu tư dự án bãi đậu xe ngầm Trống Đồng sau cuộc họp với Sở GTVT TPHCM vào chiều 5/6/2019 đã phát biểu với truyền thông trong nước rằng, đơn vị bà được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2010 để thực hiện xây dựng, kinh doanh bãi đậu xe ngầm kết hợp thương mại, dịch vụ. Công trình sẽ gồm 7 tầng hầm nổi, có thể chứa 878 ô tô và 400 mô tô các loại. Dự án đang triển khai thì cuối năm 2018, UBND TP có công văn huỷ bỏ, thu hồi dự án do đã không triển khai đúng kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Bà Quỳnh cho biết việc thu hồi không phù hợp qui định, không phải lỗi của đơn vị bà và tập đoàn Đông Dương sẽ khiếu kiện đến cùng.

Tương tự, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển không gian ngầm, chủ đầu tư dự án bãi đậu xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám cũng đã từng nêu ý kiến tại cuộc gặp gỡ với lãnh đạo TPHCM rằng ngoài thủ tục hành chính quá rườm rà, phức tạp từ thành phố đến các bộ ngành còn có chuyện bất cập trong định giá giữ xe khiến chủ đầu tư lo lắng việc thu hồi vốn…nên đến giờ đơn vị ông vẫn chưa khởi động lại dự án theo tiến độ ban đầu.

Ở Hà Nội, từ năm 2010 chính phủ Hà Nội đã có chủ trương xây dựng 7 bãi đỗ xe ngầm hiện đại để phục vụ nhu cầu giao thông gồm: Công viên Thống nhất, Khu thể thao Quần Ngựa, Công viên Thủ Lệ, Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội, quảng trường Ngân hàng Nhà Nước, Công viên Tuổi trẻ. Đến giai đoạn 2016 - 2018, qua 3 hội nghị xúc tiến thương mại, chính quyền Hà Nội đã thông qua danh mục gần 40 dự án bãi đỗ xe ngầm, nhưng đến nay mới có 5 nhà đầu tư đăng ký.

Ông Nguyễn Đức Chung chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trong buổi trao đổi với báo chí bên lề phiên họp Hội đồng Nhân dân thành phố diễn ra hôm 9/4/2019 có thừa nhận rằng, dù Hà Nội đang muốn tận dụng không gian ngầm để phát triển và đặc biệt là xây dựng bãi đậu xe nhưng chưa có bất kỳ dự án ngầm nào được phê duyệt.

Trong khi đó, báo cáo của thành phố Hà Nội khẳng định toàn thành phố chỉ đáp ứng khoảng 10 % nhu cầu bãi xe của người dân và 90% các phương tiện còn lại vẫn phải đậu ở lòng đường, vỉa hè và một số bãi xe tự phát khác…

Phát sinh nhiều rủi ro

Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, giám đốc trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải trả lời với báo Thanh Niên hôm 3/6 rằng có ba nguyên nhân khiến các dự án bãi đậu xe ngầm nói riêng cũng như các dự án xây dựng bãi đỗ xe tại thành phố Hồ Chí Minh đến nay vẫn chưa triển khai được. “Do chính sách xây dựng giá, việc thỏa thuận mô hình kinh doanh giữa chủ đầu tư với thành phố và rủi ro về nhu cầu của người sử dụng.”

Mật độ dân cư đông đúc tại các thành phố. (Ảnh minh họa)
Mật độ dân cư đông đúc tại các thành phố. (Ảnh minh họa)
AFP

Trong khi đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội lý giải nguyên do các dự án này vẫn nằm trên giấy là vì ngoài việc vướng nhiều thủ tục pháp lý, các chủ đầu tư không mặn mà tham gia, thậm chí bỏ cuộc do mức phí được quy định áp dụng cho bãi đậu xe ngầm sẽ khiến việc thu hồi vốn quá lâu lên đến hàng chục năm …(?!)

Tiến sĩ Trần Quang Thắng viện trưởng viện nghiên cứu kinh tế và quản lý đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định việc xây dựng bãi đậu xe ngầm tại trung tâm thành phố là một điều rất khó khăn.

“Thứ nhất do vốn và thứ hai do triển vọng của các nhà đầu tư, thứ ba là các vấn đề về công nghệ và kỹ thuật. Nếu tập trung bãi đậu xe quá lớn tại trung tâm thành phố thì sẽ gặp vấn đề khác là tập trung dân co cụm lại quá nhiều thì sẽ dẫn đến việc tắc nghẽn giao thông rồi xử lý nguồn nước, nếu nước ngập sẽ tràn vô hầm, nếu làm cao hơn và chống thấm cực tốt thì nước chắc chắn tràn qua nhà dân rồi xảy ra khiếu kiện phức tạp tại trung tâm thành phố ….”

Tiến sĩ Trần Quang Thắng đề nghị Thành phố cần mở rộng khu đô thị vệ tinh càng sớm càng tốt và đẩy mạnh phát triển các khu đô thị đó đáp ứng được nhu cầu của người dân và nhà đầu tư thì công tác quản lý mới thuận lợi.

…xem chừng khó khả thi

Theo nhìn nhận của các chuyên gia chúng tôi tiếp xúc thì đã có rất nhiều cuộc họp và rất nhiều phương án được đưa ra để giải quyết thực trạng này. Tuy nhiên, tất cả đều cho rằng phương án xây dựng bãi đậu xe ngầm trong các công viên là điều bất khả thi (?!).

Chuyên gia kinh tế, Phó giáo sư tiến sĩ Ngô Trí Long nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả thuộc Bộ tài chính nhận định.

“Muốn biết khả thi không thì phải dự vào tính toán độ hiệu quả của nó, vốn đầu tư bỏ ra, thời gian thu hồi vốn và người ta tính toán nó chưa thật sự hiệu quả, hay một số thủ tục không được thuận lợi nên người ta không triển khai thôi còn giờ việc thật sự có hiệu quả hay không thì nó khó đánh giá được, phải xây dựng cụ thể phương án chứ nhu cầu thì rất là lớn nhưng người ta thấy thời gian thu hồi vốn có đảm bảo đem lại lợi nhuận hay không thì đó mới là vấn đề quan trọng với nhà đầu tư.”

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên thành viên tổ tư vấn kinh tế của chính phủ, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam khẳng định vấn đề này cần phải được cân nhắc rất kỹ.

“Nhu cầu đặt ra thì đúng nhưng qui trình xét duyệt nó chậm trễ” và ông lý giải thêm: “Họ (nhà đầu tư-PV) làm không chỉ bãi xe không mà làm cả khu trung tâm thương mại dịch vụ ngầm ở dưới đó luôn, kết hợp cả một tổ hợp, về mặt lợi ích về lâu về dài nó có thể đảm bảo nhưng cần một cách tiếp cận là đô thị ngầm chứ không chỉ là một bãi xe ngầm..”

Còn đối với chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “…thủ tục có thể rườm rà phức tạp nhưng tôi nghĩ nó không phải là nguyên nhân chính cản trở”.

Ông phân tích thêm: “… có những rủi ro về cháy nổ chẳng hạn đã từng xảy ra tại một số các chung cư và một vài trường hợp có thể bắt nguồn từ khu vực hầm để xe, khí hậu nóng, khí thả từ xe thì nó sẽ trở thành nguyên liệu cháy dễ dàng và nó lan tỏa rất nhanh, nên bãi xe ngầm nó có rủi ro của nó và điều này phải cần được thành phố quan tâm nếu cho phép hoạt động”.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.