Quan điểm của luật sư về vụ kiện đường lưỡi bò trên biển Đông của Trung Quốc (phần 1)

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015.11.08
Bản đồ 'lưỡi bò' của Trung Quốc bị các quốc gia tại Biển Đông cáo buộc là vô căn cứ và xâm phạm chủ quyền. Bản đồ 'lưỡi bò' của Trung Quốc bị các quốc gia tại Biển Đông cáo buộc là vô căn cứ và xâm phạm chủ quyền.
Source Unclos/CIA

Vụ kiện đường lưỡi bò mà Trung Quốc vạch ra tại Biển Đông do Philippines đệ nạp tại Tòa Trọng tài Quốc tế ở La Haye có diễn biến thuận lợi khi tòa này tuyên bố đủ thẩm quyền xem xét, dù rằng Bắc Kinh cho là không và cũng chẳng tham gia.

Gia Minh ghi nhận ý kiến liên quan vấn đề này từ luật sư Lê Công Định ở trong nước và luật sư Vũ Đức Khanh ở Canada. Mời quí vị theo dõi.

Tòa Trọng tài Quốc tế ở La Haye, Hòa Lan chính thức ra văn bản vào ngày 29 tháng 10 vừa qua như vừa nêu. Sau khi đọc văn bản đó, vào ngày 5 tháng 11 luật sư Lê Công Định từ Sài Gòn đưa ra nhận định với Đài Á Châu Tự Do như sau:

“ Thứ nhất Tòa án La Haye vừa rồi đưa ra một phán quyết xét về phương diện thẩm quyền và xem những yêu cầu của bên Philippines có được thụ lý hay không. Họ đã trả lời câu hỏi là có 15 thỉnh cầu của Philippines và trong đó có 7 thỉnh cầu họ có thẩm quyền, còn 7 thỉnh cầu khác họ sẽ xem xét trong lần tới tức lần xem xét nội dung của từng thỉnh cầu. Tức việc có thẩm quyền hay không còn tùy thuộc vào việc xem xét cả về nội dung chứ chưa thể trả lời ngay từ lúc này được. Còn 1 thỉnh cầu thứ 15 là thỉnh cầu duy nhất mà họ yêu cầu phía Philippines làm rõ lại hoặc thu hẹp thỉnh cầu đó lại thì họ cũng sẽ xem xét trong lần xét xử tới luôn. Do đó phía Philippines đã thắng lợi bước đầu tức họ được tòa án chấp nhận xem xét những thỉnh cầu.

Để vượt qua được giai đoạn rất khó khăn cách đây hơn 1 năm là phía Trung Quốc họ luôn bác bỏ thẩm quyền của Tòa Trọng Tài ở La Haye. Kết quả như vậy rất khích lệ cho những nước có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông trong việc họ có thể xem xét để khởi kiện Trung Quốc trong tương lai.”

Philippines đã thắng lợi bước đầu tức họ được tòa án chấp nhận xem xét những thỉnh cầu....Để vượt qua được giai đoạn rất khó khăn cách đây hơn 1 năm là phía Trung Quốc họ luôn bác bỏ thẩm quyền của Tòa Trọng Tài ở La Haye. Kết quả như vậy rất khích lệ cho những nước có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông trong việc họ có thể xem xét để khởi kiện TQ

LS Lê Công Định

Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada nhắc lại một số diễn tiến xảy ra ngay trước khi Tòa Trọng tại Quốc tế ở La Haye có phán quyết mà như lời luật sư Lê Công Định ra rất khích lệ cho các nước có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Theo luật sư Vũ Đức Khanh đó là chiến dịch tự do hàng hải do Hoa Kỳ tiến hành với việc đưa tàu chiến USS Lassen đi vào khu vực 12 hải lý của hai đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới tiến hành gấp rút trong thời gian gần đây.

Luật sư Vũ Đức Khanh tiếp lời:

“ Nội dung kiện của Philippines trong đó có 15 điều và điều thứ tư mà Philippines đưa ra là yêu cầu Tòa La Hay echo biết qui chế đối với những bãi đá theo Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982 thuộc dạng nào. Vì theo lập luận của Philippines thì hai bãi Subi và Vành Khăn khi thủy triều lên bị chìm; như thế theo Công ước Luật Biển năm 1982 thì những bãi đá đó không có qui chế 12 hải lý mà chỉ có 500 mét mà thôi. Tòa chấp nhận 7 điều và có 7 điều Tòa nói phải xem xét lại; riêng điều 15 Tòa yêu cầu Philippines diễn giải thêm. Điều này là Philippines yêu cầu tòa hãy ghi nhận những hành vi của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Trường Sa.

Tòa trọng tài thường trực (PCA) đã ra phán quyết khẳng định có đủ thẩm quyền xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông – Ảnh: PCA
Tòa trọng tài thường trực (PCA) đã ra phán quyết khẳng định có đủ thẩm quyền xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông – Ảnh: PCA
PCA

Tôi nghĩ vào năm 2016 Tòa sẽ đưa ra quyết định và công nhận qui chế của những đảo, bãi cạn tại đó. Điều họ sẽ đưa ra là những đảo mà Trung Quốc đang chiếm thuộc dạng nào: dạng được hưởng qui chế 500 mét an ninh hay dạng được hưởng 12 hải lý, hay dạng đảo được hưởng đặc quyền kinh tế lên đến 200 hải lý. Tất cả những đảo mà Philippines đưa ra không có đảo nào thuộc dạng được có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý; tối đa một số đảo được hưởng vùng 12 hải lý mà thôi.

