Ứng dụng theo dõi cơ sở hạ tầng sông MêKông

Vào ngày 27/5, Stimson Center, trụ sở tại Washington DC, đã ra mắt công cụ giám sát những dự án hạ tầng tại lưu vực sông Mê Kông, Mekong Infrastructure Tracker. Công cụ theo dõi này được tài trợ bởi USAID, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, và Asia Foundation, Quỹ châu Á.
RFA
2020.05.27
Ứng dụng theo dõi cơ sở hạ tầng sông Mê Kông trên trang web của Stimson Center. Ứng dụng theo dõi cơ sở hạ tầng sông Mê Kông trên trang web của Stimson Center.
Stimson Center

Vào ngày 27/5, Stimson Center, trụ sở tại Washington DC, đã ra mắt công cụ giám sát những dự án hạ tầng tại lưu vực sông Mê Kông, Mekong Infrastructure Tracker. Công cụ theo dõi này được tài trợ bởi USAID, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, và Asia Foundation, Quỹ châu Á.

Trong buổi họp báo trực tuyến cùng ngày, ông Brian Finlay, Chủ tịch của Stimson Center, cho biết công cụ theo dõi hạ tầng sông Mê Kông sẽ góp phần tăng tính minh bạch và trang bị cho các nhà đầu tư trong lưu vực với dữ liệu do cộng đồng người sử dụng đóng góp. Ông nhận định:

“Do tình huống của sự đi lại bị hạn chế như hiện nay, tôi tin rằng công cụ này thậm chí sẽ trở nên quan trọng hơn và hữu ích hơn với cộng đồng người dùng, bởi vì chúng ta có thể tham gia đóng góp dữ liệu từ xa thông qua công cụ mới  mà chúng tôi vừa ra mắt ngày hôm nay. Tôi hy vọng nó sẽ cung cấp cho tất cả mọi người dữ liệu cập nhật trực tiếp tốt hơn trước để giúp cộng đồng đưa ra quyết định liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng ở lưu vực sông Mê Kông.”

Ông Brian Finlay cho biết, sau khi công cụ theo dõi hạ tầng sông Mê Kông được ra mắt, ông trông chờ vào 2 điều: tiến trình hoạt động của công cụ này trong thời gian tới và những thông tin chất lượng cao cùng với tác động mà công cụ này tạo ra cho cộng đồng người dùng.

Bà Gloria Steele, Phó Quản trị viên Cấp cao thuộc USAID, cho biết công cụ theo dõi cơ sở hạ tầng sẽ hỗ trợ Hoa Kỳ trong công tác đánh giá sự phát triển hạ tầng ở khu vực sông MêKông:

“Công cụ theo dõi này sẽ tác động đến cách chúng tôi lập kế hoạch và đánh giá sự phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực cụ thể này, khi nhiều dữ liệu được thêm vào quá trình theo dõi trong những tháng tới. Tôi tự tin với sự tham gia và dự báo rộng rãi của cộng đồng, vì từ đó chúng ta sẽ bắt đầu thấy được các tác động môi trường và xã hội khác nhau và các chiến lược cụ thể các quốc gia đang thực hiện trong khu vực.”

Ông Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Stimson Center, cho biết công cụ này không chỉ là một ứng dụng đơn thuần được dùng để theo dõi các dự án hạ tầng trong khu vực, mà còn là một sản phẩm dành cho hệ sinh thái mà Stimson Center đã dành ra hơn 18 tháng để phát triển:

“Đầu tiên và quan trọng nhất, giống như phát triển cơ sở hạ tầng, công cụ theo dõi cơ sở hạ tầng Mekong là một dự án vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Chúng tôi hình dung rằng khi các dự án cơ sở hạ tầng mới được công bố, khi khu vực điều chỉnh theo các xu hướng mới nổi và phát triển cơ sở hạ tầng, công cụ theo dõi này cũng sẽ được điều chỉnh tương ứng. Chúng tôi đã phát triển một bộ ứng dụng linh hoạt trong công cụ này để cho phép cộng đồng người dùng có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi về các phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực. Đây được cho là sự quan trọng của việc tích hợp các tiêu chuẩn do ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) đưa ra vào phát triển cơ sở hạ tầng.”

Ông Regan Kwan trình bày những tính năng của công cụ trong buổi họp báo trực tuyến ngày 27/5.
Ông Regan Kwan trình bày những tính năng của công cụ trong buổi họp báo trực tuyến ngày 27/5.
Stimson Center

Khi hướng dẫn cách sử dụng công cụ theo dõi hạ tầng sông Mêkong, ông Regan Kwan, nhà nghiên cứu thuộc Stimson Center, chỉ ra những điểm đặc biệt của công cụ này bằng cách hiển thị những thông tin được mô tả chi tiết của các dự án hạ tầng quanh lưu vực sông Me kong. Ông Regan Kwan cho biết, người dùng có thể trực tiếp cập nhật thông tin các dự án lên chính ứng dụng trên trang web của Stimson Center.

