Tổng Lãnh sự Mỹ gặp gỡ thân nhân tù chính trị, tôn giáo

Ngày mùng 4 tháng 9 vừa qua, Tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ ở thành phố Hồ Chí Minh đã có tiếp xúc với thân nhân gia đình một số các tù nhân tôn giáo và chính trị hiện đang bị nhà nước Việt Nam giam giữ.
Việt Hùng, phóng viên RFA
2008.09.09
LS Nguyễn Bắc Truyển con trai bà Lê Ngọc Nghĩa LS Nguyễn Bắc Truyển con trai bà Lê Ngọc Nghĩa
Courtesy of VietNamNet

Liên quan đến chuyến công du Việt Nam mới đây của phái đoàn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, vào ngày mùng 4 tháng 9 vừa qua, Tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ ở thành phố Hồ Chí Minh đã có tiếp xúc với thân nhân gia đình một số các tù nhân tôn giáo và chính trị hiện đang bị nhà nước Việt Nam giam giữ.

Trong số khách mời có bà Lê Ngọc Nghĩa, mẹ của luật sư  Nguyễn Bắc Truyển kể lại với Việt Hùng của Đài chúng tôi.

Bà Lê Ngọc Nghĩa: Cuộc gặp gỡ diễn ra là để bên phái đoàn Hoa Kỳ quan tâm hỏi thăm về sức khỏe các tù nhân. Về gia đình thì có ai làm khó khăn gì hay không? Rồi đi thăm  nuôi có gặp trở ngại gì không. Đây là dịp để chúng tôi trình bày với phái đoàn. 

Việt Hùng: Ngoài gia đình bà trong cuộc gặp đó còn có những gia đình nào khác hay không thưa bà?

Bà Lê Ngọc Nghĩa: Trong cuộc gặp đó còn có người chị gái của linh mục Nguyễn Văn Lý, gia đình các anh Nguyễn Ngọc Quang, Phạm Bá Hải, em trai bác sĩ Lê Nguyên Sang và tôi là mẹ của Nguyễn Bắc Truyễn.

cô Katia Bennet, nhân viên Bộ Ngoại giao đến từ Washington DC cô nói chúng tôi nên trình bày ra hết chứ đừng giấu diếm điều gì.

Bà Lê Ngọc Nghĩa

Việt Hùng: Sau khi nghe thân nhân và gia đình các tù nhân chính trị trình bày, phản ứng từ Tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ ra sao thưa bà?

Bà Lê Ngọc Nghĩa: Phái đoàn cũng cho biết nếu các gia đình có những khó khăn hay nguyện vọng gì thì cứ trình bày để phái đoàn biết trình lên trên. Sau khi nghe chúng tôi trình bày xong phái đoàn cũng cám ơn và giới thiệu với những nhân viên của Tòa Tổng Lãnh sự để nếu cần giao tiếp trong tương lai thì chúng tôi liên lạc với họ.

Việt Hùng: Trong cuộc gặp gỡ vừa rồi có sự hiện diện của một số nhân viên Bộ Ngoại giao đến từ Washington DC, họ có nói gì thêm hay không  thưa bà?

Bà Lê Ngọc Nghĩa: Có cô Katia Bennet cô nói chúng tôi nên trình bày ra hết chứ đừng giấu diếm điều gì.  Về phía gia đình tôi có bao nhiêu thì tôi cũng trình bày, khi đi thăm nuôi con, lúc trước thì dễ dàng, nay thì khó khăn, mỗi lần thăm nuôi chỉ được gửi có 5kg. Hôm trước đi thăm con họ cũng không cho tôi được “tự do” nói chuyện…

Đến nhà tù Xuân Lộc

Việt Hùng: Cũng liên quan đến những cuộc tiếp xúc của Tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn với các tù nhân Tôn giáo, chính trị, hiện còn đang bị nhà nước Việt Nam giam giữ. Trong thời gian vừa qua chúng tôi có ghi nhận nhân viên Tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ có xuống trại giam Xuân Lộc thăm con trai bà cũng như một số thành viên của đảng Dân Chủ Nhân. Chúng tôi muốn xác nhận chuyện đó có hay không thưa bà?

Bà Lê Ngọc Nghĩa: Nói là có đi nhưng trại họ không cho gặp. Tôi có hỏi thì con tôi nói là không có gặp. Lãnh sự quán Hoa Kỳ có đi xuống đó, nhưng các cháu đi lao động nên không có gặp. Vì hôm trước tôi cũng nghe nói, nghe nói xong thì tôi cũng nói với con tôi là Lãnh sự Hoa Kỳ cũng sẽ xuống thăm, con tôi cũng chờ đợi nhưng không có gặp được.