Tôi nghĩ trong những ngày tháng sắp tới với chiến dịch tự do hàng hải của Hoa Kỳ mà họ nói sẽ thực hiện trung bình một quí hai chuyến đi vào khu vực đó. Họ cương quyết không chấp nhận chủ quyền tại những đảo đó theo Công ước Liên hiệp quốc về luật biển 1982.”

Theo luật sư Lê Công Định có một điểm đáng lưu ý là phán quyết bác bỏ lập luận của Trung Quốc nói vụ việc tranh chấp mà Philippines nêu ra có thể giài quyết bằng Tuyên bố Ứng xử của các bên tại Biển Đông- DOC. Theo ý của Tòa thì đó là một văn kiện mang tính chính trị. Luật sư Lê Công Định trình bày về điểm này:

Thực ra Tuyên bố giữa ASEAN và TQ là một thỏa thuận về mặt chính trị thôi, còn Công hàm Phạm Văn Đồng chỉ là một tuyên bố đơn phương của phía Việt Nam. Xét về mặt bản chất Tuyên bố Ứng xử của các bên tại Biển Đông và Công hàm PVĐ hoàn toàn khác xa nhau. Cho nên nếu chúng ta tham gia vụ kiện chống lại Trung Quốc thỉ Công hàm Phạm Văn Đồng không phải là vấn đề của hai bên, cũng không phải vấn đề liên quan thẩm quyền của Tòa Trọng Tài hay không

LS Lê Công Định

“ Một trong những luận điểm mà phía Trung Quốc đưa ra để bác bỏ thẩm quyền của Tòa Thường Trực La Haye là vì Philippines là một thành viên của ASEAN mà khối này và Trung Quốc có một tuyên bố ứng xử chung trên Biển Đông; trong đó có đặt ra cơ chế thương lượng để giải quyết những bất đồng giữa các nước với nhau. Họ ( Trung Quốc) căn cứ vào đó để nói rằng Tuyên bố Ứng xử này sẽ có một ưu thế hơn bất kỳ một cơ chế giải quyết tranh chấp nào kể cả Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển. Nhưng phía Tòa Thường Trực bác bỏ lập luận đó của Trung Quốc và nói rất rõ tuyên bố ứng xử giữa các bên, giữa ASEAN và Trung Quốc hoàn toàn có tính cách chính trị thôi do đó không đặt ra sự ràng buộc về pháp lý có nghỉa nếu có bất đồng phải đi qua cơ chế chính trị. Không phải mà có thể đi qua một cơ chế khác bao gồm cơ chế mà Công ước Luật biển đã đặt ra.”

Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc từng nại ra Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958. Trung Quốc vẫn cho rằng đó là văn bản mà chính quyền Hà Nội thừa nhận chủ quyền của Bắc Kinh tại Hoàng Sa và Trường Sa. Có ý kiến cho rằng như thế có thể xem Công hàm Phạm Văn Đồng cũng chỉ là một văn bản mang tính chính trị, luật sư Lê Công Định có trình bày về điều này:

“ Thực ra Tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc là một thỏa thuận về mặt chính trị thôi, còn Công hàm Phạm Văn Đồng chỉ là một tuyên bố đơn phương của phía Việt Nam. Xét về mặt bản chất Tuyên bố Ứng xử của các bên tại Biển Đông và Công hàm Phạm Văn Đồng hoàn toàn khác xa nhau. Cho nên nếu chúng ta tham gia vụ kiện chống lại Trung Quốc thỉ Công hàm Phạm Văn Đồng không phải là vấn đề của hai bên, cũng không phải vấn đề liên quan thẩm quyền của Tòa Trọng Tài hay không. Ở đây  nếu chúng ta bàn về vấn đề nội dung các thỉnh cầu, giả sử như của Việt Nam, phía Trung Quốc thế nào cũng sẽ đặt ra vấn đề đó. Do đó khi xét vấn đề Công hàm Phạm văn Đồng là chúng ta xét về vấn đề nội dung rồi. Mà xét về nội dung là vấn đề sau. Trước mắt phải là vấn đề thẩm quyền, tức vấn đề hình thức trước.”

Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng cho đến nay Hà Nội vẫn chưa đứng ra kiện Bắc Kinh và đang chờ xem diễn tiến của vụ kiện Philippines về đường đứt khúc chín đoạn của Trung Quốc. Ông cho rằng Việt Nam đang khôn lỏi vì chỉ thấy lợi trước mắt với thái độ ‘ngư ông đắc lợi’; tuy nhiên như thế sẽ phải trả giá.

-Trong phần 2 tiếp theo, hai luật sư sẽ đề cập đến yếu tố Việt Nam trong vụ kiện này, khả năng khởi kiện do Hà Nội tiến hành cũng như đề nghị cho chính phủ Việt Nam trong việc kiện đòi chủ quyền biển đảo.

 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.