Ông Brian Eyler cho biết, cộng đồng người dùng, ngoài những nhà lập kế hoạch cùng với các quan chức thuộc cơ quan chính phủ của các quốc gia trong khu vực, sẽ đóng vai trò là người gác cổng khi cập nhật thông tin về các dự án hạ tầng nhằm giúp xác minh những gì sắp xảy ra trước khi thông số được đưa vào cơ sở dữ liệu của ứng dụng này. Những người thuộc các tổ chức phi chính phủ cũng như các nhà nghiên cứu từ các trường đại học trên toàn thế giới đều có thể tham gia cung cấp thông tin trực tiếp vào cơ sở dữ liệu dành cho công cụ theo dõi hạ tầng sông Mê Kông:

“Giá trị cốt lõi của công cụ theo dõi nằm trong các dữ liệu liên quan đến dự án cơ sở hạ tầng tại các địa điểm của khu vực. Hiện tại, công cụ theo dõi hiển thị 2 phân loại dự án cơ sở hạ tầng: những dự án phát khai thác điện cũng như tuyến cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường sắt và đường thủy. Chúng tôi đã tìm thấy 1770 dự án phát điện để người dùng có thể khám phá và hơn 175.000 km tuyến cơ sở hạ tầng  bao gồm đường sắt tốc độ cao, đường tàu điện ngầm đô thị và các nâng cấp khác.”

Ngoài hai nhóm dữ liệu vừa được nêu, ông Brian Eyler cho biết thêm rằng vào cuối tháng 6, Stimson Center sẽ tiếp tục bổ sung bộ dữ liệu thứ ba, đó là thông tin liên quan đến những dự án công nghiệp, bao gồm những đặc khu kinh tế và công nghiệp liên quan đến vận tải như nhà ga, sân bay, cảng và các công trình khác. Vào cuối tháng 9, Stimson Center sẽ thêm bộ dữ liệu liên quan đến các hồ chứa.

Ông Brian Eyler nhấn mạnh, mọi chức năng và dữ liệu được đăng tải trên công cụ này đều miễn phí. Ngoài việc có thể cung cấp thông tin, người dùng còn có thể tải những dữ liệu để phân tích hoặc hỗ trợ cho những công trình nghiên cứu của riêng mình. Những dữ liệu hiển thị trên ứng dụng này đều có sẵn và được thu thập từ những nguồn đáng tin cậy như Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), Ngân hàng Phát triển Dữ liệu, ChinaAid, cũng như dữ liệu từ các cơ quan chính phủ trong khu vực.

Ông Brian Eyler cho biết, trước khi ra mắt ứng dụng theo dõi hạ tầng sông Mêkong, Stimson Center đã có những buổi gặp mặt các quan chức chính phủ ở khu vực này:

“Chúng tôi đã gặp các quan chức chính phủ ở Thái Lan, Việt Nam cũng như ở Campuchia với sự hỗ trợ của USAID và Quỹ Châu Á. Tôi thực sự biết ơn sự hợp tác này. Chúng tôi mong muốn mở rộng sự hợp tác sang Lào, Myanmar và những quốc gia khác trong khu vực. Dữ liệu của ứng dụng theo dõi đều có sẵn và công khai, vì vậy chúng tôi đã nhận được phản hồi thường xuyên từ các chính phủ trong khu vực; các phản ứng của họ thật sự là ấn tượng; họ chưa bao giờ thấy sự phát triển cơ sở hạ tầng đầy đủ từ góc độ khu vực trong những biểu đồ cũ trước đây.”

Ông Brian Eyler nhận định, việc phát triển ứng dụng theo dõi hạ tầng sông Mêkong sẽ giúp cộng đồng quốc tế và đặc biệt là những quốc gia thuộc lưu vực con sông này có thể xác minh nguồn gốc của những dự án quanh khu vực—liệu những dự án này có thuộc sở hữu của Nhật Bản hay được tài trợ bởi Trung Quốc hay không sẽ được hiển thị trên ứng dụng này.

Vì vậy, ông khuyến khích cộng đồng người dùng trên khắp thế giới, cũng như những nhà khoa học, cơ quan quản lý của các quốc gia trong khu vực tích cực tham gia đóng góp thông tin và cung cấp dữ liệu khi sử dụng ứng dụng này để góp phần đẩy mạnh tính minh bạch và hỗ trợ trong các vấn đề đàm phán giữa các nước có tầm ảnh hưởng và bị tác động bởi hệ sinh thái của sông Mê Kông.

Ngoài ra, Stimson Center luôn lắng nghe đến ý kiến của người dùng và mong muốn được tiếp nhận thông tin cần thiết để phát triển công cụng này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.