Hiện nay con tôi là Nguyễn Bắc Truyễn cùng Lê Nguyên Sang, Trần Quốc Hiền và Huỳnh Nguyên Đạo đang giam chung. Ở cùng các cháu còn có một người nữa có lẽ là để theo dõi.

Việt Hùng: Trong một lần  trả lời phỏng vấn với RFA chúng tôi trước đây bà có nói con trai bà cùng với bác sĩ Lê Nguyên Sang, luật sư Trần Quốc Hiền và nhà báo Huỳnh Nguyên Đạo bị buộc lao động khổ sai?

Bà Lê Ngọc Nghĩa: Vâng đúng rồi, bữa trước sau khi hay tin tôi có tới gặp Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ để trình bày vấn đề ở trong tù các cháu bị ép phải làm mỗi ngày 25kg  hột Điều, mà các em thì không quen lao động, chúng tôi cũng đề nghị để xin Tòa Tổng lãnh sự Hoa Kỳ can thiệp với chính quyền Việt Nam để các em đó làm ít đi.

Lúc đó là 25kí-lô mỗi ngày và sau này họ bớt đi cho còn 15  kí-lô thôi, lúc đó là ở ca một. Nay sang ca 2 thì không có làm hột Điều nữa. Hồi đó cực nhọc lắm, nay thì đỡ hơn nhưng vẫn bị biệt giam.

Việt Hùng: Lần gần đây nhất vào thăm con trai là ngày nào thưa bà?

Bà Lê Ngọc Nghĩa: Hôm 17-08 vừa rồi tôi vào thăm thì không gặp khó khăn, nhưng lần trước nữa thì khi đi thăm nuôi gặp khó khăn. Lần đó khi đi thăm tôi có mua 4 tô mỳ Quảng vào cho 4 em trong đó ăn, nhưng quản giáo hôm đó nhất định không cho nhận. Bữa đó vì tức quá nên tôi có nói “theo luật thì dù ngày mai có bị xử bắn đi nữa thì cũng phải cho người ta ăn một bữa cơm cuối, chứ đâu có đến nỗi chỉ có 4 tô mỳ Quảng mà họ nhất định không cho…

con tôi giờ nhà nước đã xử rồi thì kêu tôi tường trình nữa để làm gì. Nếu tường trình mà tôi nói thật thì mấy ông lại bắt tôi nữa thì lấy ai nuôi cơm cho con tôi…

Bà Lê Ngọc Nghĩa

Bữa đó tôi có nói câu đó thì có một ông quản lý trại có nói với tôi là thôi bà cứ yên trí về đi kỳ sau bà vào tôi sẽ bố trí cho bà “tự do nói chuyện” và “tự do tiếp tế thêm đồ ăn cho con bà…”. Thử hỏi mỗi tháng cho tiếp tế có mấy kí-lô làm sao ăn đủ.

Việt Hùng: Đó là với con trai bà và các thành viên đảng Dân Chủ Nhân Dân  hiện đang bị giam giữ tại trại giam Xuân Lộc. Về phía bà và gia đình thời gian qua chúng tôi cũng ghi nhận bà cũng gặp khó khăn với các cấp chính quyền…

Bà Lê Ngọc Nghĩa: Có vấn đề đó,  họ thường mời tôi lên làm việc và hỏi tại sao con bà làm những việc như vậy mà bà không có hiểu sao? Tôi có nói với họ như thế thì họ nói tôi làm đơn tường trình lại vụ việc đi. Tôi trả lời là con tôi giờ nhà nước đã xử rồi thì kêu tôi tường trình nữa để làm gì.

Nếu tường trình mà tôi nói thật thì mấy ông lại bắt tôi nữa thì lấy ai nuôi cơm cho con tôi… Họ làm khó khăn với tôi nhiều, nhưng bây giờ kể từ ngày gặp phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lần trước (vào tháng 6-2008) tại khách sạn New World cho đến nay thì cũng bớt bớt rồi, chứ trước đây rất là khó khăn.

Việt Hùng: Bà nói là đỡ là kể từ khi bà gặp phái đoàn ngoại giao và Tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ?

Bà Lê Ngọc Nghĩa: Vâng đúng, từ hôm gặp ở khách sạn New World về thì cũng đỡ đi nhiều.

Việt Hùng: Xin cám ơn bà Lê Ngọc Nghĩa.

Bà Lê Ngọc Nghĩa: Vâng tôi cũng xin thay mặt con tôi và mấy cháu ở trong đó cũng xin có lời cám ơn Đài RFA.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.